Tiếp cận tri thức là năng lực là cách tiếp cận hợp lý nhất tới kinh tế tri thức
Trong ba cách tiếp cận đã trình bày trên, cách tiếp cận tri thức là tài sản có lẽ là cách tiếp cậndễ hiểu nhất theo logic của các lý thuyết kinh tế học chính thống. Tri thức, chính xác hơn là tri thức ở một trạng thái nhất định, được xem là yếu tố đầu vào và kết quả đầu ra của phương trình sản xuất. Mặc dù tri thức là vô hình và có những đặc tính khác biệt như tính phi cạnh tranh (non-rivalry) và phi chiếm hữu (partial-excludability), nhưng nó có thể sở hữu, thay đổi và tiêu dùng giống các yếu tố đầu vào và đầu ra hữu hình khác. Tuy nhiên cách hiểu này chưa giải thích được tính năng động của nền kinh tế dựa vào các đổi mới. Hơn nữa việc sở hữu các tài sản tri thức tĩnh không đảm bảo sự giàu có lâu bền của các nền kinh tế.
Cách tiếp cận tri thức là quan hệ có ưu điểm là giải thích được cấu trúc tổng thể và phức tạp của kinh tế tri thức. Tuy nhiên việc xem xét cùng lúc quá nhiều các chủ thể khác nhau cùng các mối quan hệ tương hỗ giữa các chủ thể làm các lý thuyết theo hướng này thiếu tính tập trung và độ sâu, nền kinh tế được mô tả như nhìn từ ngoài vào hơn từ bên trong ra.
So với hai cách tiếp cận trên, cách tiếp cận thứ ba tri thức là năng lực có vẻ ưu việt hơn. Thứ nhất, năng lực, theo cách hiểu là “khả năng hoạt động”, là một quá trình động, vì vậy có thể phản ánh tính năng động của các quá trình trong kinh tế tri thức. Thứ hai, do năng lực của một chủ thể phải gắn liền với chủ thể đó như một thể thống nhất, việc xem xét tri thức là năng lực có thể thể hiện được tính hệ thống của kinh tế tri thức. Ở khía cạnh này, cách tiếp cận tri thức là năng lực giống tiếp cận tri thức là quan hệ.
Hơn nữa, do khái niệm năng lực nhấn mạnh quá trình tự rèn luyện để phát triển năng lực, năng lực hiện tại phụ thuộc vào quá khứ và là đặc tính riêng của mỗi chủ thể hành động. Nhưng ở một khía cạnh khác, đặc tính riêng của mỗi chủ thể không loại trừ sự “bắt chước” của các chủ thể khác thông qua bắt chước các hoạt động, vì vậy một quốc gia có thể “bắt chước” các quốc gia khác để tăng trưởng. Như thế, tiếp cận tri thức là năng lực có thể giải thích được cả tính đa dạng và sự hội tụ theo nhóm của các quốc gia trong nền kinh tế tri thức toàn cầu. Một ưu điểm nữa của tiếp cận tri thức là năng lực là bản thân khái niệm năng lực đã được đưa ra và đã là công cụ hữu ích giải thích các chiến lược phát triển quốc gia, vì vậy dựa vào cách tiếp cận tri thức này cũng có thể dễ dàng đưa ra các khuyến nghị liên quan đến chiến lược, chính sách xây dựng kinh tế tri thức ở các quốc gia khác nhau. Vì những lý do đã trình bày, tiếp cận tri thức là năng lực có thể được xem là cách tiếp cận hợp lý nhất để nghiên cứu về kinh tế tri thức.
Mặc dù tiếp cận tri thức là năng lực có nhiều ưu điểm trong việc giải thích kinh tế tri thức, tuy nhiên, các lý thuyết trong hướng tiếp cận này chưa hoàn chỉnh. Ở cấp độ quốc gia của nền kinh tế có nhiều khái niệm năng lực được đưa ra. Abramovitz (1986) dùng khái niệm “năng lực hấp thu xã hội” hay “năng lực xã hội” (absorptive social capability) để chỉ điều kiện cần để các quốc gia chậm phát triển hơn có thể tiếp nhận công nghệ mới từ các nước đã phát triển phục vụ cho quốc gia mình. Abramovitz and David (1996) định nghĩa năng lực xã hội là thể chế xã hội, chính trị có ảnh hưởng tới các đặc tính của con người và các tổ chức kinh tế, dẫn tới phản ứng của họ trước các cơ hội kinh tế. Định nghĩa này nhấn mạnh về vai trò của các thể chế kinh tế, chính trị, xã hội tới các cơ hội hấp thụ các công nghệ để phát triển quốc gia.
Lall (1992) giới thiệu khái niệm “năng lực công nghệ quốc gia” (national technological capability). Ông cũng phân biệt năng lực công nghệ và hiệu quả kinh tế của nó. Hiệu quả kinh tế đạt được còn phụ thuộc vào động lực của các chủ thể kinh tế, và điều này đến lượt nó lại phụ thuộc vào các thể chế chính trị xã hội quốc gia. Như vậy về cơ bản, Lall và Abramovitz đều thống nhất trong khái niệm về năng lực quốc gia. Có thể xem năng lực công nghệ và năng lực xã hội là hai khía cạnh gắn bó trong khái niệm năng lực quốc gia.
Gần hơn, Fagerberg and Srholec (2008) cố gắng xây dựng một khái niệm tổng hợp hơn về năng lực quốc gia. Dựa trên việc phân tích tổng hợp các lý thuyết, nghiên cứu về năng lực quốc gia kết hợp với việc phân tích nhân tố ảnh hưởng theo số liệu tổng hợp từ 115 nước, hai học giả đã định nghĩa bốn loại năng lực quốc gia gồm (1) hệ thống sáng tạo quốc gia, (2) hệ thống quản lý, (3) hệ thống chính trị, và (4) độ mở của nền kinh tế.
Cho dù có nhiều thành tựu, các nghiên cứu hiện tại về năng lực quốc gia vẫn còn khiếm khuyết. Thứ nhất, hầu hết các nghiên cứu về năng lực quốc gia cho đến nay đều tập trung vào tác động của nó tới nền kinh tế, hơn là quá trình xây dựng và phát triển năng lực quốc gia nhằm đạt tới tác động đó. Điều này quan trọng vì năng lực của một quốc gia bất kỳ, cho dù đang rất tốt, nhưng nếu không phát triển thì không thể đảm bảo sự cạnh tranh lâu dài của quốc gia ấy. Thứ hai, các lý thuyết về năng lực ở cấp quốc gia chưa tận dụng hết ưu điểm của tiếp cận tri thức là năng lực, tức là không gắn kết năng lực với hành động, vì vậy năng lực lại được hiểu ở trạng thái tĩnh thay vì trạng thái động để phản ánh kinh tế tri thức. Hơn nữa, các khái niệm năng lực quốc gia hiện tại còn hẹp, chưa đủ để đại diện cho toàn bộ khả năng của một quốc gia. Để khắc phục những tồn tại của các lý thuyết về năng lực quốc gia hiện tại, bài báo đưa ra một khái niệm hệ thống và toàn diện hơn về năng lực quốc gia. Mục tiêu nhằm xây dựng một mô hình về sự phát triển của kinh tế tri thức trong một quốc gia và qua đó để rút ra những gợi ý về các chính sách xây dựng kinh tế tri thức tại các quốc gia khác nhau.
Năng lực căn bản và năng lực phát triển quốc gia trong kinh tế tri thức
Năng lực quốc gia
Nelson and Winter (1982) và Zollo and Winter (2002) định nghĩa năng lực là “khuôn mẫu của hoạt động” (pattern of activity), trong khi Abramovitz and David (1996) định nghĩa năng lực là các “điều kiện cho phép hành động” (qualities allowing activities). Định nghĩa thứ nhất có hai ưu điểm so với định nghĩa thứ hai: (1) nó cho phép kết nối giữa năng lực và hành động, giữa sự phát triển năng lực và quá trình rèn luyện để có được năng lực đó, (2) nó nhấn mạnh khía cạnh thực tế của hành động hơn là khía cạnh tiềm năng của năng lực, tức là nhấn mạnh tới tác động thực tế của năng lực quốc gia tới nền kinh tế. Kết hợp hai định nghĩa trên, có thể đưa ra định nghĩa về năng lực quốc gia như sau: Năng lực quốc gia là một khuôn mẫu các hoạt động, cùng với các điều kiện cho phép các hoạt động đó, nhằm đảm bảo sự vận hành hiệu quả của một nền kinh tế.
Ba dạng năng lực quốc gia căn bản (national basic capabilities)
Các lý thuyết kinh tế tri thức đồng thuận rằng các hoạt động tri thức như tạo tri thức, truyền bá tri thức và sử dụng tri thức là cốt lõi của kinh tế tri thức. Tri thức đã trở thành một chức năng căn bản bên cạnh các chức năng sản xuất và trao đổi hàng hóa, dịch vụ truyền thống của một nền kinh tế. Xem xét cả môi trường trong đó các hoạt động tri thức và kinh tế diễn ra, chức năng quản lý được đưa vào. Dựa vào đó, tác giả định nghĩa ba loại năng lực căn bản của quốc gia gồm năng lực tri thức, năng lực kinh tế và năng lực thể chế. Ba năng lực này thể hiện ba khía cạnh chức năng của kinh tế tri thức, tồn tại song song và gắn kết với nhau tạo thành năng lực căn bản của một quốc gia.
Năng lực tri thức (National epistemic capability) gắn liền với các hoạt động tạo, truyền bá, kết hợp, tiếp thu và sử dụng tri thức trong nền kinh tế. Các dạng của các hoạt động này có thể rất đa dạng, như (1) hoạt động nghiên cứu và phát triển trong các trường đại học, các viện nghiên cứu, trong các phòng R&D của các doanh nghiệp (Romer, 1986), (2) hoạt động giáo dục trong các trường, hoạt động đào tạo nhân lực trong các công ty (Lucas 1988); (3) hoạt động học thông qua thực hành công việc và giao tiếp với các chủ thể khác trong nền kinh tế (Lundvall, 1988); (4) hoạt động nhận biết tri thức, cố gắng hấp thụ để sử dụng cho mục đích riêng của từng chủ thể (Abramovitz, 1986). Những hoạt động trên có thể trực tiếp hoặc không trực tiếp liên quan tới mục tiêu kinh tế. Năng lực tri thức quốc gia phải được hiểu là tổng thể hệ thống các hoạt đông tri thức thay vì từng hoạt động tri thức riêng lẻ.
Năng lực kinh tế (National economic capability) liên quan tới các hoạt động kinh tế của các chủ thể kinh tế như sản xuất và trao đổi hàng hóa, dịch vụ vì mục tiên lợi nhuận. Cụ thể hơn các hoạt động kinh tế có thể gồm các hoạt động như mua các yếu tố đầu vào, sản xuất, marketing, tài chính, quản trị… Năng lực kinh tế hiện tại của một quốc gia được thể hiện ở sự thịnh vượng của nền kinh tế, cấu trúc các ngành, môi trường kinh doanh, điều kiện thị trường, sự lưu chuyển các yếu tố sản xuất.
Năng lực thể chế (National institutional capability) chỉ tất cả các hoạt động thể chế tạo lập, duy trì và phát triển môi trường thuận lợi cho các hoạt động tri thức và hoạt động kinh tế cùng với sự tương tác giữa chúng trong một quốc gia. Năng lực thể chế có hai khía cạnh: khía cạnh văn hóa - xã hội và khía cạnh pháp luật - chính trị. Khía cạnh văn hóa - xã hội bao gồm các yếu tố không được quy định thành văn bản rõ ràng nhưng có ảnh hưởng tới đặc tính, kỳ vọng của các cá nhân, tổ chức và mối liên kết giữa chúng trong nền kinh tế. Các yếu tố thuộc khía cạnh văn hóa - xã hội có thể gồm ngôn ngữ, tôn giáo, văn hóa, độ mở, các quy tắc đạo đức và hành xử trong xã hội. Khía cạnh pháp luật - chính trị bao gồm các yếu tố như lý tưởng, cấu trúc chính trị, các chính sách dài hạn, các quy định đặt ra đối với các hoạt động kinh tế xã hội.
Ba loại năng lực căn bản nêu trên không tồn tại riêng lẻ. Mỗi năng lực sẽ vận động theo đường riêng của mình, cùng lúc đó tương tác và phụ thuộc các năng lực căn bản khác để đảm bảo hoạt động suôn sẻ của nền kinh tế. Năng lực tri thức thúc đẩy năng lực kinh tế và năng lực thể chế thông qua các kết quả nghiên cứu và phát triển, thông qua việc xây dựng một đội ngũ công nhân, chuyên gia, quản lý có trình độ cao. Năng lực kinh tế tạo nguồn lực tài chính và động lực cho sự phát triển của năng lực tri thức. Năng lực thể chế cho phép hoạt động ổn định và hiệu quả của hai năng lực còn lại. Vì vậy, trên thực tế khó có thể quan sát một loại năng lực căn bản đơn lẻ của một quốc gia. Thay vì thế ta sẽ quan sát một năng lực căn bản của quốc gia trong tác động qua lại với các loại năng lực căn bản khác.
Trong nền kinh tế tri thức, năng lực tri thức trở thành năng lực căn bản quan trọng nhất của quốc gia. Trên thực tế, hầu hết các khái niệm về năng lực quốc gia trong các nghiên cứu đều phản ánh mối quan hệ giữa năng lực tri thức với hai loại năng lực căn bản còn lại. Chẳng hạn, khái niệm năng lực công nghệ quốc gia của Lall (1992) (gồm ba khía cạnh nguồn lực cần thiết, các kỹ năng, và nỗ lực công nghệ) có thể được hiểu là sự kết hợp của năng lực tri thức và năng lực kinh tế. Khái niệm năng lực hấp thu xã hội của Abramovitz and David (1996) là sự kết hợp của năng lực tri thức và năng lực thể chế. Và cũng chính bởi vị trí quan trọng của năng lực tri thức trong kinh tế tri thức mà chúng ta có thể thấy tính năng động vượt trội của kinh tế tri thức so với các hình thái kinh tế trước nó.
(Còn nữa)