Khung Chính phủ điện tử Việt Nam và bài toán liên thông một cửa điện tử Tỉnh Bắc Giang

03/11/2015 20:49
Theo dõi ICTVietnam trên

Tạo ra một môi trường CNTT thống nhất, liên thông là nền tảng để thực hiện xây dựng Chính phủ điện tử theo Khung kiến trúc chuẩn. Bắc Giang đang quyết tâm thực hiện bước đi này trong năm 2015 thông qua thúc đẩy liên thông “một cửa điện tử” của Tỉnh.

Thành công bước đầu

Sở Thông tin và Truyền thông (TTTT) Bắc Giang vừa tổ chức Hội nghị Tập huấn quán triệt Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin (CNTT) đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.  Ông Nguyễn Văn Diệu – Giám đốc Sở TTTT Bắc Giang chủ trì Hội nghị. Tham dự có lãnh đạo CNTT các Sở, Ban, Ngành và các quận, huyện trong Tỉnh. Tại Hội nghị này, các diễn giả và các đại biểu tham dự cùng trao đổi thảo luận về Kiến trúc “Khung tích hợp dịch vụ cho chính phủ điện tử” ứng dụng triển khai cho bài toán “Một cửa” Tỉnh Bắc Giang

Ông Nguyễn Văn Diệu cho biết, đến nay, 10/10 huyện, thành phố và 16 Sở, ngành đã triển khai một cửa điện tử. Sở Lao động Thương binh và Xã hội triển khai liên thông theo mô hình Tỉnh-Huyện-Xã tới 06 huyện. Như vậy, có 07 huyện, thành phố liên thông đến cấp xã là: Thành phố Bắc Giang (16/16 xã, phường), huyện Lạng Giang (23/23 xã), Hiệp Hòa (26/26 xã),Việt Yên (19/19 xã), Sơn động (22 xã ), Tân Yên (12 xã), Lục Nam (08 xã), Yên Dũng (09 xã). Đến thời điểm hiện nay, Bắc Giang về cơ bản đã hoàn thành việc xây dựng cơ quan điện tử ở cấp Ngành/ Tỉnh và UBND huyện. Việc đầu tư cho ứng dụng CNTT được triển khai rộng và chi phí hạn chế.

Ông Nguyễn Văn Diệu – Giám đốc Sở TTTT Bắc Giang

Tổng số hồ sơ đã nhận tại bộ phận một cửa điện tử năm 2014 của toàn tỉnh là: 661.201 HS, trong đó:  Hồ sơ giải quyết trước và đúng hạn là: 647.217 HS(97,8%); Hồ sơ giải quyết chậm là: 8.300 HS(1,3%); Hồ sơ bổ sung là: 2.916 HS(0,5%); Hồ sơ trả lại là: 2.768 HS(0,4%). Nhìn chung, đến nay hệ thống một cửa điện tử tại các cấp, các ngành đã thu được nhiều kết quả tích cực, tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận tăng, nhiều huyện đã thực hiện liên thông đến cấp xã.

Tính đến hết năm 2014, 100% cơ quan thuộc UBND tỉnh, các huyện, thành phố và 15 hội, đoàn thể tỉnh đã có trang thông tin điện tử; trên 500 trường học, trên 140 doanh nghiệp đã có Trang thông tin điện tử. Trang thông tin điện tử  của các Sở, huyện đã cung cấp được 3.864 dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 và 151 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, trong đó: các Sở, ngành cung cấp 1.019 dịch vụ công mức độ 2 và 48 dịch vụ mức độ 3; các huyện thành phố cung cấp 2.835 dịch vụ công mức độ 2 và 103 dịch vụ công mức độ 3. 

Giao diện phần mềm “quản lý văn bản và điều hành công việc” do Sở TTTT Bắc Giang tự làm và đưa vào sử dụng

Hiện nay, 100% các Sở, cơ quan thuộc UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố đã được cài đặt và sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành công việc. Có 05 huyện đã triển khai phần mềm liên thông đến cấp xã như: huyện Lạng Giang, Việt Yên, Sơn Động, Hiệp Hòa, TP Bắc Giang. Trong năm 2014, Sở TT&TTBắc Giang đã hỗ trợ nâng cấp phần mềm QLVB&ĐHCV cho 14 đơn vị trong tỉnh và triển khai chữ ký số tại Sở, đã tiến hành tích hợp chữ ký số vào phần mềm QLVB&ĐHCV.

Ông Nguyễn Văn Diệu cho biết thêm: “Công tác gửi nhận văn bản điện tử được tỉnh tập trung chỉ đạo, về cơ bản đã đi vào nề nếp và thu được kết quả tích cực. Năm 2014, tiết kiệm chi phí từ gửi nhận văn bản điện tử ước đạt 15 tỷ đồng. Cụ thể: Tỷ lệ văn bản điện tử đến ước đạt: 76,6 %, trong đó: cấp Sở đạt  61,6%, cấp huyện đạt 85,6%, cấp xã đạt 82,7%; Tỷ lệ văn bản điện tử đi ước đạt 74,1 %, trong đó: cấp Sở đạt 70,3 %, cấp huyện đạt 84,4%, cấp xã đạt 67,3%”.

Dự kiến đến hết năm 2015, Bắc Giang sẽ triển khai Một cửa điện tử đến 100% xã. Hết năm 2014, tỉnh này đã thực hiện được 93 xã, năm 2015 triển khai cho 137 xã. Sở TTTT Bắc Giang hiện đang thực hiện nâng cao chất lượng Một cửa điện tử của các Sở, cơ quan thuộc UBND tỉnh (có thủ tục hành chính công) và UBND cấp huyện, từng bước liên thông hệ thống Một cửa điện tử tỉnh-huyện-xã, tiến hành tích hợp dữ liệu hệ thống Một cửa điện tử tỉnh-huyện-xã.

“Frankenstein” và thực tế không chỉ ở Bắc Giang

Tiểu thuyết giả tưởng “Frankenstein” của nhà văn Mary Shelly kể về một nhà khoa học đã lấy những bộ phận cơ thể khác nhau của người, ráp nối lại và tạo ra được một sinh vật sống hình người hoàn chỉnh.

Đây chỉ là một câu chuyện viễn tưởng, nhưng khoa học ngày nay đã làm được một phần công việc này. Việc ghép nội tạng hoặc ghép tay, chân và một số bộ phận cơ thể khác đã không còn là chuyện lạ. Nhưng rõ ràng, mỗi ca cấy ghép là vô cùng phức tạp, đòi hỏi trình độ chuyên môn cao và thiết bị tiên tiến. Các bác sỹ phải nối từng mạch máu, từng dây thần kinh giữa 2 bộ phận cần nối ghép chứ không chỉ đơn thuần khâu chúng lại với nhau. Sau khi ghép nối, các bác sỹ còn phải theo dõi, chống thải loại vì bộ phận ghép được lấy từ cơ thể khác, có nhóm máu cũng như cấu trúc sinh học không đồng nhất với cơ thể được ghép. 

Việc kết nối, liên thông các hệ thống công nghệ thông tin khác nhau thành một chỉnh thể cũng phức tạp không kém và có nhiều nét tương đồng so với việc tạo ra một nhân vật Frankenstein ngoài đời thật.

Không chỉ ở Bắc Giang mà rất nhiều tỉnh, thành phố tại Việt Nam đều gặp khó khăn khi xây dựng chính quyền điện tử khi các hệ thống CNTT “trăm hoa đua nở” nhưng rời rạc, khó kết nối, liên kết, chia sẻ. Việc xây dựng các hệ thống CNTT kiểu này có ưu điểm đáp ứng được nhu cầu giải quyết công việc cục bộ tại chỗ trong ngắn hạn với giá thành rẻ. Nhưng trong dài hạn, khi xây dựng một chính quyền điện tử liên thông, theo một mô hình thống nhất với hiệu suất cao thì sẽ xuất hiện nhiều bất cập. Khó khăn chính là các hệ thống ứng dụng CNTT chưa được chuẩn hóa và cấu trúc không đồng nhất.

Thực tế tại Bắc Giang, do ngân sách Tỉnh còn nhiều khó khăn nên chi phí cho hoạt động CNTT của các cơ quan nhà nước vẫn ở mức thấp, dẫn đến việc đầu tư mang tính nhỏ lẻ, tự phát ở từng cơ quan, đơn vị. Mỗi sở, ban, ngành đều có hệ thống CNTT và website riêng, cung cấp thông tin về quản lý nhà nước và các dịch vụ công của đơn vị mình một cách độc lập đối với các đơn vị khác trong Tỉnh. Mỗi hệ thống lại có cấu hình khác nhau, do những nhà  phát triển, tích hợp khác nhau thực hiện. Các dịch vụ công cũng được tạo ra trên những nền tảng (plaform) khác nhau với ngôn ngữ lập trình đa dạng. Thậm chí, các cổng điện tử, trang tin điện tử của các cơ quan quản lý nhà nước trong tỉnh cũng được hosting ở nhiều nhà cung cấp khác nhau, vị trí địa lý khác nhau, hệ thống địa chỉ IP chưa được quy hoạch toàn tỉnh. Do đó khả năng liên thông, tích hợp để giải quyết các thủ tục hành chính công  một cửa rất khó thực hiện.

Cũng vì không được thiết kế theo tiêu chuẩn và kiến trúc đồng nhất nên các hệ thống CNTT rời rạc tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, an ninh mạng. Hoạt động của Cổng/Trang thông tin điện tử: biên tập, cung cấp thông tin chưa đầy đủ, cung cấp thủ tục hành chính công mức độ 3 còn thấp. Các phần mềm dùng chung do nhiều đơn vị cung cấp, không chủ động về công nghệ; khó liên thông, tích hợp dữ liệu.

Trong khi đó, theo định hướng phát triển CNTT của Tỉnh, trong năm 2015, Bắc Giang sẽ thực hiện “một cửa điện tử” liên thông, tức là phải tích hợp tất cả các hệ thống rời rạc hiện có thành một chỉnh thể theo một kiến trúcTích hợp dịch vụ  theo Khung chính phủ điện tử Việt Nam. Các hệ thống thông tin này sẽ được quản lý tập trung từ phần cứng, phần mềm, quản lý lưu trữ dữ liệu, vận hành hệ thống, bảo trì, bảo dưỡng định kỳ…về một đầu mối.

Một núi công việc phức tạp đang chờ Sở TTTT và các cơ quan quản lý nhà nước tại Bắc Giang giải quyết trong thời gian tới. Việc đầu tiên là làm thế nào để các hệ thống hoàn toàn khác biệt có thể “hiểu” nhau và “bắt tay” được với nhau. Rõ ràng, các hệ thống này không thể trực tiếp kết nối với nhau mà phải thông qua một nền tảng trung gian như một môi trường kết nối và điều khiển. Thật là  không đơn giản khi mỗi đơn vị đều cung cấp nhiều dịch vụ hành chính công khác nhau nhưng lại có mối liên quan với đơn vị kia trong từng công đoạn xử lý thủ tục hành chính, do đó, môi trường kết nối còn phải thực hiện được việc định tuyến dữ liệu chính xác tới từng địa chỉ theo đúng trình tự giải quyết công việc hay còn gọi là theo luồng công việc. Hệ thống phải đảm bảo hoạt động cho rất nhiều luồng công việc nên tính phức tạp khi kết nối liên thông gia tăng gấp nhiều lần. Như vậy, môi trường kết nối phải rất đa năng, đáp ứng được nhiều nền tảng CNTT khác nhau, nhiều ngôn ngữ lập trình khác nhau và định tuyến một cách chính xác rất nhiều luồng công việc tại cùng một thời điểm. Ngoài ra, môi trường này phải có đủ công cụ cho phép phát triển và nâng cấp các ứng dụng cũng như phải có tính mở để tiếp nhận, đấu nối với các nền tảng và ngôn ngữ lập trình mới phát sinh.

Với một hệ thống CNTT, đường truyền dữ liệu giống như mạch máu trong cơ thể người, nền tảng và phần mềm ứng dụng giống như cơ, xương, hệ thống định tuyến và xử lý dữ liệu giống như hệ thần kinh... Việc kết nối, liên thông nhiều hệ thống CNTT khác nhau thành một chỉnh thể thống nhất có nét tương đồng với việc tạo ra một “Frankenstein. Trên lý thuyết chung là như vậy, nhưng bắt tay vào triển khai cụ thể sẽ phát sinh vô số những chi tiết khó lường. Đối với mỗi hệ thống khác nhau, các chuyên gia sẽ phải nghiên cứu tỉ mỉ kiến trúc, cơ chế hoạt động, ngôn ngữ lập trình của từng phần mềm cung cấp dịch vụ, kết cấu của nền tảng (platform), cấu trúc dữ liệu và quy trình xử lý dữ liệu đó… rồi mới có thể đưa ra đề xuất những việc cụ thể phải làm để có thể liên thông hệ thống đạt hiệu quả cao nhất. Chắc chắn sẽ có nhiều phần mềm phải chỉnh sửa thì mới có thể kết nối vào trục thông tin chung. Cẩn thận hơn, trước khi tích hợp hệ thống, các phần mềm dịch vụ và website cần sử dụng công cụ quét lỗi chuyên nghiệp rà soát lại một lần để đảm bảo loại bỏ lỗ hổng về an toàn thông tin.

Sau khi có một môi trường liên thông, việc tiếp theo khiến các cơ quan quản lý nhà nước cũng mất nhiều công sức là theo dõi và chỉnh sửa hệ thống để đảm bảo hoạt động ổn định và tối ưu. Các phần mềm cung cấp dịch vụ công trước đây chỉ đơn thuần đáp ứng cho nội bộ một đơn vị thì nay phải liên thông với các đơn vị khác và cả những cơ quan quản lý khác trong Tỉnh. Vì vậy, quy trình giải quyết thủ tục hành chính được cung cấp trong các dịch vụ công đối với “một cửa liên thông” cần chỉnh sửa cho phù hợp, đồng thời với nó là các phần mềm cũng phải chỉnh sửa hoặc tối ưu hóa. Dễ thấy, việc sửa đổi một quy trình về giải quyết thủ tục hành chính sẽ không thể làm trong một thời gian ngắn nếu các cấp quản lý, đặc biệt là người đứng đầu không quyết tâm. Không những thế, một loạt các văn bản pháp quy hoặc hướng dẫn về tiêu chuẩn kỹ thuật đối với các phần mềm giải pháp khi tham gia vào hệ thống cũng phải được ban hành nhằm tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc tích hợp, mở rộng các dịch vụ công sau này. Vì là hệ thống liên thông nên cơ sở dữ liệu cũng phải được dùng chung. Điều này sẽ phát sinh các quy định về chia sẻ, vận hành và sử dụng kho dữ liệu dùng chung… 

Áp dụng kiến trúc hướng dịch vụ (SOA) theo khung Kiến trúc CPĐT Việt nam

Tạo ra một môi trường CNTT thống nhất, liên thông là bước đầu để Bắc Giang thực hiện xây dựng Chính phủ điện tử theo Khung kiến trúc chuẩn. Mới đây ngày 21/4/2015, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành văn bản số 1178/BTTTT-THH, đưa ra  quy định về Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam. Đây cũng là căn cứ để các Bộ, Tỉnh xây dựng kiến trúc chính phủ điện tử của mình, tiết kiệm thời gian và nguồn lực, đồng thời đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ giữa các Bộ, Tỉnh. Trên cơ sở Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam và Kiến trúc Chính phủ điện tử chi tiết của các Bộ, tỉnh, các cơ quan nhà nước có thể xây dựng, triển khai Kế hoạch ứng dụng CNTT theo lộ trình, bảo đảm sự kết nối, liên thông, chia sẻ, sử dụng lại thông tin, cơ sở hạ tầng thông tin.

Khung Chính quyền điện tử Cấp tỉnh/TP

Việc Bắc Giang áp dụng theo một khung kiến trúc Chính phủ điện tử và một môi trường kết nối đa năng sẽ giúp tỉnh này tăng cường khả năng kết nối liên thông, tích hợp, chia sẻ, sử dụng lại thông tin, cơ sở hạ tầng thông tin; Tăng cường khả  năng giám sát, đánh giá đầu tư; đảm bảo triển khai ứng dụng CNTT đồng bộ, hạn chế trùng lặp, tiết kiệm chi phí, thời gian triển khai; Nâng  cao  tính  linh  hoạt  khi  xây  dựng,  triển  khai  các  thành  phần,  hệ  thống thông tin theo điều kiện thực tế; Tạo cơ sở  xác định các thành phần, hệ  thống CNTT cần xây dựng và lộ  trình, trách nhiệm triển khai.

Ông Hoàng Nguyên Vân, Giám đốc Công ty Cổ phần Giải pháp Công nghệ SAVIS Việt Nam

Trao đổi về giải pháp tích hợp một cửa liên thông tại Bắc Giang, Ông Hoàng Nguyên Vân, Giám đốc Công ty Cổ phần Giải pháp Công nghệ SAVIS Việt Nam - đơn vị có hơn 10 năm kinh nghiệm cung cấp các giải pháp tích hợp hệ thống CNTT, giải pháp phần mềm ứng dụng, dịch vụ trong lĩnh vực CNTT cho nhiều khách hàng khối tài chính ngân hàng, viễn thông , chính phủ, y tế, giáo dục, truyền hình, cho biết: "Có nhiều cơ quan quản lý nhà nước và các tỉnh, thành phố tại Việt Nam đều gặp khó khăn tương tự như Bắc Giang khi tích hợp liên thông các dịch vụ công. Tôi cho rằng, triển khai cho bài toàn một cửa Tỉnh Bắc Giang nên sử dụng nền tảng IBM Integration Bus V10 sẽ giải quyết được khó khăn hiện tại về tích hợp liên thông đồng thời đảm bảo an toàn thông tin rất cao. Đây là một môi trường kết nối đa năng theo kiến trúc hướng dịch vụ (SOA). Ứng dụng giải pháp này giúp Bắc Giang vừa có được một môi trường liên thông ổn định, tính mở cao mà chi phí ở mức chấp nhận được. Tôi cũng là người Bắc Giang, do đó, tôi luôn muốn tỉnh nhà sử dụng những thứ tốt nhất với chi phí hợp lý nhất”.

Trong nền tảng IBM Integration Bus V10, trung tâm của giải pháp này là Trục tích hợp dịch vụ (Enterprise Service Bus-EBS), vai trò chính trong kiến trúc hướng dịch vụ (SOA - Service Oriented Architecture), sẽ cấu trúc các giải pháp nghiệp vụ dựa trên một tập hợp luồng công việc và dịch vụ CNTT theo cách sao cho tạo điều kiện thuận lợi cho việc cấu trúc lại và cấu hình lại nhanh chóng các quy trình nghiệp vụ và các giải pháp sử dụng chúng.

Trục tích hợp dịch vụ

Giải pháp này có khả năng tích hợp, phù hợp với hầu hết các nền tảng khác nhau, bao gồm cả các công nghệ ảo hóa, các công cụ lập trình linh hoạt, hỗ trợ đa dạng các loại ngôn ngữ. Nó cũng tích hợp sẵn các bộ chuyển đổi làm việc với các hệ thống đóng gói như: SAP; PeopleSoft; Oracle… Bên cạnh đó, giải pháp này cung cấp các patterns để nhanh chóng kết nối và mở rộng với các hệ thống khác, đồng thời hỗ trợ sẵn các cổng kết nối liên thông mở rộng.

Nó có khả năng tích hợp xuyên suốt nhiều giải pháp dựa trên các nền tảng và môi trường lập trình khác nhau và nhiều kiểu dữ liệu độc lập khác nhau, giảm số lượng các hệ thống vật lý và cho phép hợp nhất các nền tảng theo một chương trình "chuyển tiếp trơn tru" từ các phụ thuộc thừa kế hỗn độn sang một tập hợp các hệ thống cùng tồn tại tích hợp và có tổ chức hơn.

Một kiến trúc SOA tiêu chuẩn sẽ là nền tảng giúp Bắc Giang xây dựng kiến trúc Chính phủ điện tử hiện đại, kết nối dịch vụ nhanh nhất, dễ quản lý, vận hành và phát triển, xử lý linh hoạt, ổn định, Giảm thiểu chi phí khi đầu tư ứng dụng mới thông qua việc tái sử dụng các dịch vụ tích hợp, Giảm thiểu sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp ứng dụng và tích hợp.

Minh Thiện

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Khung Chính phủ điện tử Việt Nam và bài toán liên thông một cửa điện tử Tỉnh Bắc Giang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO