Make in Vietnam

"Make in Viet Nam" và cơ hội cho ngành sản xuất thiết bị viễn thông

Hoàng Anh 14/12/2023 13:45

Các sản phẩm thiết bị mạng và chip 5G Viettel sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi cho sản phẩm công nghệ thông tin (CNTT) trọng điểm theo quy định của pháp luật.

Tháng 5/2019, cuộc gọi 5G đầu tiên tại Việt Nam đã được thiết lập, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới thực hiện thành công cuộc gọi điện thoại công nghệ 5G. Đến tháng 1/2020, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) đã thực hiện cuộc gọi 5G đầu tiên trên thiết bị do chính Viettel sản xuất, đưa Việt Nam vào nhóm nước dẫn đầu thế giới trong việc triển khai mạng 5G trên các thiết bị do doanh nghiệp trong nước tự sản xuất.

anh-mivn-30.jpg
Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố quyết định về việc công nhận một số sản phẩm do Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel) nghiên cứu, sản xuất thuộc danh mục sản phẩm công nghệ thông tin trọng điểm.

Theo các nhà phân tích, 5G được kỳ vọng sẽ có tác động lớn đến nền kinh tế toàn cầu, với dự báo sẽ tạo ra khoảng 13 nghìn tỷ USD và 2 triệu việc làm mới vào năm 2035. Còn theo nghiên cứu của Viện Chiến lược thông tin và truyền thông, tỷ lệ đóng góp của mạng di động 5G vào tăng trưởng GDP của Việt Nam được dự báo sẽ đạt 7,34% vào năm 2025. Các nhà cung cấp thiết bị viễn thông quốc tế dự đoán 5G sẽ là hạ tầng số gần như thay thế cơ sở hạ tầng vật lý trong việc xây dựng nền tảng cũng như kết nối xã hội tương lai. Cơ sở hạ tầng số này tạo ra kết nối không chỉ giữa con người với con người mà còn giữa con người với máy móc, giữa máy móc với máy móc.

Thực tế, công nghệ 5G đã được ứng dụng rộng rãi trong các ngành công nghiệp như: Sản xuất, giao thông vận tải, y tế, giáo dục, nông nghiệp và các giải pháp thành phố thông minh… Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp, ô tô điện thông minh, thiết bị IoT… được đánh giá rất phù hợp tại Việt Nam và đều cần hạ tầng 5G. Việt Nam sẽ thương mại hóa mạng 5G trong năm 2023 bằng một phần thiết bị 5G trong nước sản xuất với kỳ vọng nâng cao năng lực tự chủ và phát triển công nghệ, giảm sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp thiết bị nước ngoài và góp phần bảo đảm an toàn, an ninh quốc gia. Viettel là tập đoàn viễn thông bắt nhịp và đi đầu trong nghiên cứu, sản xuất và triển khai ứng dụng 5G, xây dựng kiến tạo hạ tầng số, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, để phát triển mạng 5G và các sản phẩm “Make in Viet Nam”, cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ từ các cơ quan quản lý nhà nước để tăng tốc, thúc đẩy thương mại hóa sản phẩm 5G không chỉ cho thị trường Việt Nam mà còn đóng góp cho xuất khẩu, mang thương hiệu Việt Nam đi ra thế giới.

Tại Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số lần thứ 5 vừa được tổ chức sáng 11/12/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố quyết định về việc công nhận một số sản phẩm do Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel) nghiên cứu, sản xuất thuộc danh mục sản phẩm công nghệ thông tin trọng điểm. Theo ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Vụ trưởng phụ trách Cục Công nghiệp CNTT Truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), các sản phẩm của Viettel vừa được công nhận gồm thiết bị mạng viễn thông 5G (Mạng thu phát sóng vô tuyến 5G gNodeB, mạng lõi, thiết bị truyền dẫn) và chip xử lý trong thiết bị 5G.

Cùng với quyết định trên, các sản phẩm này sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật đối với hoạt động sản xuất sản phẩm CNTT trọng điểm. Trong nhiều năm qua, Viettel đã có chiến lược dần thay thế các thiết bị ngoại nhập và tiến tới sử dụng toàn bộ hệ thống mạng lõi viễn thông bằng các thiết bị tự sản xuất. Viettel hiện là doanh nghiệp duy nhất trên thế giới vừa là nhà khai thác mạng viễn thông vừa nghiên cứu sản xuất thiết bị. Nhờ những nỗ lực của nhà mạng này, Việt Nam đã trở thành quốc gia thứ 6 trên thế giới có năng lực sản xuất thiết bị mạng 5G. Việc sử dụng các thiết bị mạng Make in Viet Nam sẽ góp phần giúp Việt Nam làm chủ công nghệ, giảm phụ thuộc vào nước ngoài và tiết kiệm ngoại tệ cho đất nước.

Tháng 10/2023, tại khu vực trình diễn của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia cơ sở Hòa Lạc (Hà Nội), Viettel đã lần đầu công bố việc phát triển thành công chip 5G. Đây là dòng chip 5G DFE đầu tiên của Việt Nam và cũng là thành phần phức tạp nhất của hệ sinh thái 5G. Sản phẩm này do các kỹ sư Viettel làm chủ hoàn toàn về thiết kế. Trước khi phát triển thành công chip 5G, Viettel cũng đã bắt tay với Qualcomm để nghiên cứu, sản xuất thành công Khối vô tuyến trạm thu phát sóng 5G đầu tiên trên thế giới sử dụng chipset ASIC theo tiêu chuẩn Open RAN.

Viettel cũng từng thành công trong việc đưa các sản phẩm thiết bị viễn thông tự phát triển như Hệ thống tính cước thời gian thực OCS; Hệ thống điều khiển băng thông tốc độ truy cập Internet của thuê bao di động PCRF; Hệ thống tổng đài tin nhắn SMSC; Hệ thống tổng đài nhạc chuông chờ CRBT vào mạng lưới.

Một số sản phẩm mạng lõi Make in Viet Nam của Viettel hiện đã chiếm tỷ trọng lớn trên 50% mạng lưới của nhà mạng này như Hệ thống tổng đài chuyển mạch mềm MSC; Hệ thống chuyển mạch mạng lõi EPC; Thiết bị định tuyến Site Router; Trạm thu phát eNodeB… Đây được xem là những bước đột phá, mở ra cơ hội thay đổi ngành công nghiệp sản xuất thiết bị hạ tầng mạng viễn thông do có khả năng giảm giá thành, xóa bỏ sự lệ thuộc vào chipset độc quyền của các nhà sản xuất thiết bị khác trên thế giới.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
"Make in Viet Nam" và cơ hội cho ngành sản xuất thiết bị viễn thông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO