Làm gì đến nâng cao hiệu quả truyền thông chính sách trên Internet
Việc đổi mới phương thức truyền thông chính sách cần diễn ra theo hướng đa dạng hóa các phương thức truyền thông, nâng cao hiệu quả.
Thực trạng hiện nay
Truyền thông chính sách trên nền tảng Internet đã và đang gặp nhiều thách thức, khó khăn. Đối với việc truyền thông chính trị nói chung và truyền thông chính sách nói riêng, tình trạng dư thừa thông tin, sai lệch thông tin còn diễn ra khá phổ biến, làm tổn hại và lệch lạc thông điệp mà Chính phủ muốn gửi đến người dân. Môi trường Internet đã tạo ra một trữ lượng thông tin khổng lồ. Thông tin trên mạng trực tuyến được gia tăng từng giây phút với tốc độ nhanh chóng, tạo nên một không gian lưu trữ thông tin bất tận. Vì vậy, việc tạo ra một điểm nhấn, một trọng điểm truyền thông trên Internet rất khó khăn. Việc đưa thông điệp của truyền thông chính sách trở thành nguồn chủ đạo trên không gian mạng là vấn đề không dễ dàng.
Phần lớn công chúng chưa thực sự chủ động trong việc lựa chọn nội dung thông tin, chỉ đọc và xem những gì hiện trước mắt trên các thiết bị điện tử. Trong khi đó, các kênh truyền thông chính sách rất ít khi đến được với đông đảo công chúng do khả năng tương tác không cao, thông tin đưa ra đơn điệu, thiếu hấp dẫn... Thực trạng này làm cho mức độ nhiễu trong hoạt động truyền thông, khó phân biệt được đúng - sai, thật - giả, không xác định, nắm bắt chính xác được thông điệp của truyền thông chính sách từ phía cơ quan nhà nước và làm suy giảm hiệu quả của quá trình truyền thông chính sách.
Cũng trên không gian mạng, nhiều người có động cơ không trong sáng, bất mãn với chế độ, luôn tìm cách thao túng dư luận; Tấn công, đe dọa, xúc phạm cá nhân, tổ chức và bôi xấu chính sách của nhà nước... Một số khác bị các tổ chức thù địch lợi dụng thâm nhập vào các nền tảng truyền thông xã hội, tuyên truyền phản động, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với năng lực lãnh đạo, quản lý của Đảng và nhà nước. Điều này gây ảnh hưởng tiêu cực và gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với việc triển khai thực hiện chính sách của quốc gia. Một số đối tượng có ý đồ xấu đã sử dụng bộ nhận diện hình ảnh của cơ quan công quyền hoặc những nhà lãnh đạo, các chuyên gia, người nổi tiếng để tạo ra các tài khoản giả mạo, mạo danh để đăng tải những thông tin không chính xác, xuyên tạc hoặc những thông tin ngược với đường lối, chính sách của Đảng và nhà nước.
Đâu là giải pháp căn cơ
Các cơ quan nhà nước cần có sự hiểu biết sâu sắc về mô hình quản lý công việc của chính quyền các cấp trên nền tảng Internet và ứng dụng công nghệ trên không gian mạng nhằm thực hiện các mục tiêu đề ra với sự trợ giúp của các phương tiện truyền thông mới, truyền thông đa phương tiện. Đội ngũ lãnh đạo các cấp cần xem xét, đánh giá những tác động của Internet đối với truyền thông chính sách; Tích cực tiếp thu tinh thần hội nhập và chia sẻ, biến Internet thành công cụ để giao tiếp, trao đổi, truyền tải thông tin chính sách đến với người dân một cách nhanh nhất, gần gũi và hiệu quả.
Việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật trên cơ sở phát triển các công nghệ mạng là động lực và bảo đảm cho sự nâng cấp, đổi mới các hoạt động truyền thông chính sách trên nền tảng Internet. Trong quá trình đổi mới công nghệ truyền thông chính sách, cần dựa trên cơ sở kỹ thuật số và sử dụng công nghệ tiên tiến để thực hiện tích hợp các kênh truyền thông khác nhau. Một mặt cải thiện các trang web, trang thông tin điện tử, trang mạng xã hội chính thức của các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là các cơ quan báo chí, thông tấn, xuất bản. Mặt khác, thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số, công nghệ mạng giữa các vùng, người dân trong cả nước; Có biện pháp ưu đãi, khuyến khích, thúc đẩy mạnh mẽ việc xây dựng hạ tầng Internet ở vùng sâu, vùng xa thông qua hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật và nhân lực.
Bản thân thông tin chính sách có tính nghiêm túc, quy chuẩn và thẩm quyền cao. Tuy nhiên, với nội dung truyền thông đó lại kém hấp dẫn, làm giảm tác dụng của truyền thông chính sách. Để nâng cao hiệu quả công tác truyền thông chính sách và tăng cường khả năng thực thi chính sách, cần đổi mới nội dung truyền thông. Các cơ quan, đơn vị truyền thông có thể diễn giải nội dung của chính sách một cách cụ thể, rõ ràng, chi tiết; Sử dụng cách diễn giải thân thiện, gần gũi với người dân để chuyển ngôn ngữ của văn bản hành chính sang ngôn ngữ đời sống của công chúng; Bổ sung bằng hình ảnh, âm thanh hoặc video sinh động, hoặc tăng cường giải thích bằng những tình huống cụ thể... Việc đổi mới nội dung truyền thông chính sách có thể dẫn đến rút ngắn khoảng cách giữa chính quyền các cấp với công chúng.
Việc đổi mới phương thức truyền thông chính sách cần diễn ra theo hướng đa dạng hóa các phương thức truyền thông, nâng cao hiệu quả của truyền thông chính sách. Các cơ quan nhà nước cần tăng cường ứng dụng công nghệ truyền thông mới, cải thiện sự tương tác giữa chính quyền với người dân, tận dụng tối đa các nền tảng truyền thông xã hội, như Facebook, Youtube, Zalo... với các tài khoản chính thức để tăng cường giao tiếp với công chúng và chú ý đến việc phản hồi của họ đối với từng thông tin cũng như chiến dịch truyền thông cho một chính sách nào đó.
Khả năng đáp ứng của chính quyền đối với người dân là thước đo quan trọng của nền chính trị dân chủ. Mục tiêu của việc tham gia chính trị trực tuyến của công dân là tác động đến các chính sách công. Nhà nước cần quan tâm đầy đủ đến sự tham gia chính trị trực tuyến của người dân, tích cực sử dụng các chức năng xã hội của các phương tiện thông tin đại chúng, hướng dẫn các phương tiện truyền thông khác nhau để lan tỏa năng lượng tích cực, đồng thời, chủ động phản hồi các vấn đề xã hội, tìm hiểu dư luận và phản hồi thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, để truyền tải thông tin được kịp thời, toàn diện.
Các cơ quan, đơn vị, nhất là các cơ quan truyền thông, thông tin cần nhận thức đầy đủ việc truyền thông chính sách trên nền tảng Internet phải dựa nhiều hơn vào việc tương tác, lắng nghe công chúng. Có thể nói, truyền thông chính sách hướng tới mục đích cung cấp thông tin, thu hút sự ủng hộ của nhân dân, thuyết phục người dân thực thi chính sách. Công tác truyền thông nói chung và truyền thông chính sách nói riêng phải tuân theo quy luật của xã hội thông tin. Truyền thông chính sách phải nhận diện, phân tích và quản lý được các dòng chảy thông tin, những dấu hiệu mở rộng của truyền thông, bao gồm cả các dòng chảy thông tin trên nền tảng truyền thông và thông tin trên các nền tảng công nghệ. Sự liên kết, tích hợp và tương tác của truyền thông chính sách đã trở thành hướng đổi mới, tạo động lực để tối ưu hóa mô hình truyền thông của các tổ chức, cơ quan nhà nước.