Đời sống xã hội

Kích cầu du lịch những tháng cuối năm

Hồng Nhung 13/11/2024 17:07

Những tháng cuối năm 2024 là thời điểm ngành Du lịch Việt Nam tăng tốc để sớm hoàn thành mục tiêu về số lượng khách và doanh thu, khẳng định thương hiệu điểm đến.

Tăng tốc để về đích

Theo Tổng cục Thống kê, với chính sách thị thực thuận lợi, các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch được đẩy mạnh cùng những giải thưởng du lịch danh giá được các tổ chức quốc tế trao tặng đã thu hút khách quốc tế đến Việt Nam ngày càng tăng.

Tính chung 10 tháng năm 2024, khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 14,1 triệu lượt người, tăng 41,3% so với cùng kỳ năm trước. Nếu phân theo vùng lãnh thổ, đứng đầu là khách quốc tế đến từ châu Á đạt 11.256,8 nghìn lượt người; châu Âu đạt 1.576,4 nghìn lượt người; châu Mỹ đạt 812,8 nghìn lượt người; châu Úc đạt 436,3 nghìn lượt người và châu Phi đạt 42,8 nghìn lượt người. Hiện, thị trường khách du lịch quốc tế còn nhiều dư địa để tiếp tục tăng trưởng.

anh-bai-4.jpg
Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ngày càng tăng.

Du lịch Việt Nam nửa đầu năm 2024 đã có mức tăng trưởng vượt bậc, lượng khách du lịch quốc tế và nội địa vượt 50% mục tiêu đề ra và được xem là điểm sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội của đất nước. Nhằm mục tiêu đón 17 - 18 triệu lượt khách quốc tế; phục vụ 110 triệu lượt khách nội địa năm 2024, ngành Du lịch đã và đang có nhiều sản phẩm mới cũng nhiều giải pháp để kích cầu du lịch những tháng cuối năm.

Đến thời điểm này nhiều địa phương đã tích cực đưa ra các sản phẩm du lịch mới hút khách du lịch tới địa phương thăm quan, tìm hiểu và trải nghiệm. Mùa Thu - Đông là mùa vàng của du lịch Thủ đô Hà Nội, để tăng tốc đạt mục tiêu đón được 26,5 triệu lượt du khách, trong đó có 5 triệu lượt khách quốc tế, từ tháng 10 cho đến cuối năm, Hà Nội có nhiều hoạt động diễn ra sôi nổi nhằm thu hút khách du lịch như: Lễ hội quà tặng du lịch Hà Nội năm 2024, chuỗi các sự kiện du lịch thể thao...

Bên cạnh đó, Hà Nội tiếp tục xây dựng mô hình thí điểm phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn để tăng trải nghiệm cho du khách ở ngoại thành.

Tại TP. Hồ Chí Minh, tập trung triển khai có hiệu quả công tác phối hợp tổ chức các hoạt động, sự kiện du lịch; đồng thời, tiếp tục triển khai đề án phát triển du lịch thông minh trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025, trong đó tập trung cho dự án “Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu dịch vụ du lịch”, tiếp tục triển khai kế hoạch truyền thông điểm đến “TP. HCM - Chào đón bạn” năm 2024; tập trung khai thác và phát huy thế mạnh của du lịch tại TP. Thủ Đứ; đẩy mạnh phát triển du lịch ban đêm, du lịch cộng đồng tại Thiềng Liềng (xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ).

Cùng với hai thành phố lớn của cả nước, các địa phương trên cả nước cũng tích cực tổ chức quảng bá, giới thiệu các sản phẩm du lịch đặc sắc của địa phương; công bố các chương trình kích cầu du lịch; làm mới các sản phẩm du lịch hiện có và nghiên cứu phát triển sản phẩm du lịch mới. Đồng hành với các địa phương, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã triển khai hiệu quả Nghị quyết 82/NQ-CP ngày 15/8/2023 của Chính phủ và Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 23/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững; Triển khai hiệu quả Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045. Đặc biệt, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã triển khai thành công nhiều chương trình xúc tiến du lịch Việt Nam ở nước ngoài như: Úc, Pháp, Đức, Ý…

Hướng đi mới cho du lịch Việt

Tiềm năng phát triển du lịch Việt Nam được đánh giá là rất cao khi có nguồn tài nguyên tự nhiên và văn hóa vô cùng đa dạng và hấp dẫn, với các danh lam thắng cảnh, di tích và lễ hội văn hóa dày đặc. Cả nước có hơn 40.000 di tích và khoảng gần 70.000 di sản văn hóa phi vật thể. Bên cạnh đó, Việt Nam còn sở hữu bờ biển dài 3.260 km với 125 bãi tắm biển, hàng nghìn lễ hội, hang động, công viên địa chất, khu dự trữ sinh quyển... Tài nguyên du lịch vô cùng phong phú, đa dạng.

Tuy nhiên ngành du lịch Việt Nam đang phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các nước trong khu vực như: Thái Lan, Singapore, Malaysia... Để đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2024, những địa phương có lợi thế du lịch biển như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa... mở thêm hướng phát triển du lịch tàu biển. Những tỉnh miền núi như Hà Giang, Sơn La, Lào Cai, Điện Biên, Cao Bằng... tiếp tục tận dụng lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, đẩy mạnh sản phẩm du lịch về hoa; tour du lịch biên giới...

Ngoài ra, các công ty lữ hành cũng cần tiếp tục chủ động triển khai nhiều giải pháp đổi mới sản phẩm, kết hợp với tăng trải nghiệm và dịch vụ. Các doanh nghiệp cần đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, đào tạo nhân viên và cải thiện quy trình phục vụ để mang lại trải nghiệm tốt nhất cho du khách.

Cục Du lịch Quốc tham mưu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trực tiếp ban hành một số văn bản đề nghị các cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch, các địa phương tăng cường công tác điểm đến, đảm bảo an ninh an toàn cho khách du lịch cũng như đảm bảo chất lượng về dịch vụ. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục hoàn thiện hệ sinh thái du lịch thông minh gắn với chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn.

Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất ban hành chính sách khuyến khích và tạo điều kiện cho các hãng hàng không trong nước và quốc tế mở các đường bay kết nối thị trường với các điểm du lịch truyền thống, trọng điểm. Thường xuyên tổ chức các cuộc gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp du lịch để lắng nghe, đồng hành, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc...

Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 cũng xác định rõ các thị trường, các vùng, địa phương. Đặc biệt, mục tiêu quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn 2045 là tập trung đầu tư, phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo, dịch vụ chất lượng cao dựa trên các tiềm năng, lợi thế và thế mạnh của mình. Từ nay đến năm 2030, ngành du lịch cần tiếp tục thực hiện tốt các gải pháp trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam bao gồm tiếp tục đổi mới nhận thức, tư duy về phát triển du lịch; Hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển du lịch; Phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch; Phát triển nguồn nhân lực du lịch; Phát triển và đa dạng hóa thị trường khách du lịch; Phát triển sản phẩm du lịch; Đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch và hợp tác, hội nhập quốc tế về du lịch; Ứng dụng khoa học, công nghệ; Quản lý nhà nước về du lịch.

Theo ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia, thị trường khách du lịch quốc tế còn nhiều dư địa để tăng trưởng trong điều kiện đã có các chính sách thuận lợi về thị thực và xuất nhập cảnh, tạo ra động lực lớn để thu hút khách du lịch quốc tế.

Từ nay đến hết năm 2024, kỳ vọng lượng khách quốc tế đến Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng đột phá. Thị trường khách du lịch nội địa vẫn tiếp tục tăng trưởng. Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Bộ VH-TT&DL đã triển khai thành công hàng loạt chương trình xúc tiến du lịch Việt Nam ở nước ngoài như Úc, Pháp, Đức, Ý, sắp tới là các chương trình tại Nga, Hàn Quốc…; sẽ tập trung xây dựng đề án thành lập Văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam tại Lào và đề án thành lập Văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam ở một số nước khác. Đối với chiến dịch truyền thông, ngành Du lịch Việt Nam quảng bá du lịch theo cách làm mới, góp phần phát triển du lịch nhanh, toàn diện và bền vững. Cục Du lịch Quốc gia tham mưu bổ nhiệm Đại sứ Du lịch tại một số thị trường trọng điểm./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Kích cầu du lịch những tháng cuối năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO