Kinh doanh viễn thông thời 4.0: Đã đến lúc xoá bỏ cước viễn thông hàng tháng, nội mạng, liên mạng và cước cố định

28/06/2021 09:11
Theo dõi ICTVietnam trên

Năm 2020, dù tác động của dịch COVID-19, doanh thu của các doanh nghiệp viễn thông (DNVT) Việt Nam vẫn đạt các chỉ tiêu đề ra với hơn 130.000 tỷ đồng (tăng 0,3% so với năm 2019). Trong khi dịch vụ thoại cố định ngày càng thu hẹp thuê bao thì dịch vụ viễn thông di động lại mất cân đối nghiêm trọng giữa thuê bao trả trước (chiếm hơn 90% tổng lượng thuê bao) và trả sau.

Nhiều DNVT đã triển khai các gói cước thoại và nhắn tin miễn phí (có điều kiện) cho thuê bao mạng mình trong bối cảnh kinh doanh dịch vụ viễn thông (cố định, di động) đang gặp phải cạnh tranh gay gắt bởi các dịch vụ OTP, nhất là dịch vụ thoại và tin nhắn. Vậy đã đến lúc DNVT Việt Nam nên bỏ cước viễn thông tháng, nội mạng, liên mạng và cước gọi cố định về một mức giá thống nhất như cách mà các DNVT trên thế giới đã làm từ 20-30 năm nay chưa? 

Kinh doanh viễn thông năm 2020: Đạt mục tiêu dù chịu tác động mạnh của dịch bệnh COVID-19

Theo số liệu từ Bộ TT&TT, trong năm 2020 doanh thu lĩnh vực viễn thông đạt hơn 130.000 tỷ đồng, tăng 0,3% so với năm 2019. Thuê bao băng rộng (gồm băng rộng cố định và băng rộng di động) có mức tăng trưởng ấn tượng. Tính bình quân trong giai đoạn 2016-2020, thuê bao băng rộng cố định tăng trưởng 15%/năm, thuê bao băng rộng di động tăng 22%/năm. Đến thời điểm tháng 1/2021, cả nước có hơn 1 triệu km cáp quang đã được triển khai đến tất cả các thôn, bản, xã, phường của 63/63 tỉnh, thành phố.

Sóng di động hiện đã phủ tới 99,81% dân số, trong đó vùng phủ 3G, 4G phục vụ trên 98% dân số. Tính đến hết tháng 2/2021, tổng số thuê bao điện thoại di động có phát sinh lưu lượng là gần 125 triệu thuê bao, trong đó tổng số thuê bao điện thoại di động đang hoạt động chỉ sử dụng thoại, tin nhắn là 50,4 triệu thuê bao; tổng số thuê bao điện thoại di động đang hoạt động có sử dụng dữ liệu là hơn 70,4 triệu thuê bao; hơn 90% trong số này là của các thuê bao trả trước.

Bộ TT&TT đã cấp phép cho các nhà mạng viễn thông (Viettel, MobiFone, Vinaphone) thử nghiệm thương mại mạng và dịch vụ 5G. Từ tháng 11/2020, các doanh nghiệp viễn thông đã khẩn trương tiến hành thử nghiệm mạng 5G để đánh giá trước khi xem xét, triển khai diện rộng mạng 5G thương mại trong năm 2021. Việc triển khai 5G là yếu tố quan trọng góp phần đẩy nhanh việc xây dựng chính phủ số đang được Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương triển khai. 5G cũng là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy hạ tầng viễn thông, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) chuyển đổi số. 

Kinh doanh viễn thông thời 4.0: Đã đến lúc xoá bỏ cước viễn thông hàng tháng, nội mạng, liên mạng và cước cố định  - Ảnh 1.

Kinh doanh viễn thông thời 4.0: Đã đến thời điểm phải thay đổi

Một điểm khác biệt giữa thị trường viễn thông Việt Nam so các nước đó là: thuê bao trả trước chiếm tới 90% tổng số thuê bao. Nguyên nhân của thực trạng này trước hết là do thu nhập bình quân của người dân còn thấp (mức bình quân GDP của Việt Nam giai đoạn 2000-2020 tăng từ 400USD/năm/người lên 2.715USD/năm/người năm 2019; năm 2020 là khoảng 3.500USD/người) và dân số sống ở nông thôn chiếm hơn 80%.

Tuy nhiên, nguyên nhân khác lại đến từ chính các DNVT và chính sách của Nhà nước đối với thị trường viễn thông khi mà thị trường này đã có tốc độ tăng trưởng và thay đổi bởi những tiến bộ công nghệ và Cách mạng công nghệ (2.0-4.0) mang lại. Kể từ năm 2000, thị trường viễn thông Việt Nam bước vào giai đoạn có cú hích phát triển và cạnh tranh đầu tiên với sự tham gia của nhà mạng Viettel còn non trẻ khi đó. Sau hơn 20 năm, cho dù thị trường viễn thông thế giới đã phát triển như vũ bão bởi những thay đổi của công nghệ, thiết bị và cả mô hình kinh doanh thì thị trường viễn thông Việt Nam vẫn còn duy trì kiểu kinh doanh truyền thống của mình đó là:

Thứ nhất, duy trì cước thuê bao hàng tháng: Với các thuê bao trả sau, hiện DNVT vẫn áp dụng quy định phải trả cước thuê bao hàng tháng vốn có từ cách đây 25 năm với lập luận của các DNVT là: Cước thuê bao tháng là cước phí mặc định có sẵn trên hầu hết các sim trả sau khi khách hàng (KH) đăng ký hòa mạng. Đây là chi phí bắt buộc mỗi thuê bao cần phải thanh toán vào mỗi tháng. KH có thể xem đây là cước phí quản lý sim của KH.

Cước thuê bao tháng mỗi nhà mạng khác nhau, đối với nhà mạng MobiFone (49.000đ/tháng); Vinaphone (49.000 đ/tháng); Viettel (50.000 đồng/tháng). Cước phí này sẽ cộng dồn vào cước phí KH thanh toán hàng tháng. Đương nhiên KH là người chịu thiệt cho khoản thu vô lý này và hiện nhiều DN cũng đã nhìn thấy điểm bất hợp lý này bằng việc giới thiệu và triển khai gói cước không có thuê bao tháng để khách hàng có thể lựa chọn.

Tuy nhiên, khi KH (cá nhân, DN) hòa mạng các gói cước này sử dụng thì sẽ phải tuân thủ theo quy định hạn mức dùng của gói. Nếu dùng quá hạn mức sẽ bị chặn chiều ngay dù chưa hết tháng hoặc đơn giản là lựa chọn gói cước có mức phí cao hơn. Ví dụ, với MobiFone là gói cước của MobiF (như MF69, MF101, MF150, MF179); với Vinaphone là các gói Alo 21, 45, 65, 135 hay các gói Smart 99 và 119 (với cá nhân) và các gói DN 45, 101, 145 hay VIP 99, 119, 169 (với doanh nghiệp); các gói Eco (69- 199); các gói ĐỈNH (15-199) với Viettel là các gói T100, B100-2000. Đương nhiên, các gói cước này đều có các điều kiện đi kèm với các khuyến mại về dung lượng data, số phút gọi miễn phí nội, ngoại mạng; miễn phí tin nhắn SMS theo nguyên tắc càng trả nhiều thì càng hưởng nhiều lợi ích đi kèm hoặc đơn giản phải gắn bó với gói cước trong một khoảng thời gian nhất định (6 tháng - 24 tháng) mà không được chuyển mạng.

Tuy ưu đãi là vậy, nhưng thực tế là hiện các thuê bao trả sau vẫn ít chuyển đổi sang các gói cước không có cước thuê bao tháng vì hiện số lượng thuê bao di động hiện nay vẫn hầu hết là thuê bao di động (TBDĐ) trả trước (chiếm 90%). Do vậy, việc xóa bỏ cước thuê bao tháng hiện nay là cần thiết nhằm khuyến khích các TBDĐ trả trước chuyển đổi sang trả sau cũng như phù hợp với xu thế chung của thị trường viễn thông thế giới khi mà cước thuê bao hằng tháng đã được bãi bỏ từ 20-30 năm nay. Mặt khác các DNVT cũng phải tích cực thực hiện các hoạt động marketing và quảng bá về các gói cước mới cho KH để khuyến khích họ chuyển đổi sang gói cước mới với nhiều ưu đãi hơn và cũng dễ quản lý và bảo đảm duy trì doanh thu hơn.

Thứ hai, duy trì cước nội mạng, liên mạng giữa các DNVT: Do chính sách của nhà nước cũng như năng lực của các DNVT là khác nhau (số lượng thuê bao hiện có, hạ tầng mạng đầu tư...) cho nên việc duy trì cước kết nối liên mạng vô hình chung đã cản trở chính sự phát triển của các DNVT và kìm hãm sự phát triển của thị trường viễn thông cũng như làm cho các DNVT phải nghĩ ra nhiều gói cước khác nhau để giới thiệu đến khách hàng. Việc duy trì cước liên mạng có thể là cần thiết ở giai đoạn đầu của thị trường viễn thông Việt Nam (những năm 2000-2010).

Tuy nhiên, hiện nay, với sự phát triển nhanh của công nghệ, thiết bị và việc phổ biến của mạng Internet băng thông rộng cố định, việc tiếp tục duy trì cước gọi liên mạng khiến cho KH thay vì lựa chọn gói cước cao để có được cước thoại và nhắn tin miễn phí thì lại chọn gói cước thấp hoặc chuyển sang trả trước để duy trì thông tin thuê bao và tận dụng chính ưu thế phủ sóng rộng khắp của mạng Internet băng thông rộng cố định và các dịch vụ OTT để thực hiện các cuộc gọi và nhắn tin miễn phí. 

Thực tế phổ biến của KH là thay vì chọn gói cước thuê bao trả sau, gói cước có giá trị cao thì lại chuyển sang dùng thuê bao trả trước và nạp tiền duy trì tài khoản, tận dụng các dịch vụ OTT như Facebook, Messenger, Zalo, Viber,...để thực hiện các cuộc gọi thoại và nhắn tin không giới hạn, miễn phí, tức thì, biết ngay người đọc/ nghe có trả lời được không, gửi tin nhắn hình ảnh, video ngắn miễn là nằm trong vùng phủ sóng miễn phí của dịch vụ băng rộng cố định.

Kinh doanh viễn thông thời 4.0: Đã đến lúc xoá bỏ cước viễn thông hàng tháng, nội mạng, liên mạng và cước cố định  - Ảnh 2.

(Nguồn: Cục Viễn thông http://vnta.gov.vn/thongke/Trang/dulieuthongke.aspx#

Số liệu tại Bảng 1 cho thấy, 43.5% thuê bao di động chỉ sử dụng để thoại và nhắn tin trong đó 12,5% là thuê bao trả sau, 87,5% còn lại là thuê bao trả trước. Tương tự như vậy, số liệu Bảng 1 cũng cho thấy trong số 56,5% TBDĐ có dùng thêm cả dịch vụ/phát sinh lưu lượng data, chỉ có 9,37% là thuê bao trả sau, còn lại 90,63% là thuê bao trả trước đang tận dụng dịch vụ data do chính gói cước mang lại, vì không dùng cũng bị mất khi hết hạn.

Do vậy, việc xoá bỏ cước liên mạng, nội mạng với dịch vụ thoại, nhắn tin không chỉ giúp cho KH thấy được những lợi ích của DVVT mang lại, mà còn giúp cho các DNVT lấy lại nhóm khách hàng mục tiêu của mình (các TBDĐ trả sau) bằng việc khuyến khích họ chuyển đổi từ trả trước sang trả sau hoặc ở lại với gói cước trả sau hay không phải làm thủ tục chuyển đi mạng khác. Việc xóa bỏ gói cước này cũng giúp cho việc quản lý cước viễn thông đơn giản hơn do còn ít gói cước, khách hàng dễ nhớ. Quan trọng hơn, việc này giúp DNVT “đối phó” được các dịch vụ OTT vốn đang bùng nổ tại Việt Nam và OTT đang hình thành tâm lý và thói quen cho KH về những tiện ích và lợi thế mà DNVT và DVVT không thể mang lại hay cạnh tranh lại được.

Câu hỏi quen thuộc hiện nay của mọi người khi gặp nhau sau chào hỏi là “Anh/chị/cô/bác có zalo/facebook/viber...không?” Hay đơn giản là “Mật khẩu wifi của quán/shop/gia đình/công ty...mình là gì?”. Như vậy, DNVT bắt buộc phải hy sinh lợi ích trước mắt (cước viễn thông nội mạng, liên mạng) để được cái lâu dài là duy trì được nhóm khách hàng gắn bó với mình ở một gói cước nhất định, thay vì chuyển mạng hay chuyển đổi sang trả trước và tận dụng Internet bằng thông rộng miễn phí. Đây cũng là cách để các DNVT có thể tồn tại được trước khi có sự tăng trưởng và đổ bộ của các dịch vụ IoT và các DVVT phi biên giới như của Google Station hay mạng lưới STARLINK của hãng SpaceX của nhà sáng lập TESLA - tỷ phú Elon Musk.

Theo thống kê tính đến tháng 5/2021, các DNVT đang đối mặt với cạnh tranh gay gắt từ các ứng dụng OTT có tính năng gọi điện (cả VIDEO call), nhắn tin miễn phí phổ biến ở Việt Nam như ZALO (hơn 100 triệu lượt tải, chủ yếu là từ Việt Nam), Facebook (hơn 5 tỷ lượt tải) có khoảng 64 triệu người dùng tại Việt Nam (đứng thứ 7 trên thế giới, đứng thứ 4 châu Á), Skype (hơn 1 tỷ lượt tải), Whatsapp (hơn 5 tỷ lượt tải, hơn 2 tỷ người dùng), Facebook Messenger (hơn 1,3 tỷ lượt tải), LINE (hơn 500 triệu lượt tải), WeChat (hơn 1,2 tỷ triệu lượt tải, chủ yếu là Trung Quốc), Snapchat (hơn 1 tỷ lượt tải), Instagram (hơn 1 tỷ lượt tải)... 

Theo đánh giá, một số xu hướng của thị trường viễn thông thế giới sẽ ảnh hưởng đến thị trường viễn thông Việt Nam như tác động của IoT, các dịch vụ xuyên biên giới và các dịch vụ có tác động lớn đến dịch vụ hạ tầng viễn thông của các DNVT như hệ thống WiFi Free của Google Station (là chương trình cung cấp WiFi miễn phí ở những khu vực công cộng như nhà ga xe lửa, bến tàu, sân bay, trường đại học,... và đông dân cư tại các quốc gia đang phát triển. Hiện tại chương trình này chỉ mới được triển khai tại Ấn Độ, Mexico, Indonesia, Nigeria, Thái Lan, Philippines). Với các DNVT Việt Nam, thách thức đang phải đối mặt chính là xu hướng phổ biến hệ thống WIFI miễn phí tại các nơi tập trung đông người như nhà ga, sân bay (ví dụ mạng FREE WIFI đang triển khai tại sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất...), hệ thống Wifi miễn phí đang triển khai tại các khu đô thị thông minh (ví dụ Meganet tại VinHomes).

Thứ ba, suy giảm cạnh tranh do có ít DNVT tham gia: Việc xóa bỏ cước liên mạng, nội mạng, cước thuê bao tháng, miễn phí dịch vụ thoại và nhắn tin để cạnh tranh với dịch vụ OTT và thay bằng gói cước hợp lý bảo đảm doanh thu cho cả DNVT và khách hàng. Điều này cũng giúp cho nhiều DNVT khác tham gia được vào thị trường viễn thông Việt Nam có cơ hội tồn tại và phát triển, thúc đẩy cạnh tranh giữa các DNVT, hướng đến nhóm khách hàng khác nhau.

Hiện tại Việt Nam mới có thêm 2 nhà cung cấp dịch vụ viễn thông trên nền mạng công nghệ di động riêng ảo (Mobile Virtual Network Operators - MVNO) là ITelecom của Công ty CP Viễn thông Đông Dương Telecom và Reddi của công ty Mobicast. Theo nghiên cứu, tỷ lệ Doanh thu trung bình trên một khách hàng (Average Revenue Per User - APRU) của một thuê bao hiện nay khá thấp (APRU của Viễn thông Việt Nam liên tục trong nhóm thấp nhất châu Á trong 10 năm trở lại đây và liên tục giảm do cạnh tranh quyết liệt giữa các nhà mạng). Dịch vụ thoại đang bị các dịch vụ OTT cạnh tranh. Dịch vụ dữ liệu với giá cước tương đối rẻ so với các nước trong khu vực cho thấy thị trường di động tại Việt Nam cần có những luồng gió mới.

Theo số liệu thống kê từ các DNVT thế giới cho thấy, việc xóa bỏ cước viễn thông nội mạng và liên mạng đã thu hút thêm 54 nhà mạng viễn thông tham gia thị trường viễn thông Úc với tư cách là các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông trên nền công nghệ mạng di động riêng ảo trên cơ sở thuê lại hạ tầng mạng của 4 nhà cung cấp DVVT chủ đạo là Telstra, Optus, Vodafone và TPG. Trong khi các nhà mạng chủ đạo như Telstra, Vodafone, Optus hướng đến nhóm khách hàng có mức chi tiêu từ 30 đô la Úc (AUD)/tháng trở lên, thì các nhà mạng di động riêng ảo còn lại chỉ giới thiệu gói cước thấp nhất của họ từ 5-10 AUD/tháng. Các nhà mạng mới hướng đến KH có thu nhập thấp, nghỉ hưu, học sinh sinh viên (HSSV) hoặc ít có nhu cầu sử dụng nhiều dịch vụ data (ví dụ từ 1-2Gb/tháng) và chấp nhận chất lượng dịch vụ thoại, công nghệ (4G) thấp hơn nhóm KH của các DNVT chủ đạo (4.5-5G).

Ví dụ tương tự tại Mỹ, ngoài các hãng viễn thông lớn nhất Mỹ Big 4 (Verizon Wireless; AT&T; T-Mobile; Sprint), cũng có hơn 30 nhà cung cấp dịch vụ viễn thông (DVVT) công nghệ mạng di động riêng ảo khác đang hoạt động. Tại Anh (UK), ngoài 4 nhà cung cấp chủ đạo là EE, Three, O2 and Vodafone, hiện có 74 nhà cung cấp DVVT công nghệ mạng di động riêng ảo (MVNO) đang hoạt động. 

Thứ tư, mô hình kinh doanh viễn thông của DNVT ít thay đổi: Cho dù thị trường viễn thông Việt Nam đã có gần 30 năm phát triển nhưng thực tế các DNVT Việt Nam ít có sự thay đổi nhiều về mô hình kinh doanh.

Hiện nhắc đến DNVT là KH hình dung đây là nơi phải đến để khai báo thông tin thuê bao, hòa mạng và thay đổi gói cước, thanh toán cước (hiện nhiều KH chọn thanh toán online) chứ không phải là một DNVT có dịch vụ tất cả trong một (All in One) như vừa hòa mạng, vừa có thể mua/nâng cấp các thiết bị đầu cuối (điện thoại, máy tính bảng và các thiết bị VT&CNTT khác). Việc mua các thiết bị đầu cuối (điện thoại và các thiết bị đầu cuối viễn thông khác) đã được chuyển sang cho các DN kinh doanh thiết bị điện, điện tử, điện máy hoặc các DN kinh doanh thiết bị đầu cuối viễn thông chuyên nghiệp (như hệ thống TGDĐ, Dienmayxanh, FPTshop, Cellphones, Hoàng Hà Mobile, Mediamart, Pico, Nguyễn Kim,...), các cửa hàng thiết bị viễn thông nhỏ lẻ, shop kinh doanh hàng xách tay (Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kong, Mỹ...) hay được bán chính hãng của các nhà sản xuất thiết bị đầu cuối hoặc họ liên kết với các DN nói trên (Apple, Samsung, Oppo, XiaoMi, Vivo, ...).

Một số DNVT cũng có thay đổi như việc mở các shop bán thiết bị đầu cuối của mình (ví dụ Viettel có Viettelstore thuộc Công ty TNHH MTV TM&XNK Viettel là đơn vị hạch toán độc lập trực thuộc Tập đoàn Viễn thông Quân đội) hay việc Tổng công ty Viễn thông MobiFone (MobiFone) và Công ty cổ phần FPT (FPT) ký kết Thỏa thuận hợp tác chiến lược nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động kinh doanh, tận dụng các thế mạnh công nghệ của hai bên, góp phần thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Theo đó, trong lĩnh vực thương mại bán lẻ, MobiFone có kế hoạch xây dựng khu dịch vụ toàn diện (MobiFone full service corner) trong hệ thống chuỗi cửa hàng bán lẻ của FPT Shop, giúp đưa sản phẩm dịch vụ đến gần hơn với khách hàng toàn quốc.

Các DNVT vẫn còn cơ hội để thay đổi mô hình kinh doanh của mình với tư cách vừa là nhà cung cấp DVVT, vừa là nhà cung cấp thiết bị đầu cuối viễn thông (điện thoại, máy tính bảng, các thiết bị viễn thông và công nghệ thông tin khác) nếu như biết hợp tác, thỏa thuận với các nhà sản xuất thiết bị đầu cuối viễn thông và công nghệ thông tin để đưa được các sản phẩm mới nhất đến với hệ thống shop/store mang thương hiệu của DNVT mình. Đây là cách mà các DVVT thế giới đã và đang làm trước khi hành vi tiêu dùng của KH mặc định họ chỉ đơn giản là nhà cung cấp DVVT thuần túy. Thị trường thiết bị đầu cuối thay đổi từng tháng, quý, năm với việc ra mắt nhiều sản phẩm và công nghệ mới và miếng bánh thị phần béo bở này không dành cho những người chậm chân hay còn chần chừ, suy tính.

Kinh doanh viễn thông thời 4.0: Đã đến lúc xoá bỏ cước viễn thông hàng tháng, nội mạng, liên mạng và cước cố định  - Ảnh 3.

Thứ năm, thuê bao cố định ngày càng suy giảm: Một thực tế trên thị trường viễn thông cố định đó là số lượng thuê bao cố định suy giảm dần từng năm với mức giảm từ 500.000 - 1 triệu thuê bao mỗi năm với lý do cơ bản là các thuê bao dịch vụ cố định do ít được chăm sóc; duy trì cước thuê bao tháng (ví dụ cước với thuê bao cố định của VNPT là 25.000/tháng), gọi điện (nội mạng, liên mạng cả cố định và di động) đều phải trả tiền theo cước cuộc gọi, giá cước không cạnh tranh bằng di động và nhiều trường hợp đầu số hay điểm đấu nối phải nhường cho dịch vụ Internet băng thông rộng cố định. 

Nhiều DNVT đã cố gắng tìm ra các giải pháp duy trì các thuê bao cố định này bằng các gói cước tích hợp nhưng giải pháp tổng thể để giúp chặn đà suy giảm này chính là việc kết hợp của một loạt các giải pháp như: xóa bỏ cước thuê bao tháng; tích hợp vào gói cước Internet băng thông rộng cố định kết hợp với dịch vụ truyền hình (AIO); xoá bỏ cước nội mạng và liên mạng cả cố định và di động bằng việc tính ra một mức cước hợp lý và tích hợp trong các gói cước AIO kia thì mới có thể chặn đà suy giảm dịch vụ thoại cố định. Đây cũng là cách mà các DNVT thế giới đã và đang làm nhằm giúp duy trì dịch vụ này, nhất là vì mục tiêu công ích hay đơn giản là cho các trường hợp khẩn cấp, đối tượng ưu tiên...

Kết luận

Từ 1/6/2021, trình duyệt nổi tiếng Internet Explore của hãng Microsoft sẽ chấm dứt hoạt động sau hơn 20 năm phát triển khi mà hiện nay, nhắc đến trình duyệt này, người dùng chỉ đơn giản là dùng nó khi họ muốn tải một trình duyệt khác phổ biến hơn và thông dụng hơn như Google Chrome. Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và những tiến bộ của Cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại đòi hỏi các DNVT Việt Nam phải đổi mới để thích nghi với bối cảnh và hoàn cảnh cũng như tình hình mới. 

Trong sự thay đổi này, có những việc DNVT phải tự mình thay đổi nếu như muốn tiếp tục duy trì thị phần, doanh thu của mình; có những việc DNVT phải trực tiếp đề nghị lên cơ quan quản lý nhà nước (Chính phủ, Bộ quản lý ngành có liên quan) để có những điều chỉnh về chính sách cho phù hợp với tình hình và hoàn cảnh mới. Kinh doanh DVVT phải hướng đến vì quyền lợi của khách hàng, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh và chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi số trên phạm vi quốc gia. Chắc chắn các DNVT Việt Nam không muốn bị rơi vào hoàn cảnh của trình duyệt Internet Explore nếu như họ chậm chuyển đổi mô hình kinh doanh, cũng như đề xuất lên cơ quan quản lý những thay đổi về chính sách giá cước như phân tích trên đây vì lợi ích của chính KH và cũng là của chính họ.

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ TT&TT www.moc.gov.vn; Cục Viễn thông www.vnta.gov.vn; Viettel www.vietteltelecom. vn; VNPT www.vnpt.com.vn; Vinaphone www.vinaphone.vn; MobiFone www.mobifone.vn; Viettelstore www.viettelstore.vn; ....

2. Australia: Cơ quan quản lý viễn thông và truyễn thông Úc www.acma.gov.au; Uỷ ban Cạnh tranh và Bảo vệ quyền lợi người dùng Úc www.accc.gov.au; Mỹ (USA): Uỷ ban Viễn thông liên bang Mỹ (The Federal Communications Commission) www.fcc.gov; Vương quốc Anh (UK): Uỷ ban quản lý dịch vụ viễn thông Anh www.ofcom.org.uk; Websites cùa các DN Viễn thông Úc, Mỹ, Vương quốc Anh

(Bài viết đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 6 tháng 6/2021)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • 5 startup công nghệ Việt Nam đang được chú ý
    Trong những năm qua, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể, tạo được môi trường thuận lợi, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia.
  • Tổng thống Mỹ ký sắc lệnh hoãn cấm TikTok 75 ngày
    Ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức ngày 20/01, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp để hoãn việc thực thi lệnh cấm TikTok ở Mỹ trong ít nhất 75 ngày.
  • Tết sắm trang sức DOJI, nhân đôi xuân sắc và tài lộc
    Những ngày cận Tết, chị em tất bật sắm sửa quần áo, làm tóc để đón diện mạo mới, chào tân niên đầy hứng khởi. DOJI giới thiệu những bộ sưu tập tinh hoa như lời chúc xuân tròn đầy gửi đến mỗi khách hàng, cùng ưu đãi hấp dẫn dành riêng cho năm mới Ất Tỵ.
  • Tân Tổng thống Mỹ thu hồi Sắc lệnh về giảm thiểu rủi ro AI
    Ngày 20/1, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thu hồi sắc lệnh hành pháp năm 2023 do cựu Tổng thống Joe Biden ký nhằm mục đích giảm thiểu rủi ro mà trí tuệ nhân tạo (AI) gây ra cho người dùng, người lao động và an ninh quốc gia.
  • Giải pháp xây dựng nền tảng ứng dụng AI trong doanh nghiệp
    Nền tảng công nghệ thông tin (CNTT) kỹ thuật số tích hợp nhiều công nghệ, bao gồm trí tuệ nhân tạo, các giải pháp CNTT điều khiển từ xa và phân tích dữ liệu để cải thiện việc cung cấp dịch vụ CNTT và điện tử viễn thông (ĐTVT).
Đừng bỏ lỡ
Kinh doanh viễn thông thời 4.0: Đã đến lúc xoá bỏ cước viễn thông hàng tháng, nội mạng, liên mạng và cước cố định
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO