Mở lối thoát nạn thứ 2 và các tình huống thoát hiểm
Vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội năm 2023 là một trường hợp thương vong nhiều người bởi công trình nhà không có lối thoát nạn. Bởi vậy làm lối thoát nạn thứ 2 cho các công trình phải được khắc phục càng sớm càng tốt.
Nhà phải có 2 lối thoát hiểm
Luật Phòng cháy chữa cháy quy định rất rõ các nhà ở phải có hai lối thoát hiểm. Lối thoát hiểm thứ nhất là cửa chính, lối thứ hai ở vị trí nào, như thế nào, theo khuyến cáo của các chuyên gia, phải dựa trên cơ sở cấu trúc, kết cấu của tòa nhà. Đồng thời, lối thứ hai có chiều rộng tối thiểu 60cm.
Nhưng thực tế những trường hợp thương vong nhiều người do cháy đa phần bởi công trình nhà không có lối thoát nạn. Với các công trình có khả năng khắc phục, làm lối thoát hiểm cần phải làm sớm.
Hiện đa số các chung cư mini, nhà trọ cũ đều tận dụng tối đa diện tích bên trong, không có thang bộ thoát hiểm.
Trong trường hợp đó, giải pháp được đưa ra là có thể làm thang bộ thoát hiểm bằng sắt gắn bên hông các chung cư, nhà trọ nhiều phòng nếu còn diện tích đất hoặc gắn ở cạnh mặt trước của tòa chung cư mini nếu hết đất hai bên. Trong trường hợp xấu nhất xảy ra cháy, người dân vẫn có thể di chuyển được bằng thang này xuống mặt đất an toàn.
Có nhiều phương án khác để hạn chế thiệt hại về con người khi có cháy. Trong đó, các gia đình ở chung cư có thể trang bị cho mình bộ thang dây thoát hiểm. Hiện lực lượng PCCC khuyến cáo với thang thông thường nên dùng từ tầng 5 trở xuống. Với các tầng cao hơn có thể dùng thang dây hạ chậm có đai bảo vệ an toàn.
Đa phần các chung cư mini đều bố trí hành lang cụt, cuối hành lang là các căn hộ, nên cũng không đảm bảo tất cả các căn hộ trên cùng tầng có thể tiếp cận được không gian ngoài nhà để thoát bằng cầu thang ngoài nhà hoặc lối thoát nạn khẩn cấp.
Ông Vũ Ngọc Anh, vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ và Môi trường, Bộ Xây dựng
Thực tế ngay trong vụ cháy chung cư mini ở Khương Hạ, không ít nạn nhân đã thoát được ra ngoài nhờ hệ thống đơn giản mà hữu ích này. Khi xảy ra cháy, cần bình tĩnh, xác định nhanh chóng và chính xác vị trí sẽ móc thang dây rồi lần lượt trèo xuống.
Với những nhà có lồng sắt như chuồng cọp, bắt buộc phải mở lối thoát với diện tích tối thiểu 60x60cm2, nếu làm thành cửa, khóa phải để chìa khóa ở nơi dễ tìm, dễ thấy.
Một cách đơn giản hơn, các hộ gia đình nên lắp đặt hệ thống báo cháy sớm. Đồng thời, cần thiết lập, đẩy mạnh vai trò của tổ liên gia an toàn PCCC tại các khu dân cư.
Các hộ cần thống nhất với nhau về việc thiết lập hành lang an toàn để người từ nhà này có thể thoát sang nhà kia khi chẳng may có sự cố.
Cần xây dựng hoặc cải tạo lại ngôi nhà, để có thể bố trí được các lối thoát nạn phụ như lối ở ban công để di chuyển sang nhà hàng xóm, trên sân thượng, trên tum hoặc trổ cửa lên mái, trần để tạo những lối thoát nạn phụ.
Hiện Việt Nam chưa có nhiều ống tụt, tức ống thoát hiểm. Ống tụt này có thể gắn cố định trước đó và trong trường hợp xảy ra cháy, sẽ thả xuống đất (cho chân xuống trước, đầu sau rồi tụt xuống).
Ngoài ra với các căn hộ chung cư, các chuyên gia khuyến cáo, cùng với thang dây, người dân nên trang bị mặt nạ phòng chống khí độc. Tùy từng loại hình nhà ở, nên trang bị các vật dụng cho phù hợp.
Người dân cần tìm hiểu kỹ các thông số, không nên mua những sản phẩm không rõ nguồn gốc bởi khi đưa vào sử dụng có thể không đảm bảo hiệu quả, thậm chí còn gây nguy hiểm cho người sử dụng. Khi mua về cũng cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng để không bị lúng túng nếu gặp trường hợp cần thiết.
Các tình huống thoát hiểm
Vụ cháy mini 9 tầng tại số 37, ngách 29/70 phố Khương Hạ (phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội) để lại biết bao đau xót với 56 người thiệt mạng, 37 người bị thương.
Thời điểm xảy ra cháy, có người leo lên tầng thượng, có gia đình phá cửa ban công trèo ra ngoài, có người nhảy từ tầng cao xuống... Có gia đình 3 đứa trẻ và 4 người lớn đều không qua khỏi. Nhiều gia đình khác, sau một đêm, cha mẹ bỗng mất con, trẻ thơ bỗng mồ côi cha mẹ.
Khi xây nhà hoặc thuê nhà cần lưu ý gì về PCCC? Ở nhà cao tầng cần trang bị gì? Nếu chẳng may xảy ra cháy thì thoát nạn ra sao? Nhất là chung cư cao tầng, nếu có cháy làm gì để thoát thân an toàn? Đó là một số trong rất nhiều câu hỏi bức thiết được người dân đặt ra, sau vụ cháy chung cư mini Khương Hạ.
Thiếu tá Nguyễn Danh Luân, cán bộ Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, đưa ra lời khuyên: Việc đầu tiên là phải bình tĩnh xác định đó là cháy thật hay giả, vị trí xảy ra cháy. Nếu là cháy thật, nhanh chóng thông báo cho các thành viên trong gia đình được biết. Trong khi di chuyển thì báo động cho các căn hộ xung quanh biết đang xảy ra cháy để cùng thoát nạn.
Sử dụng khăn vải ướt, mặt nạ lọc độc, hướng dẫn các thành viên ra lối cầu thang bộ để thoát nạn xuống dưới mặt đất.
Trong trường hợp lối cầu thang bộ nhiễm khói, nếu vị trí của căn hộ nhà mình cách xa từ 4 tầng trở lên so với tầng xảy ra cháy mà không thể đến lối cầu thang bộ xuống mặt đất do nhiễm khói, các thành viên trong gia đình đóng cửa lại gọi điện báo cháy cho cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ qua số 114.
Trong trường hợp hành lang bị nhiễm khói mà không thể thoát ra ngoài, sử dụng khăn vải ướt, băng dính dán vào khe cửa để khói khí độc không tràn vào nhà mình. Di chuyển ra ban công gọi to, ra hiệu, đồng thời gọi điện báo cháy qua số 114.
Những căn hộ ở cách tầng bị cháy từ 1-3 tầng nếu không thoát nạn được xuống mặt đất thì chạy lên các tầng phía trên, di chuyển vào các căn hộ khác để lánh nạn.
Nếu xác định trong cầu thang bộ không có khói thì mọi người bình tĩnh để thoát ra ngoài. Nếu cầu thang bộ phía dưới nhiễm khói, nên nhanh chóng di chuyển lên phía trên vào một căn hộ nào đó để lánh nạn. Tuyệt đối không được chạy xuống dưới vì rất dễ bị ngạt khói và tử vong.
Khi di chuyển ra cửa, tuyệt đối không thò mặt ra, người phải nấp sau cánh cửa. Dùng mu bàn tay chạm vào tay nắm cửa, cánh cửa. Nếu nhiệt độ cao tuyệt đối không mở cửa ra. Nếu nhiệt độ thấp thì từ từ mở cửa ra, kiểm tra nhiệt độ chênh lệch giữa hành lang và trong phòng, từ đó di chuyển thoát nạn nếu không có chệnh lệch nhiệt độ lớn.
Đừng thờ ơ với những khuyến cáo phòng cháy
Trang bị kiến thức kỹ năng về an toàn PCCC và thoát nạn cho các thành viên trong gia đình (tham gia các lớp tuyên truyền, huấn luyện do địa phương hoặc cơ quan tổ chức, tìm hiểu kiến thức trên các mạng xã hội, các ứng dụng, trang Web). Có phương án thoát nạn đối với ngôi nhà và chia sẻ cho các thành viên trong gia đình.
Các sản phẩm gia dụng như bếp gas, nồi cơm điện, ấm siêu tốc… đều có hướng dẫn cách sử dụng an toàn, phòng cháy nổ. Nhưng có mấy ai đọc, mấy ai nhớ? Những quy tắc an toàn về PCCC cũng đang bị lãng quên.
Trong số những lưu ý về sử dụng bếp gas, đầu tiên là đặt bếp vào nơi thoáng khí và chắc chắn, cách xa các bề mặt dễ bắt lửa. Tuy nhiên trong thực tế, nhà hay phòng trọ chật hẹp nên người sử dụng đặt vào bất kỳ chỗ nào có thể nấu là được.
Bếp gas cũng trở nên nguy hiểm hơn khi linh kiện bị hư hỏng không được phát hiện, thay thế, bảo trì. Chẳng hạn như những ống dẫn gas quá cũ có thể dẫn đến việc rò rỉ gas gây cháy nổ.
Nồi cơm điện, nồi áp suất cũng cần nguồn điện ổn định, không dùng chung ổ điện với những thiết bị công suất cao như lò nướng, bếp hồng ngoại, dễ gây cháy lan khi xảy ra sự cố.
Những nguyên tắc an toàn về PCCC đối với nhà ở cần phải được từng thành viên trong gia đình cùng ghi nhớ. Thường xuyên kiểm tra các vật dụng như bếp gas, tủ lạnh, nồi cơm điện… để sửa chữa hay thay thế những thiết bị hư hỏng. Vận động mọi người tự tìm hiểu về kỹ năng thoát hiểm khi xảy ra sự cố cháy nổ.
Ở mỗi gia đình, thiết nghĩ những việc làm đơn giản như thế cũng góp phần vào việc phòng chống cháy nổ, mang lại bình an trong cuộc sống.
Với những công trình như chung cư mini hay nhà tập thể, nhà trọ cũ, nhiều căn hộ nếu không đảm bảo điều kiện phòng cháy thì trước hết chính mỗi người dân, gia đình phải tự nâng cao ý thức. Khi có tập huấn về công tác này, người dân có mặt để nghe hướng dẫn đầy đủ, tránh việc chỉ để các ông bà già đến nghe.
Thêm vào đó, việc sử dụng thiết bị điện, bếp gas… phải hết sức cẩn thận, đóng, khóa cẩn thận sau khi dùng, thay thế dây, thiết bị đảm bảo.