Đời sống xã hội

Lừa đảo tinh vi mạo danh quản lý thị trường, dọa kiểm tra để vòi tiền doanh nghiệp

PV 24/09/2023 11:46

Cùng với những thủ đoạn lừa nhiều nhóm đối tượng, những kẻ đi lừa đảo chuyên nghiệp còn tấn công cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua hình thức mạo danh quản lý thị trường, dọa kiểm tra để đòi tiền.

Những vụ việc không hiếm gặp ở Cà Mau

Thời gian qua, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã phát hiện trường hợp có người tự xưng tên Trúc - kiểm soát viên, Đội quản lý thị trường số 2. Người này dùng số điện thoại 0774157997 gọi đến các cửa hàng, đặt vấn đề Cục Quản lý thị trường tỉnh phối hợp với Tổng cục Quản lý thị trường sẽ thanh tra về chất lượng xăng dầu tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Nếu các đơn vị muốn giúp đỡ, thì gọi vào số điện thoại 0825402374 của một người tên Hằng.

Cục Quản lý thị trường tỉnh Cà Mau khẳng định đơn vị không có công chức nào tên Trúc hay Hằng, các số điện thoại nêu trên cũng không phải là số của cán bộ đơn vị. Đây là trường hợp giả danh lực lượng quản lý thị trường để lừa đảo.

portrait-hacker-with-mask_23-2148165915.jpg

Ông Huỳnh Vũ Phong, cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Cà Mau, thông tin việc thanh tra, kiểm tra trong hoạt động thương mại được quy định chặt chẽ tại Luật thanh tra, Luật xử lý vi phạm hành chính và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Cục Quản lý thị trường không gọi điện thoại trao đổi thông tin hoặc bất kỳ tin tức nào đến tổ chức, cá nhân được thanh, kiểm tra.

Hiện trên địa bàn tỉnh Cà Mau có 21 doanh nghiệp hoạt động theo hình thức thương nhân đầu mối kinh doanh, phân phối, tổng đại lý kinh doanh xăng dầu có hệ thống xăng dầu, và khoảng 370 cửa hàng bán lẻ xăng dầu đang hoạt động.

Mạo danh quản lý thị trường vòi tiền

Mới đây nhất, anh Tùng - kinh doanh mặt hàng, dịch vụ diệt muỗi, loăng quăng, kiến, nấm… - bị một người lạ gọi vào máy di động thông báo cơ sở của anh sắp bị đoàn liên ngành kiểm tra.

Người này (Số máy 0962247xxx) thông báo mình ở Cục Quản lý thị trường Đắk Lắk, sắp tới chủ trì đoàn liên ngành kiểm tra đột xuất cơ sở của anh Tùng. Người này còn yêu cầu cơ sở anh Tùng chuẩn bị tiền để nộp phạt về hành vi vi phạm.

"Ban đầu tôi hơi bất ngờ vì chưa thấy có việc kiểm tra đột xuất cơ sở mà gọi điện trước, lại còn thông báo chuẩn bị tiền nộp phạt. Sau đó người này gọi lại gợi ý chuẩn bị ít tiền sẽ được đoàn liên ngành nương tay.

Tôi viện cớ khó khăn, xin nộp 2 triệu đồng được không? Người này gửi số tài khoản của Techcombank tên Phạm Trung Kiên nói tôi gửi tiền vào đó", anh Tùng nói.

Không có chuyện gọi điện thông báo kiểm tra

Trả lời vấn đề này, ông Mai Mạnh Toàn khẳng định việc kiểm tra, kiểm tra đột xuất các cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp không bao giờ có điện thoại trước như vậy.

Việc kiểm tra theo kế hoạch phải có văn bản báo trước, ấn định ngày giờ, những yêu cầu đối với cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp để họ chuẩn bị. Đối với việc kiểm tra đột xuất là khi phát hiện dấu hiệu vi phạm thì phải lập tức kiểm tra, lập biên bản, thu giữ tang vật để làm cơ sở xử lý.

"Làm gì có việc gọi điện trước cho các cơ sở thông báo kiểm tra đột xuất? Càng không có việc cán bộ, công chức của đơn vị thông báo 'chuẩn bị tiền nộp phạt'. Đơn vị không có công chức nào tên Phạm Trung Kiên. Đây là đối tượng lừa đảo. Người dân khi bị lừa tương tự thì liên hệ Cục Quản lý thị trường Đắk Lắk để phản ánh, được xử lý", ông Toàn nói.

Điều đáng nói, người mang tên Phạm Trung Kiên này từng thực hiện hành vi tương tự ở nhiều nơi, nay vẫn chưa bị xử lý.

Trước đó, vào đầu tháng 5/2023, Cục Quản lý thị trường ở hai tỉnh Gia Lai, Kon Tum liên tiếp nhận được thông tin phản ánh hai người tên là Phạm Trung Kiên, Nguyễn Tiến Hiển gọi điện thoại thông báo sẽ đến kiểm tra cơ sở kinh doanh.

Những người này cũng đề nghị các cơ sở kinh doanh chuẩn bị tiền để nộp phạt vi phạm hành chính. Nếu các cơ sở này chuyển tiền qua số tài khoản ngân hàng (4347.888xxxx) thì sẽ được xem xét không tiến hành kiểm tra.

Cục Quản lý thị trường hai tỉnh khẳng định không có công chức nào tên Phạm Trung Kiên hay Nguyễn Tiến Hiển. Hành vi nêu trên của những người này là lừa đảo.

hacker-activity-illustration-design_23-2148540549.jpg

Khi doanh nghiệp bị lừa đảo cần làm gì ?

Bạn có thể liên hệ ngay đến các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp về an ninh mạng, an toàn thông tin:

1. Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05), Bộ Công an; Hoặc Cục Cảnh sát hình sự (C02) trực thuộc Bộ Công An.

Tại mỗi địa phương, liên hệ Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PA05).

2. Cục An toàn thông tin (AIS), trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông. Cục An toàn thông tin là cơ quan quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về an toàn thông tin, điện thoại 024 3209 6789; Email ais@mic.gov.vn.

3. Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng (Bộ Tư lệnh 86), Bộ Quốc phòng Việt Nam.

Bên cạnh đó, Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tại 63 tỉnh/thành phố là cánh tay nối dài của Bộ Thông tin và Truyền thông tại các tỉnh, thành phố.

5. Hiệp hội an toàn thông tin Việt Nam (VNISA), số điện thoại: 024 62901028; Email info@vnisa.org.vn.

6. Các doanh nghiệp an toàn thông tin của Việt Nam: Bkav, VNPT Cyber Immunity, Viettel Cyber Security, CMC Cyber Security, FPT IS, HPT, MISOFT và VNCS...

7. Liên minh tuyên truyền nâng cao nhận thức, kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin cho người dân trên không gian mạng do Cục An toàn thông tin (AIS) và Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) chủ trì, điều phối cùng 8 đơn vị sáng lập VNPT, Viettel, MobiFone, CMC, Bkav, VNG, TikTok và Cốc Cốc./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Lừa đảo tinh vi mạo danh quản lý thị trường, dọa kiểm tra để vòi tiền doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO