Kế hoạch hoạt động của Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử năm 2020 vừa được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban ký ban hành ngày 23/3/2020.
Tổ công tác giúp việc Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc và chịu trách nhiệm điều phối trong việc bảo đảm thực hiện Kế hoạch.
Theo Kế hoạch, trong quý I năm nay, các thành viên Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử sẽ cho ý kiến về Đề án giải pháp kết nối, chia sẻ dữ liệu và tài cấu trúc hạ tầng CNTT tại các bộ, ngành, địa phương và Danh sách các nền tảng dùng chung của Chính phủ điện tử do Bộ TT&TT xây dựng.
Tiếp đó, lần lượt vào quý II và quý III/2020, Ủy ban cũng sẽ cho ý kiến về dự thảo Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân và Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến 2030 hiện đang được Bộ Công an và Bộ TT&TT soạn thảo.
Kiểm tra việc xây dựng chính phủ điện tử tại 26 bộ, ngành, địa phương |
Kế hoạch mới ban hành cũng đã vạch rõ các 9 nội dung công việc sẽ được Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử tập trung triển khai trong năm nay nhằm xây dựng nền tảng công nghệ phát triển Chính phủ điện tử và các hệ thống thông tin đổi mới phương thức làm việc.
Cụ thể, năm nay các thành viên Ủy ban sẽ cho ý kiến về các việc: triển khai cơ sở dữ liệu quốc gia Dân cư; nâng cấp Cơ sở dữ liệu về phương tiện giao thông phục vụ hoạch định chính sách, quy hoạch đô thị; xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc; xây dựng Hệ thống tham vấn chính sách, văn bản quy phạm pháp luật; xây dựng Cơ sử dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội; triển khai Cơ sở dữ liệu Đất đai quốc gia…
Đáng chú ý, theo kế hoạch, trong năm 2020 này, Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử sẽ lập 11 đoàn công tác để trực tiếp làm việc, kiểm tra tình hình thực hiện Nghị quyết 17 ngày 7/3/2019 của Chính phủ về "Một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025" tại 26 bộ, ngành, địa phương.
Trong 26 bộ, ngành, địa phương sẽ làm việc với các đoàn công tác của Ủy ban, có 8 bộ, ngành: Công an, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư; Xây dựng, Nội vụ, Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; và 18 địa phương gồm Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang; Yên Bái, Lào Cai, Bắc Kạn, Cao Bằng, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Điện Biên, Sơn La, An Giang, Quảng Bình, Tuyên Quang, Thái Nguyên.
Việc tích cực làm việc với các bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ triển khai một số hệ thống thông tin quan trọng là cách làm mới trong thúc đẩy phát triển Chính phủ điện tử của Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử, với Bộ TT&TT đảm trách vai trò cơ quan điều phối thống nhất các hoạt động.
Thời gian gần đây, cách làm mới của Bộ TT&TT để thúc đẩy triển khai Chính phủ điện tử còn thể hiện ở việc tập trung phát triển các nền tảng Chính phủ điện tử dùng chung để phá vỡ điểm nghẽn trong việc triển khai Chính phủ điện tử của giai đoạn trước; đẩy mạnh phát triển các phần mềm dùng chung (phần mềm là dịch vụ); triển khai Bộ điểm, tỉnh điểm về Chính phủ điện tử; hay việc thúc đẩy doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam làm chủ các sản phẩm, công nghệ trong triển khai Chính phủ điện tử…