Tại Diễn đàn Cấp cao CNTT-TT Việt Nam (Vietnam ICT Summit) 2018, ông Hannes Astok - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Chính phủ số Estonia - Học viện Quản trị điện tử, Estonia – đã chia sẻ kinh nghiệm xây dựng CPĐT tại quốc gia này.
Estonia, quốc gia nhỏ bé đã gặp rất nhiều vấn đề khó khăn sau khi tách khỏi Liên bang Xô Viết đã làm cách nào để vươn lên trở thành quốc gia số hoá thành công nhất thế giới. Quyết tâm cao độ của chính phủ nước này cùng với khoản ngân sách 70 ngàn USD để triển khai dự án chính phủ điện tử đầu tiên.
Ông Hannes Astok chia sẻ kinh nghiệm xây dựng CPĐT tại Estonia
Trách nhiệm của người đứng đầu
Tại Estonia, quá trình xây dựng Chính phủ điện tử của nước này diễn ra từ những năm 90 thế kỷ trước với tuyên ngôn của Thủ tướng "công nghệ thông tin là tương lai của đất nước". Để việc xây dựng Chính phủ điện tử được hiệu quả, Chính phủ xác định phải có sự chỉ đạo quyết liệt, gương mẫu từ cấp lãnh đạo cao nhất. Cụ thể, Thủ tướng Estonia qua các thời kỳ luôn là người chỉ đạo trực tiếp, quyết định các chính sách, kế hoạch ứng dụng CNTT, xây dựng Chính phủ điện tử của quốc gia. Tương tự như vậy, Bộ trưởng các Bộ, cơ quan sẽ chỉ đạo trực tiếp hoạt động ứng dụng CNTT, xây dựng Chính phủ điện tử của Bộ, cơ quan mình.
Xây dựng Cổng Dịch vụ công quốc gia
Estonia xây dựng Cổng Dịch vụ công quốc gia (tại địa chỉ https://www.eesti.ee) để cung cấp đến 99% các dịch vụ thiết yếu (1.500 dịch vụ trực tuyến) cho người dân, doanh nghiệp và thiết lập các hệ thống quản lý đăng ký công dân, hệ thống xác thực thông qua mã số công dân điện tử (eID), xác thực thông qua số điện thoại (MobileID). Đến nay 99% công dân Estonia được cấp 01 mã số định danh duy nhất (eID) và 01 thẻ căn cước điện tử kèm chữ ký số để thực hiện giao dịch với các cơ quan nhà nước; ứng dụng Cổng dịch vụ công quốc gia hiện nay có khoảng 14.000 lượt truy cập mỗi ngày.
Xây dựng nền tảng kết nối, chia sẻ dữ liệu theo hướng phi tập trung
Estonia xây dựng nền tảng x- Road để kết nối các hệ thống thông thông tin, cơ sở dữ liệu của các cơ quan nhà nước. Hệ thống này cho phép liên kết giữa các hệ thống thông tin khác nhau (tính đến hết năm 2016, có 975 cơ quan và tổ chức đã kết nối vào x-Road). Mỗi hệ thống thông tin đều có cở sở dữ liệu riêng nhưng tất cả đều kết nối thông qua x-Road. Để đảm bảo an toàn thông tin, tất cả dữ liệu gửi đi từ X-Road được mã hóa và ký chữ ký điện tử. Tất cả các tin nhắn gửi đi trong hệ thống đều được ký. Các chữ ký số được chứng nhận bởi cơ quan trung ương X-Road. Tất cả các tin nhắn đến được ghi lại và đóng dấu thời gian. Cơ quan trung ương X-Road cung cấp dịch vụ dán tem thời gian. Người nhận tin nhắn sau đó có thể chứng minh với sự giúp đỡ của cơ quan trung ương X-Road khi nào và ai là người gửi tin nhắn. Việc triển khai liên kết các hệ thống thông tin qua nền tảng x-Road đã giúp tiết kiệm cho người dân Estonia 800 năm làm việc mỗi năm.
Hệ thống này hoạt động từ năm 2001 với hơn 2000 dịch vụ điện tử được kết nối; Hơn 900 tổ chức, cơ quan đăng ký và cơ sở dữ liệu được kết nối; Hơn 350 triệu giao dịch trong một năm. Đến nay, hệ thống vẫn an toàn sau cuộc tấn công mạng đầu tiên trên toàn quốc từ năm 2007.
Xây dựng các hệ thống thông tin điện tử hỗ trợ hoạt động quản lý, điều hành
Estonia xây dựng Hệ thống thông tin phục vụ họp Chính phủ (e-Cabinet) theo dõi, quản lý lịch họp, nghiên cứu, xử lý tài liệu, hồ sơ điện tử qua mạng phục vụ Chính phủ và Hệ thống tham vấn chính sách (e-Consultation). Dự thảo văn bản, chính sách sau khi được lấy ý kiến của đối tượng có liên quan thông qua e-Consultation sẽ được chuyển đến e-Cabinet để các Bộ trưởng nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh sửa. Các hệ thống này giúp giảm thời gian, giấy tờ cho các cuộc họp của Chính phủ (có những cuộc họp Chính phủ diễn ra trong khoảng thời gian 30 phút, cuộc họp ngắn nhất kéo dài 01 phút); hỗ trợ tham vấn chính sách liên Bộ, xin ý kiến công dân về dự thảo văn bản quy phạm pháp luật hoặc dự thảo chính sách…
Nguồn lực ưu tiên cho chuyển đổi kinh tế, xây dựng Chính phủ điện tử - Chính phủ số hàng năm ở Estonia được ngân sách đầu tư là 1,4% chi phí của chính phủ.