Tầm quan trọng truyền thông y tế
Y tế là lĩnh vực liên quan sát sườn đến đời sống người dân nhằm đảm bảo sức khỏe thể chất của mỗi người. Và sức khỏe là nền tảng bảo đảm các hoạt động sống của mỗi cá nhân và trong mối quan hệ cá nhân với các khách thể khác như gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, xã hội…
Truyền thông là “cầu nối” hữu hiệu giữa sản phẩm y tế và người sử dụng, hưởng thụ sản phẩm y tế
Mặt khác, do cuộc sống phát triển vừa mở ra cơ hội nhưng cũng kéo theo những thách thức liên quan đến lĩnh vực y tế. Với sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ, kỹ thuật… những loại bệnh trước đây chưa tìm ra thuốc, hướng điều trị thì các chuyên gia đã dần tìm ra hướng đi, mang lại niềm hi vọng cho người bệnh.
Internet phát triển, mạng xã hội ngày càng trở nên phổ biến, thậm chí xâm nhập đến làng, xã… Mọi kiến thức về lĩnh vực y tế từ kinh nghiệm đến học thuật tràn ngập, khó kiểm soát, lẫn lộn đúng sai. Vì vậy, truyền thông y tế giúp người dân định hướng và có cơ sở thông tin chính xác.
Tuy nhiên, sự phát triển xã hội lại dẫn đến hệ lụy: thực phẩm bẩn tràn lan, ô nhiễm môi trường bao vây, nhiều bệnh mới xuất hiện…
Để đáp ứng những nhu cầu sức khỏe của cộng đồng, truyền thông chính là “cầu nối” hữu hiệu giữa sản phẩm y tế và người sử dụng, hưởng thụ sản phẩm y tế.
Truyền thông y tế để người dân nắm rõ tình hình dịch bệnh và có phương pháp phòng tránh hữu hiệu. Cùng với đó, truyền thông cũng là kênh tham khảo, giới thiệu, công bố cũng như phát hiện những kiến thức y học thiết thực cho người dân.
Ngoài ra, những cảnh báo y tế trên truyền thông cũng giúp người dân tránh xa, hạn chế lối sống, thói quen ảnh hưởng đến sức khỏe.
Thực trạng truyền thông về công tác y tế
Đánh giá đúng về vai trò y tế trong đời sống xã hội nên nhiều cơ quan báo chí đã chú trọng truyền thông về công tác y tế trong thời gian qua.
Các sản phẩm bị nghiêm cấm quảng cáo trên truyền thông như: thuốc lá, rượu mạnh, các chất kích thích có hại cho sức khoẻ đã được truyền thông từ chối quảng cáo.
Công tác truyền thông nhận được sự vào cuộc của báo chí từ trung ương tới địa phương, từ đài truyền hình VTV, Truyền hình thông tấn xã, truyền hình Quốc hội,truyền hình Nhân dân, truyền hình Công an nhân dân, VTC, HiTV… cho đến các đài phát thanh VOV, đài địa phương và hàng loạt các báo như: Nhân dân, Đại đoàn kết, Tuổi trẻ, Sức khỏe đời sống, Vietnamnet, Dân trí, Tổquốc,Tiền Phong…
Phải ghi nhận công tác truyền thông của ngành y tế trong thời gian vừa qua khá sát sao và kịp thời. Các vụ việc xảy ra liên quan đến ngành y tế, từ rác thải y tế, sự tắc trách của đội ngũ y bác sĩ, bất cập các dịch vụ xe cứu thương, nhầm lẫn chẩn đoán… khi được báo chí phản ánh, thậm chí cá nhân phản ánh trên fanpage của Bộ y tế, hay từ mạng xã hội, ngành y tế đã có chỉ đạo xác minh, điều tra sự việc, sau đó tùy vào mức độ đưa ra xử lý kịp thời. Song hành với những chỉ đạo của ngành y tế, truyền thông đã hỗ trợ một cách tích cực để đưa thông tin đến người dân.
Hàng loạt những vấn đề “nóng” liên quan đến sức khỏe người dân cũng được truyền thông đưa tin, phản ánh kịp thời, tránh gây hoang mang, ảnh hưởng đến sức khỏe tâm lý…
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đã làm được của truyền thông thì trong thời gian qua, truyền thông về công tác y tế cũng còn tồn tại hạn chế cần khắc phục.
Đó là, truyền thông còn ít tập trung tuyên truyền, nêu những tấm gương tiêu biểu trong lĩnh vực y tế. Còn đưa đậm nét, thậm chí giật tít câu khách về những mặt hạn chế, bất cập của y tế.
Sự thiếu hiểu biết chuyên sâu của một số phóng viên, biên tập viên về mảng y tế đã truyền đạt những thông tin chưa chuẩn xác, nhất là dưới khía cạnh khoa học như sự tồn tại tự nhiên của một số chất, công nghệ chế biến, các phản ứng hóa học, tương tác, kết hợp với các chất khác, dưới tác động của môi trường khác, sự hấp thu, chuyển hóa trong cơ thể người… tạo kẽ hở cho hành vi cạnh tranh không lành mạnh, khiến người dân hoang mang, ảnh hưởng uy tín sản phẩm khác.
Có những quảng cáo trong lĩnh vực y tế được đăng tải, quảng cáo trên truyền thông nhưng nội dung lại chưa đúng với nội dung được duyệt. Sau khi bị phát hiện, nhiều quảng cáo trước đó đã buộc phải dỡ bỏ, hoặc bị phạt hành chính… những việc này ít nhiều ảnh hưởng đến niềm tin của cộng đồng đối với quảng cáo và truyền thông.
Truyền thông y tế là cần thiết và thiết thực. Nhưng truyền thông cũng cần tỉnh táo, có chọn lọc để phát huy vai trò và tạo được niềm tin cho cộng đồng./.