Thay đổi thường sẽ chứa đựng những yếu tố không chắc chắn, đặc biệt ở giai đoạn ban đầu. Chẳng hạn như chuyển đến làm việc ở một đất nước mới, một căn hộ mới, hoặc khám phá một nhà hàng mới. Tất cả đều có những điều chưa biết ở phía trước. Tình huống cũng gần giống như khi các chính phủ bước vào địa hình mới của số hóa và áp dụng các nền tảng dựa trên đám mây trong các cơ quan dịch vụ công (DVC).
Các cơ quan chính phủ "chuyển nhà" lên đám mây là một sự thay đổi mang tính đột phá - và cũng có không ít khó khăn. Mặc dù công nghệ đám mây có rất nhiều lợi ích song các công chức vẫn còn nhiều lo ngại về tính bảo mật của việc chuyển sang đám mây.
Làm cách nào để các chính phủ có thể giúp các cơ quan, đơn vị của họ áp dụng đám mây và giải phóng tiềm năng đám mây, để cải thiện quy trình làm việc và các DVC? Các chuyên gia khu vực công trên thế giới đã có nhiều chia sẻ về cách các chính phủ có thể di chuyển sang đám mây một cách hiệu quả và an toàn thông qua trao quyền cho mọi người, thiết lập quan hệ đối tác và thay đổi tư duy.
Nuôi dưỡng một nền văn hóa tiên tiến trên đám mây
Áp dụng tư duy sử dụng điện toán đám mây (ĐTĐM) trong chính phủ có thể giúp các công chức cải thiện năng suất một cách nhanh chóng. Theo trang Govinsider, chính phủ Philippines là một trong những nước đầu tiên trong khu vực có chính sách trên nền tảng đám mây. Chiến lược này đã cải thiện hiệu quả các DVC của Philippines, chẳng hạn như trong khía cạnh ngân sách. Maria Victoria Castro, Thứ trưởng phụ trách về công nghệ số của Philippines cho biết trong đại dịch COVID-19, công nghệ đám mây đã đóng một vai trò quan trọng, cung cấp số liệu thống kê kịp thời cho công chúng,
Bà nhấn mạnh, để các chính phủ thích ứng với các công nghệ đang phát triển, điều quan trọng là các cơ quan phải có tư duy cởi mở để thay đổi. Dennis Lui, Giám đốc điều hành của VITAL, nói thêm: "Các công chức nên sẵn sàng học hỏi, thử nghiệm và thúc đẩy mọi thứ tiến lên trong tổ chức".
VITAL là một cơ quan chính phủ ở Singapore cung cấp các dịch vụ dùng chung cho khu vực công, chẳng hạn như dịch vụ mua sắm, nguồn nhân lực và tài chính.
Lui nhấn mạnh nâng cao kỹ năng cho nhân viên và cho họ thấy sự dễ dàng và lợi ích của các giải pháp dựa trên đám mây là điều cần thiết để thúc đẩy chuyển dịch công nghệ sang đám mây trong chính phủ. Để khai thác tiềm năng của đám mây, VITAL đã đưa ra chiến lược dành cho nhà phát triển công dân (Citizen Developer Strategy), đặt con người vào cốt lõi của quá trình chuyển đổi số (CĐS).
Ví dụ, chiến lược cung cấp cho các nhân viên các khóa đào tạo cần thiết để tiếp cận các nền tảng dựa trên đám mây nhằm giúp công việc của họ trở nên dễ dàng hơn. Các nhân viên có thể học kỹ năng về cách điều hướng các công cụ đám mây không phải lập trình (no-code) như StudioX để phát triển ứng dụng. Điều này khuyến khích nhân viên thử nghiệm và phát triển các dự án của riêng họ, từ đó có sự đóng góp trong hành trình số hóa này.
Mở rộng quan hệ đối tác với các nhà cung cấp công nghệ
Lim May-Ann, Giám đốc Hiệp hội ĐTĐM châu Á, chia sẻ: "Khi các cơ quan công quyền quyết định tái cấu trúc hệ thống và bắt đầu suy nghĩ về cách áp dụng các công nghệ mới như đám mây, các giải pháp sáng tạo hơn sẽ xuất hiện".
Akanksha Bilani, Trưởng Liên minh Khu vực của AWS tại Nhật Bản, cho biết thêm, đám mây có thể giúp các chính phủ đẩy nhanh sự phát triển và áp dụng các công nghệ khác, chẳng hạn như AI, học máy và điện toán hiệu suất cao. Điều này có thể giúp các chính phủ đáng kể trong việc ra quyết định và thực hiện các chính sách có tác động lớn hơn.
Ví dụ, Co-WIN là một nền tảng tiêm chủng dựa trên đám mây do Ấn Độ đưa ra, cho phép công dân dễ dàng đặt lịch hẹn tiêm chủng và truy cập giấy chứng nhận tiêm chủng. Các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cũng có thể sử dụng nó để theo dõi kiểm kê tiêm chủng. Vì Co-WIN sử dụng đám mây nên nó có khả năng mở rộng cao - hơn 940 triệu người dùng đã đăng ký trên nền tảng - cho phép chính phủ đẩy nhanh chương trình tiêm chủng.
Đám mây có thể tạo ra nhiều đổi mới hơn nữa, giúp quy trình làm việc của chính phủ tốt hơn. Ví dụ, các bot ảo có thể tự động trả lời các câu hỏi, giúp công việc của các viên chức trở nên dễ dàng hơn nhiều. AI và máy học có thể được sử dụng để tổng hợp thông tin từ cơ sở dữ liệu của chính phủ và trả lời các câu hỏi đơn giản.
Một khả năng thú vị khác là hệ thống học máy có thể đọc tài liệu, tự động phân tích và lọc thông tin cần thiết cho các bộ phận phụ trợ. Nhân viên có thể tập trung hơn vào các công việc đòi hỏi khả năng phán đoán cao, thay vì xử lý các công việc thủ công và tốn thời gian như sao chép tài liệu vật lý vào máy tính.
Điều quan trọng là phải hiểu việc sử dụng đám mây là một quá trình theo chu kỳ, Lim nhấn mạnh. Khi vạch ra chiến lược di chuyển qua đám mây, các tổ chức cần phải linh hoạt và liên tục kết hợp công nghệ mới có thể nâng cao quy trình làm việc.
Nhưng để các chính phủ thực sự nhận ra tiềm năng của đám mây, họ cần mở rộng quan hệ đối tác với các nhà cung cấp công nghệ. Điều này giúp xây dựng một đội ngũ chuyên gia có thể phát triển các giải pháp có tác động cho chính phủ và áp dụng chúng ở những nơi quan trọng nhất.
Một khía cạnh quan trọng trong chiến lược số hóa của VITAL là thu hút các đối tác, học hỏi các phương pháp hay nhất trong các ngành công nghiệp, khám phá những đổi mới trong khu vực tư nhân và kết hợp chúng vào tổ chức.
Đảm bảo an toàn dữ liệu trên đám mây
Khi nói đến việc di chuyển sang đám mây, các chính phủ phải giải quyết mối căng thẳng giữa việc khai thác sức mạnh của đám mây để tăng năng suất và đảm bảo an ninh dữ liệu.
Theo Openaccessgovernment.org, bảo mật đám mây là một thuật ngữ được sử dụng để mô tả các biện pháp kiểm soát, quy trình và phương pháp mà qua đó các tổ chức và nhà cung cấp dịch vụ lưu trữ đám mây có thể làm việc cùng nhau để bảo vệ dữ liệu dựa trên đám mây và cơ sở hạ tầng CNTT. Điều quan trọng là duy trì sự tuân thủ quy định và bảo vệ dữ liệu có giá trị.
Mặc dù một số tổ chức lo lắng rằng dịch vụ lưu trữ đám mây gây mất quyền kiểm soát dữ liệu và thông tin, nhưng thực tế, tính bảo mật của đám mây vượt trội hơn hệ thống lưu trữ tại chỗ theo nhiều cách, đồng thời cung cấp khả năng bảo vệ tập trung, dữ liệu được sao lưu cực mạnh, tự động vá lỗi và liên tục có những cải tiến.
Đám mây mang lại nhiều lợi ích cho các tổ chức khu vực công. Chính phủ Anh đang vận hành chính sách "Cloud First" cho tất cả các quyết định liên quan đến công nghệ. Bảo mật đám mây sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hiện đại hóa an toàn và bảo mật của khu vực công.
Một giải pháp an toàn dữ liệu được các chuyên gia đưa ra là áp dụng các mức độ bảo mật khác nhau. Điều này có nghĩa là phân loại dữ liệu theo mức độ nhạy cảm và áp dụng các giao thức bảo mật có liên quan. Chẳng hạn, dữ liệu ít nhạy cảm hơn có thể được tải lên đám mây, trong khi dữ liệu tối mật phù hợp hơn để được lưu giữ trên các nền tảng tại chỗ.
Theo chia sẻ của Dennis Lui, Giám đốc điều hành của VITAL, chính phủ Singapore đưa ra các hướng dẫn rõ ràng về cách phân loại dữ liệu. Phương pháp tiếp cận được tiêu chuẩn hóa này giúp các cơ quan công quyền trên khắp các chính phủ chuyển sang đám mây dễ dàng hơn.
Ngoài ra, các chính phủ cũng có thể dựa vào chuyên môn của các nhà cung cấp giải pháp bên thứ ba để giữ an toàn cho dữ liệu. Amazon Web Service giúp tự động hóa các chức năng bảo mật có thể bảo vệ dữ liệu được lưu trữ trên đám mây. Ví dụ, dữ liệu truyền qua mạng toàn cầu có thể được mã hóa tự động trước khi rời khỏi cơ sở đám mây, sao cho chỉ những người dùng được ủy quyền mới có thể truy cập.
CĐS đang tác động đến tất cả các chính phủ trên thế giới. Tất cả mọi người, bất kể họ là một nhân viên mua sắm hay một nhà giáo dục, cũng sẽ là một phần của sự thay đổi này. Các chính phủ nên khai thác sức mạnh của quan hệ đối tác và trao quyền cho các công chức của họ tham gia vào quá trình chuyển đổi này.
Theo Ngân hàng thế giới (WB), việc chuyển từ cơ sở hạ tầng CNTT và lưu trữ dữ liệu cũ sang các dịch vụ đám mây có thể mang lại những lợi ích to lớn cho các chính phủ, tiết kiệm tiền, tăng tính toàn vẹn, chất lượng và tốc độ cung cấp DVC; cung cấp quyền truy cập vào các công cụ phân tích tiên tiến nhất và các tính năng an ninh mạng hiện có. Những lợi ích này đã thúc đẩy sự thay đổi của các chính phủ trên toàn cầu khỏi các hệ thống CNTT cũ và hướng tới các giải pháp đám mây, bao gồm cả các dịch vụ đám mây công cộng./.