Truyền thông

Thực hiện nghiêm quy định về hệ thống báo cháy và cấp nước chữa cháy tại các toà nhà cao tầng

Mai Hà 18/12/2023 08:18

Thảm hoạ cháy chung cư mini tại Hà Nội trong năm 2023 đã gióng lên một hồi chuông báo động về sự an toàn trong các toà nhà cao tầng và trong khu dân cư nói chung. Vậy việc đảm bảo hệ thống báo cháy và hệ thống cấp nước chữa cháy trong các toà nhà hiện nay được quy định như thế nào?

he-thong-bao-chay-tu-dong

Toà nhà từ 5 tầng trở lên phải có hệ thống báo cháy tự động

Nghị định 136/2020/NĐ-CP về PCCC quy định: Đối với tòa nhà từ 5 tầng trở lên phải trang bị hệ thống báo cháy tự động. Hệ thống này phải đảm bảo các yêu cầu sau: Phát hiện cháy nhanh, chuyển tín hiệu rõ ràng và đảm bảo độ tin cậy. Trường hợp hệ thống báo cháy tự động có liên kết với hệ thống chữa cháy thì ngoài chức năng báo cháy còn phải điều khiển hệ thống chữa cháy hoạt động ngay để kịp thời dập tắt đám cháy.

Hệ thống này sau khi đưa vào hoạt động phải được kiểm tra mỗi năm ít nhất 2 lần; được bảo dưỡng ít nhất 2 năm một lần.

Nghị định này cũng quy định tất cả các khu vực trong tòa nhà có nguy hiểm về cháy, kể cả những nơi đã được trang bị hệ thống chữa cháy đều phải trang bị bình chữa cháy xách tay hoặc bình chữa cháy có bánh xe. Bình phải được bố trí ở vị trí thiết kế, không để bình tập trung ở một chỗ.

Trong đó, với mức độ nguy hiểm thấp, định mức trang bị bình chữa cháy là 150m2/bình; mức độ nguy hiểm trung bình là 75m2/bình và với mức độ nguy hiểm cao là 50m2/bình.

Nghị định cũng quy định: Cửa của các lối ra thoát nạn từ các hành lang tầng, không gian chung, phòng chờ, sảnh và buồng thang bộ phải không có chốt khóa để có thể mở được cửa tự do từ bên trong mà không cần chìa. Với các tòa nhà có chiều cao lớn hơn 15m, các cánh cửa này phải là cửa đặc hoặc với kính cường lực.

Đối với các buồng thang bộ, cửa ra vào phải có cơ cấu tự đóng và khe cửa phải được chèn kín. Các cửa trong buồng thang bộ mở trực tiếp ra ngoài không có cơ cấu tự đóng và không cần chèn kín khe cửa.

Cửa của lối ra thoát nạn từ các gian phòng hay các hành lang phải là cửa đặc được trang bị cơ cấu tự đóng và khe cửa phải được chèn kín. Các cửa này nếu cần để mở khi sử dụng phải được trang bị cơ cấu tự đóng khi có cháy.

Quy định về hệ thống cấp nước chữa cháy trong các toà nhà

Hệ thống cấp nước chữa cháy trong nhà và hệ thống cấp nước chữa cháy ngoài nhà phải tuân thủ các quy định của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do Bộ Xây dựng ban hành năm 2022 và đảm bảo các yêu cầu:

hong-nuoc-chua-chay

+ Cấp nước chữa cháy ngoài nhà

+ Các yêu cầu an toàn cháy đối với cấp nước chữa cháy ngoài nhà.

+ Các yêu cầu an toàn cháy đối với lưu lượng nước cho chữa cháy ngoài nhà.

+ Số đám cháy tính toán đồng thời.

+ Yêu cầu an toàn cháy đối với mạng đường ống và các công trình được xây dựng trên chúng.

+ Các yêu cầu đối với bồn, bể trữ nước cho chữa cháy ngoài nhà.

- Hệ thống họng nước chữa cháy trong nhà

+ Để tính toán công suất máy bơm và lượng nước dự trữ cho chữa cháy, số tia phun nước và lưu lượng nước cho chữa cháy trong nhà công cộng đối với phần nhà nằm ở chiều cao PCCC trên 50 m phải lấy tương ứng là 4 tia, mỗi tia 2,5 L/s, đối với nhà nhóm F5 hạng nguy hiểm cháy nổ A, B, C có chiều cao PCCC trên 50 m lấy tương ứng là 4 tia, mỗi tia 5 L/s.

+ Đối với nhà sản xuất và nhà kho sử dụng dạng kết cấu dễ bị hư hỏng khi chịu tác động của lửa, theo tương ứng với Bảng 12, lưu lượng nước tối thiểu để tính toán công suất máy bơm và lượng nước dự trữ cho chữa cháy xác định theo Bảng 12 phải được tăng thêm tùy từng trường hợp như sau:

Khi sử dụng kết cấu thép không được bảo vệ chống cháy trong các nhà bậc chịu lửa III, IV (nhóm S2, S3), cũng như kết cấu gỗ tự nhiên hoặc gỗ ép (trong trường hợp này là gỗ đã qua xử lý bảo vệ chống cháy), phải tăng thêm 5 L/s;

Khi sử dụng vật liệu là chất cháy bao quanh cấu trúc nhà bậc chịu lửa IV (nhóm S2, S3), phải tăng thêm 5 L/s với nhà có khối tích đến 10 000 m3. Khi nhà có khối tích lớn hơn 10 000 m3 thì phải tăng thêm 5 L/s cho mỗi 100 000 m3 tăng thêm hoặc phần lẻ của 100 000 m3 tăng thêm.

Khi chưa có hệ thống cấp nước chữa cháy ngoài nhà hoặc không đảm bảo lưu lượng, áp lực nước chữa cháy (cột áp) thì phải có nguồn nước dự trữ đảm bảo lưu lượng nước chữa cháy của hệ thống họng nước chữa cháy bên trong nhà ít nhất trong 3h.

Nhà có chiều cao phòng cháy chữa cháy lớn hơn 50 m phải có họng nước chữa cháy cho lực lượng chữa cháy bố trí ở mỗi tầng, cửa căn hộ xa nhất của tầng phải nằm trong phạm vi 45 m tính từ họng nước chữa cháy (có tính toán đến đường di chuyển).

Họng chờ phải đặt trong khoang đệm ngăn cháy (khoang đệm của buồng thang bộ không nhiễm khói hoặc khoang đệm của thang máy chữa cháy). Hệ thống họng chờ cấp nước chữa cháy cho lực lượng chữa cháy phải có họng chờ lắp đặt ở ngoài nhà để tiếp nước từ xe hoặc máy bơm chữa cháy và được nối với đường ống cấp nước chữa cháy trong nhà. Họng chờ phải thỏa mãn các quy định hiện hành.

Các họng nước chữa cháy trong nhà phải bố trí tại những nơi dễ tiếp cận sử dụng.

Lưu lượng cần thiết của hệ thống họng nước chữa cháy trong nhà được lấy theo tiêu chuẩn kỹ thuật được lựa chọn áp dụng, riêng đối với nhà có chiều cao phòng cháy chữa cháy trên 50 m và diện tích sàn của mỗi tầng lớn hơn 1500 m2, các tầng ở phải đảm bảo lưu lượng nước chữa cháy cho không ít hơn 4 tia phun chữa cháy, mỗi tia phun có lưu lượng 2,5 L/s trong khoảng thời gian chữa cháy tính toán nhưng không ít hơn 1 h.

Mỗi điểm của tầng phải đảm bảo có hai họng nước chữa cháy. Tâm của họng chữa cháy phải đặt ở độ cao 1,25m so với mặt sàn; Mỗi họng chữa cháy trong tòa nhà phải có đặt van khóa, lăng phun nước và cuộn vòi mềm có đủ độ dài theo tính toán.

Trong các nhà cao tầng phải có ít nhất 2 lối ra thoát nạn để đảm bảo cho người thoát nạn an toàn khi có cháy, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng chữa cháy hoạt động.

Trong các nhà cao tầng có diện tích mỗi tầng lớn hơn 300m2 thì hành lang chung hoặc lối đi phải có ít nhất hai lối thoát ra hai cầu thang thoát nạn. Cho phép thiết kế một cầu thang thoát nạn ở một phía, còn phía kia phải thiết kế ban công nối với thang thoát nạn bên ngoài nếu diện tích mỗi tầng nhỏ hơn 300m2.

Về hệ thống cấp nước chữa cháy, quy định của nước Mỹ rất nghiêm ngặt. Phía bên ngoài, tùy quy mô tòa nhà mà chính quyền New York yêu cầu lắp đặt số lượng cột nước cứu hỏa phù hợp. Các cột nước này không được đặt quá xa lối vào chính của tòa nhà và phải đảm bảo luôn sẵn sàng hoạt động trong mọi thời điểm. Ngay lối vào tòa nhà cũng được bố trí các họng nước cứu hỏa.

Bên cạnh đó, nhà chức trách quy định lòng đường trước và sau họng nước cứu hỏa một khoảng cách dài bằng đúng một xe cứu hỏa tiêu chuẩn; đoạn vỉa hè được sơn màu đỏ để báo hiệu đây là khu vực cấm dừng đỗ xe.

Tại New York, đỗ xe vào khu vực cột cứu hỏa là một trong những lỗi giao thông nghiêm trọng, người vi phạm sẽ bị phạt rất nặng. Quy định này nhằm giúp lực lượng cứu hỏa có thể triển khai hệ thống vòi nước nhanh nhất có thể khi xảy ra hỏa hoạn.

Ở Việt Nam, tại Điều 44 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi làm che khuất, cản trở lối tiếp cận phương tiện phòng cháy và chữa cháy; Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi: Sử dụng nguồn nước chữa cháy sai mục đích hoặc không dự trữ đủ nước chữa cháy theo quy định của pháp luật./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Thực hiện nghiêm quy định về hệ thống báo cháy và cấp nước chữa cháy tại các toà nhà cao tầng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO