Kiểm soát tốt dịch bệnh giúp kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam tăng mạnh

Trần Cao| 23/10/2022 16:12
Theo dõi ICTVietnam trên

Chiến dịch tiêm vaccine COVID-19 được triển khai nhanh và hiệu quả đã giúp Việt Nam kiểm soát dịch bệnh, mở cửa nền kinh tế. Nhờ đó, kim ngạch xuất nhập khẩu đã tăng mạnh, xuất siêu đạt gần 8 tỷ USD.

Kim ngạch xuất nhập khẩu tiếp tục tăng cao so với cùng kỳ

Theo số liệu của Bộ Công Thương, tính đến ngày 21/10, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đã đạt 620 tỷ USD, xuất siêu gần 8 tỷ USD. Theo phát biểu của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, thì kết quả kim ngạch hai chiều này “là một kỷ lục” và rất đáng vui mừng.

Trong 9 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu tiếp tục tăng cao so với cùng kỳ, đạt gần 558 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt 282,3 tỷ USD, tăng 17,2%. Kết quả này cao gấp 2 lần so với mục tiêu của ngành là cả năm xuất khẩu tăng khoảng 8%. Cán cân thương mại tiếp tục duy trì xuất siêu 6,76 tỷ USD, nhập siêu 3,44 tỷ USD. Điều này đã góp phần tích cực cho cán cân thanh toán, ổn định tỷ giá và ổn định các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế.

Hiện Việt Nam có 32 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92,8% tổng kim ngạch xuất khẩu. Đặc biệt, có 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 63,9%. Trong cùng kỳ năm trước, Việt Nam chỉ có 32 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Tăng trưởng xuất khẩu tập trung ở những mặt hàng Việt Nam có thế mạnh và khai thác tốt các Hiệp định thương mại tự do như hàng dệt may đạt kim ngạch xuất khẩu tăng 24% và ngành da giày đạt mức tăng 36%.

Bên cạnh đó, có những mặt hàng đã tranh thủ thời cơ mức giá cao và đẩy mạnh xuất khẩu như hóa chất, sản phẩm chất dẻo, phân bón, thép... Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, các doanh nghiệp đang khai thác rất hiệu quả lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do để đẩy mạnh xuất khẩu. Thị trường truyền thống cũng được khai thác triệt để và mở thêm các thị trường mới.

Đáng lưu ý, một mặt hàng xuất khẩu được xem là nhỏ và chỉ là nghề phụ, thủ công song đã đạt giá trị xuất khẩu cao trên 1 tỷ USD từ năm 2021 và năm nay có thể cán mốc 4 tỷ USD. Đó là mặt hàng túi xách, ví, va li, mũ, ô dù. Trước đại dịch COVID-19, kim ngạch mặt hàng này liên tục tăng và chỉ bị giảm khi đại dịch bắt đầu hồi năm 2020 và bùng phát vào năm 2021.

Tuy vậy, trong 9 tháng của năm 2022, nhờ dịch bệnh được kiểm soát, cùng với sự phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, các mặt hàng túi xách, ví, va li, mũ, ô dù đã đạt quy mô xuất khẩu lớn nhất so với cùng kỳ từ trước đến nay, đứng thứ 15 trong các mặt hàng xuất khẩu của cả nước.

Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu, trong 9 tháng năm 2022, các nhóm hàng công nghiệp chế biến vẫn là động lực chính trong tăng trưởng xuất khẩu chung của cả nước, chiếm tỷ trọng 89% tổng xuất khẩu. Xuất khẩu nhóm hàng nông sản, lâm sản chiếm 6,6%; nhóm hàng thủy sản chiếm 3%; nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản chiếm 1,4%.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, có nhiều nguyên nhân giúp kim ngạch xuất nhập khẩu của đất nước đạt kết quả tốt như trên, trong đó có việc đã kiểm soát được dịch bệnh COVID-19. Chiến dịch tiêm vaccine đã góp phần lớn vào việc kiểm soát dịch bệnh. Vào thời điểm tháng 3/2022, độ phủ của mũi tiêm thứ 3 vaccine phòng COVID-19 đã đạt khoảng 60% bình quân. Dịch bệnh đã được kiểm soát ở Việt Nam dù là quốc gia tiếp cận nguồn vắc xin tương đối muộn, song tốc độ triển khai bao phủ vaccine của Việt Nam lại nhanh.

Việc kiểm soát sớm dịch bệnh đã giúp nền kinh tế sớm được mở cửa, các doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi và lấy đà tăng trưởng. Trong bối cảnh nguồn cung ứng bị đứt gãy trên thế giới, ảnh hưởng lớn đến các loại nguyên liệu và tình hình sản xuất, tuy nhiên các doanh nghiệp ở Việt Nam, nhất là doanh nghiệp FDI, được đánh giá có năng lực sản xuất và năng lực xuất khẩu tốt. Cùng với việc mở cửa kinh tế đúng lúc, đã thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển, tìm kiếm thị trường mới.

Kiểm soát tốt dịch bệnh giúp kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam tăng mạnh - Ảnh 1.

Kiểm soát tốt dịch bệnh, mở cửa kinh tế đúng lúc, đã thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển, tìm kiếm thị trường mới

Năng lực sản xuất và kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam đã được chứng minh trong năm 2021, năm mà đại dịch COVID-19 gây ảnh hưởng lớn. Tuy vậy, kim ngạch xuất nhập khẩu của đất nước năm 2021 lần đầu tiên đã đạt 658 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành một trong 20 quốc gia có thương mại quốc tế lớn nhất thế giới.

Một số giải pháp giúp tăng trưởng xuất khẩu bền vững

Mặc dù kim ngạch xuất nhập khẩu đã đạt nhiều kết quả tích cực, song theo phân tích của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, xuất khẩu tăng trưởng cao nhưng chưa thật sự bền vững. Điều này là do còn thiếu sự cân đối về cơ cấu thị trường xuất khẩu, cơ cấu hàng hoá xuất khẩu và cơ cấu chủ thể xuất khẩu.

Cụ thể, khu vực FDI chiếm hơn 74% kết quả xuất khẩu. Một số thị trường có tốc độ đa dạng hoá chậm, khả năng đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng của các thị trường và các ưu đãi thuế quan từ các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết còn chưa cao.

Theo Bộ trưởng, hiện tình hình xuất nhập khẩu của Việt Nam vẫn còn phụ thuộc một số thị trường lớn, do đó có tiềm ẩn những rủi ro. Các doanh nghiệp 100% vốn Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa có năng lực xuất khẩu còn chưa cao.

Trước tình hình trên, Bộ trưởng cho rằng cần có giải pháp để “hóa giải” những khó khăn của các doanh nghiệp trong xuất khẩu. Người đứng đầu ngành Công Thương cho rằng cần tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu, đồng thời tăng cường quản lý nhập khẩu phù hợp, để bảo đảm cán cân thương mại hài hòa, bền vững. Xuất khẩu chính ngạch gắn với tái cơ cấu ngành hàng và xây dựng thương hiệu cần được thúc đẩy.

Các mặt hàng như nông sản địa phương cần được các doanh nghiệp tìm hiểu kỹ thị trường, nhằm có giải pháp đáp ứng yêu cầu của các thị trường, hướng tới xuất khẩu chính ngạch. Đồng thời, cần tập trung đẩy mạnh khai thác các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, phát huy tốt vai trò hệ thống cơ quan thương vụ nước ngoài, cảnh báo sớm các nguy cơ, vụ kiện thương mại để các doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả.

Hiện nay, theo Bộ Công Thương, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 86,3 tỷ USD trong 9 tháng năm 2022, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 30,6% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. 

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu đứng thứ hai của Việt Nam, sau Mỹ. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc ước đạt 40 tỷ USD, tuy nhiên do ảnh hưởng của chính sách Zero COVID mà Trung Quốc đưa ra, nên xuất khẩu sang thị trường này trong 9 tháng chỉ tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước. Tuy vậy, nhập siêu từ Trung Quốc là 51,5 tỷ USD, tăng 21,3%. 

Châu Âu cũng là thị trường xuất khẩu lớn của các doanh nghiệp Việt Nam. Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy xuất khẩu sang thị trường châu Âu 9 tháng năm 2022 ước đạt 35,7 tỷ USD, tăng 23,8%. Xuất siêu sang EU ước tính đạt 24,3 tỷ USD, tăng 48,2% so với cùng kỳ năm trước.

Giá trị hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu sang các quốc gia ASEAN ước đạt 26 tỷ USD trong 9 tháng năm 2022, tăng 25,7%. Trong đó, xuất khẩu sang Hàn Quốc ước đạt 18,9 tỷ USD, tăng 18,3%; xuất khẩu sang Nhật Bản ước đạt 17,8 tỷ USD, tăng 21,6%, do vậy xuất siêu sang Nhật Bản ước tính đạt 10 triệu USD. Mức nhập siêu từ ASEAN là 9,3 tỷ USD, giảm 1,6%./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Kiểm soát tốt dịch bệnh giúp kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam tăng mạnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO