Từ hệ thống báo cháy trong chung cư ở Việt Nam nhìn sang các toà nhà cao tầng trên thế giới
Tiếng chuông báo cháy tại nhiều toà nhà chung cư cao tầng hiện nay đã thường xuyên vang lên nếu gia đình nào nấu thức ăn gây ra khói. Tuy nhiên, hàng chục năm trước, không ít người Việt Nam ra nước ngoài đã ngỡ ngàng khi hệ thống báo cháy rú lên chỉ vì lỡ hút thuốc hoặc làm cháy thức ăn.
Những quy định nghiêm ngặt về hệ thống báo cháy
Việc phòng chống hỏa hoạn trên thế giới là công việc thường xuyên và bắt buộc ở nhiều nơi. Đặc biệt, tại các khu chung cư cao tầng nơi tập trung đông người sinh sống, nhiều nước đưa ra những quy định rất khắt khe.
Ở các toà chung cư tại Việt Nam hiện nay, nhất là tại các khu chung cư cao cấp, yêu cầu chủ đầu tư phải lắp đặt các thiết bị giúp phát hiện nguy cơ cháy từ sớm như thiết bị báo khói trong mọi căn hộ và ở hành lang của từng tầng đã là yêu cầu bắt buộc.
Trong các toà chung cư cao cấp, hiện có một hệ thống kiểm soát phòng cháy, chữa cháy trung tâm. Hệ thống này sẽ kết nối với tất cả các thiết bị ở mỗi tầng. Hệ thống gồm camera, máy báo khói, chuông báo động, hệ thống phun nước, máy phát điện và đèn chiếu sáng khẩn cấp...
Tuy nhiên, như thế không có nghĩa là chung cư nào ở Việt Nam cũng có đầy đủ hệ thống như vậy. Trong khi luật pháp nhiều nước yêu cầu điều này là bắt buộc với bất cứ toà nhà nào.
Ví dụ, theo báo chí, nước Mỹ quy định tương đối nghiêm ngặt về hệ thống phòng cháy và sơ tán khẩn cấp cho các tòa nhà cao tầng. Do lính cứu hỏa khó tiếp cận các tầng trên cao, giới chức đã ban hành quy định chặt chẽ về việc lắp đặt hệ thống phun nước chữa cháy và đầu báo khói tự động.
Cụ thể, tại một tòa chung cư ở Mỹ, hệ thống báo cháy của tòa nhà tự động kích hoạt khi nhận được tín hiệu báo cháy. Hệ thống này được trang bị nhiều nơi và nó chỉ dừng phát cảnh báo khi cảnh sát PCCC có mặt và xử lý.
Hệ thống điều hành này cũng do cảnh sát PCCC vận hành, kiểm soát chứ không thuộc về chủ đầu tư hay đơn vị quản lý tòa nhà.
Định kỳ, đơn vị PCCC sẽ đến kiểm định và đưa ra các khuyến cáo về hệ thống PCCC, chủ đầu tư phải sửa chữa. Không sửa, không những bị phạt, mà phí bảo hiểm cũng sẽ tăng lên. Hệ thống điện được thiết kế với các cầu dao tự ngắt khi sử dụng quá công suất.
Một số tòa nhà mới hiện nay còn được lắp đặt hệ thống cảm biến nhiệt ở cửa, khi một cửa kính bị nứt vỡ, luôn được xác định lý do đầu tiên là do chênh lệch nhiệt độ giữa bên trong với bên ngoài và hệ thống cảm biến sẽ tự động nối với cảnh sát PCCC và lập tức kích hoạt hệ thống báo động để cảnh sát PCCC có mặt.
Đây có lẽ là điều khác với ở Việt Nam, là hệ thống báo cháy chỉ phát tín hiệu ngay tại toà nhà, không có kết nối với hệ thống báo cháy của cảnh sát PCCC. Hơn nữa, khi có một gia đình nào đó vô ý làm kích hoạt hệ thống báo cháy, thì trong các toà chung cư ở Việt Nam cũng hầu như không bị xử phạt.
Với các khán giả xem phim Mỹ không còn lạ lẫm với hình ảnh những toà nhà toạ lạc trên những con phố cổ kính ở Washington DC hoặc New York vẫn có một cái cầu thang thoát hiểm ở bên ngoài. Người dân Mỹ bắt buộc phải có ban công để không gian ngôi nhà được mở rộng và tránh rủi ro. Và những chiếc cầu thang zíc zắc bên ngoài toà nhà đã trở thành một trong những hình ảnh biểu tượng quyến rũ về mặt thẩm mỹ và xuất hiện nhiều trong các tác phẩm điện ảnh, truyền hình.
Điều này cũng tương tự ở Nhật Bản. Đất nước này quy định người dân không được phép phá bỏ ban công để mở rộng không gian bên trong. Các chuyên gia của Nhật cũng chỉ ra rằng nếu đám cháy bùng phát ở các tầng cao hơn, những chiếc thang cao tới 45m tương đương tòa nhà 15 tầng cũng trở nên vô dụng.
Nhật Bản thường xuyên tiến hành diễn tập cứu hỏa nhằm giảm thiểu thiệt hại nếu xảy ra hỏa hoạn. Các tòa nhà ở quốc gia này cũng có trung tâm phòng chống thiên tai.
Theo Đạo luật Dịch vụ Phòng cháy chữa cháy của Nhật Bản, các tòa nhà cao trên 31m được coi là nhà cao tầng và phải đáp ứng nhiều quy định an toàn phòng cháy chữa cháy. Trong đó, thang cứu hỏa chỉ có thể cao tối đa 31m (tương đương chiều cao của tầng 11) nên các căn hộ từ tầng 11 trở lên bắt buộc phải có hệ thống phun nước chữa cháy, trừ khi đáp ứng các yêu cầu khác - như sảnh thang máy mở, có từ 2 lối thoát hiểm, căn hộ sử dụng nội thất làm từ vật liệu không gây cháy...
Singapore là đất nước của chung cư, nhà cao tầng, có hơn 80% dân số Singapore sống ở nhà chung cư, mật độ dân số cao hàng đầu thế giới. Chính vì thế, phòng chống cháy nổ là một trong những quan tâm hàng đầu của chính phủ.
Tất cả các chung cư đều phải đạt yêu cầu PCCC mới được đi vào sử dụng như có lối thoát hiểm, lối cho xe cứu hỏa, họng vòi nước chữa cháy....
Hầm trú ẩn phòng hoả hoạn ở toà nhà chọc trời cao nhất thế giới
Burj Khalifa là toà nhà chọc trời ở thành phố Dubai, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất với tổng chiều cao lên tới 828,3m với 163 tầng, đây là công trình nhân tạo cao nhất thế giới từng được xây dựng.
Quyết định xây dựng tòa nhà được đưa ra dựa trên quyết định của chính phủ để thúc đẩy nền kinh tế dầu mỏ và để Dubai được thế giới biết đến nhiều hơn.
Burj Khalifa được thiết kế và thi công bởi một công ty đến từ Chicago (Mỹ). Công trình hoàn thành năm 2010, bao gồm 163 tầng. Để xây dựng thành công tòa tháp, Dubai đã phải tốn kém tới gần 20 tỷ USD. Ngọn tháp nhọn, được nhà thiết kế mô tả như một “thành phố thẳng đứng” bởi nó làm lu mờ các toà nhà chọc trời hiện hữu.
Thiết kế hình chữ Y xoắn ốc được sử dụng để chống đỡ lõi của ngọn tháp, hẹp dần khi nó vươn lên cao. Lên cao nữa, công trình trở thành một kiến trúc bằng thép mà trên cùng là một hình chóp khổng lồ.
Tuy nhiên, ở độ cao "khủng khiếp" ấy, điều người ta quan tâm là nó đã được thiết kế để đề phòng hoả hoạn như thế nào?
Quả đúng là sự an toàn và tốc độ di tản ra khỏi toà nhà khi có nguy hiểm là yếu tố được quan tâm hàng đầu trong suốt quá trình thi công cũng như khi đưa vào khai thác tòa nhà.
Với chiều cao như vậy, mỗi khi có hoả hoạn hoặc sự cố nguy hiểm, không thể dùng thang bộ như cách nhiều toà nhà thông thường sử dụng. Thật không tưởng nếu cùng một lúc hàng ngàn con người chạy bộ xuống 160 tầng để thoát ra ngoài khi có nguy hiểm.
Burj Khalifa có những biện pháp phòng chống hoả hoạn, thiên tai tối tân.
Hệ thống chữa cháy và thang máy được lắp đặt dành riêng cho việc di tản khỏi toà nhà có tải trọng 5500kg được coi là giải pháp hiện đại nhất và hiệu quả nhất. Cứ vài chục tầng, lại có một hầm trú ẩn tạm thời được xây dựng dành riêng trong trường hợp khẩn cấp do không kịp thoát ra ngoài khi gặp sự cố.
Toà nhà có 58 thang máy và 8 thang cuốn. Thang máy đặc biệt dành riêng cho hệ thống chữa cháy tải trọng đến 5.5 tấn, lập kỷ lục nơi cung cấp dịch vụ ở độ cao nhất thế giới. Một số thang máy được lập trình sẵn, chỉ phục vụ di tản khỏi toà nhà khi gặp trường hợp khẩn cấp hoặc khi có hỏa hoạn.
4 khu an toàn ở các tầng 42, 75, 111 và 138. Những khu trú ẩn này có thể chứa tới 6.500 người và có thể chống chịu được trong 2 giờ sau khi đám cháy bùng phát.
Địa điểm này cũng được kết nối trực tiếp với trạm cứu hỏa, cùng với các tòa nhà cao 21 tầng trở lên khác. Do đó, lực lượng cứu hỏa sẽ được cảnh báo bằng báo cáo trực tiếp từ các địa điểm này.
Tuy toà nhà cao nhất thế giới chưa từng bị đe doạ nhưng trong thực tế những năm gần đây, đã xảy ra hàng loạt vụ hỏa hoạn tại các tòa nhà cao chọc trời khác ở Dubai, đặt ra câu hỏi về mức độ an toàn của những công trình nổi tiếng này. Để giải quyết các mối nguy hiểm, các nhà chức trách nước này trước đó cho biết các quy tắc an toàn phòng cháy chữa cháy đã được thay đổi.
Ngay gần Burj Khalifa, tòa tháp cao nhất thế giới, đã từng có một đám cháy lớn bùng lên, đã gần như 'nuốt chửng' một tòa nhà 35 tầng hồi cuối năm 2022. Ngọn lửa bùng phát từ khoảng 2h20 và đến 3h45 (giờ địa phương) mới được dập tắt. Các video được chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy ngọn lửa gần như nhấn chìm toàn bộ tòa nhà cao tầng.
Vào tháng 4, một đám cháy lớn cũng bùng lên tại khách sạn Swissôtel Al Murooj sang trọng của Dubai, đối diện với tòa nhà Burj Khalifa. Không có nạn nhân nào được báo cáo sau vụ việc.
Vào năm 2015, một vụ hỏa hoạn kinh hoàng đã xảy ra tại tòa nhà 63 tầng, nơi đặt tổ hợp khách sạn và dinh thự The Address cao cấp nhất ở trung tâm thành phố Dubai ngay đêm giao thừa./.