Google trao thiết bị cho các chuyên gia sớm hơn một năm so với khách hàng phổ thông đơn giản vì họ muốn biến Glass thành một nền tảng. Khi nhà đồng sáng lập Google Sergey Brin trình diễn sản phẩm trên sân khấu I/O cuối tháng 6, hãng dịch vụ tìm kiếm Mỹ thể hiện rõ tham vọng xây dựng một máy tính có thể đeo trên cơ thể. Phải đến năm 2014, Project Glass mới được bán ra thị trường, nhưng một nhóm các nhà phát triển đã có thể mua phiên bản Explorer từ đầu 2013. Rất nhiều platform như thế đã ra đời trong 5 năm qua, trong đó có hai nền tảng thể hiện rõ tầm ảnh hưởng tới cộng đồng các nhà phát triển và nền kinh tế thế giới. Đó là Facebook Platform năm 2007 và iOS App Store năm 2008 (một năm sau khi iPhone trình làng). Facebook Platform là nền tảng mạng xã hội đáng chú ý đầu tiên, giúp hàng nghìn chuyên gia tiếp cận hàng triệu người thông qua ứng dụng, công cụ và game do họ phát triển. Không lâu sau đó, các đối thủ như Bebo, MySpace và Friendster cũng công bố kế hoạch tương tự nhưng điều đó chỉ càng biến Facebook trở thành trung tâm của mạng xã hội. Sức sáng tạo và niềm đam mê không giới hạn của cộng đồng các nhà phát triển đã biến iPhone thành nhạc cụ, sách dạy nấu ăn... Project Glass mới có thể chụp ảnh, quay video nhưng giới phát triển sẽ biết cách khám phá và mang đến các khả năng mới cho cặp kính này. Hãy tưởng tượng một ngày nào đó, người dùng có thể đưa ứng dụng Instagram lên kính để chụp ảnh mang màu sắc hoài cổ, hay cài một phần mềm giao thoa thực ảo để tìm hiểu nhanh chóng về nhà hàng, trung tâm mua sắm quanh vùng hay tra cứu tên gọi của chiếc xe lạ vừa lướt qua trước mắt họ. Nền tảng đã có nhiều, nhưng không phải hệ thống nào cũng thành công được như Facebook Platform và App Store. Google nhận thấy với nhu cầu chia sẻ thông tin ngày một cao như hiện nay, thiết bị đeo trên mắt, trên tay, trên cổ... sẽ là máy tính của tương lai. Do đó, họ đang đứng trước cơ hội lớn để trở thành công ty đầu tiên giới thiệu nền tảng ứng dụng cho dòng sản phẩm hoàn toàn mới mẻ này. Nguyễn Thúy.