Làm gì khi tắt sóng 3G?

Bảo Bình| 01/12/2021 14:05
Theo dõi ICTVietnam trên

Tắt sóng 3G nghĩa là nhà mạng có thể phân bổ lại phổ tần hiện đang được sử dụng cho mạng 3G để sử dụng cho mạng 4G và 5G. Vì vậy, hiện nay trên thế giới, hầu hết các nhà mạng của các nước đều đã có những động thái, tuyên bố về việc tắt sóng 3G. Một số nhà mạng đã hoàn thành, một số có lịch trình muộn hơn.

Tại Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cũng đã đề xuất phương án dừng công nghệ di động mặt đất cũ (2G, 3G) sớm nhất từ năm 2022 với một lộ trình phù hợp.

Nhiều quốc gia đã tuyên bố lộ trình tắt sóng 3G

Mỹ

Mới đây, các nhà mạng Mỹ đồng loạt tuyên bố kế hoạch sẽ tắt sóng 3G. Các nhà mạng đều xác định, sau khoảng hai thập kỷ, đã đến lúc bắt đầu nói lời tạm biệt với 3G.

Kể từ khi ra mắt công nghệ này vào khoảng năm 2002 và khiến những chiếc điện thoại thông minh như iPhone trở nên vô cùng hấp dẫn với công nghệ 3G, đến nay tất cả các nhà khai thác mạng không dây lớn của Mỹ đang chuẩn bị đóng cửa mạng 3G của họ trong vài năm tới.

Nhà mạng AT&T giải thích rằng: "Để hỗ trợ tốt hơn việc sử dụng dữ liệu tốc độ cao trên mạng lưới của mình, chúng tôi đang tiến hành ngừng cung cấp mạng 3G, tăng dung lượng cho các công nghệ thế hệ tiếp theo".

Nhà mạng Verizon của Mỹ đã tắt sóng 3G từ cuối năm 2020 và cho biết hầu hết lưu lượng dữ liệu của Verizon đều chạy trên mạng lưới 4G LTE, rất ít khách hàng vẫn đang tiếp cận mạng lưới 3G của Verizon. Hãng di động cũng cho biết khách hàng có thể gọi vào số dịch vụ khách hàng nếu gặp khó khăn trong quá trình nhà mạng tắt sóng 3G. Trong khi đó, AT&T tuyến bố sẽ cắt sóng 3G vào "đầu năm sau" và "điều này sẽ giúp giải phóng băng tần, từ đó tạo điều kiện tốt hơn cho các công nghệ và dịch vụ thế hệ mới". Nhà mạng T-Mobile của Mỹ cũng cho biết "sẽ cắt sóng 3G trong vài năm tới" song chưa chia sẻ khung thời gian chính xác. T-Mobile nói rằng "chúng tôi sẽ loại bỏ một số công nghệ cũ hơn để giải phóng năng lượng cho LTE và 5G. Các khách hàng bị ảnh hưởng sẽ được báo trước và hỗ trợ".

Điều quan trọng là tất cả các nhà mạng lớn của Mỹ đều đã thực hiện bước tiến lớn đầu tiên trong việc đóng cửa mạng 3G của họ: đó là họ không còn kích hoạt bất kỳ thiết bị 3G nào nữa. Đây là một động thái phổ biến khi các nhà khai thác mạng không dây tìm cách chuyển sang các công nghệ mới hơn - thường họ sẽ thực hiện việc này vài năm trước khi thực sự đóng cửa một công nghệ với giả định rằng hầu hết khách hàng sẽ tự nhiên nâng cấp lên một thiết bị mới hơn và được hỗ trợ trước khi dịch vụ chính thức ngừng hoạt động. 

Làm gì khi tắt sóng 3G? - Ảnh 1.

Trên thế giới, hầu hết các nhà mạng của các nước đều đã có những động thái, tuyên bố về việc tắt sóng 3G. (Ảnh minh họa)

Anh

BT, chủ sở hữu của nhà mạng EE ở Anh tuyên bố sẽ tắt sóng 3G trong hai năm tới để giải phóng băng tần, nhằm giúp đưa 5G đến toàn quốc vào năm 2028.

CEO Marc Allera của BT Consumer, phụ trách các nhãn hiệu EE, BT và Plusnet, cho biết nhu cầu về dung lượng di động đang tăng 40% mỗi năm và BT đã bật mạng 5G tại 160 thị trấn và thành phố kể từ khi ra mắt vào năm 2019.

Lưu lượng truy cập mạng 5G của BT đã tăng hơn gấp bốn lần kể từ tháng 10/2019, khi iPhone 12 hỗ trợ 5G ra mắt. Trong khi nhu cầu 4G và 5G tiếp tục tăng, lưu lượng truy cập trên các mạng 3G và 2G cũ đang giảm. Chưa đến 3% dữ liệu và 25% lưu lượng thoại được thực hiện trên mang 3G.

Theo CEO Marc Allera, EE là nhà khai thác đầu tiên đưa ra khung thời gian ngừng hỗ trợ dịch vụ 3G vào đầu năm 2023. Công nghệ di động thế hệ thứ ba, ra mắt ở Anh vào năm 2003, đã mang lại một bước nhảy vọt về dung lượng dữ liệu, cho phép truy cập Internet trên điện thoại di động. Các nhà khai thác đã chi 22,5 tỷ bảng Anh (31 tỷ USD) để mua phổ 3G ở Anh vào năm 2000 vào thời kỳ đỉnh điểm của cuộc bùng nổ dotcom.

BT cho biết mạng 5G của họ sẽ phủ sóng 50% dân số Vương quốc Anh vào đầu năm 2023, trước 4 năm so với mục tiêu của chính phủ. "Vào năm 2028, mạng 5G của EE sẽ phủ sóng hơn 90% diện tích đất nước Anh", Allera cho biết, "và bất cứ nơi nào xa hơn sẽ được phục vụ bằng các giải pháp 5G như kết nối vệ tinh".

Malaysia

Tại Malaysia, Thứ trưởng Bộ Truyền thông và Đa phương tiện Datuk Zahidi Zainul Abidin của nước này cho biết vùng phủ sóng 3G ở Malaysia sẽ ngừng hoạt động vào cuối năm nay.

Ông cho biết mạng 3G sẽ ngừng hoạt động theo từng giai đoạn trong khi vùng phủ sóng của mạng 4G cũng sẽ được tăng cường.

Trong chuyến làm việc với Ủy ban Truyền thông và Đa phương tiện Malaysia (MCMC), lãnh đạo Bộ Truyền thông và Đa phương tiện cho biết sẽ "Chỉ còn lại mạng 4G và 2G, vì 2G vẫn quan trọng đối với việc sử dụng điện thoại". 

Ông cho biết việc triển khai 5G của Digital Nasional Berhad (DNB) sẽ được thực hiện từ năm 2023 đến năm 2026 liên quan đến 59 địa điểm và vấn đề đã được thảo luận với chính phủ hồi tháng 8 vừa qua. Tỷ lệ phủ sóng mạng 4G trên toàn quốc ở Malaysia hiện đã đạt 94%.

Zahidi cho biết quốc gia này dự kiến có thể đạt được vùng phủ sóng 4G đầy đủ trong vòng hai năm và các nỗ lực đang được chính phủ cùng với các cơ quan liên quan thực hiện. "Một khi tất cả các khu vực đã đạt 4G, chúng tôi sẽ cố gắng nâng cấp vùng phủ sóng lên mạng 5G", ông nói. 

Australia

Ở Australia, hai nhà mạng Telstra và Vodafone đã loại bỏ dần các phần của mạng 3G của họ, nhưng vẫn phải mất nhiều năm nữa trước khi mạng 3G ngừng hoạt động hoàn toàn.

Telstra hiện là hãng viễn thông duy nhất ở Australia cung cấp ngày kết thúc mạng lưới 3G. Theo đó, Telstra đã tắt kết nối 3G trên phổ tần số 2100MHz vào ngày 25/3/2019, nhưng sẽ tiếp tục khai thác dịch vụ 3G trên phổ tần số 850MHz cho đến tháng 6/2024.

Telstra đã công bố danh sách các thiết bị bị ảnh hưởng bởi sự cố ngừng hoạt động 3G trên phổ tần số 2100MHz. Theo giải thích, nếu người dùng có thiết bị 3G phổ tần số 2100MHz, thiết bị đó sẽ không thể kết nối với mạng Telstra nữa. Nếu vẫn có thể nhận được 3G trên mạng Telstra, nghĩa là thiết bị không bị ảnh hưởng bởi việc tắt 3G trên 2100MHz của Telstra.

Nhà mạng Vodafone ở Úc cũng đã tắt kết nối 3G trên phổ tần số 2100MHz trong suốt năm 2019, nhưng vẫn đang khai thác các dịch vụ 3G trên phổ tần 900MHz. Vodafone hiện chưa có lịch trình xác nhận về việc ngừng dịch vụ di động 3G.

Nhà mạng thứ ba của Australia là Optus sẽ kết thúc kết nối 3G trên dải tần 2100MHz vào tháng 4 năm sau. Optus hiện cung cấp kết nối 3G trên cả dải tần 900MHz và 2100MHz. Hiện tại, hãng chỉ có kế hoạch tái trang bị phổ tần 2100MHz thành 4G và 5G. Optus cũng chưa đưa ra mốc thời gian cụ thể về thời điểm ngừng cung cấp 3G trên phổ tần 900MHz.

Việt Nam

Tại Việt Nam, Bộ TT&TT đã đề xuất phương án dừng công nghệ di động mặt đất cũ (2G, 3G) sớm nhất từ năm 2022 với một lộ trình phù hợp để thúc đẩy người dùng điện thoại thông minh (smartphone) tiến tới xã hội số.

Thông tư số 43/2020/TT-BTTTT ngày 31/12/2020 của Bộ trưởng Bộ TT&TT Ban hành "Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị đầu cuối thông tin di động mặt đất - Phần truy nhập vô tuyến" có hiệu lực từ ngày 01/7/2021. Theo đó các thiết bị đầu cuối thông tin di động sản xuất, nhập khẩu vào Việt Nam phải hỗ trợ công nghệ 4G trở lên.

Cục Viễn thông – Bộ TT&TT cho biết, chủ trương hỗ trợ smartphone tới các hộ nghèo và cận nghèo đã được đưa vào dự thảo Chương trình viễn thông công ích giai đoạn 2021-2025 trình Chính phủ. Theo đó, chương trình dự kiến sẽ hỗ trợ 2,1 triệu máy smartphone cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo trên toàn quốc.

Bộ TT&TT đã đề xuất phương án dừng công nghệ di động mặt đất cũ (2G, 3G) sớm nhất từ năm 2022 với một lộ trình phù hợp. Ngoài ra, đến tháng 9/2024 khi các giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông di động và các giấy phép tần số để triển khai mạng di động hết hạn, Bộ sẽ không tiếp tục gia hạn giấy phép sử dụng băng tần số vô tuyến điện sử dụng cho công nghệ 2G/3G. Do đó, việc chuyển đổi công nghệ, thiết bị, dừng phát sóng công nghệ cũ sẽ được triển khai một cách đồng bộ, quyết liệt trong giai đoạn tới.

Cục Viễn thông cho hay, trong thời gian tới các doanh nghiệp di động cần chủ động nâng cấp hệ thống kịp thời, dung lượng hệ thống phải đủ đáp ứng cho toàn bộ thuê bao sử dụng VoLTE trước khi tắt sóng các công nghệ cũ (2G và 3G).

Cục Viễn thông cũng đã làm việc với các doanh nghiệp di động, các doanh nghiệp sản xuất để kích hoạt các tính năng tiên tiến của công nghệ LTE-Advanced trên mạng băng rộng di động.

Hiện nay trên thế giới, hầu hết các nhà mạng của các nước đều đã có những động thái, tuyên bố về việc tắt sóng 3G cũng như lịch trình tắt sóng. Theo kế hoạch, hết năm 2021, các nhà mạng như Deutsche Telekom, O2, Vodafone ở Đức đều sẽ tắt sóng 3G. Tại Ấn Độ, nhà mạng Airtel đã tắt sóng 3G vào năm 2020 và nhà mạng Vodafone Idea ở Ấn dự kiến tắt sóng 3G trong năm nay. Tất cả các nhà mạng ở Đài Loan đều đã tắt sóng 3G từ năm 2017-2018. Hàn Quốc cũng đã hoàn thành việc tắt sóng 3G. Các quốc gia như Australia, Canada có lịch trình tắt sóng 3G muộn hơn, vào khoảng năm 2024-2025. Tắt sóng 3G sẽ giải phóng băng thông để có dịch vụ 4G và 5G tốt hơn.

Làm gì khi tắt sóng 3G? - Ảnh 2.

Tắt sóng 3G sẽ gây ra những tác động gì và cách giải quyết

Theo báo cáo gần đây nhất của tập đoàn công nghiệp Global System for Mobile Communications, 9% thuê bao Mỹ vẫn sử dụng mạng 3G trong năm 2019. Một số thuê bao này vẫn rất cần đến dịch vụ 3G, bởi vì một số vùng nông thôn lớn ở Mỹ có 3G nhưng chưa có 4G hoặc 5G, khiến người dân địa phương phụ thuộc vào mạng lưới đang chết dần này, đặc biệt là khi các công ty viễn thông đang tích cực loại bỏ điện thoại cố định. Những người dùng 3G khác ở Mỹ là những người không muốn truy cập Internet hoặc là tín đồ của điện thoại nắp gập - họ không thích Internet. Một số khác vẫn sử dụng điện thoại 3G cũ vì họ không đủ tiền mua điện thoại mới.

Và không chỉ người dùng cá nhân, nhiều thiết bị khác cũng sử dụng mạng 3G. Sean Miller, Chủ tịch tại PointCentral, một bộ phận của Alarm.com chuyên cung cấp dịch vụ bảo mật và thiết bị tự động hóa cho thị trường cho thuê nhà, nói rằng công ty của ông đang làm mới các thiết bị cũ hơn bằng các thiết bị tích hợp modem 4G. Mặc dù việc chuyển đổi không phải là điều bất ngờ đối với công ty, nhưng một số khách hàng của công ty vẫn bối rối không biết tại sao họ cần cập nhật thứ gì đó vẫn đang hoạt động tốt.

Quá trình chuyển đổi này sẽ phải tốn kém chi phí. Miller nói rằng hầu hết khách hàng sẽ bị tính phí cho việc nâng cấp lên một trung tâm mới (họ cũng sẽ nhận được các tính năng mới). Các công ty lớn khác cũng đang chuyển đổi. Tập đoàn thiết bị xây dựng, khai thác và nông nghiệp khổng lồ Caterpillar đang hoán đổi thiết bị 3G cũ hơn cho modem 4G mới với sự trợ giúp từ CalAmp, công ty tạo ra các thiết bị cung cấp kết nối cho đội của Caterpillar. Jeff Clark, quản lý sản phẩm tại CalAmp, giải thích rằng họ đã bắt đầu bổ sung modem 4G LTE vào các thiết bị của mình cùng với modem 3G vào năm 2016 và 2017 để giúp giảm bớt quá trình chuyển đổi này. Và họ cũng đã ngừng bán các thiết bị chỉ có 3G khoảng ba năm trước.

Đối với các nhà mạng, việc chuyển đổi có nghĩa là họ sẽ có thể phân bổ lại phổ tần hiện đang được sử dụng cho mạng 3G để sử dụng cho mạng 4G và 5G. Điều này sẽ vừa tăng băng thông trên một số mạng vừa tăng cường độ tin cậy của 5G khi một số sóng truyền thông chính có thể đi xuyên qua các tòa nhà và trong khoảng cách xa hơn sẽ được sử dụng lại.

Tuy vậy, việc tắt sóng 3G có thể gây ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp sử dụng nhiều thiết bị IoT. Công nghệ mạng 2G ban đầu được thiết kế để xử lý các cuộc gọi điện thoại, tin nhắn văn bản ngắn. 2G không được thiết kế cho nhu cầu sử dụng Internet và đa phương tiện của điện thoại thông minh, chính vì thế theo thời gian và nhu cầu, mạng 3G đã ra đời.

Mạng 3G cũng khiến thị trường thiết bị Internet of Things trở nên phổ biến. Các thiết bị Internet of Things bắt đầu nổi lên vào đầu những năm 2000. Nhưng đến năm 2021, các báo cáo chỉ ra rằng có 35,82 tỷ thiết bị IoT được lắp đặt trên toàn thế giới và con số sẽ lên 75,44 tỷ vào năm 2025. Các thiết bị IoT ở khắp mọi nơi, từ đồng hồ thông minh đến trợ lý giọng nói và đang định hình cách chúng ta làm việc, trò chuyện và tương tác với nhau.

Bất kỳ thiết bị nào muốn kết nối với mạng không dây đều sử dụng modem. Mô-đun modem tương tác với SIM (Mô-đun nhận dạng thuê bao), chứa thông tin xác thực mạng dưới dạng IMSI - danh tính thuê bao di động quốc tế. Nếu việc nâng cấp modem là không thể tránh khỏi, các nhà xây dựng thiết bị IoT được khuyên nên xem xét kỹ loại SIM mà họ đang lắp vào thiết bị của mình.

Bên cạnh việc làm việc với các SIM địa phương có nguồn gốc trực tiếp từ các nhà cung cấp dịch vụ, hầu hết các nhà sản xuất thiết bị chọn SIM chuyển vùng - các SIM đơn cung cấp quyền truy cập vào nhiều mạng - đặc biệt nếu thiết bị được triển khai ở nhiều quốc gia. Nhưng với SIM chuyển vùng, các thiết bị IoT phụ thuộc vào nhà cung cấp dịch vụ chính và các nhà mạng chuyển vùng mà họ có. Các nhà điều hành thiết bị IoT cần lưu ý để có sự chuẩn bị.

Việc tắt mạng 2G và 3G có thể không đặt ra nhiều thách thức đối với cá nhân sử dụng điện thoại thông minh, nhưng nhiều giải pháp IoT đầu cuối vẫn sử dụng các mạng này. Một ví dụ nổi bật về điều này xảy ra vào năm 2017, ngay sau khi AT&T tắt mạng 2G của họ. Trong vòng vài giờ, 70% xe buýt và xe lửa của San Francisco đã biến mất khỏi bản đồ hệ thống NextMuni, bản đồ theo dõi vị trí phương tiện trong thời gian thực và dự đoán thời gian đến. Cơ quan Giao thông vận tải thành phố San Francisco (SFMTA) đã phải chịu đựng nhiều áp lực chỉ trích từ cộng đồng trong khi cố gắng nâng cấp các thiết bị giám sát cũ của mình, vốn đang sử dụng 2G.

Tuy nhiên, vấn đề có thể vượt xa hơn. Nhiều thiết bị IoT sử dụng mạng 2G và 3G là những tài sản quan trọng đối với các công ty - các thiết bị này liên quan đến nhiều hoạt động trọng yếu của công ty và việc thay thế sẽ khá tốn kém. Tuy vậy, lộ trình tắt sóng 3G thường được các nhà mạng đưa ra từ nhiều năm trước, nên các công ty sử dụng thiết bị IoT trong các chức năng quan trọng - chẳng hạn như quản lý các nhà máy điện - đã có thời gian lên kế hoạch ứng phó./.

Tài liệu tham khảo:

1. https://iotbusinessnews.com

2. https://www.iotworldtoday.com

3. https://staceyoniot.com

4. https://www.lightreading.com

5. https://www.thestar.com.my

6. https://www.whistleout.com.au

7. https://mic.gov.vn

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 11/tháng 11/2021)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Làm gì khi tắt sóng 3G?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO