Khuyến khích xuất khẩu nhưng vẫn cần đảm bảo nguồn cung phân bón trong nước

Trần Cao| 16/11/2022 09:40
Theo dõi ICTVietnam trên

Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho rằng khi Việt Nam bước vào cao điểm mùa vụ trong những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023, các doanh nghiệp nên ưu tiên cung cấp cho thị trường trong nước, sau đó mới tính đến phương án xuất khẩu.

Xuất khẩu phân bón của Việt Nam tăng trưởng cao

Gần 1,5 triệu tấn với kim ngạch gần 973 triệu USD là kết quả xuất khẩu phân bón của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2022. So với những năm trở lại đây, đây là kết quả xuất khẩu cao nhất đối với mặt hàng phân bón của Việt Nam.

Cụ thể, số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy xuất khẩu phân bón đạt 160 nghìn tấn, tương đương 87 triệu USD trong tháng 10. Lượng phân bón xuất khẩu không biến động song về giá trị thì có giảm 7% so với tháng 9. Tuy nhiên, tính chung trong 10 tháng đầu năm 2022, sản lượng xuất khẩu phân bón đạt kết quả tốt, gần 1,5 triệu tấn và kim ngạch đạt gần 973 triệu USD. Kết quả xuất khẩu phân bón của Việt Nam 10 tháng năm 2022 đã tăng 45,5% về lượng và gấp gần 2,6 lần về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2021. Không chỉ thế, so với cả năm 2021, kim ngạch xuất khẩu phân bón trong 10 tháng năm 2022 đã vượt 73% kết quả xuất khẩu của cả năm 2021.

Kết quả xuất khẩu phân bón 10 tháng đầu năm và cả năm 2022 được xem là rất tích cực. Theo thông tin từ ông Phùng Hà, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam, thì Việt Nam đã cán mốc 1,16 triệu tấn phân bón xuất khẩu vào năm 2020, đạt trị giá 341 triệu USD. Như vậy, sau hơn 6 năm, Việt Nam mới xuất khẩu được hơn 1 triệu tấn phân bón/năm. Trước đó, vào năm 2014, Việt Nam xuất khẩu 1,06 triệu tấn. Tình hình xuất khẩu phân bón tiếp tục khả quan, năm 2021, cả nước xuất khẩu 1,35 triệu tấn phân bón các loại, trị giá 559 triệu USD, tăng lần lượt 16,4% và 64% so với năm 2020.

Nhu cầu phân bón của các thị trường như Ấn Độ, Hàn Quốc và các thị trường ASEAN tăng mạnh. Chẳng hạn, nhu cầu của thị trường Ấn Độ tăng gấp 12 lần, ở Hàn Quốc cũng tăng 3,6 lần. 

Lợi nhuận của các công ty phân bón tăng mạnh. Chẳng hạn, doanh thu 9 tháng đầu năm 2022 của Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí ước đạt gần 15.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế khoảng 5.300 tỷ đồng. Công ty cổ phần Phân bón dầu khí Cà Mau đặt kế hoạch lợi nhuận chỉ hơn 510 tỷ đồng, nhưng sau 9 tháng, công ty đã vượt kế hoạch cả năm đến 6,4 lần. Cụ thể, trong 9 tháng năm 2022, công ty báo lãi hơn 3.270 tỷ đồng, gấp gần 4 lần so với cùng kỳ 2021.

Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam ước tính lãi hơn 5.400 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm, gấp khoảng 3 lần kế hoạch cả năm. Còn Công ty CP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang báo lãi 9 tháng gần 4.920 tỷ đồng, vượt kế hoạch năm nay hơn 40%.

Ngoài ra, lý giải về những kết quả tích cực của xuất khẩu phân bón, các chuyên gia trong ngành cho rằng trong năm 2022, do tình hình phân bón trên thế giới, xuất khẩu phân bón của Việt Nam đã vượt xa về lượng, có thể đạt tới mức 1,7 triệu tấn và do yếu tố về giá chắc chắn sẽ vượt qua mốc 1 tỷ USD. Có được kết quả này, các doanh nghiệp trong nước đã tận dụng tốt cơ hội giá phân bón lên cao để xuất khẩu.

Đảm bảo nguồn cung trong nước vào thời gian cao điểm cần phân bón

Một số chuyên gia thuộc Hiệp hội Phân bón thế giới, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc cho rằng do ảnh hưởng xung đột Nga - Ukraine cùng các lệnh trừng phạt giữa phương Tây và Nga, và những diễn biến địa chính trị khác, việc thiếu hụt nguồn cung khí khiến giá khí tại châu Âu ngày càng tăng, dẫn tới giá nguyên liệu để sản xuất phân bón như ammoniac, lưu huỳnh… cũng tăng theo.

Khuyến khích xuất khẩu nhưng vẫn cần đảm bảo nguồn cung phân bón trong nước - Ảnh 1.

Công ty CP Phân bón dầu khí Cà Mau đặt kế hoạch lợi nhuận chỉ hơn 510 tỷ đồng, nhưng sau 9 tháng, công ty đã vượt kế hoạch cả năm đến 6,4 lần.

Chính vì thế, nhận định về thị trường phân bón thời gian tới là giá phân bón vào những tháng cuối năm 2022, đầu năm 2023 có thể tiếp tục tăng hoặc giữ ở mức cao. Điều tích cực là theo giấy phép sản xuất phân bón của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, công suất thiết kế của các nhà máy phân bón tại Việt Nam đã tăng cao, lên tới 29 triệu tấn. Do đó, dư địa xuất khẩu phân bón của các doanh nghiệp vẫn còn, đặc biệt khi xét đến nhu cầu phân bón trong nước chỉ khoảng 11 triệu tấn.

Ông Vũ Duy Hải, Chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc VinaCam, cho rằng xuất khẩu phân bón quý III-2022 tăng vì nhu cầu sử dụng trong nước thấp điểm, trong khi giá thế giới tăng do đó rất khuyến khích cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Thực tế, việc khuyến khích đẩy mạnh xuất khẩu phân bón khi giá tốt và nhu cầu trong nước chưa cao sẽ giúp các doanh nghiệp thu được ngoại tệ và giải phóng hàng tồn kho. Tuy vậy, Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho rằng, khi Việt Nam bước vào cao điểm mùa vụ trong những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023, các doanh nghiệp nên ưu tiên cung cấp cho thị trường trong nước, giúp ổn định thị trường, sau đó mới tính đến phương án xuất khẩu. 

Để ổn định dài hạn, với chức năng quản lý vĩ mô, nhà nước cần có chính sách điều tiết mang tính dài hơi, cụ thể là làm thế nào doanh nghiệp sản xuất vẫn có lợi nhuận tốt khi nguồn cung trong nước tăng. Như vậy sẽ giúp kiểm soát giá và thị trường ổn định.

Vừa qua, Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo Nghị định Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan gửi lấy ý kiến thẩm định Bộ Tư pháp trước khi trình Chính phủ. Luật thuế Xuất nhập khẩu số 107/2016/QH13 quy định khung thuế suất thuế xuất khẩu đối với từng nhóm hàng chịu thuế, trong đó mặt hàng phân bón thuộc nhóm 31.01 đến 31.05 có khung thuế xuất khẩu từ 0% đến 40%.

Sau khi gửi xin ý kiến, Bộ Tài chính nhận được kiến nghị của một số đơn vị về thuế xuất khẩu mặt hàng phân bón. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đề xuất về phương án điều chỉnh thuế xuất khẩu đối với mặt hàng phân bón. Theo đó, Bộ Tài chính đã đề xuất phương án điều chỉnh mức thuế xuất khẩu đối với mặt hàng phân bón. Theo đó, mức thuế xuất khẩu đối với các mặt hàng phân bón như urê, phân lân, super lân, DAP, MAP… được quy định ở mức 5%. Riêng NPK nguồn cung trong nước dư thừa nên được đề xuất áp mức thuế xuất khẩu 0%./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Khuyến khích xuất khẩu nhưng vẫn cần đảm bảo nguồn cung phân bón trong nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO