Kinh tế số không còn là xu hướng mà đã là hiện thực
Dịp Tết vừa rồi, tôi về quê. Đứa em đánh xe đưa ông anh đi dạo một vòng quê nhà trong đêm giáp Tết. Hai anh em tiện đường, định ghé vào một cửa hàng để mua món đồ chuẩn bị Tết thì ớ người vì cả hai chỉ nghĩ đi dạo nên không mang tiền. Nhưng chúng tôi vẫn quyết định ghé vào cửa hàng, và sẽ hỏi thử có… chuyển khoản (từ digital bank trên điện thoại của chúng tôi) được không.
Kết quả, quyết định của chúng tôi là đúng đắn, thậm chí là trên cả tuyệt vời! Đáp lại câu hỏi của chúng tôi về việc trả tiền, chủ cửa hàng đưa luôn cho chúng tôi mẫu giấy in sẵn hình một mã QR. Đấy, ở một miền quê nghèo của dải đất miền Trung, công nghệ số, mà cụ thể là ứng dụng FinTech, đã có thể ăn xăm nhanh chóng đến như vậy!
Câu chuyện này một lần nữa khẳng định với chúng ta rằng, kinh tế số và các mô hình, phương thức kinh doanh số không còn là xu hướng, không còn là chủ đề để thảo luận, không còn là mục tiêu để hướng đến và “sẽ” như thế này hay thế khác.
Kinh tế số đã là hiện thực, là thực tế, là thực tại. Dù có thể chưa chạm đến ngưỡng khai thác và thâm dụng sâu kỹ nhất, nhưng những ứng dụng cho các công đoạn đơn giản nhất cũng làm cho chuỗi sản xuất và quy trình cung ứng sản phẩm trở nên gọn nhẹ, tiết kiệm chi phí, hiệu quả hơn rất nhiều.
Kinh tế nền tảng (platform) gần như đang chiếm spotlight trong nền kinh tế số. Thậm chí, theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới thì khu vực này sẽ đóng góp khoảng 70% giá trị tăng thêm của nền kinh tế trong vòng mười năm tới.
So với thời điểm khoảng mười năm trước, khi các nhà lãnh đạo của Đức chính thức mở ra những phác thảo đầu tiên về một chiến lược cho cuộc cách mạng công nghiệp mới – công nghệ số 4.0 thì ở thời điểm bây giờ, những điều đó không còn là… dự báo mà đã nhanh chóng trở thành hiện thực.
Nhưng rõ ràng, con số mười năm cũng có thể khiến cho chúng ta không khỏi giật mình. Với công nghiệp 4.0, bước đi trong thời đại số đã nhanh hơn rất nhiều, và nhân loại hay các nền kinh tế không cần và không thể phải mất quá nhiều thời gian để biến những giấc mơ sáng tạo thành hiện thực.
Đương nhiên, bản thân của đổi mới sáng tạo và công nghệ số đã có những giá trị và cú hích riêng của nó. Nhưng cũng phải thừa nhận rằng, đại dịch Covid-19 ở góc độ nào đó đã vô hình trung tạo ra tác nhân “thiên thời” để nền kinh tế số dễ dàng bứt phá. Nếu thế giới thiếu sự kết nối ở không gian số và sự kích ứng của hàng loạt ứng dụng và nền tảng số, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo, thì chuyện vượt qua nghịch cảnh của đại dịch thật là trần ai.
Vượt xa giá trị công nghệ: Khi mô hình kinh doanh lên tiếng
Paul Krugman, Paul Romer và nhiều nhà kinh tế học đã thảo luận và đưa ra nhiều minh chứng về vai trò và đóng góp của công nghệ đối với kinh tế và hoạt động sản xuất kinh doanh. Thậm chí, có thể nói, tốc độ tăng trưởng và phát triển kinh tế gần như phụ thuộc vào chính tốc độ tăng trưởng về công nghệ. Chỉ có điều, tất cả những điều này đã từng xảy ra… vài chục năm trước. Kinh tế số không đơn thuần là nền kinh tế có sự tham gia của công nghệ số.
Nhưng chính từ những giá trị nền tảng này, kinh tế số và kinh doanh số đã bức phá và tiếp tục tạo ra những giá trị mới. Hay nói cách khác, kinh tế số ứng dụng công nghệ số nhưng giá trị tạo ra phải vượt xa ứng hiệu ứng và giá trị của bản thân công nghệ.
Có thể nhận thấy, kinh tế nền tảng (platform) gần như đang chiếm spotlight trong nền kinh tế số. Thậm chí, theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới thì khu vực này sẽ đóng góp khoảng 70% giá trị tăng thêm của nền kinh tế trong vòng mười năm tới.
Hiệu quả này đương nhiên có phần đóng góp của công nghệ. Hay nói cách khác, khi được tích hợp, công nghệ sẽ tạo ra giá trị của việc khai thác công nghệ trên mỗi platform. Nhưng ngược lại, song hành với công nghệ thì chính platform cũng tìm thấy và tiếp tục tự mình tạo ra những giá trị mới.
Hay nói cách khác, tiết kiệm chi phí sản xuất, phân phối… và mở ra cơ hội tiếp cận sản phẩm, dịch vụ cho người tiêu dùng chỉ là lợi ích tầng đầu (first-order benefits) trong ứng dụng công nghệ. Trong khi, hoạt động kinh tế số hướng đến các mục tiêu gia tăng giá trị và phát triển trong dài hạn.
Các nhà phân tích xem đó là giá trị tầng “sâu” (second-order benefits) dù có thể là những tác động gián tiếp (indirect effects) mà quá trình phát triển và vận hành mô hình kinh doanh số mang lại và tạo ra giá trị hữu ích trong gia tăng sức cạnh tranh và hiệu quả sản xuất.
Cho nên, vận hành mô hình kinh doanh số sẽ khác hoàn toàn với tình huống ứng dụng công nghệ vào các hoạt động và mô hình kinh doanh truyền thống. Vì khi đó, chỉ có công nghệ “lên tiếng”. Ngược lại, ở platform và để trở thành một platform thật sự, mọi phương thức kinh doanh truyền thống đều phải chuyển mình, và việc khai thác công nghệ số là cú hích để họ thay đổi và tạo ra những giá trị của riêng mình. Các nhà kinh tế học xem đó là giá trị có được từ chính mô hình kinh doanh mới – mô hình platform.
Khác với một trang web thương mại điện tử truyền thống, Amazon đã “nương tựa” vào công nghệ để chuyển mình và chiếm hơn 40% thị trường dịch vụ hạ tầng đám mây toàn cầu sau khi gần như chiếm lĩnh thị trường bán lẻ.
Khác với các kho lưu trữ và cung cấp ứng dụng khai thác dữ liệu khác, Google đã thống lĩnh 90% thị trường tìm kiếm. Khác với các kênh kết nối khác, mạng lưới của Facebook đã chiếm hơn hai phần ba thị trường mạng xã hội toàn cầu [1]. Và khác với các kênh truyền hình khác, YouTube đã sống tốt và sống khỏe ngay cả khi cho thế giới xem miễn phí.
Một phần giá trị lớn nhất của chính các nền tảng này là mạng lưới người dùng và dữ liệu. Dữ liệu nhanh chóng trở thành nguồn lực kinh tế quan trọng (economic resources) và dễ dàng được nhìn nhận là một dạng thức của vốn (capital) kinh doanh và của nền kinh tế [2].
Công nghệ giúp platform dễ dàng thiết lập nhưng chính cơ chế vận hành của platform đã biến quá trình khai thác dữ liệu và các hiệu ứng mạng lưới trở nên ý nghĩa và tạo ra các giá trị mới hơn cả mong đợi. Lợi thế của các platform gọi xe trước các hãng taxi truyền thống ngay cả khi các hãng taxi đã nỗ lực rất nhiều trong khai thác và sử dụng công nghệ cũng cho thấy điều này.
Trong dòng chảy dữ liệu có tính phi biên giới hiện nay, rõ ràng mọi thứ được khai thác ở quy mô và kích cỡ thị trường theo diện rộng. Hiệu quả kinh doanh từ đó tiếp tục tăng, nhưng cũng từ đó phát sinh nhu cầu rất lớn cho việc hoạch định các chính sách mới cho nền kinh tế dữ liệu.
Thực ra, chúng ta vẫn đang trong những ngày tháng đầu của kỷ nguyên số. Có quá nhiều vấn đề đặt ra và cần phải giải quyết hơn là số ít câu trả lời mà chúng ta đã có được. Với tốc độ thay đổi chóng mặt về công nghệ, các quốc gia và cơ quan nhà nước vì vậy cũng phải tìm đủ mọi phương cách để có thể tạo dựng khung pháp lý hữu dụng cho nền kinh tế số.
Vấn đề thuế, nghĩa vụ của nhà kinh doanh và hàng loạt giới hạn khác có thể phải đặt ra trước những tác động xấu trong quá trình vận hành các phương thức kinh doanh mới của nền kinh tế. Nhưng cho dù thế nào thì cũng khó có thể phủ nhận cách tiếp cận mang tính phổ quát trong một không gian luôn khuyến khích quá trình tạo ra các giá trị gia tăng mới, lớn và đặc biệt là cả những giá trị về mặt xã hội (social value) được định vị bởi sự hiện diện của các platform và của nền kinh tế số nói chung.
Tài liệu tham khảo
[1] Unctab, Digital Economy Report, 2019, tr. 9.
[2] Unctab, Digital Economy Report, 2021, tr. 69-70.