Chuyển đổi số (Digital Transformation) là xu thế tất yếu, diễn ra rất nhanh đặc biệt trong bối cảnh của cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0. Chuyển đổi số trong các cơ sở giáo dục đã trở thành vấn đề thời sự trong giai đoạn hiện nay.
Trong bài viết gửi tới Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Đình Hảo – Trường Đại học Đà Lạt nêu ra việc khai thác các công cụ phân tích dữ liệu để nâng cao hiệu quả công tác đào tạo và việc chuyển đổi sốtrong việc hoàn thiện, tích hợp dữ liệu thiết yếu để kết nối liên thông nhằm có thể xây dựng nên những trường đại học số, những cơ sở giáo dục số.
Một là, chuyển đổi số trong khai thác các công cụ phân tích dữ liệu
Theo Tiến sĩ Nguyễn Đình Hảo, phân tích dữ liệu (Data Analysis) là quá trình chọn lọc dữ liệu, sau đó tìm kiếm, thu thập thông tin quan trọng và tổng hợp số liệu dựa trên số lượng lớn các thông tin. Đây cũng là quá trình chuyển dữ liệu thô thành dữ liệu có thể dùng được và đưa đến kết luận. Và cũng là quá trình thu thập dữ liệu được thực hiện từ nhiều nguồn khác nhau như: Mạng internet, Picture, Video, Môi trường xung quanh….. .
Dữ liệu thu thập được số hóa phân loại thành các nhóm học liệu như: sách giáo khoa điện tử, bài giảng điện tử, kho bài giảng E-leaning, ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm, thư viện số, phòng thí nghiệm ảo,…
Sau khi dữ liệu được thu thập phải sắp xếp lại để tổng hợp và phân tích, công việc này được thực hiện trên một bảng tính hoặc một dạng phần mềm khác có thể lấy dữ liệu thống kê. Tầm quan trọng của dữ liệu trong việc triển khai công tác đào tạo không còn là sở hữu riêng của các đơn vị quản lý mà dữ liệu đó đang dần trở thành một trong những “tài sản” quan trọng nhất của mỗi cơ sở giáo dục giúp người dạy và người học đều có thể tự khai thác.
Khi khai thác các công cụ phân tích dữ liệu cần chú ý một số nội dung như:
Phân tích dữ liệu trong định hướng phát triển nguồn tư liệu số: Phân tích dữ liệu cần xác định việc lựa chọn tài liệu khi vấn đề không gian lưu trữ các tư liệu, ấn phẩm truyền thống đã trở nên chật chội khiến nhiều đơn vị cơ sở giáo dục mơ ước thực hiện giải pháp “số hóa” kho tư liệu.
Công việc tiến hành số hóa cần chú ý việc xử lý hình ảnh, giảm dung lượng (nếu cần) sau đó chuyển đổi về định dạng PDF và kết thúc bằng việc đóng gói dữ liệu dưới dạng thành phẩm là một biểu ghi dữ liệu toàn văn hoặc một file dữ liệu (tuỳ thuộc vào mục đích sử dụng) theo nội dung đào tạo của các khoa chuyên môn trong cơ sở giáo dục.
Dữ liệu là những tài sản vô giá nhưng lại có giá trị giảm dần theo thời gian cho nên việc cập nhật bổ sung là vấn đề thường xuyên được quan tâm. Sự hợp tác của các đơn vị chuyên môn trong việc giới thiệu những tài liệu mới mang tính thời sự giúp ích rất nhiều cho việc phát triển nguồn tư liệu số. Thu thập dữ liệu, phát triển nguồn tư liệu số nhưng không kịp thời khai thác công suất sử dụng sẽ gây nên sự lãng phí lớn tài nguyên và tài chính của đơn vị.
Phân tích dữ liệu trong định hướng phát triển năng lực đào tạo: Năng lực đào tạo của một cơ sở giáo dục được xác định thông qua mục tiêu cơ bản của nhiệm vụ, sứ mệnh nhà trường. Việc xác định mục tiêu đào tạo của từng khoa chuyên môn là tạo điều kiện cho sinh viên tiếp nhận và phát triển năng lực của bản thân, cung cấp cho họ những kiến thức, kỹ năng cần thiết cho công việc.
Như vậy, mục tiêu đào tạo chính là việc tổ chức những cơ hội học tập nhằm giúp đỡ người học đạt được mục tiêu của mình thông qua việc tăng cường năng lực tự học. Người học sẽ lựa chọn những tài liệu học tập tốt nhất, có thể sách giáo trình truyền thống sẽ dần dần được thay thế bằng việc sử dụng nguồn tư liệu số được chọn lọc của trường mình để hỗ trợ việc học tập nhằm đánh giá kiến thức, kỹ năng, giá trị, chuẩn mực đạo đức …hình thành từ nhiều môn học, lĩnh vực học tập khác nhau nhằm phát triển năng lực cá nhân.
Phân tích dữ liệu trong định hướng kết nối liên thông: Dữ liệu thường được phân loại thành dữ liệu truyền thống và dữ liệu lớn dựa trên ba đặc điểm chính của dữ liệu: khối lượng, sự thay đổi và sự đa dạng. Việc phân tích dữ liệu còn phụ thuộc vào đặc điểm dữ liệu và các công cụ phân tích dữ liệu phù hợp. Để phát huy tác dụng tốt việc phân tích dữ liệu trong cơ sở giáo dục đại học cần chú ý môi trường kết nối liên thông với các hệ thống thông tin trong và ngoài nhà trường.
Nguồn tư liệu số được cập nhật thường xuyên sẽ không được phát huy hiệu quả tốt nếu thiếu sự kết nối liên thông nên nhà trường cần quan tâm hoàn thiện việc xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn chung về kết nối, chia sẻ, khai thác sử dụng dữ liệu để đảm bảo kết nối liên thông được các cơ sở, đơn vị trong toàn trường trên cơ sở nâng cao tính hiệu quả, tiết kiệm nguồn lực của nhà trường.
Phân tích dữ liệu trong việc trực quan hóa dữ liệu: Mục đích của trực quan hóa dữ liệu là truyền thông tin từ những học liệu có trong kho lưu trữ và thể hiện dữ liệu đó thành những hình ảnh, bảng biểu, thành các dạng đồ họa như đồ thị, biểu đồ hay sử dụng các phương pháp, công cụ khác nhau để trực quan hóa và minh họa dữ liệu được tốt nhất nhằm phát huy hiệu quả của thông tin giúp cho sinh viên có nhu cầu tìm hiểu dễ dàng tiếp cận một cách trực quan khối dữ liệu trừu tượng được lưu trữ để nâng cao kiến thức.
Chọn dạng thức trực quan hóa dữ liệu là nhằm thể hiện việc truyền đạt thông tin nhanh nhất về dữ liệu cho người học, giúp người học tìm hiểu những thông tin phức tạp thành các hình ảnh trực quan, dễ hiểu giúp họ có những hiểu biết đầy đủ từ những dữ liệu phức tạp.
Hai là, chuyển đổi số trong việc hoàn thiện, tích hợp dữ liệu
Hoàn thiện, tích hợp dữ liệu là hoàn thiện nền tảng quản trị, tích hợp, kết nối, liên thông, chia sẻ, khai thác sử dụng dữ liệu và phát triển nguồn tư liệu số. Việc cập nhật, tích hợp các cơ sở dữ liệu sẽ tạo thuận lợi cho sinh viên trong việc tìm hiểu những thông tin mới từ các bài giảng của giảng viên, phát huy năng lực tự học, tự nghiên cứu của người học. Triển khai, vận hành, kết nối và chia sẻ nguồn tư liệu số trong và ngoài nhà trường giúp cho sinh viên tiếp cận nguồn tri thức nhanh nhất và có hiệu quả nhất.
Khi hoàn thiện, tích hợp dữ liệu cần chú ý các nội dung như:
Chuyển đổi nhận thức, chuyển đổi số bằng việc số hóa dữ liệu: Một số cơ sở giáo dục còn e ngại với việc chuyển đổi số vì cho rằng chuyển đổi số là phải thay đổi hoàn toàn hệ thống đang quản lý hay chuyển đổi những cách điều hành tồn tại từ trước. Nhưng sự thật chuyển đổi số chính là việc bắt đầu đi từ những bước đi nhỏ như số hoá tài liệu để theo thời gian sẽ đạt được những lợi ích rất lớn.
Chuyển đổi số sẽ giúp số hoá tài liệu học tập bằng cách chuyển toàn bộ tài liệu bản cứng sang dạng tài liệu mềm thuận tiện cho việc sàng lọc, tìm kiếm và chia sẻ thông tin, kéo dài tuổi thọ của tài liệu và tiết kiệm không gian lưu trữ.
Thời gian trước đây đã tồn tại nhiều công việc thu thập tài liệu mang tính thủ công có tính chất lặp lại gây mất thời gian và giảm hiệu suất làm việc của giảng viên và sinh viên, ngoài ra việc tiêu tốn lượng giấy lớn cho việc lưu trữ dữ liệu gây tốn kém diện tích, dễ hư hỏng do tác động của ngoại cảnh và việc tra cứu cũng rất khó khăn, tốn nhiều thời gian.
Chuyển đổi số bằng việc xử lý thông tin và dữ liệu số: Theo Giáo sư Hồ Tú Bảo từng nêu quan điểm thì các lĩnh vực của chuyển đổi số phải được xây dựng trên cơ sở của hạ tầng số gồm hạ tầng thiết bị số, hạ tầng dữ liệu, hạ tầng ứng dụng, hạ tầng pháp lý, và hạ tầng nhân lực. Việc ứng dụng các phần mềm, các giải pháp công nghệ vào quá trình xử lý dữ liệu cũng sẽ giúp các cơ sở giáo dục đơn giản hoá quá trình xử lý và quản trị cơ sở dữ liệu của mình.
Nhanh chóng đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của thời đại công nghệ 4.0 với tốc độ biến đổi chóng mặt cũng như phục vụ cho hoạt động đào tạo đáp ứng những yêu cầu mới đang đặt ra. Trong điều kiện hiện nay, các cơ sở giáo dục cần có sự liên kết, chia sẻ hạ tầng áp dụng chung cho nhiều trường, cùng khối trường thì việc ứng dụng hiệu quả điện toán đám mây để kết nối, chia sẻ hạ tầng, nền tảng, dịch vụ là điều cần thiết.
Nói như vậy để thấy trong tình hình hiện nay, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt ra những yêu cầu mới mẻ đòi hỏi việc chuyển đổi số trong giáo dục đại học cần có những chuyển biến thích ứng.
Song, để thành công trong việc chuyển đổi số cần tạo ra nhiều cơ hội và động lực giúp người dạy, người học thay đổi tư duy và thích ứng tốt nhất là việc khai thác các công cụ phân tích dữ liệu và việc hoàn thiện, tích hợp dữ liệu.
Gắn yêu cầu chuyển đổi số với nhiệm vụ chuyên môn của từng trường, từng khối trường; tích cực triển khai thực hiện kế hoạch, lựa chọn đối tượng số hóa, thực hiện số hóa, lưu trữ nguồn tư liệu số, tổ chức dữ liệu số hóa phù hợp với các nhu cầu khai thác phục vụ công tác đào tạo, sử dụng dữ liệu và đảm bảo an ninh, an toàn thông tin là những bước đi chắc chắn giúp cho công cuộc chuyển đổi số của các cơ sở giáo dục nhanh chóng thành công.