Những người mẹ, người vợ xưa nay vẫn là nhân vật "tối quan trọng" trong gia đình bởi vai trò không thể thay thế: quán xuyến nhà cửa, con cái, bếp núc,… Cuộc sống bận rộn nơi thành thị đã phát sinh nhu cầu thuê người giúp việc để người phụ nữ được thảnh thơi hơn đôi phần.
Đây là nhu cầu thích đáng và hợp lý trong thời đại mới khi mà người phụ nữ nào cũng phải gánh trên vai việc nhà nhưng vẫn phải kiêm thêm việc nước, đôi khi chính họ cũng là kinh tế chính trong gia đình.
Những ngày qua, việc giãn cách xã hội nhằm kiểm soát dịch Covid-19 đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Nhưng cũng từ đó, không ít gia đình đau đầu với vấn đề mang tên "người giúp việc".
Ngập trong núi việc, không người trợ giúp nhưng chẳng thể an tâm tìm người giúp việc trong mùa dịch
Lâu nay, việc nhà thường được gọi là việc không tên. Việc thì nhiều, làm mãi không xuể nhưng ai nhìn vào cũng tưởng như chẳng có gì to tát, chẳng đáng kêu ca.
Trong khi, phụ nữ ngày nay còn phải biết kiếm tiền, đôi khi họ còn là nguồn kinh tế chính của cả gia đình.
Đó là câu chuyện của chị Trần Thị Hằng, 47 tuổi vốn là chủ một cửa hàng tạp hóa tại quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội. Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, nguồn hàng từ nơi nhập quen của chị không được đảm bảo. Vì vậy, chị tạm thời đóng cửa để đợi ổn định thời gian sau.
Thế nhưng cửa hàng thì có thể đóng, chứ việc buôn bán thì vẫn cứ phải diễn ra để đảm bảo kinh tế. Mặt hàng chị Hằng buôn bán lại là thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết. Đặc biệt, trong bối cảnh giai đoạn dịch bệnh, người dân có xu hướng mua để tích trữ nhiều hơn nên công việc của chị cũng chẳng rảnh rang hơn ngày thường là bao.
"Tuy sạp hàng tạp hóa đã đóng cửa nhưng chị vẫn duy trì việc vận chuyển gạo qua kênh bán hàng online. Nguồn gạo ngon được vận chuyển từ quê gốc gia đình chị ở Hải Hậu (Nam Định) vẫn còn trong kho. Có nhiều khách quen đặt mua lắm, nên mình không nỡ từ chối" – chị chia sẻ.
Trong gia đình chị Hằng, người con trai lớn lo công việc kinh doanh riêng. Cô con gái nhỏ ban ngày học online, chiều tối lại tập chơi đàn ngoại khóa nên chẳng giúp đỡ được mẹ nhiều. Vì thế, một tay chị lo việc nhà, việc kinh doanh kiếm thêm thu nhập.
Gia đình đông thành viên, ai cũng có công việc không thể cáng đáng thêm được những việc không tên khác, lại thêm con nhỏ phải chăm sóc, thế là những người phụ nữ lại tiếp tục làm "siêu nhân" gánh hết từ A đến Z.
"Ông xã khuyên chị tìm người giúp việc, phụ giúp đỡ việc nhà. Thấy chị cứ xoay như chong chóng, đôi khi anh cũng phải giúp một tay. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, sức chị vẫn kham được. Tìm người giúp việc ở cái lúc bệnh dịch nhạy cảm này, chị cũng lo lắng lắm ấy. Chẳng biết họ đi đâu, tiếp xúc với ai, lỡ chẳng may,… Thôi, đợi qua đợt này rồi chị tính chuyện đó cũng chưa muộn. Chị làm bao nhiêu năm còn được, cố thêm một hai tháng nữa cũng có gì đâu", chị vừa cười vừa chia sẻ.
Chẳng phải họ không biết mệt, không cảm thấy quá tải với khối lượng công việc khổng lồ, nhưng với bản năng của 1 người phụ nữ, họ luôn đặt sự an toàn của gia đình mình lên trên hết.
Với diễn biến phức tạp của dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Covid-19 gây ra, việc tìm kiếm người giúp việc trở thành vấn đề khiến ai nấy hết sức băn khoăn. Chính vì vậy, chị Hằng và không ít những người phụ nữ khác chấp nhận việc gồng mình lên gánh việc.
Thế nên, chị Hằng vẫn vừa lo bán hàng, vừa lo chuyện công việc nội trợ mỗi ngày với suy nghĩ "an toàn của gia đình là trên hết". Còn chuyện tìm người giúp việc, chị sẽ chỉ nghĩ đến khi tình hình dịch bệnh bước sang giai đoạn tích cực hơn.
Khi không thể làm "siêu nhân" gánh gồng thì tìm người giúp việc cũng vô cùng khó khăn
Chị Lê Thị Phương đã gần 50 tuổi, sống tại quận Hoàng Mai, TP Hà Nội. Vợ chồng con gái chị đều công tác ở xa, đang trong thời gian cách ly xã hội nên hạn chế tối đa về nhà. Vì thế, công việc chăm sóc cháu ngoại mới gần 10 tháng tuổi, lo toan nhà cửa chỉ có mình chị xoay sở.
Ai đã từng chăm sóc trẻ nhỏ đều không thể phủ nhận sự vất vả của công việc này, nhất là khi càng lớn tuổi, sức khoẻ không bảo đảm thì việc chăm trẻ càng khó khăn.
Hằng ngày, bà ngoại đánh thức cháu vào lúc 7 giờ sáng, cho cháu ăn sáng, uống sữa rồi tranh thủ làm việc nhà. "Trộm vía cháu ngoan nên tôi cũng nhàn thêm bao nhiêu phần. Thế nhưng, lúc trái gió trở trời, cháu ốm đau khóc cả ngày, một mình tôi không biết xoay sở làm sao. Đôi lúc, tôi phải gọi điện nhờ mấy đứa cháu sang giúp".
Rồi những ngày bà mệt, cháu ốm không chỉ vắt kiệt sức lực mà còn khiến chị càng căng thẳng, áp lực...
Nếu bà ngoại có sức khỏe tốt, thu vén được mọi việc trong gia đình thì chẳng có gì đáng nói. Tuy nhiên, chị Phương mắc căn bệnh thoái hóa xương khớp nên đi lại khó khăn. Việc di chuyển không thuận tiện cộng với những vất vả của cuộc sống chăm sóc trẻ nhỏ, chị được gia đình khuyên nên tìm người giúp việc.
Chị Phương cũng không ít lần nghĩ đến việc tìm người giúp việc để bản thân có đủ thời gian để nghỉ ngơi. Tuy nhiên, tìm được người giúp việc trong thời điểm mùa dịch lại không hề đơn giản.
Chị Phương cho biết: "Tìm người giúp việc đúng là tốt cho cả bà lẫn cháu. Nhưng đang bệnh dịch thế này, tìm được người theo ý mình cũng khó. Những người quen mà họ hàng giới thiệu thì đã về quê tránh dịch cả rồi. Còn nếu phải đến trung tâm giới thiệu việc làm thì tôi không yên tâm".
Vậy nên, cháu bé thường xuyên tự chơi một mình để bà ngoại tranh thủ làm việc nhà. Nếu có việc phải đi, chị Phương lại nhờ cháu gái ở gần sang phụ giúp chốc lát. Theo chị Phương, việc tìm kiếm người giúp việc giai đoạn này rất khó bởi những người mà chị tin tưởng lại không nhận lời.
Con cái nheo nhóc - Work from home - Không có người giúp việc: nỗi mệt mỏi của nhiều chị em phụ nữ
Đó là câu chuyện của chị P. (27 tuổi trú tại Cầu Giấy - Hà Nội) trong những ngày thực hiện cách ly xã hội. Nhiều chuyện dở khóc dở cười diễn ra, dù gia đình chị hết sức ủng hộ các biện pháp phòng tránh dịch, nhưng chị vẫn thấy quá mệt khi bỗng nhiên phải "3 đầu 6 tay".
Bởi tính chất của công việc, chị P. thường xuyên phải nhờ đến sự giúp đỡ của người giúp việc. Tuy chỉ là giúp việc theo giờ nhưng chị P. cho rằng nếu không có sự giúp đỡ của họ thì bản thân không thể gánh được hết từng đó đầu việc phải làm trong 1 ngày.
"Bé nhà mình thời gian đầu thì cứ đi làm là gửi nhà bà, sau này công ty mình cũng áp dụng cho nhân viên làm việc tại nhà. Sẽ không có vấn đề gì nếu như vẫn có người giúp việc hỗ trợ, tuy nhiên giờ bảo tìm người theo giờ thì mình cũng không dám thật, người quen thì họ về quê hết mất rồi.
Có ngày vừa nấu cơm, vừa chạy lên chuẩn bị nước cho con tắm rồi lại vội vàng phi xuống lao vào máy tính vì đúng ngày trực. Những lúc như thế chỉ ước gì ngày có 60 tiếng để mà làm hết được mọi việc thôi".
Ở giai đoạn dịch bệnh, có nhiều lí do để nhiều người không dám thuê giúp việc: chủ nhà lo ngại người giúp việc "đi muôn nơi", tiếp xúc nhiều người, gây tâm lí dè chừng cho các thành viên của gia đình…
Dù bắt nguồn từ các lí do khác nhau, song tình trạng các gia đình vắng bóng người giúp việc trong giai đoạn chịu ảnh hưởng của dịch bệnh đang khiến nhiều người trở nên khốn khổ để cân bằng cuộc sống.