Luật Thanh tra góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về TT&TT

Lan Phương| 27/07/2017 08:57
Theo dõi ICTVietnam trên

Luật Thanh tra đã góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về các lĩnh vực chuyên ngành, trong đó có thanh tra chuyên ngành lĩnh vực TT&TT.

Ngày 25/7/2017, Bộ TT&TT đã tổ chức Hội nghị tổng kết 6 năm thi hành Luật Thanh tra với sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng. Tham dự Hội nghị có Phó Tổng thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh; Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Kim; đại diện các cán bộ làm công tác thanh tra tại các đơn vị thuộc Bộ và 12 Sở TT&TT.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng cho biết: Từ năm 2010, Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật Thanh tra thay thế Luật thanh tra năm 2004. Một trong những điểm mới của Luật Thanh tra 2010 là nâng cao địa vị pháp lý của cơ quan thanh tra và nhằm phân tách rõ giữa thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành. Luật cũng giao cho cơ quan Thanh tra quyền chủ động tiến hành thanh tra theo kế hoạch thanh tra được phê duyệt. Trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì thủ trưởng cơ quan thanh tra có quyền quyết định thanh tra và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Sau 6 năm thi hành Luật Thanh tra, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng nhấn mạnh, Luật đã góp phần quan trọng trong công tác quản lý nhà nước về các lĩnh vực chuyên ngành, trong đó có thanh tra chuyên ngành lĩnh vực TT&TT. Tổ chức bộ máy thanh tra TT&TT đã không ngừng được hoàn thiện và lớn mạnh, đã tham gia nhiều hoạt động trong quản lý nhà nước chuyên ngành TT&TT.

Thanh tra Bộ TT&TT đóng góp vào công tác quản lý nhà nước lĩnh vực TT&TT và ngành thanh tra nói chung. Trong những năm vừa qua Bộ TT&TT đã thực hiện nhiều cuộc thanh tra chuyên ngành, xử lý các vi phạm, góp phần hạn chế các sai phạm trong lĩnh vực TT&TT, đảm bảo công tác thực thi pháp luật của Bộ. 

Thứ trưởng nhấn mạnh,việc tổng kết Luật sau 6 năm thi hành Luật Thanh tra được thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng, Thanh tra Chính phủ là dịp để ngành TT&TT đánh giá lại quá trình áp dụng Luật, cũng như xác định những kết quả đạt được. Tổng kết thực thi Luật còn giúp chỉ ra những hạn chế,bất cập,trong quá trình tổ chức thi hành Luật, đồng thời đánh giá tính thống nhất, đồng bộ, phù hợp của Luật với các văn bản hướng dẫn dưới Luật như: các Nghị định của Chính phủ liên quan đến công tác thanh tra, hướng dẫn Nghị định thanh tra cũng như các Thông tư quy định của Thanh tra Chính phủ trong lĩnh vực chuyên ngành TT&TT, để từ đó có những kiến nghị xác thực lên Chính phủ nhằm đề xuất sửa đổi cho phù hợp với tình hình phát triển của đất nước.

Thứ trưởng cũng đã ghi nhận và đánh giá cao sự lớn mạnh của lực lượng thanh tra, các hoạt động thanh tra TT&TT trong thời gian qua.

Phó Tổng thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh đánh giá cao vai trò của thanh tra chuyên ngành TT&TT

Cũng tại Hội nghị, Phó Tổng thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh khẳng định, Luật Thanh tra đã tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho các hoạt động thanh tra trên lĩnh vực thanh tra nói chung và thanh tra chuyên ngành. Dựa trên nền tảng pháp lý của Luật, Thanh tra ngành TT&TT đã hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Phó Tổng thanh tra cũng ghi nhận những nỗ lực của Thanh tra Bộ TT&TT, góp phần với Thanh tra Chính phủ có cái nhìn toàn diện về toàn bộ hệ thống thanh tra chuyên ngành hiện nay, giúp Chính phủ, Thủ tướng chính phủ đáp ứng công tác quản lý, phù hợp với sự phát triển kinh tế thị trường, thanh tra phải vừa đủ, không gây phiền nhiễu cho doanh nghiệp. “Nhà nước đang cố gắng giảm thời gian nộp thuế của doanh nghiệp, vậy cũng cần giảm thời gian thanh tra cho doanh nghiệp”, Phó Tổng thanh tra nhấn mạnh.

Phó Tổng thanh tra Nguyễn Văn Thanh cũng ghi nhận thanh tra chuyên ngành còn một số khó khăn, nhất là các Bộ có các bộ phận thanh tra cấp Cục, chế độ chính sách có thiệt thòi, nhất là bồi dưỡng cấp chứng chỉ, bồi dưỡng nghiệp vụ, tổ chức thanh tra chuyên ngành như thế nào để phù hợp, tốt hơn. Thanh tra Chính phủ ghi nhận các ý kiến để có luận cứ tổ chức mảng thanh tra chuyên ngành.

Sau khi Luật Thanh tra được ban hành, Bộ TT&TT đã chỉ đạo Thanh tra Bộ và cơ quan liên quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành tổ chức nghiên cứu để áp dụng và hướng dẫn các đơn vị có liên quan thực hiện đúng quy định của Luật.

Thông qua các cuộc họp, cuộc giao lưu của Bộ, lãnh đạo Bộ TT&TT thường xuyên đôn đốc, chỉ đạo Thanh tra, các Cục được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành nghiêm túc, triển khai các cuộc thanh tra đúng theo kế hoạch đã đề ra.

Toàn cảnh Hội nghị

Có được những kết quả trong lĩnh vực thanh tra TT&TT, ông Đặng Anh Tuấn, Chánh Thanh tra Bộ TT&TT nhấn mạnh Lãnh đạo Bộ TT&TT luôn quan tâm tới công tác thanh tra, coi đây là công cụ, cách thức để giám sát, kiểm tra các chính sách thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ TT&TT. Bộ trưởng Bộ TT&TT là người trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác của Thanh tra Bộ, các Cục được giao chức năng thanh tra chuyên ngành.

Hàng năm, căn cứ vào chương trình định hướng thanh tra, Kế hoạch thanh tra của Thanh tra Chính phủ, Kế hoạch Kiểm toán của Kiếm toán Nhà nước, Thanh tra Bộ đã chủ trì xây dựng, trình Bộ trưởng ban hành Kế hoạch thanh tra của Bộ TT&TT, Kế hoạch thanh tra hàng năm của Bộ TT&TT đã tránh được tình trạng chồng chéo, trùng lặp về đối tượng nội dung thanh tra giữa Thanh tra Bộ và 05 Cục được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và giữa các Cục được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành với nhau. Điều này làm giảm thiểu sự phiền hà, khó khăn cho đối tượng thanh tra.

Chánh Thanh tra Bộ TT&TT cũng cho biết, sau khi Luật Thanh tra và các văn bản hướng dẫn Luật được ban hành, Bộ TT&TT đã chủ động trình Chính phủ ban hành Nghị định Chính phủ, trong đó có Nghị định 140/2013/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của thanh tra ngành TT&TT; Nghị định 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông (BCVT), công nghệ thông tin (CNTT) và tần số vô tuyến điện; Nghị định số 159/2013-NĐ-CP ngày 12/11/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực báo chí, xuất bản; Thông tư 19/2013/TT-BTTTT về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực báo chí, xuất bản; Thông tư 19/2012/TT-BTTTT ngày 22/11/2012 của Bộ TT&TT quy định bộ phận tham mưu và hoạt động thanh tra của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ TT&TT.

Các văn bản đã giúp thanh tra chuyên ngành TT&TT hoàn thiện về tổ chức, bộ máy và đảm bảo hoạt động thanh tra đạt kết quả tốt, góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực TT&TT. Hiện nay, Thanh tra Bộ đang chủ trì xây dựng Dự thảo Thông tư thay thế thông tư 19/2012/TT-BTTTT ngày 22/11/2012 của Bộ TT&TT quy định bộ phận tham mưu và hoạt động thanh tra của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ TT&TT.

Ông Đặng Anh Tuấn nhấn mạnh: “Công tác thanh tra, kiểm tra, cùng với công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật trong lĩnh vực TT&TT đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành quy định của pháp luật của các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực BCVT, CNTT, báo chí, thông tin trên mạng, xuất bản, in và phát hành, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và giảm thiểu số vi phạm trong lĩnh vực TT&TT”.

Theo báo cáo của Hội nghị, tổng số các cuộc thanh tra từ năm 2011 đến cuối năm 2016 gồm: Thanh tra hành chính (theo kế hoạch: 28 cuộc, đột xuất: 2 cuộc); Thanh tra chuyên ngành (gồm Thanh tra Bộ, 05 Cục được giao chức năng thanh tra chuyên ngành và 08 Trung tâm Tần số Vô tuyến điện khu vực) đã thực hiện thanh tra theo kế hoạch 840 cuộc, đột xuất 1086 cuộc. Tổng số quyết định xử phạt vi phạm hành chính, bao gồm: Phạt tiền 1512 tổ chức, cá nhân với tổng số tiền gần 31 tỷ đồng, phạt cảnh cáo 381 tổ chức, cá nhân, nhắc nhở 25 trường hợp, tịch thu 39.000 USD và 34.495.395.277 đồng.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Luật Thanh tra góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về TT&TT
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO