Kinh tế cần phải kích thích hơn nữa để thoát khỏi "bóng ma" Covid-19, liệu Trung Quốc có tiếp tục nới lỏng tiền tệ?

T. B. Phương| 12/05/2020 12:45
Theo dõi ICTVietnam trên

Những rủi ro tích lũy trong hệ thống tài chính của Trung Quốc vẫn còn ở mức cao, do đó, một gói kích thích quá lớn sẽ có nguy cơ gây ra lạm phát và làm nợ quốc gia tăng nhanh chóng.

Cuối tuần qua, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã tiếp tục đưa ra cam kết sẽ thực hiện thêm nhiều chính sách hỗ trợ để bù đắp thiệt hại kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra, nhưng phần nào cho thấy sự miễn cưỡng của cơ quan này trong việc thực hiện một nỗ lực kích thích lớn tương tự những gì họ đã làm sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Tuyên bố từ PBOC được đưa ra trong bối cảnh có nhiều quan điểm trái chiều giữa các nhà hoạch định chính sách hàng đầu của Bắc Kinh xoay quanh quy mô thích hợp của các gói giải cứu kinh tế và làm thế nào để lấp đi những "hố đen nợ" đó. 

"Tăng trưởng kinh tế và ổn định việc làm là những vấn đề được ưu tiên hàng đầu", PBOC cho biết trong báo cáo thực hiện chính sách tiền tệ quý đầu tiên được công bố hôm 10/5 vừa qua. "Chúng tôi nhận thấy phải có sự hỗ trợ chính sách lớn hơn để bù đắp tác động của đại dịch và cung cấp một môi trường tiền tệ và tài chính phù hợp cho sự phục hồi kinh tế", báo cáo báo trước một sự nới lỏng hơn nữa trong chính sách tiền tệ của Trung Quốc với nỗ lực sớm đưa hoạt động kinh tế trở lại bình thường như trước khi dịch bệnh xảy ra.

Theo số liệu được công bố trước đó, lần đầu tiên kể từ khi áp dụng cách thống kê theo quý kể từ năm 1992, kinh tế Trung Quốc chứng kiến mức tăng trưởng âm 6,8% trong quý I và có thể vẫn còn yếu trong quý này khi tác động của đại dịch tiếp tục gây hại cho hoạt động kinh doanh ở phần còn lại của thế giới.

Trong khi các khu vực sản xuất của Trung Quốc đã mở cửa trở lại, xuất khẩu dự kiến sẽ giảm trong những tháng tới do nhu cầu từ Mỹ và Liên minh châu Âu sụt giảm khi ở một số nơi vẫn đang áp dụng các lệnh đóng cửa để ngăn chặn đại dịch. Ngoài ra, lĩnh vực dịch vụ của Trung Quốc còn khá yếu khi các nhà hàng, địa điểm giải trí và cửa hàng nhỏ mới bắt đầu mở cửa trở lại trong bối cảnh người tiêu dùng vẫn đang tiếp tục cảnh giác về sự bùng phát của virus lần thứ hai.

PBOC nhận định, diễn biến kéo dài của đại dịch trên toàn cầu và ảnh hưởng tiêu cực của nó có thể lớn hơn dự kiến. Kết quả của những nỗ lực mở cửa trở lại trong kinh doanh ở châu Âu và Mỹ cần được quan sát thêm. "Chúng ta phải ước tính đầy đủ về những khó khăn, rủi ro có thể gặp phải vì những thách thức cho sự phát triển kinh tế là chưa từng có".

Từ đầu năm đến nay, PBOC đã cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc ba lần và giảm dần lãi suất thị trường, đồng thời bơm hàng nghìn tỷ nhân dân tệ thanh khoản vào thị trường. Cơ quan này cũng cung cấp thêm 1,8 nghìn tỷ nhân dân tệ (tương đương 254 tỷ USD) cho các ngân hàng thương mại để tăng khả năng cho vay đối với các doanh nghiệp nhỏ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19.

Dữ liệu của PBOC cho thấy các khoản vay mới đã tăng lên 1,7 nghìn tỷ nhân dân tệ trong tháng 4, vượt xa so với kỳ vọng của thị trường là 1,3 nghìn tỷ nhân dân tệ. Dư nợ các khoản tài trợ tài chính đạt 3,08 nghìn tỷ nhân dân tệ trong tháng 4 và 5,15 nghìn tỷ nhân dân tệ trong tháng 3, cao hơn so với mức 1,67 nghìn tỷ nhân dân tệ trong cả năm 2019. Tăng trưởng cung tiền M2, tăng 0,5 điểm phần trăm từ tháng 3 lên mức 11,1%.

Các quan chức của ngân hàng trung ương, đặc biệt là thống đốc Dịch Cương, ngay từ đầu đã cho biết họ không có ý định sử dụng các biện pháp nới lỏng định lượng theo cách mà các nước phương Tây đang thực hiện. Bởi trong quá khứ, gói kích thích 4 nghìn tỷ nhân dân tệ (586 tỷ USD) trong năm 2008 - 2009 đã làm gia tăng của các khoản nợ cũng như phát sinh dự án không cần thiết.

Trong một bài báo được xuất bản vào cuối tháng trước, ông Cương đã cảnh báo những rủi ro tích lũy trong hệ thống tài chính của Trung Quốc vẫn còn ở mức cao, do đó, một gói kích thích quá lớn sẽ có nguy cơ gây ra lạm phát và làm nợ quốc gia gia tăng nhanh chóng.

Báo cáo hàng quý được công bố hôm 10/5 cũng nhắc lại quan điểm của ngân hàng trung ương về việc duy trì chính sách tiền tệ bình thường. Trong đó, PBOC nhấn mạnh rằng việc nới lỏng chính sách nên nhằm mục đích hỗ trợ nền kinh tế thực, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân nhỏ và tăng trưởng tín dụng phải phù hợp với nhu cầu của nền kinh tế.

Ông Tạ Á Hiên, nhà phân tích vĩ mô hàng đầu của China Merchants Securities, cho biết đòn bẩy tổng thể trong nền kinh tế theo tỷ lệ nợ trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sẽ là thước đo cho các kích thích kinh tế của PBOC. Theo tính toán của ông Hiên, tỷ lệ đòn bẩy đã tăng 14 điểm phần trăm trong quý đầu tiên, cao hơn mức mục tiêu của PBOC là 10 điểm phần trăm trong năm nay. "Điều này có nghĩa là có rất ít cơ hội để chính sách tiền tệ được nới lỏng hơn nữa. PBOC vẫn sẽ hợp tác với chính phủ trong việc kiểm soát đại dịch và tăng trưởng GDP, nhưng PBOC cũng không được phép làm gia tăng thêm các khoản nợ trong nền kinh tế", ông Tạ Á Hiên cho biết.

Tham khảo: South China Morning Post



Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Kinh tế cần phải kích thích hơn nữa để thoát khỏi "bóng ma" Covid-19, liệu Trung Quốc có tiếp tục nới lỏng tiền tệ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO