Truyền thông

Kiểm soát nội dung PTTH không làm ảnh hưởng đến giáo dục, thị hiếu, thẩm mỹ của khán, thính giả

Bình Minh 07:54 05/08/2023

Hai thông tư hướng dẫn Nghị định 71/2022/NĐ-CP vừa được Bộ TT&TT tổ chức hội thảo phổ biến với tinh thần: Kiểm soát nội dung nhưng không làm ảnh hưởng đến giáo dục, thị hiếu, thẩm mỹ của khán, thính giả.

Thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số (CĐS)

Nghị định 71/2022/NĐ-CP ngày 1/10/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2016/NĐ-CP ngày 18/1/2016 của Chính phủ về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình (PTTH).

Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 71/2022/NĐ-CP, Bộ TT&TT ban hành 02 Thông tư: (1) Thông tư 05/2023/TT-BTTTT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 19/2016/TT-BTTTT quy định các biểu mẫu Tờ khai đăng ký, Đơn đề nghị cấp Giấp phép, Giấy Chứng nhận, Giấy phép và Báo cáo nghiệp vụ theo Nghị định số 06/2016/NĐ-CP; (2) Thông tư số 06/2023/TT-BTTTT hướng dẫn biên tập và phân loại và cảnh báo nội dung PTTH thể thao, giải trí theo yêu cầu dịch vụ PTTH.

Cả hai thông tư này có hiệu lực thi hành từ 15/8/2023.

z4575171607060_6ddcc6042075c19f2f82e0c63f2ea8bc.jpg
Phổ biến, hướng dẫn 2 Thông tư. Ảnh: Bình Minh

Tại Hội thảo phổ biến hai Thông tư được tổ chức ngày 4/8, tại Hà Nội, các cơ quan quản lý nhà nước (QLNN) đã phổ biến và hướng dẫn việc thực hiện một số báo cáo nghiệp vụ theo biểu mẫu báo cáo được quy định tại Thông tư số 02/2023/TT-BTTTT của Bộ TT&TT quy định chế độ báo cáo định kỳ thuộc phạm vi QLNN của Bộ TT&TT ngày 21/3/2023 và Thông tư 05/2023/TT-BTTTT ngày 30/6/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của thông tư số 19/2016/TT-BTTTT ngày 30/6/2016 của Bộ trưởng Bộ TT&TT quy định các biểu mẫu tờ khai đăng ký, đơn đề nghị cấp giấy phép, giấy chứng nhận, giấy phép và báo cáo nghiệp vụ theo quy định tại Nghị định số 06/2016/NĐ-CP ngày 18/01/2016 của Chính phủ về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ PTTH trên hệ thống báo cáo trực tuyến tại địa chỉ website: http://report.abei.gov.vn do Cục PTTH và thông tin điện tử (PTTH&TTĐT) xây dựng.

Việc thực hiện tiếp nhận báo cáo nghiệp vụ trực tuyến nhằm thúc đẩy mạnh mẽ quá trình CĐS của cơ quan QLNN cũng như cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp (DN) là đối tượng quản lý của Bộ TT&TT.

Hướng dẫn các tổ chức, DNthực hiện hồ sơ cấp phép, cấp Giấy chứng nhận nghiệp vụ

Hội thảo có sự tham gia của hơn 150 đại biểu là đại diện các cơ quan quản lý thuộc Bộ TT&TT, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở TT&TT một số tỉnh thành; Đại diện lãnh đạo Hiệp hội Truyền hình trả tiền và các đối tượng chịu sự điều chỉnh của các Thông tư.

Theo phản ánh từ các đại biểu, việc phổ biến nội dung thực hiện tại 02 Thông tư này là rất cần thiết, nhất là đối với các Đài PTTH đang thực hiện công tác biên tập, biên dịch kênh chương trình nước ngoài, thực hiện hoạt động liên kết sản xuất nội dung PTTH.

Bên cạnh đó, cũng cần thiết đối với các DN cung cấp dịch vụ hoặc có tham gia hoạt động liên kết sản xuất nội dung PTTH, cũng như đại diện các đơn vị sản xuất, nhập khẩu và phân phối tivi thông minh tại Việt Nam…cùng các cơ quan thông tấn, báo chí.

Nhiều nội dung đáng chú ý tại Thông tư 05/2023/TT-BTTTT như sửa đổi 07 biểu mẫu và bổ sung 04 biểu mẫu nhằm phù hợp với công tác quản lý dịch vụ PTTH theo quy định tại Nghị định 71/2022/NĐ-CP.

Bên cạnh các biểu mẫu, Thông tư 05/2023/TT-BTTTT cũng bổ sung quy định chế độ báo cáo về nội dung cung cấp trên dịch vụ của DN và chế độ báo cáo về hoạt động sản xuất, biên tập, biên dịch nội dung theo yêu cầu của cơ quan báo chí thống nhất với quy định tại Thông tư 02/2023/TT-BTTTT quy định chế độ báo cáo định kỳ thuộc phạm vi QLNN của Bộ TTTT.

Theo đánh giá của Cục PTTH&TTĐT, Thông tư số 05/2023/TT-BTTTT được ban hành để hướng dẫn các tổ chức, DN thực hiện hồ sơ cấp phép, cấp Giấy chứng nhận; hướng dẫn các tổ chức, DN lập hồ sơ quản lý dữ liệu và báo cáo nghiệp vụ về dữ liệu nội dung theo yêu cầu, nội dung giá trị gia tăng, nội dung quảng cáo và tỷ lệ thuê bao xem kênh chương trình thiết yếu quốc gia phục vụ công tác quản lý của Bộ TT&TT.

Những lưu ý với việc biên tập các nội dung chương trình thể thao, giải trí

Trong khi đó, Thông tư 06/2023/TT-BTTTT được đại diện Cục PTTH&TTĐT khái quát nội dung và hướng dẫn nguyên tắc biên tập, phân loại và cảnh báo nội dung PTTH theo yêu cầu là các chương trình thể thao, giải trí theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 20 Nghị định 06/2016/NĐ-CP, được quy định bổ sung tại khoản 11, Điều 1, Nghị định số 71/2022/NĐ-CP.

Thông tư 06/2023/TT-BTTTT được kết cấu với 8 Điều, trong đó 5 Điều hướng dẫn về nội dung, tập trung vào các nguyên tắc biên tập, phân loại, cảnh báo nội dung PTTH thể thao, giải trí theo yêu cầu; 1 điều quy định về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; 1 điều quy định về tổ chức thực hiện; 1 điều quy định về hiệu lực thi hành.

Các nội dung hướng dẫn về nguyên tắc biên tập, phân loại, cảnh báo nội dung PTTH thể thao, giải trí theo yêu cầu được quy định tại các Điều: 2, 3, 4.

Theo đó, nguyên tắc biên tập, có các nguyên tắc tập trung để các đơn vị lưu ý thực hiện trong quá trình biên tập như: Bảo đảm đúng chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bảo vệ trẻ em và đối tượng dễ bị tổn thương khác; những loại nội dung, tình huống phải loại bỏ đối với từng loại chương trình gồm: Chương trình ghi âm, ghi hình để phát sau và chương trình trực tiếp theo thời điểm diễn ra sự kiện; các chương trình thể thao và giải trí có nội dung liên quan đến y tế, giáo dục, trò chơi điện tử trực tuyến.

Những lưu ý cụ thể bằng 7 tiêu chí phân loại chương trình gồm: (1) Chủ đề nội dung; (2) bạo lực; (3) khỏa thân, tình dục; (4) ma túy, các chất kích thích, gây nghiện; (5) kinh dị; (6) hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ thô thục; (7) hành vi nguy hiểm, dễ bắt chước.

Đi kèm với 7 tiêu chí là 6 mức phân loại chương trình gồm: P, K, T13, T16, T18, C (với các đối tượng, độ tuổi cụ thể).

Theo Cục PTTH&TTĐT, Thông tư số 06/2023/TT-BTTTT được ban hành để các đơn vị cung cấp dịch vụ PTTH, các đơn vị có giấy phép hoạt động PTTH có cơ sở pháp lý để thực hiện trong quá trình hoạt động.

Đặc biệt, Thông tư này sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị cung cấp dịch vụ PTTH được chủ động trong việc tổ chức nguồn lực, quyết định phương thức phù hợp trong hoạt động biên tập, phân loại và cảnh báo nội dung VOD là các chương trình thể thao, giải trí, đảm bảo tuân thủ đúng quy định pháp luật và thuận lợi trong hoạt động kinh doanh; kiểm soát nội dung nhưng không làm ảnh hưởng đến giáo dục, thị hiếu, thẩm mỹ của khán, thính giả và phù hợp với tâm sinh lý của từng lứa tuổi.

Đồng thời, Thông tư cũng tăng cường hiệu lực, hiệu quả QLNN về PTTH, hạn chế được những tác động tiêu cực nội dung chương trình có thể gây ra cho xã hội và người nghe, người xem.

Như vậy, việc Bộ TT&TT kịp thời ban hành các Thông tư nêu trên đã hoàn chỉnh hành lang pháp lý quản lý dịch vụ PTTH. Cùng với đó, những đóng góp, phản ánh từ các cơ quan báo chí, truyền thông, các tổ chức, đơn vị làm hoạt động cung cấp dịch vụ và liên kết thực hiện cung cấp dịch vụ về PTTH sẽ được Bộ TT&TT ghi nhận và tiếp tục hướng dẫn thực hiện trong thời gian tới./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Kiểm soát nội dung PTTH không làm ảnh hưởng đến giáo dục, thị hiếu, thẩm mỹ của khán, thính giả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO