Xã hội số

Lĩnh vực Thông tin và Truyền thông có 8 bản đồ công nghệ Make in VietNam

PV 15/10/2023 16:32

Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) là Bộ, ngành đầu tiên nghiên cứu, công bố 8 bản đồ công nghệ trong tất cả các lĩnh vực thuộc quyền quản lý của Bộ TT&TT.

Vừa qua tại Hội nghị giao ban quản lý nhà nước quý III với các đối tượng quản lý tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã công bố Bản đồ công nghệ lĩnh vực thông tin và truyền thông.

Sau 3 tháng nghiên cứu, 11 đơn vị của Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng được phiên bản đầu tiên của 8 bản đồ công nghệ cho lĩnh vực Thông tin và Truyền thông gồm: Viễn thông, Bưu chính, Báo chí, Xuất bản, Chính phủ số, An toàn thông tin, Đại học số, Công nghệ số.

hgh.jpg
Bản đồ công nghệ số trong lĩnh vực Xuất bản

Bộ TT&TT đã công bố 8 Bản đồ công nghệ trong 8 lĩnh vực thông tin và truyền thông bằng video. Đặc biệt trong video clip, AI đã giúp Vụ Khoa học và Công nghệ tạo ra 9 đồng chí Trưởng đơn vị ảo bày tỏ các ý kiến nói về bản đồ công nghệ số trong lĩnh vực của mình như sau:

Cục trưởng Cục Viễn thông Nguyễn Thành Phúc: “Bản đồ công nghệ viễn thông là tài liệu dẫn hướng trong những năm tới cho công tác xây dựng chiến lược, kế hoạch, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, phát triển năng lực đo lường trong lĩnh vực viễn thông. Bản đồ giúp các doanh nghiệp viễn thông lập kế hoạch thay đổi công nghệ, tránh các công nghệ lạc hậu. Các nhà khoa học, nhà quản lý, kỹ sư có thể tham khảo bản đồ công nghệ phục vụ các mục tiêu khác.”

Vụ trưởng Vụ Bưu chính Lã Hoàng Trung: “Bản đồ công nghệ lĩnh vực bưu chính gồm 21 công nghệ ứng dụng, có ảnh hưởng quan trọng trong lĩnh vực Bưu chính. Trong đó, trong vòng 02 đến 05 năm tới, Vụ Bưu chính sẽ định hướng ứng dụng một số công nghệ để phát triển ngành và lĩnh vực, như: Tủ giao nhận hàng thông minh, máy bay không người lái, hợp đồng thông minh...”.

Cục trưởng Cục Báo chí Lưu Đình Phúc: “Lĩnh vực báo chí của chúng tôi không phải là lĩnh vực công nghệ nhưng không thể thiếu công nghệ. Được Bộ trưởng quan tâm chỉ đạo, đã có được một bản đồ công nghệ gồm 12 công nghệ, định hướng công nghệ cho lĩnh vực báo chí trong nhiều năm tới. Đặc biệt là với công nghệ giải quyết được nhiều vấn đề tồn tại nhiều năm về tự động hóa nghiệp vụ, trải nghiệm người dùng, bằng công nghệ nền tảng số, nhận dạng tiếng nói, cá nhân hoá trải nghiệm người dùng, rô-bốt, tổng hợp tiếng nói từ văn bản…”.

Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên: “Xuất bản, In và phát hành là lĩnh vực tư tưởng văn hóa nhưng đồng thời là lĩnh vực kinh tế - công nghệ. Vì thế, việc ứng dụng công nghệ có vai trò quyết định đến sự phát triển của ngành. Việc ra đời Bản đồ công nghệ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Một mặt, giúp cho công tác quản lý bám sát các yêu cầu về phát triển công nghệ, đồng thời chỉ dẫn cho các đơn vị trong lĩnh vực Xuất bản, In và phát hành nắm bắt để xây dựng định hướng phát triển của đơn vị, doanh nghiệp mình. Với việc chỉ ra các công nghệ và lộ trình phát triển công nghệ quan trọng cho phát triển ngành, như: Công nghệ OCR, Gen AI, in 3D... tôi tin đây là cơ hội tốt để ngành giải quyết các bài toán lớn, để giúp ngành phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới”.

Phó Cục trưởng phụ trách Cục Chuyển đổi số Quốc gia Nguyễn Phú Tiến: “Xây dựng chính phủ số là một lĩnh vực mới, chúng tôi rất khó khăn trong việc định hướng lựa chọn công nghệ. Thông qua Bản đồ công nghệ lĩnh vực Chính phủ số, chúng tôi đã có định hướng giúp các doanh nghiệp, cơ quan tổ chức giải quyết được bài toán tránh đầu tư vào các công nghệ lỗi thời, công nghệ có dòng đời ngắn, công nghệ đắt đỏ nhưng ít mang lại lợi ích cho người dân và doanh nghiệp. Ví dụ, trong 02 đến 05 năm tới, chúng tôi có thể lựa chọn các công nghệ như xác thực phân tán, micro-service, thị giác máy tính trong Chính phủ số, điện toán đám mây lai”.

Phó Cục trưởng phụ trách Cục An toàn thông tin Trần Đăng Khoa: “Với vị thế là một quốc gia top 25 thế giới về an toàn, an ninh mạng, Bản đồ công nghệ An toàn thông tin gồm 159 công nghệ giữ vai trò hết sức quan trọng. Việc phân tích chi tiết về mức độ ảnh hưởng, trưởng thành và kỳ vọng của từng công nghệ là một công cụ hữu ích, hỗ trợ đắc lực cho cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp trong việc đưa ra các quyết định chiến lược nhằm phát triển sản phẩm Make in Việt Nam, hướng tới tầm nhìn Việt Nam là quốc gia tự chủ về an toàn, an ninh mạng theo Chiến lược An toàn, An ninh mạng quốc gia”.

Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông Đặng Hoài Bắc: “Bản đồ công nghệ đại học số tiếp cận theo hai góc nhìn: Góc nhìn sư phạm, nhằm xác lập yêu cầu đầu ra của giáo dục đại học phù hợp với nhu cầu của xã hội và góc nhìn công nghệ để khám phá các tiềm năng công nghệ có thể ứng dụng nhằm phục vụ, nâng cao chất lượng dạy và học trong các trường đại học; Giải quyết được bài toán muôn thuở là thiếu những giảng viên giỏi ở vùng sâu vùng xa và phù hợp với xu thế học mọi lúc mọi nơi, đưa những thầy giỏi nhất ở các thành phố lớn đến với học sinh, sinh viên ở vùng sâu vùng xa thông qua các công nghệ trong Bản đồ công nghệ đại học số”.

Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông Nguyễn Thiện Nghĩa: “Bản đồ công nghệ số dự báo sự phát triển của những công nghệ số mới nổi có tầm ảnh hưởng quan trọng đến ngành Công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông (ICT) Việt Nam, gồm 25 công nghệ. Các công nghệ này được dự báo có tác động lớn đến cách thức tạo ra sản phẩm và cung cấp dịch vụ CNTT trong vòng 02 năm đến 10 năm tới. Quốc gia nào càng chủ động trong việc tiếp thu và áp dụng các công nghệ này vào các sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin sẽ càng có khả năng cạnh tranh, chống chịu tốt hơn trong thời kỳ mới”.

08 bản đồ công nghệ được giới thiệu đầy đủ tại Cổng Thông tin điện tử của Bộ: https://mic.gov.vn/mic_2020/Pages/TinTuc/160393/Ban-do-cong-nghe-linh-vuc-thong-tin-va-truyen-thong.html.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Lĩnh vực Thông tin và Truyền thông có 8 bản đồ công nghệ Make in VietNam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO