Với chủ đề "Đối tác tin cậy - Thịnh vượng bền lâu", Hội nghị đã thảo luận các nội dung tôn vinh quá khứ và dự báo về tương lai tươi sáng; thúc đẩy thịnh vượng chung đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội bền vững; giải quyết nhu cầu phát triển năng lượng để thúc đẩy tăng trưởng trong tương lai của Việt Nam; ứng dụng kinh tế kỹ thuật số để thúc đẩy phục hồi kinh tế Việt Nam; chuyển hướng chuỗi cung ứng, sản xuất của châu Á thời hậu Covid-19…
Hội nghị do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội (AmCham), Phòng Thương mại Hoa Kỳ phối hợp tổ chức hôm nay 9/10, tại Hà Nội. Dự hội nghị có các lãnh đạo Chính phủ, Bộ, ngành, đại diện các doanh nghiệp (DN) của hai quốc gia Việt Nam – Hoa Kỳ.
Hội nghị là sự kiện hướng tới kỷ niệm 25 năm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam – Hoa Kỳ (1975-2020). Đồng thời, Hội nghị khẳng định sự phát triển tích cực trong quan hệ song phương giữa hai quốc gia, tăng cường sự kết nối các nhà đầu tư, tập đoàn lớn của Hoa Kỳ tiếp tục mở rộng đầu tư, đầu tư mới tại Việt Nam, hợp tác và tạo cơ hội để DN Việt Nam cùng tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt trong các lĩnh vực có lợi thế phát triển trong điều kiện "bình thường mới".
Việt Nam - Điểm đến hấp dẫn đầu tư
Tại Hội nghị, ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành Amcham cho biết, mặc dù thặng dư thương mại của Việt Nam với Hoa Kỳ chưa được như mong muốn, tuy nhiên, xu hướng tăng trưởng thương mại và đầu tư giữa hai quốc gia sẽ luôn được duy trì, ngày càng phát triển đi lên.
"Những tiến bộ trong các vấn đề then chốt được nêu tại Hội nghị thượng đỉnh hôm nay sẽ giúp cải thiện các điều kiện kinh doanh nhằm tăng cường sức mạnh của khối tư nhân, đảm bảo sự phát triển kinh tế và xã hội, thu hút thêm nguồn đầu tư và thúc đẩy sự thịnh vượng tại Việt Nam", Giám đốc điều hành Amcham khẳng định.
Theo ông Hà Kim Ngọc, Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ, hội nghị là sự thể hiện quyết tâm, sáng tạo cao của lãnh đạo VCCI, Amcham. Mặc dù dịch bệnh Covid-19 cùng những thách thức đang nổi lên, nhưng điều đó không ngăn cản được những quyết tâm của chính phủ, cộng đồng DN hai nước luôn nỗ lực, tích cực nắm bắt các cơ hội để hợp tác và phát triển, góp phần vào hòa bình, ổn định, thịnh vượng hai quốc gia.
Trong thời gian qua, các hoạt động hợp tác trao đổi giữa các bộ, ngành của hai nước ngày càng chặt chẽ, mở rộng. Bên cạnh đó, với tầm nhìn chiến lược các lãnh đạo hai nước, cùng sự hợp tác chân thành từ hiệp hội, DN, trong đó có Amcham, VCCI, quan hệ thương mại - đầu tư Việt - Mỹ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, bền vững trong những năm tới.
"Món quà 100 máy thở do Tổng thống Mỹ Donald Trump gửi tặng Việt Nam vừa qua đã nói lên tất cả sự thể hiện hợp tác chân thành và hiệu quả giữa hai nước", Đại sứ Hà Kim Ngọc nhấn mạnh.
Đại sứ còn khẳng định, thương mại đầu tư là một trụ cột quan trọng của quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ. Việt Nam – Hoa Kỳ đã trở thành đối tác quan trọng hàng của nhau. Hoa Kỳ là nhà đầu tư lớn tại Việt Nam, và các dự án đầu tư của Việt Nam tại Mỹ đang xuất hiện ngày càng nhiều, tạo lợi ích lớn cho các DN, tạo việc làm cho hàng triệu người lao động.
Trên quan điểm cần thiết tổ chức Hội nghị này, cũng như cần phải tăng cường hơn nữa mối quan hệ kinh tế giữa hai nước Việt Nam – Hoa Kỳ, ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, hiện nay, trong bối cảnh kinh tế, chính trị thế giới đang có những diễn biến phức tạp, xung đột thương mại giữa các nền kinh tế lớn vẫn đang tiếp diễn căng thẳng, đặc biệt là chịu ảnh hưởng, tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 đang làm đứt gãy chuỗi cung ứng, các tập đoàn đa quốc gia.
Vì điều này, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, Việt Nam đã chủ động đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu, đa dạng hóa đầu tư, nhằm tránh sự phụ thuộc vào một quốc gia, một đối tác.
Với những lợi thế cạnh tranh sẵn có, cùng những cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư, đồng thời với những biện pháp phòng chống Covid-19 tích cực và hiệu quả, Việt Nam đang được cộng đồng thế giới đánh giá cao, trở thành một điểm đến đầu tư hấp dẫn và an toàn cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các DN Hoa Kỳ.
"Để thu hút dòng vốn, các nhà đầu tư, tập đoàn, DN lớn trên thế giới, những năm qua, Việt Nam đã thành lập Tổ Công tác thúc đẩy hợp tác, đầu tư nước ngoài và đang chuẩn bị các điều kiện đầu vào như: hạ tầng đất đai, mặt bằng sạch; đẩy nhanh quá trình đào tạo nguồn nhân lực nhằm đáp ứng nhu cầu của DN có vốn đầu tư nước ngoài; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia", Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh.
Khẳng định thêm về đường lối, chính sách đúng đắn của Việt Nam trong tiến trình hội nhập, phát triển kinh tế với thế giới, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết: Một loạt các bộ luật liên quan đến đầu tư - kinh doanh đã được Quốc hội ban hành như: Luật đầu tư, Luật DN, Luật Đầu theo phương thức hợp tác công tư (PPP).
Ngoài ra, Việt Nam cũng tập trung ưu tiên thông qua các cơ chế, chính sách mở, đơn giản hóa mọi thủ tục giấy tờ đầu tư, tăng cường phân cấp, minh bạch, đa dạng, bổ sung các cơ chế ưu đãi đầu tư đặc biệt cho các dự án quy mô lớn… Đặc biệt, Việt Nam chính thức ký kết thành công Hiệp định thương mại tự do EU (EVFTA) cùng Hiệp định bảo hộ đầu tư EU (EVIPA). Những ký kết này đã mở ra hướng hợp tác mới, rộng lớn, toàn diện và phát triển mạnh mẽ giữa Việt Nam và EU, trong đó có các DN Hoa Kỳ.
Tự hào chặng đường 25 năm
Có thể nói kể từ khi bình thường hóa quan hệ (tháng 7/1975) đến nay, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đã phát triển mạnh mẽ trên nhiều phương diện, từ hợp tác chính trị và kinh tế đến mở rộng hợp tác trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng, khoa học công nghệ, giáo dục và đào tạo, y tế…
Cùng với đó, Việt Nam - Hoa Kỳ đã xác lập quan hệ "Đối tác toàn diện" năm 2013. Đây là mối quan hệ quý báu giữa hai nước, nhờ đó hai quốc gia đã đạt được những bước tiến mới, thực chất hơn, gia tăng sự quan tâm và hiểu biết lẫn nhau, toàn diện trên cả bình diện song phương và đa phương với nguyên tắc tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của mỗi quốc gia.
Hiện nay, DN Hoa Kỳ đã có mặt đầu tư, kinh doanh thành công tại Việt Nam, tiêu biểu là các dự án của Cargill, Coca-Cola, Pepsico, Caterpillar, Intel… Đây chính là những viên gạch quan trọng để gắn kết mối quan hệ về đầu tư giữa Việt Nam - Hoa Kỳ, qua đó mở đường và thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa hai nước theo hướng bền vững, phát triển sản phẩm, sản xuất và xây dựng thương hiệu trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Đến nay, Hoa Kỳ đầu tư vào Việt Nam hơn 1.000 dự án (còn hiệu lực), chủ yếu thông qua các chi nhánh, các công ty con đăng ký tại nước thứ ba, các DN sản xuất cung ứng với tổng vốn đạt 9,4 tỷ USD, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực: kinh doanh, dịch vụ khách sạn, ăn uống, công nghiệp chế biến…
Tự hào trong chặng đường 25 năm qua, đến nay Việt Nam cũng đã đầu tư vào Hoa Kỳ với tổng 200 dự án (còn hiệu lực), với tổng vốn đăng ký gần 750 triệu USD. Tiêu biểu những dự án như: Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), Công ty CP Vingroup Investment, Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk), CTTNHH Phần mềm FPT, Công ty CP Công nghệ Mobifone toàn cầu…
Bên cạnh những thành tựu trong hợp tác đầu tư và thương mại, Hoa Kỳ còn là một trong những nhà tài trợ vốn ODA lớn nhất cho Việt Nam (sau Nhật Bản, Hàn Quốc). Năm 2005, Chính phủ Việt Nam và Hoa Kỳ đã ký kết Hiệp định hợp tác Kinh tế và kỹ thuật để tạo khung khổ pháp lý và thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ, phát triển chính thức ODA của Hoa Kỳ tại Việt Nam. Điều này đã góp phần thúc đẩy, thắt chặt hơn nữa mối quan hệ kinh tế giữa hai quốc gia.
Như vậy, qua sự kiện lần này, với những quyết tâm sự hợp tác, bắt tay cùng vì mục tiêu phát triển, có lợi giữa hai quốc gia, chúng ta không chỉ tin tưởng mối quan hệ "hữu hảo" giữa hai nước thời gian qua sẽ tiếp tục được bền chặt mà còn mở ra thời kỳ phát triển tốt đẹp, đặc biệt quan hệ đầu tư – thương mại đang trở thành động lực quan trọng cho các lĩnh vực hợp tác.
"Sự hợp tác này cần được tiếp tục ưu tiên phát triển, dựa trên tinh tinh thần thẳng thắn, hỗ trợ xây dựng và phát triển chuỗi giá trị mới để nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác đầu tư, qua đó góp phần thắt chặt và phát triển mối quan hệ Việt nam – Hoa Kỳ ngày càng tốt đẹp, vì lợi ích của nhân dân hai nước", Thứ trưởng Trần Duy Đông mong muốn.