Diễn đàn

Liên hợp quốc đưa ra 7 khuyến nghị chính cho quản trị AI toàn cầu

Ngọc Diệp 17:51 19/09/2024

Các chuyên gia Liên hợp quốc cảnh báo rằng sự phát triển của trí tuệ nhân tạo không nên chỉ được định hướng bởi các lực lượng thị trường, đồng thời kêu gọi tạo ra các công cụ cho hợp tác toàn cầu.

screen-shot-2024-09-19-at-15.33.01.png

Liên hợp quốc kêu gọi hợp tác AI khi 118 quốc gia vắng mặt trong các cuộc đàm phán toàn cầu

Những năm gần đây đã chứng kiến bước tiến vượt bậc của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và việc ứng dụng công nghệ này thông qua chatbot, nhân bản giọng nói, ứng dụng video.

Công nghệ mang tính đột phá này tập trung ở một số công ty và quốc gia. Trong thời điểm đầy thách thức hiện nay, AI có thể tạo ra những tiến bộ vượt bậc cho nhân loại, ví dụ như trong các lĩnh vực y tế công, giáo dục, ứng phó với biến đổi khí hậu... Tuy nhiên, công nghệ có "tiềm năng tạo thay đổi đột phá" này cũng đặt ra nhiều rủi ro tiềm ẩn, làm dấy lên lo ngại về sự thiên vị, lạm dụng và phụ thuộc. Tất cả điều này đòi hỏi việc khai thác AI một cách có trách nhiệm.

Để thúc đẩy quản lý sử dụng AI, cuối tháng 10/2023, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres đã thành lập ban cố vấn phụ trách khuyến nghị trong lĩnh vực AI (HLAB-AI: United Nations Secretary-General’s High-level Advisory Body on Artificial Intelligence) để đưa ra các khuyến nghị về cách thức quản lý việc sử dụng AI cũng như xác định những rủi ro và cơ hội từ công nghệ này. Ban cố vấn về AI gồm khoảng 40 chuyên gia trong các lĩnh vực công nghệ, luật pháp và bảo vệ dữ liệu cá nhân, làm việc tại các học viện, cơ quan chính phủ và khu vực tư nhân.

Báo cáo “Quản trị AI cho nhân loại” do HLAB-AI công bố ngày 19/9, vài ngày trước khi "Hội nghị thượng đỉnh Tương lai" diễn ra, đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về một vấn đề nghiêm trọng về quản trị AI cũng như việc loại trừ các nước đang phát triển khỏi các cuộc tranh luận về tương lai của công nghệ.

Trong số 193 thành viên của LHQ, chỉ có 7 quốc gia thành viên tham gia vào 7 sáng kiến ​​quản trị AI nổi bật gần đây, trong khi 118 thành viên hoàn toàn không tham gia - chủ yếu là các quốc gia ở phía Nam bán cầu.

"Với sự phát triển của AI tập trung vào một số ít công ty đa quốc gia ở một số quốc gia, thì sự cấp thiết của quản trị toàn cầu là không thể chối cãi", báo cáo nêu rõ.

Báo cáo của HLAB-AI cũng xác định những lỗ hổng chính trong bối cảnh quản trị AI quốc tế hiện tại và đề xuất các biện pháp để giải quyết này. Điều này bao gồm các cơ chế, thể chế bổ sung cho các nỗ lực hiện có và thúc đẩy khuôn khổ quản trị AI toàn cầu linh hoạt, thích ứng và hiệu quả để theo kịp sự phát triển của công nghệ này.

"AI phải phục vụ nhân loại một cách công bằng và an toàn", Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cho biết.

Tổng Thư ký Guterres cũng đã từng cảnh báo, những tác hại tiềm tàng của AI làm gia tăng những quan ngại nghiêm trọng về thông tin sai lệch; tư tưởng phân biệt đối xử; xâm phạm quyền riêng tư; gian lận và nhiều hành vi phạm quyền con người khác.

"Nếu không được kiểm soát, những rủi ro do AI tạo gây ra có thể tạo ra những tác động nghiêm trọng đến nền dân chủ, hòa bình và ổn định", Antonio Guterres nói.

Trong bối cảnh đó, các chuyên gia của HLAB-AI kêu gọi các quốc gia thành viên LHQ đưa ra các cơ chế để thúc đẩy hợp tác toàn cầu về vấn đề này, cũng như ngăn chặn sự phát triển AI ngoài ý muốn.

"Việc phát triển, triển khai và sử dụng một công nghệ như vậy không thể chỉ phụ thuộc vào nhu cầu của thị trường", báo cáo cho biết.

screen-shot-2024-09-19-at-16.05.18.png
Sự phát triển của các tiêu chuẩn liên quan tới AI

7 khuyến nghị chính cho quản trị AI toàn cầu

Báo cáo của HLAB-AI đưa ra 7 khuyến nghị để giải quyết những khoảng cách trong các thỏa thuận quản trị AI hiện tại.

Đầu tiên, báo cáo kêu gọi thành lập một nhóm chuyên gia khoa học về AI, hoạt động giống như Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), để xây dựng sự hiểu biết toàn cầu về "năng lực, cơ hội, rủi ro và bất ổn của AI".

Thứ hai, để hạn chế khoảng cách về AI, Ban cố vấn về AI đề xuất thành lập Quỹ AI toàn cầu, nhằm giải quyết các khoảng cách về năng lực và sự hợp tác, trao quyền cho các nỗ lực của quốc gia nhằm thúc đẩy các Mục tiêu Phát triển bền vững của LHQ (SDG). Theo đó, Quỹ này sẽ tạo điều kiện cho các quốc gia tụt hậu về AI tiếp cận các công cụ hỗ trợ AI như điện toán, tập dữ liệu, các mô hình AI và các công cụ quản trị.

Thứ ba, để đảm bảo khả năng tương tác của quản trị AI toàn cầu, HLAB-AI đề xuất tổ chức các cuộc đối thoại chính sách mới về quản trị AI 2 lần/năm, bao gồm các cuộc họp liên chính phủ và nhiều bên liên quan, nhằm thúc đẩy sự hiểu biết chung về việc thực hiện các biện pháp quản trị AI của các nhà phát triển và người dùng trong khu vực công và tư nhân để tăng cường khả năng tương tác quốc tế của quản trị AI.

Thứ tư, thành lập một sàn giao dịch tiêu chuẩn AI, bao gồm các đại diện từ các tổ chức tiêu chuẩn, công ty công nghệ và xã hội dân sự, nhằm xây dựng và phát triển các định nghĩa và các tiêu chuẩn áp dụng cho việc đo lường và đánh giá các hệ thống AI; đánh giá các tiêu chuẩn và quy trình tạo ra chúng; xác định những chỗ (gaps) cần có các tiêu chuẩn mới. Tất cả nhằm bảo khả năng tương tác kỹ thuật của các hệ thống AI xuyên biên giới.

Thứ năm, HLAB-AI đề xuất thiết lập một mạng lưới phát triển năng lực AI toàn cầu để thúc đẩy năng lực quản trị AI đồng thời thúc đẩy sự tôn trọng, bảo vệ và thực hiện mọi quyền con người; cung cấp đào tạo, tài nguyên tính toán và các bộ dữ liệu AI cho các nhà nghiên cứu và doanh nhân xã hội.

Thứ sáu, một khuôn khổ dữ liệu AI toàn cầu được đề xuất để để chuẩn hóa các định nghĩa, nguyên tắc và quyền quản lý liên quan đến dữ liệu, đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong các hệ thống AI.

Thứ bảy, HLAB-AI đề xuất thành lập một văn phòng AI trực thuộc Ban thư ký LHQ để hỗ trợ và điều phối việc thực hiện các đề xuất này

Trước đây, Vương quốc Anh đã tổ chức Hội nghị thượng đỉnh về AI đầu tiên trên thế giới. Tại đây, các nhà lãnh đạo từ Mỹ, châu Âu và Trung Quốc đã nhất trí về cách tiếp cận chung trong việc nhận diện rủi ro và các giải pháp để giảm thiểu rủi ro liên quan tới AI.

OECD, G7, G20, EU, Liên minh châu Phi, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và Tổ chức các quốc gia châu Mỹ cũng đã dẫn đầu các sáng kiến ​​AI quốc tế.

HLAB-AI cho biết những sáng kiến ​​này đã định hình cách tiếp cận của họ, nhưng vì không có sáng kiến ​​nào thực sự mang tính toàn cầu và có thể phối hợp đúng cách, nên cần có một hệ thống quản trị toàn cầu của LHQ.

Những khuyến nghị và đề xuất trên được đưa vào dự thảo Hiệp ước kỹ thuật số toàn cầu, vẫn đang được thảo luận và dự kiến ​​sẽ được thông qua vào chủ nhật tại Hội nghị thượng đỉnh Tương lai.

"Nếu các rủi ro của AI trở nên nghiêm trọng hơn và tập trung hơn, các quốc gia thành viên có thể cần phải xem xét một thể chế quốc tế mạnh mẽ hơn với các quyền giám sát, báo cáo, xác minh và thực thi", báo cáo cho biết.

Các chuyên gia cũng thừa nhận rằng do tốc độ phát triển chóng mặt của AI, nên sẽ vô nghĩa khi cố gắng thiết lập một danh sách toàn diện về các mối nguy hiểm và rủi ro mà do công nghệ này tạo ra. Nhưng họ cũng chỉ ra những mối nguy hiểm của thông tin sai lệch đối với nền dân chủ, các video deepfake ngày càng thực tế, đặc biệt là các video khiêu dâm, cũng như sự phát triển của vũ khí tự động và việc sử dụng AI của các nhóm tội phạm và khủng bố.

"Xét đến tốc độ, tính chủ động và sự phức tạp của các hệ thống AI, việc chờ đợi mối đe dọa xuất hiện có nghĩa là bất kỳ phản ứng nào cũng sẽ quá muộn", báo cáo cho biết. "Các đánh giá khoa học và đối thoại chính sách liên tục sẽ đảm bảo rằng thế giới không bị bất ngờ"./.

Theo AFP, UN
Copy Link
Bài liên quan
  • Quản trị AI: Từ nguyên tắc đến thực thi
    Các cơ quan của Liên Hợp Quốc (LHQ) đang phối hợp chặt chẽ để cùng nhau giải quyết những thách thức và cơ hội do trí tuệ nhân tạo (AI) mang lại, thúc đẩy hợp tác quốc tế và quan hệ đối tác nhiều bên để phát triển các khuôn khổ quản trị AI nhằm hiện thực hoá các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của LHQ.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Liên hợp quốc đưa ra 7 khuyến nghị chính cho quản trị AI toàn cầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO