Một năm học đáng nhớ

Đặng Loan - Tạp chí Thiết bị Giáo dục| 23/12/2021 09:41
Theo dõi ICTVietnam trên

Có thể nói, năm học 2020-2021 là một năm học đáng nhớ trong lịch sử loài người, nhất là với học sinh và phụ huynh. Một năm học “đặc biệt” trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp đã diễn ra bằng lễ khai giảng lạ lẫm, cũng những giờ học trực tuyến với hình ảnh chưa từng có.

Lễ khai giảng đặc biệt tại nhà cùng cha mẹ

Nếu như những năm trước, học sinh cả nước sẽ quần áo chỉnh tề, tay cầm cờ hoa, nô nức đến trường dự ngày hội lớn nhất của năm học, cũng là ngày đầu tiên của năm học mới, thì năm nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19 mà hơn 20 tỉnh thành chỉ có thể tổ chức lễ khai giảng trực tuyến hoặc qua truyền hình cho học sinh, trong đó có cả Thủ đô Hà Nội, nơi có đến trên 2,1 triệu học sinh, chiếm khoảng 10% tổng số học sinh của cả nước.

Cùng con theo dõi lễ khai giảng trực tuyến lần đầu tiên được thành phố Hà Nội tổ chức qua truyền hình, chị Hoàng Thị Thủy (Thanh Xuân), phụ huynh học sinh ngày đầu tiên đi học chia sẻ: "Cháu nhà tôi năm nay vào lớp 1, thật khó tả khi nói về một lễ khai giảng đặc biệt này. Bố mẹ không cần phải chia nhau đưa đón hoặc đi khai giảng ở trường cùng con. Năm nay, tất cả được diễn ra trong ngay trong chính ngôi nhà của mình, các con ngồi trước màn hình tivi, còn cha mẹ lăng xăng chụp thời khắc con đang dự lễ khai giảng để gửi cho cô giáo. Dịch bệnh làm thay đổi mọi thứ, buộc tất cả chúng ta phải thay đổi để thích ứng với những những xúc cảm buồn, vui lẫn lộn".

Một năm học đáng nhớ  - Ảnh 1.

Lễ khai giảng trực tuyến lần đầu tiên được thành phố Hà Nội tổ chức qua truyền hình

Bé Khang (6 tuổi, con trai chị Thủy) háo hức vì được vào lớp 1. Sáng ngày 5/9, bé dậy sớm và được mẹ mặc đồng phục mới để dự lễ khai giảng qua màn hình tivi, máy tính. Đúng 7h, chương trình "Chào mừng năm học mới" được đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội phát sóng. Bé chăm chú theo dõi hình ảnh lễ khai giảng của những năm trước được chiếu trên tivi. Đúng 7h30 theo lịch đã hẹn trước với phụ huynh, cô giáo bắt đầu gọi video để học sinh gặp mặt, làm quen với các thành viên trong lớp. Buổi đầu tiên, cô giáo chủ nhiệm giới thiệu về trường, lớp mới cho các em học sinh. Chăm chú theo dõi qua màn hình, học sinh đầu cấp nên em nào cũng háo hức, thích thú với những hình ảnh cô giới thiệu về ngôi trường mới xinh đẹp. Chỉ tiếc do dịch bệnh COVID-19, niềm hân hoan đến trường đang phải tạm lùi lại.

Cùng cảm xúc có con vào lớp 1, chị Dương (Cầu Giấy) chia sẻ: "Tôi cho con ăn sáng từ rất sớm, chuẩn bị đồng phục, bật máy tính để con có thể tham gia buổi lễ khai giảng. Ban đầu, bé háo hức, ngồi nghe rất chăm chú nhưng càng về sau thì lại mất tập trung. Là trẻ con nên mình ép ngồi một chỗ là rất khó".

Một năm học đáng nhớ  - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Cô Bùi Tuyết Nhung giáo viên Trường tiểu học Cầu Giấy xúc động: "Mặc dù không được đến trường dự ngày Lễ khai giảng nhưng tôi thấy các con vẫn rất háo hức, chăm chú ngồi xem buổi Lễ được phát trực tiếp trên ti vi mà không rời mắt. Một buổi Lễ khai giảng đặc biệt, tôi và con đều thấy rất ý nghĩa. Tôi đã khóc khi xem phóng sự về năm học 2020 - 2021 vì quá cảm động. Một năm học có nhiều khó khăn mà cả thầy và trò của các trường học đều đã nỗ lực vượt qua, đạt được thành tích cao. Tôi tin tưởng, với những biện pháp mạnh hiện nay, Hà Nội sẽ sớm đẩy lùi được dịch bệnh, học sinh sẽ sớm được được trở lại trường, lớp".

Tương tự, để công tác dạy và học được diễn ra thuận lợi, đạt kết quả, những ngày vừa qua cô giáo Nguyễn Thị Kim Lan (quận Bắc Từ Liêm) đã chuẩn bị đầy đủ từ nội dung kịch bản đến các thiết bị hỗ trợ cho việc khai giảng, dạy học. Đã từng đón rất nhiều buổi Lễ khai giảng nhưng năm nay là lần đầu tiên cô có một ngày Lễ thực sự đặc biệt.

"Năm nay, chúng ta sẽ bắt đầu năm học mới một cách đặc biệt hơn. Tôi chưa bao giờ dự khai giảng ngay tại phòng làm việc của mình, cô và trò chỉ gặp nhau qua màn hình máy tính. Mặc dù vậy chúng tôi đều có những trải nghiệm đáng nhớ, in dấu một buổi Lễ khai giảng đặc biệt trong ký ức của mình. Việc giảng dạy online có nhiều vất vả nhưng bản thân tôi lúc nào cũng mong muốn có thể mang đến cho các em nhiều kiến thức, niềm vui khi đến trường. Vì vậy, tôi cùng các thầy cô trong trường đã chuẩn bị thật kỹ lưỡng, chu đáo, trao đổi với phụ huynh và học sinh để các em yên tâm khi tham gia học trực tuyến", cô giáo Kim Lan xúc động chia sẻ.

Cùng chung cảm xúc với thầy và trò cùng các bậc phụ huynh, trong thư của Chủ tịch nước gửi ngành Giáo dục nhân dịp khai giảng năm học mới, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ: Với người làm thầy, làm cô và với các em học sinh, sinh viên, việc không thể đến lớp vào mùa tựu trường là cả một sự trống trải đi liền với nỗi buồn sâu sắc…

Chủ tịch nước đề nghị ngành Giáo dục, cùng các ngành, các cấp cần lưu ý, có những hành động tương xứng với tình hình dịch bệnh và có những biện pháp giảm thiểu tối đa các tác động tiêu cực, đặc biệt là nguy cơ một số học sinh, sinh viên bị tụt hậu so với các bạn đồng trang lứa. Hơn bao giờ hết, toàn xã hội, cả hệ thống chính trị cần sát cánh hơn nữa, lắng nghe, thấu hiểu và chung tay hành động cùng với ngành Giáo dục vì tương lai của đất nước, vì tương lai con em chúng ta.

Những buổi học "cười ra nước mắt"

Năm học mới đã bắt đầu, để phòng, chống dịch COVID-19, tại nhiều tỉnh, thành phố, học sinh các cấp chưa đến trường, tạm thời học theo hình thức trực tuyến. Trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp và cả đặc thù lứa tuổi học sinh, hình thức học tập này đòi hỏi rất nhiều nỗ lực, khắc phục khó khăn của thầy cô, nhà trường, phụ huynh, giúp cho hành trình học tập của học sinh không bị gián đoạn, đạt hiệu quả như mong muốn.

Vậy nhưng, năm học mới chỉ vừa bước sang ngày thứ 2 với chương trình học trực tuyến, nhưng đã có lắm chuyện "cười ra nước mắt". Giáo viên, phụ huynh cũng chỉ biết cười trừ, thông cảm cho nhau và dặn lòng cố gắng "vì tương lai con em chúng ta"…

Bắt đầu từ việc sử dụng nền tảng nào để học, trước ngày vào học chính thức, tiếp sau nội dung hướng dẫn của cô giáo chủ nhiệm, hội phụ huynh cũng rất chủ động khi tổ chức cuộc "trưng cầu dân ý" sôi nổi về việc học trực tuyến trên nền tảng Zoom hay Google Meet, phân tích mặt lợi hại. Ấy thế như đến khi học, phụ huynh và học sinh liên tục làm khổ cô giáo với…1.001 câu hỏi: "Vì sao?".

Các thầy, cô giáo chủ nhiệm tỏ ra là một người khá rành về dạy trực tuyến, soạn "giáo án số" công phu. Nhưng thầy, cô cũng thừa nhận là quá tải và rất cần sự hợp tác của phụ huynh lúc này. Cũng dễ hiểu, bởi có rành rọt đến mấy thì thầy, cô giáo cũng không phải là chuyên gia công nghệ để giải đáp hết thắc mắc của phụ huynh...

Một năm học đáng nhớ  - Ảnh 3.

Dạy và học trực tuyến

Bố mẹ gọi tên cô giáo chán chê thì đến lượt học trò gọi. Nhất là những khi phụ huynh ra khỏi nhà đi làm, để lại "khoảng trống mênh mông" của các em học sinh trước màn hình máy tính, điện thoại. Đặc biệt là học trò bậc tiểu học, lứa tuổi mà... cái gì hơi lạ cũng tò mò đặt câu hỏi. "Cô ơi, cháu không thấy cô?", "Cô ơi, bài này giải như thế nào?", "Cô ơi, cho cháu phát biểu", "Cô ơi, cô… biến mất đâu rồi?". Những câu hỏi đại loại như thế vang lên không ngớt. Nhưng dẫu sao đó vẫn là những đoạn hội thoại dễ thương, bám trọng tâm của buổi học. Bởi đã từng có nhiều "học trò online" mặc cô nói, vẫn trò chuyện râm ran (hoặc nhắn tin) về việc nhà cửa, về kỳ nghỉ hè và cả dịch bệnh COVID-19.

Trên trang cá nhân của mình cô giáo Võ Quế An đã viết: "Ngày 6.9.2021. Lễ khai giảng năm học 2021 - 2022. Khóa mắt mẹ cay cay, rồi không hiểu vì sao nó lại rơi một cách vô thức. Thương các bạn năm đầu tiên bước vào lớp 1, thương con, khi mẹ là cô giáo mẹ đã xác định sẽ không được đồng hành cùng con trong những ngày quan trọng. Nhưng năm nay là một năm đặc biệt mẹ đã được cùng con ngồi nghe cô giáo đọc thư chúc mừng, rồi cùng xem thầy hiệu trưởng đánh tiếng trống trường đầu tiên của năm học mới, trong một hoàn cảnh mà mẹ nghĩ rằng sẽ không bao giờ quên... Cầu mong dịch bệnh qua đi, mọi thứ trở lại bình thường để các con được đến trường cùng cô giáo và các bạn".

Không chỉ giáo viên, mà phụ huynh cũng bị cuốn trong… trăm mối tơ vò của học trực tuyến. Ngay cả như ở Thủ đô Hà Nội thì không hẳn gia đình nào cũng có mạng internet, wifi; không phải phụ huynh nào cũng sắm máy tính hay có điện thoại thông minh.

Một cô giáo dạy trường điểm ở Ba Vì phát hiện trong lớp 38 học sinh thì đã có 3 em vắng học. "Có phụ huynh báo với tôi rằng cả nhà chỉ có mỗi một cái điện thoại thông minh, mà lại hỏng camera, đang sửa ngoài tiệm… Họ xin cô cho cháu nghỉ 1, 2 hôm"...

Thương con, lo cho việc học hành của con thua chúng bạn, nhiều phụ huynh hớt hải nhờ vả nhà mạng đến nhà kéo dây, một số khác phải chi ra món tiền không nhỏ (đặc biệt là trong buổi dịch giã khó khăn) để mua sắm thiết bị để phục vụ việc học cho con. Có thiết bị, có mạng Internet, nhưng nhiều bậc phụ huynh vì công việc ít tiếp xúc với máy móc, công nghệ nên không biết làm sao đăng nhập để "con được vào lớp". "Có người bạn đã gửi cho tôi bức ảnh, ghi cảnh cả nhà gồm ông bà, cha mẹ cùng 1 học sinh đang xúm quanh chiếc điện thoại nhỏ tí, toát mồ hôi để đăng nhập. Cười ra nước mắt"- Một thầy giáo chia sẻ trên Facebook của mình.

Riêng đối với các em nhỏ, chủ thể chính cho công cuộc học trực tuyến quy mô lớn nhất từ trước đến nay tại Việt Nam, hẳn chúng ta không thể nào quên được khi xem rất nhiều hình ảnh miêu tả việc học trực tuyến đầy rẫy trên mạng. Đó là những cô cậu học trò nghiêng ngả, hoặc đang say giấc, hoặc đang làm một việc riêng gì đó… mặc cho "tiếng cô vang rừng núi, sao không ai trả lời".

Chung tay vun đắp cho thế hệ tương lai của đất nước

Hiện nay, tình hình diễn biến của dịch bệnh COVID vẫn còn đang phức tạp, việc dạy và học trực tuyến là giải pháp hữu hiệu nhất đối với các em học sinh lúc này. Đặc biệt là khi vắc xin vẫn chưa phủ kín đối với các em. Ngành giáo dục đã liên tục kêu gọi các vị phụ huynh kiên trì hơn nữa, chịu khó hơn nữa, bình tĩnh hơn nữa trong việc chăm sóc, giúp đỡ các con học hành ở nhà…Còn các thầy cô không nóng vội "chạy chương trình" mà hãy xây dựng bài giảng ngắn gọn, dễ hiểu, hấp dẫn, có nhiều tương tác với học sinh để tiết học ngắn lại so với học trực tiếp, đồng thời giao ít bài tập.

Tiếp đến là thường xuyên hỏi han học sinh và phụ huynh để điều chỉnh việc giảng dạy cho phù hợp. Đồng thời, ngành giáo dục đã từng bước và quyết liệt thực hiện các giải pháp để đổi mới toàn diện nhằm nâng cao chất lượng giáo dục ở tất cả các cấp học với phương châm "lấy học sinh làm trung tâm"; "lấy nhà trường làm nền tảng"; "lấy thầy giáo làm động lực".

Với hình thức học trực tuyến, vai trò của phụ huynh rất quan trọng, như một "huấn luyện viên hiện trường" để hỗ trợ giáo viên, động viên con tham gia học tập nghiêm túc, đầy đủ. Đặc biệt, với học sinh lứa tuổi Tiểu học, cha mẹ nên chú ý chuẩn bị cho con không gian học phù hợp, nên tách con khỏi các yếu tố gây" nhiễu" dễ làm phân tán sự tập trung như ti vi, các đồ chơi, thậm chí là các vật nuôi. Phụ huynh có thể hỗ trợ con tham gia các bài học, thảo luận với bạn bè, giáo viên. Các con ở nhà, học trực tuyến để phòng, chống dịch bệnh, phụ huynh nên động viên, hướng dẫn con sau giờ học có các hoạt động vui chơi, thư giãn trong không gian gia đình, tạo tâm lý thoải mái cho con.

Dịch bệnh gần như đã làm đảo lộn tất cả các hoạt động của xã hội. Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ thấu hiểu, chia sẻ những vất vả, khó khăn của cả ngành Giáo dục, của hơn 24 triệu học sinh, sinh viên, hàng triệu nhà giáo, hàng chục triệu phụ huynh học sinh. Chính vì vậy, bên cạnh việc giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để phát triển sự nghiệp giáo dục, cần có những giải pháp trước mắt, kịp thời cho năm học mới với sự cố gắng cao nhất, quan tâm sâu sắc nhất đến tất cả các thầy cô giáo, học sinh, sinh viên trong thời khắc khó khăn này.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Bộ GDĐT, các địa phương đã chủ động triển khai nhiều giải pháp để tổ chức dạy học linh hoạt, với đa dạng hình thức, phù hợp với tình hình kiểm soát dịch bệnh. Trong đó, địa phương cơ bản kiểm soát được dịch đã tận dụng thời gian "vàng" để dạy học trực tiếp; địa phương đang thực hiện giãn cách thì dạy học trực tuyến hoặc kết hợp trực tuyến với học qua truyền hình.

Đồng thời, các địa phương cùng ngành giáo dục đang tích cực quyên góp, vận động, ủng hộ "Sóng và máy tính cho em". Bước đầu, một số học sinh đã được hỗ trợ để học tập trực tuyến; các bộ, ban, ngành, các tổ chức, cá nhân cũng cùng chung tay quyên góp, ủng hộ quà và sách vở, đồng phục và các thiết bị học tập cho các em học sinh vùng khó khăn…

Chia sẻ về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, các tỉnh thành cùng TƯ đang thống kê tới tận từng trường hợp khó khăn không thể học trực tuyến và sẽ có giải pháp cho từng việc, từng trường hợp; sẽ có hàng loạt biện pháp hỗ trợ và "bọc lót" lẫn nhau. Bộ trưởng cũng bày tỏ niềm mong muốn rất mạnh mẽ, đó là mong "cả xã hội chia sẻ cùng ngành Giáo dục bằng cả tinh thần và sự hỗ trợ cụ thể nhất".

"Thực tế, bằng cách này hay cách khác, các bộ, ngành, địa phương trên cả nước, trong đó có Hà Nội đang có nhiều hoạt động tích cực kêu gọi, ủng hộ, hỗ trợ HS có hoàn cảnh khó khăn có đủ thiết bị và đường truyền đảm bảo học trực tuyến để dù khó khăn đến đâu, ngành Giáo dục cũng ra sức, cố gắng dạy tốt, học tốt" - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nhấn mạnh./.

(Bài viết đăng trên Tạp chí TT&TT số đặc biệt chào năm mới 2022 - Xuân Nhâm Dần)

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Một năm học đáng nhớ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO