Một cách lý giải riêng về văn hóa trong khoa học xã hội

Thu Hiền| 05/01/2021 15:21
Theo dõi ICTVietnam trên

Cuốn sách "Khái niệm văn hóa trong khoa học xã hội" mang đến cho bạn đọc cách lý giải riêng về văn hóa trong khoa học xã hội.

Tối ngày 4/1/2021, tại Trung tâm Văn hóa Pháp diễn ra buổi Tọa đàm giới thiệu cuốn sách "Khái niệm văn hóa trong khoa học xã hội" do dịch giả Lê Minh Tiến dịch, Nhà xuất bản Tri thức ấn hành.

Tại Tọa đàm ông Thierry Vergon, Giám đốc Trung tâm văn hóa Pháp chia sẻ: Từ khi khái niệm văn hóa xuất hiện từ thế kỷ 18 thì đã có khá nhiều những định nghĩa về nó. Cuốn sách này mang một ý nghĩa sâu sắc và nhân văn về con người và xã hội.

Một cách lý giải riêng về văn hóa trong khoa học xã hội - Ảnh 1.

Ông Thierry Vergon - Giám đốc Trung tâm văn hóa Pháp phát biểu tại Tọa đàm

Còn dịch giả Lê Minh Tiến tâm sự về quá trình dịch cũng như nội dung cuốn sách. Theo đó, kể từ khi xuất hiện từ "văn hóa" mang ý hiện đại, khái niệm này đã là đối tượng của nhiều cuộc tranh luận học thuật rất sống động. Quyển sách trình bày khái niệm văn hóa như nó được định nghĩa và được sử dụng trong các ngành khoa học xã hội một cách khá đầy đủ.

Một cách lý giải riêng về văn hóa trong khoa học xã hội - Ảnh 2.

Dịch giả Lê Minh Tiến chia sẻ về nội dung và quá trình dịch sách

Có thể nói, quyển sách nhỏ này sẽ mang lại những hiểu biết căn bản nhất về khái niệm văn hóa, các trường phái nghiên cứu về văn hóa, đặc biệt là trường phái Nhân học văn hóa Bắc Mỹ, các lĩnh vực nghiên cứu văn hóa như văn hóa nhập cư, văn hóa doanh nghiệp, văn hóa bình dân…

Cuốn sách "Khái niệm văn hóa trong khoa học xã hội" với nội dung gồm 9 phần chính: Nguồn gốc xã hội của từ "văn hóa" và ý niệm "văn hóa"; Sự ra đời của khái niệm khoa học về văn hóa; Thắng lợi của khái niệm văn hóa; Nghiên cứu các mối quan hệ giữa các nền văn hóa và việc cách tân khái niệm văn hóa; Thứ bậc xã hội và thứ bậc văn hóa; Văn hóa và căn tính; Mở rộng khái niệm văn hóa sang các lĩnh vực ứng dụng mới; Văn hóa doanh nghiệp và văn hóa nghề nghiệp; Di dân quốc tế và biến chuyển văn hóa.

Xét về bản chất, con người là một hữu thể văn hóa. Quá trình dài tiến hóa thành người, được bắt đầu trên dưới 15 triệu năm, đã chuyển từ sự thích nghi di truyền với môi trường tự nhiên sang sự thích nghi văn hóa.

Trong quá trình tiến hóa này, đã dẫn đến loài Người tinh khôn (Homo sapiens), loài người đầu tiên, diễn ra một sự thoái triển tuyệt vời về bản năng, dần dần "được thay thế" bằng văn hóa, tức là qua sự thích nghi có chủ ý và có kiểm soát của con người thể hiện sự thích nghi mang tính chức năng nhiều hơn là sự thích nghi mang tính di truyền, bởi vì sự thích nghi này linh hoạt hơn, chuyển giao dễ hơn và nhanh hơn.

Văn hóa không chỉ cho phép con người thích nghi với môi trường mà còn làm cho môi trường thích nghi với con người, với những nhu cầu, những dự án của con người, nói cách khác, văn hóa làm cho việc biến đổi tự nhiên trở nên khả dĩ.

Vì thế, khái niệm văn hóa tỏ ra là một công cụ thích hợp để kết thúc lối giải thích mang tính tự nhiên đối với các hành vi của con người. Nơi con người, tự nhiên được giải thích hoàn toàn bằng văn hóa. Những khác biệt có vẻ ít nhiều được gắn với các đặc tính sinh học như, sự khác biệt về giới tính, tự nó không bao giờ được quan sát ở "tình trạng thô" (tự nhiên), bởi vì có thể nói văn hóa được nhìn thấy "cách tức thì" trong sự khác biệt đó. Sự phân công vai trò giới và trách nhiệm trong xã hội loài người chủ yếu xuất phát từ văn hóa, và vì thế nó thay đổi từ xã hội này sang xã hội khác.

Các ngành khoa học xã hội, mặc cho có sự lo ngại về tính tự trị nhận thức luận, không bao giờ hoàn toàn độc lập với các bối cảnh học thuật và ngôn ngữ học mà trong đó chúng tạo dựng những lược đồ lí thuyết và khái niệm của mình. Do đó, khảo cứu khái niệm văn hóa hàm chứa việc nghiên cứu tiến hóa lịch sử của nó, mà bản thân sự tiến hóa này cũng được gắn trực tiếp với nguồn gốc xã hội của ý niệm hiện đại về văn hóa.

Một cách lý giải riêng về văn hóa trong khoa học xã hội - Ảnh 3.

Bìa cuốn sách

Do vậy cuốn sách này, có mục tiêu trình bày khái niệm văn hóa như nó được định nghĩa và được sử dụng trong các ngành khoa học xã hội, không phải là suy tư về văn hóa theo cách hiểu hạn hẹp, tức văn hóa là cái mang tính hàn lâm, "có văn hóa" (cultivée) vốn [chỉ] đề cập các tác phẩm được gọi là văn hóa và các thực hành gắn liền với chúng.

Tác giả Denys Cuche là Giáo sư Xã hội học và Nhân học tại Trường Đại học Sorbonne (Phân khoa Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Paris-Descartes) và là nhà nghiên cứu tại Trung tâm Dân số và Phát triển (CEPED), UMR Paris-Descartes/INED/IRD. Lĩnh vực nghiên cứu của ông gồm di dân quốc tế, quan hệ liên tộc người và tiếp xúc văn hóa. Khách thể nghiên cứu là châu Mỹ Latin, Péru và Palestines.

Dịch giả Lê Minh Tiến hiện là giảng viên Xã hội học tại Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh. Ông từng tốt nghiệp hạng thủ khoa ngành Xã hội học khóa 1 tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh, tốt nghiệp Cao học chuyên sâu Xã hội học (Diplôme d'Études Approfondies) tại Đại học Công giáo Louvain (Université Catholique de Louvain) của Vương quốc Bỉ.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Một cách lý giải riêng về văn hóa trong khoa học xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO