Khu công nghiệp sinh thái sẽ giúp Việt Nam tăng sức hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài

Trần Cao| 25/10/2022 13:37
Theo dõi ICTVietnam trên

Khu công nghiệp sinh thái không chỉ giúp các tổ chức, doanh nghiệp trong khu công nghiệp tăng sức cạnh tranh, mà còn giúp Việt Nam tăng sức hấp dẫn về lâu dài đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Ông Lê Việt Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết dù đạt được nhiều thành tựu về phát triển kinh tế-xã hội song Việt Nam cũng đang đối mặt với thách thức cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Do đó, rất cần có các biện pháp để giải quyết vấn đề này. Trong đó, việc chuyển đổi tư duy, phương pháp luận, đặc biệt là chuyển đổi cách tiếp cận thực tế từ bị động sang kết hợp nhiều giải pháp một cách hài hòa, hợp lý sẽ giúp Việt Nam ứng phó hiệu quả với thách thức, dần dần chuyển đổi theo hướng phát triển xanh.

Ngày 22/7/2022, Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 882/QĐ-TTg. Kế hoạch đã cụ thể hóa các định hướng, mục tiêu của Chiến lược tăng trưởng xanh nhằm đưa ra những đường hướng hành động, với 10 chủ đề ngành ưu tiên; 8 chủ đề tổng hợp và 153 nhiệm vụ, hoạt động, nhiệm vụ phân giao cho các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan.

Hoàn thiện thể chế chính sách về khu công nghiệp sinh thái

Ông Lê Việt Anh cho biết đối với lĩnh vực công nghiệp và năng lượng, một trong những mục tiêu định hướng là hoàn thiện thể chế chính sách về cụm công nghiệp, khu công nghiệp sinh thái, bền vững từ đó đẩy mạnh việc áp dụng nguyên tắc kinh tế tuần hoàn trong quản lý, sản xuất và vận hành. Đó là một nhiệm vụ ưu tiên được đề ra trong Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030.

Đối với các cụm công nghiệp, khu công nghiệp sinh thái, Nghị định số 35/2022/NĐ-CP, ngày 28/5/2022 của Chính phủ đã quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế, trong đó nêu rõ những mục tiêu, chính sách hỗ trợ và hợp tác phát triển khu công nghiệp sinh thái. Những chính sách hỗ trợ nhằm tạo động lực để mô hình khu công nghiệp sinh thái phát huy được vai trò tích cực trong thúc đẩy tăng trưởng xanh. Phát triển các mô hình khu công nghiệp sinh thái và nhân rộng trên quy mô toàn quốc, sẽ giúp hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam. Đặc biệt, với sự hỗ trợ về chính sách, công nghệ, tài chính, thông tin và cơ chế kết nối chặt chẽ giữa các bên liên quan, khu công nghiệp sinh thái sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển.

Khu công nghiệp sinh thái được xác định sẽ mang lại nhiều lợi ích như giúp giảm sử dụng các nguyên vật liệu, năng lượng và hóa chất độc hại. Phát thải khí nhà kính cũng sẽ được giảm thiểu trong khi đó các tiện ích trong khu công nghiệp, công nghệ mới sẽ được chia sẻ. khu công nghiệp sinh thái cũng sẽ giúp thực hiện mục tiêu về quản lý nhà nước đối với cam kết môi trường và cơ chế hỗ trợ tài chính xanh…

Tăng trưởng kinh tế xanh đã được Đảng và Chính phủ định hướng và nhấn mạnh, vì vậy Nghị định số 35/2022/NĐ-CP của Chính phủ đã tạo cơ sở tiền đề, động lực phát triển mô hình khu công nghiệp sinh thái. Cụ thể, có 3 tiêu chí về khu công nghiệp sinh thái được nhấn mạnh trong Nghị định số 35/2022/NĐ-CP. Thứ nhất là nhà đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp, thứ hai là các doanh nghiệp trong khu công nghiệp sinh thái và thứ ba là chính các khu công nghiệp này. Trong đó, ngoài việc nghiêm túc chấp hành các quy định pháp luật; cung cấp đầy đủ các dịch vụ cơ bản trong khu công nghiệp; nhà đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp cần giám sát đầu vào đầu ra và báo cáo định kỳ về hiệu quả tài nguyên, sản xuất sạch hơn, giảm phát thải.

Các doanh nghiệp trong khu công nghiệp phải đảm bảo thiểu 20% doanh nghiệp trong khu công nghiệp áp dụng các giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn; ít nhất 1 cộng sinh công nghiệp. Các khu công nghiệp phải có diện tích đất cây xanh, giao thông, các khu kỹ thuật và hạ tầng xã hội dùng chung trong khu công nghiệp đạt 25% trong quy hoạch xây dựng khu công nghiệp; có giải pháp đảm bảo nhà ở và các công trình xã hội, văn hóa và thể thao cho người lao động làm việc trong khu công nghiệp.

Để thành công trong việc xây dựng và phát triển các mô hình khu công nghiệp sinh thái, nhiều chính sách ưu đãi đã được đưa ra, như miễn giảm tiền thuê đất, ưu tiên vay vốn tín dụng ưu đãi. Đặc biệt, khu công nghiệp sinh thái được đưa vào danh mục dự án ưu tiên thu hút đầu tư, vì thế các khu công nghiệp sinh thái được vay vốn từ Quỹ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, Quỹ đổi mới công nghệ, Ngân hàng phát triển, các Quỹ của nhà tài trợ quốc tế…. Ngoài ra, khu công nghiệp sinh thái được cung cấp thông tin về công nghệ, hỗ trợ các giải pháp kỹ thuật để chuyển đổi sang doanh nghiệp sinh thái; tham gia các chương trình hỗ trợ kỹ thuật, xúc tiến đầu tư.

Hiện nay, nhằm góp phần thúc đẩy phát triển các khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang trong quá trình xây dựng thông tư hướng dẫn Nghị định số 35/2022/NĐ-CP.

Chia sẻ kinh nghiệm để phát triển khu công nghiệp sinh thái

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, ngoài những chính sách hỗ trợ, ưu tiên của chính phủ, phát triển và nhân rộng mô hình khu công nghiệp sinh thái thành công sẽ trải qua một quá trình lâu dài và đòi hỏi sự tham gia của tất cả các bên liên quan.

Thực tế, khái niệm khu công nghiệp sinh thái vẫn còn khá mới tại Việt Nam, vì vậy cần thời gian để doanh nghiệp, nhà quản lý và các bên liên quan tìm hiểu và phát triển. Trong đó, các hoạt động tuyên truyền, phổ biến về mô hình và lợi ích của khu công nghiệp sinh thái cần được tiến hành mạnh mẽ đến cả doanh nghiệp và người dân.

Khu công nghiệp sinh thái sẽ giúp Việt Nam tăng sức hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài - Ảnh 1.

Hội thảo “Thúc đẩy tăng trưởng xanh trong lĩnh vực công nghiệp: Định hướng phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam”.

Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy tăng trưởng xanh trong lĩnh vực công nghiệp: Định hướng phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam”. Hội thảo có sự tham gia của lãnh đạo nhiều cơ quan, đơn vị như Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các sở kế hoạch và đầu tư. Ngoài ra còn có đại diện các ban quản lý khu công nghiệp và các đối tác phát triển hạ tầng công nghiệp, đại diện các cơ quan năng lượng Hàn Quốc, Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu, Verywords, Theyday, Apull Power, Asian Network Energy…

Hội thảo đã đón nhận nhiều ý kiến đóng góp, thảo luận cũng như chia sẻ kinh nghiệm về phát triển và nhân rộng mô hình khu công nghiệp sinh thái của các chuyên gia, nhà lãnh đạo. Ông Park Kyung Soon, Trưởng đại diện Cơ quan năng lượng Hàn Quốc tại Việt Nam, cho rằng Việt Nam nên tháo gỡ những khó khăn hiện nay đối với khu công nghiệp sinh thái để tạo động lực phát triển khu công nghiệp sinh thái. Bởi vì theo ông, khu công nghiệp sinh thái không chỉ giúp các tổ chức, doanh nghiệp trong khu công nghiệp tăng sức cạnh tranh, mà còn giúp Việt Nam tăng sức hấp dẫn về lâu dài đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Chia sẻ về những khó khăn của mô hình khu công nghiệp sinh thái, Phó trưởng Ban quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng, ông Trần Văn Tỵ, cho rằng các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp sinh thái cần có các cơ chế, chính sách hỗ trợ như được ưu tiên bố trí đất, hỗ trợ sử dụng mặt bằng. Ngoài ra, những chính sách hỗ trợ trực tiếp cho cả người lao động trong các doanh nghiệp này cũng rất cần thiết, để từ đó phát triển mạnh mẽ mô hình khu công nghiệp sinh thái và nhân rộng./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Khu công nghiệp sinh thái sẽ giúp Việt Nam tăng sức hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO