Các doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp thành công đều cho thấy giá trị tài sản vô hình chiếm một phần rất lớn trong tài sản của mình. Vì lẽ đó, quan tâm đến sở hữu trí truệ (SHTT) ngay khi bắt đầu là cần thiết. Trong bài viết này, tác giả cung cấp một số kinh nghiệm về SHTT có giá trị tham khảo cho các cá nhân đang và sẽ khởi nghiệp.
Khái niệm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và vấn đề SHTT
DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) hay startup là một loại hình DN có thể dưới dạng một công ty, một tổ chức tạm thời được thiết lập để mưu tìm một mô hình tổ chức sản xuất, kinh doanh phù hợp. Đây là giai đoạn đầu của vòng đời một DN, đưa DNô hình kinh doanh, và bắt đầu vận hành hoặc bán hàng (thông thường, ở các nước, một startup chỉ có tuổi thọ trên dưới 3 năm).
Paul Graham, chuyên gia lập trình, nhà đầu tư rủi ro, nói “Startup là một công ty được thiết lập để kỳ vọng tăng trưởng nhanh. Việc mới thành lập, thậm chí thuộc ngành công nghệ, được quỹ đầu tư rủi ro tài trợ hoặc có chiến lược thoát hiểm tốt cũng không làm cho một công ty trở thành một startup. Điều chính yếu để một công ty có là một startup hay không là tốc độ tăng trưởng của nó. Ông chủ startup phải đối đầu với loại vấn đề khó khăn hơn doanh nghiệp thông thường, đó là phải tìm cho ra một trong ít ý tưởng hiếm hoi nhằm tạo ra tốc độ tăng trưởng nhanh.”
Theo luật hỗ trợ DN nhỏ và vừa (2017) thì DN nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo là DN nhỏ và vừa được thành lập để thực hiện ý tưởng trên cơ sở khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới và có khả năng tăng trưởng nhanh.
Định nghĩa này cũng tương đồng với Thông tư 01/2017/TT- BKHCN quy định về quản lý Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia đến năm 2025” do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành, theo đó: DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là DN có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới và có thời gian hoạt động không quá 05 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký DN lần đầu.
Như vậy, xem xét một startup dưới góc độ SHTT thì:
1. Quá trình khởi nghiệp bắt đầu sớm ở bước hình thành ý tưởng dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới; trưởng thành bằng các sản phẩm/dịch vụ mà thể hiện được sự độc đáo. Mỗi yếu tố ở đây đều hàm chứa các giá trị/tài sản trí tuệ.
2. Công nghệ thường là đặc tính tiêu biểu của sản phẩm/dịch vụ từ một startup. Dù vậy, ngay cả khi sản phẩm/dịch vụ không dựa nhiều vào công nghệ, thì startup cũng cần áp dụng công nghệ để đạt được mục tiêu kinh doanh cũng như tham vọng tăng trưởng. Khi các ý tưởng, công nghệ này được cấp bằng sáng chế, đồng nghĩa với việc startup nắm trong tay độc quyền về ý tưởng, công nghệ đó, từ đó tạo lợi thế cạnh tranh thương mại trên thị trường. Từ những bằng sáng chế này, có thể tạo ra những sản phẩm và dịch vụ độc đáo, từ đó nâng cao cơ hội thành công và tăng lợi nhuận.
3. Một startup thực chất là chỉ là một tổ chức được thiết lập tạm thời, là giai đoạn đầu của vòng đời một doanh nghiệp và đánh dấu kết thúc bằng công đoạn IPO. Thông thường giai đoạn này chỉ kéo dài 3-5 năm. Yếu tố này liên quan đến chia sẻ lợi ích giữa các thành viên và giữa startup với nhà đầu tư vốn/cổ đông
4. Các startup thường không mang lại lợi nhuận ngay, tuy nhiên các doanh nghiệp khởi nghiệp thường được định giá cao chính bởi yếu tố: kỳ vọng vào sản phẩm/dịch vụ và tốc độ tăng trưởng nhanh.
5. Hầu hết các startup đều bắt đầu bằng một nhóm cùng nhau làm việc và kỳ vọng sẽ mang lại những giá trị trong tương lai. Yếu tố này liên quan đến xác lập các đóng góp của các thành viên trong nhóm.
Tại sao các startup nên đăng ký SHTT?
SHTT, tài sản vô hình bao gồm hoặc là kết quả của sự sáng tạo, đổi mới, sáng chế và bí quyết (và bao gồm tất cả các quyền đối với công nghệ), đang trở thành một khía cạnh ngày càng quan trọng của bất kỳ DN nào. Điều này đặc biệt đúng với các DN công nghệ mới nổi và khởi nghiệp.
1. Trước hết để bảo vệ các startup trước khả năng bị các cá nhân, tổ chức khác bắt chước sáng tạo của DN. Thương trường là chiến trường và các ý tưởng mà nhà sáng lập startup dày công suy nghĩ, vun đắp có thể bị người khác ăn cắp, đăng ký bản quyền trước và sử dụng độc quyền trong khoảng thời gian lên đến 20 năm. Lúc này, việc sử dụng sáng tạo của mình đã là một hành vi vi phạm pháp luật, chứ đừng nói đến chuyện DN có thể kiếm được lợi nhuận hay kêu gọi vốn.
2. Doanh nghiệp tự giới hạn hoặc lãng phí khả năng kiếm lợi nhuận từ quyền SHTT. Quyền sở hữu cho phép DN có thể kiếm tiền, bán hoặc chuyển giao các tài sản trí tuệ này. Ví dụ, nhà sáng lập startup có ý tưởng đã được bảo hộ nhưng lại không có đủ khả năng tài chính để thương mại hóa nó, họ có quyền bán đi ý tưởng như một nguồn thu nhập. Không có quyền SHTT cũng đồng nghĩa với việc các công ty khác có thể sử dụng sản phẩm của startup tùy ý mà không phải trả bất cứ khoản phí nào.
3. Thêm nguy cơ cho DN với những vụ kiện tụng lãng phí. Một phần quan trọng trong việc đăng ký quyền SHTT là việc các nhà thẩm quyền xem xét, tìm kiếm trên thị trường để đảm bảo ý tưởng của startup không bị trùng lặp với bất kỳ sáng tạo nào khác. Điều này về lâu dài giúp DN tránh hoặc có lợi thế trong những vụ kiện tụng tại tòa hoặc kịp thời đăng ký quyền sở hữu trước những đối thủ khác.
Về cơ bản, có ba cách mà một startup hoặc bất cứ tổ chức nào khác có thể thực hiện SHTT là thông qua bằng sáng chế, thương hiệu và bản quyền cho các sản phẩm, quy trình, ý tưởng, khái niệm, tên DN, logo... của mình. DN cũng có thể phần nào tự định giá tài sản trí tuệ mình sở hữu bằng cách:
- Xác định loại tài sản
- Xem xét bối cảnh/ngành công nghiệp nơi tài sản được sử dụng cũng như điều kiện thị trường chung
- Xem xét các yếu tố khác như rào cản gia nhập, lợi nhuận, tiềm năng sử dụng và khai thác...
SHTT cho startup của bạn
Bắt đầu khởi nghiệp là một thách thức mới và thú vị có thể bổ ích đối với mỗi người, nhưng ngay từ đầu, điều quan trọng là phải xem xét tài sản trí tuệ liên quan đến doanh nghiệp của mình và đảm bảo rằng nó được là của mình và được bảo vệ. Không có gì tệ hơn là xây dựng một DN và một thương hiệu xung quanh một cái tên, sau đó để tìm ra rằng nó đã được sử dụng và có sự bảo vệ thương hiệu bởi người khác.
SHTT là kết quả của quá trình sáng tạo của bạn và bạn có quyền hợp pháp với tài sản trí tuệ mà bạn tạo ra. Tài sản trí tuệ có thể được phân loại thành 2 nhóm:
Nhóm 1: Các tài sản trí tuệ hữu hình: sáng chế, nhãn hiệu, thương hiệu, bản quyền tác phẩm,... (hay các tài sản trí tuệ không bí mật)
Nhóm 2: Các tài sản trí tuệ vô hình (các bí mật kinh doanh, thông tin độc quyền)
Bảo vệ tài sản trí tuệ không bí mật
Không phải tất cả các tài sản trí tuệ liên quan đến DN của bạn là bí mật. Ví dụ: logo và tên DN của bạn được liên kết chặt chẽ với thương hiệu của bạn, nhưng không được bảo mật. Tuy nhiên, loại tài sản này có bảo vệ SHTT. Đó là giá trị chi phí trả trước để bảo vệ tài sản này, điều này rất quan trọng đối với thương hiệu khởi nghiệp của bạn.
Tối thiểu, hầu hết các DN sẽ đầu tư vào logo và tên miền cho DN của họ. Trước khi làm như vậy, điều quan trọng là phải kiểm tra xem tên của bạn hiện không được sử dụng bởi một DN khác. Bạn có thể xác định liệu đây có phải là trường hợp hay không bằng cách chạy tìm kiếm hồ sơ công ty và đăng ký tên DN của bạn hoặc kết hợp kinh doanh của bạn.
Tương tự, bạn có thể tiến hành tìm kiếm hồ sơ SHTT để đảm bảo rằng các DN khác không có nhãn hiệu từ hoặc nhãn hiệu thiết kế tương tự như logo của bạn.
Nếu logo của bạn không giống nhau một cách khó hiểu với một nhãn hiệu khác đang tồn tại, hãy xem xét việc đăng ký nhãn hiệu logo của bạn dưới dạng nhãn hiệu từ và nhãn hiệu thiết kế để bảo vệ nó khỏi những người khác sử dụng trong tương lai.
Bảo vệ tài sản trí tuệ bí mật
Trong hoạt động của mình, các startup thường làm việc với các đối tác của mình, và thông thường thì sẽ không có thỏa thuận chính thức nào được đưa ra về quyền sở hữu tài sản trí tuệ được phát triển trong quá trình động não. Trong trường hợp này, nếu đối tác tiết lộ cho người khác (có thể là ông chủ của họ) và đến lượt họ, họ sẽ tiết lộ cho người khác. Để tránh rủi ro này, điều quan trọng là bạn phác thảo ai sở hữu tài sản trí tuệ trước khi bạn bắt đầu bất kỳ cuộc thảo luận nào.
Nếu startup của bạn có nhân viên, hợp đồng lao động của họ nên phác thảo rằng bất kỳ tài sản trí tuệ nào được phát triển trong thời gian làm việc của họ đều thuộc về bạn. Nếu các thành viên khác trong nhóm của bạn đến từ một DN khác, chẳng hạn như nhân viên hợp đồng, hãy đảm bảo phác thảo rằng bạn sở hữu bất kỳ tài sản trí tuệ nào mà công ty phát triển thay mặt họ theo thỏa thuận SHTT.
Thảo luận về tài sản trí tuệ bí mật của bạn
Vậy làm thế nào để bạn thảo luận về ý tưởng một cách an toàn mà không phải đối mặt với bất kỳ vấn đề sở hữu nào? Bạn muốn có thể thảo luận về những ý tưởng này mà không có thông tin nhạy cảm và bí mật của bạn bị xâm phạm.
Dưới đây là một số cách bạn có thể bảo vệ bản thân và DN của mình trong khi thực hiện: Chỉ thảo luận về thông tin bí mật khi cần thiết: Khi thảo luận về khởi nghiệp của bạn, không cần thiết phải thảo luận về mọi chi tiết. Thông thường, khi một doanh nhân đang tìm kiếm đối tác, họ tiết lộ các chi tiết tốt hơn về DN của họ để thuyết phục cá nhân tham gia nhóm của họ. Làm như vậy sẽ khiến bạn gặp rủi ro vì đối tác tiềm năng có kiến thức nội bộ về liên doanh kinh doanh. Cung cấp một lời giải thích chung về ý tưởng kinh doanh của bạn mà không đi sâu vào quá nhiều chi tiết có lợi cho bạn khi thảo luận về nó với những người bên ngoài tổ chức của bạn.
Sử dụng thỏa thuận không tiết lộ thông tin (NDA): NDA là thỏa thuận giữa các bên để không tiết lộ thông tin bí mật không thuộc phạm vi công cộng. Đó là một phương pháp an toàn và đáng tin cậy để bảo vệ tài sản trí tuệ giữa các cá nhân và DN và bảo vệ chủ sở hữu của tài sản trí tuệ đó khỏi bị rò rỉ thông tin vào phạm vi công cộng. Nếu một bên đồng ý với các điều kiện của NDA, NDA bắt buộc họ không được tiết lộ chi tiết thông tin bí mật cho bất kỳ ai. Tham khảo ý kiến luật sư cho các quy định cụ thể để bảo vệ tài sản trí tuệ của bạn.
Luật SHTT có thể phức tạp, nhưng nó cũng có thể tạo ra sự khác biệt giữa thành công hay thất bại của startup của bạn. Nhận thức được những cân nhắc cơ bản này có thể giúp bạn tập trung vào tăng trưởng trong khi vẫn đảm bảo tính bảo vệ và tính sẵn có của tài sản của bạn để sử dụng.
Một số bài học kinh nghiệm về SHTT trong khởi nghiệp ĐMST
Bài học từ bản quyền của startup GROOVESHARK
Grooveshark là một trang web chia sẻ âm nhạc được thành lập năm 2006, rất thịnh hành bởi hình thức hoạt động khác biệt lấy cảm hứng từ sự thành công của YouTube, Grooveshark hi vọng bán quảng cáo hoặc bán cho những người dùng cao cấp sẵn sàng trả phí. Grooveshark hỗ trợ người sử dụng thu âm lại các bài hát mà họ đã mua
bản quyền sau đó chia sẻ cho những người dùng khác. Grooveshark gây ra một cuộc cách mạng trong việc truyền phát âm nhạc, chỉ trong một thời gian ngắn, đến cuối cũng những năm 2000, nó đã sẵn sàng để vượt qua iTunes, BitTorrent, và có lẽ cả Spotify.
Hình thức này đã gây nên nhiều tranh cãi xung quanh vấn đề bản quyền của những bài hát được thu âm lại và đăng tải. Vấn đề ở đây là thực chất thì Grooveshark vẫn dựa trên nền tảng chia sẻ ngang hàng mặc dù hoạt động như một dịch vụ trực tuyến, nó vẫn có nguồn gốc từ thư viện tập tin của người dùng. Đối với công ty thu âm, nó chẳng khác gì dịch vụ vi phạm bản quyền khác.
Tháng 11/2015, Grooveshark đã chính thức đóng cửa và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Đại diện ty đã không thể đưa ra bất kỳ phản hồi nào trước những vụ kiện liên tiếp với chủ thể là gần 5000 bài hát bị đăng tải trái phép và buộc phải bồi thường toàn bộ số tiền theo quy định cho các tác giả - nguyên nhân chính dẫn đến sự phá sản của start-up đình đám này.
Từ câu chuyện thực tế Grooveshark, có thể thấy tầm quan trọng của vấn đề tôn trọng bản quyền và luật sở hữu trí tuệ cần thiết được quan tâm đến thế nào. Đó là một bài học quý báu cho các công ty, đặc biệt là các startup trong thời đại ngày nay.
Câu chuyện VisiCalc không đăng ký bản quyền
Nhiều người tin rằng một trong những đóng góp quan trọng vào sự phát triển của máy tính ngày này là chương trình bảng tính VisiCalc. VisiCalc là đứa con tinh thần của Dan Bricklin khi ông học thạc sỹ quản trị kinh doanh tại Trường Kinh doanh Harvard vào năm 1978. Khi ngồi trên giảng đường, ông thấy giáo sư quá vất vả khi tính toán các con số trên bảng. Mỗi khi sửa lại một con số, ông phải xóa và tính toán rất nhiều số khác. Dan Bricklin mơ ước có một chiếc “bảng thông minh”, để khi cần phải sửa một vài số, những số còn lại tự động tính toán lại theo một công thức định sẵn và cho kết quả đúng.
Để hiện thực hóa ý tưởng mới này, Bricklin hợp tác với Bob Frankston, một lập trình viên phần mềm, thành lập Công ty Software Arts để phát triển chương trình thành sản phẩm có thể thương mại hóa được. Trải qua nhiều khó khăn ban đầu, phiên bản thử nghiệm của phần mềm được giới thiệu vào tháng 5 năm 1979 tại Hội chợ Máy tính ở San Francisco. Phần mềm được lấy tên là VisiCalc (từ ghép từ hai từ tiếng Anh, có nghĩa là tính toán trực quan). Các tác giả của VisiCalc đã được đánh giá là hai trong số bảy người đã khai sinh ra một ngành công nghiệp mới, cùng với Bill Gates, người nổi tiếng thời bấy giờ với ngôn ngữ lập trình BASIC.
Sau đó, Personal Software đã tài trợ để phát triển VisiCalc và trở thành nhà phân phối độc quyền VisiCalc. Những gì đã từng bắt đầu như là một ý tưởng đổi mới sáng tạo của Bricklin vào giữa năm 1978 thì đến năm 1979 đã trở thành chương trình bảng tính đầu tiên được phát hành trên thị trường. VisiCalc được xem như một sản phẩm trí tuệ làm thay đổi phong cách sử dụng máy tính cá nhân.
Tuy nhiên, câu chuyện của VisiCalc không kết thúc ở đó. Ngay sau khi công ty này hoàn thành việc đầu tư ban đầu và thiết lập một thị trường vững chắc cho sản phẩm của mình, các công ty khác bắt đầu đưa ra thị trường các chương trình bảng tính giống hệt như vậy. Những công ty mới này không chỉ được hưởng lợi từ thông tin công khai về chương trình bảng tính ban đầu, bao gồm cả sự chấp nhận của thị trường đã được thiết lập, các công ty này còn có thể có được các nguồn lực lớn hơn để vượt qua sự dẫn dắt thị trường của VisiCalc.
Bricklin đã không đăng ký sáng chế cho VisiCalc. Ông cho biết một luật sư tư vấn bảo hộ sáng chế của Personal Software (sau này đổi tên thành VisiCorp) giải thích rằng có rất nhiều trở ngại liên quan đến việc có được bằng sáng chế cho phần mềm, ước tính chỉ có 10% cơ hội thành công. Dựa trên lời khuyên này và các chi phí liên quan đến đăng ký sáng chế, Bricklin quyết định không đăng ký sáng chế. Thay vào đó, ông đăng ký bảo hộ bản quyền và nhãn hiệu để ngăn chặn những người khác sao chép VisiCalc.
“Các biện pháp bảo hộ này đã không có hiệu lực rõ ràng trong ít nhất hai năm, quá muộn để nộp đơn đăng ký sáng chế”, Bricklin nói. “Nếu tôi sáng chế ra bảng tính ngày hôm nay, tất nhiên, tôi sẽ đăng ký sáng chế,” ông nói thêm.
Kết luận
Ở Việt Nam, hoạt động khởi nghiệp sáng tạo đang phát triển ngày một mạnh mẽ nhưng dường như các nhóm khởi nghiệp chỉ tập trung vào thành lập doanh nghiệp, hoàn thiện sản phẩm, kêu gọi vốn mà chưa quan tâm đến đăng ký quyền bảo vệ sở hữu trí tuệ hoặc ngại đăng ký vì nhiều lý do. Thực tế cũng cho thấy nhiều cá nhân khởi nghiệp ở Việt Nam đang không có nhiều hiểu biết về việc đăng kí quyền SHTT.
Việc đăng ký sở hữu trí tuệ là nền tảng để các DN khởi nghiệp có thể phát triển bền vững, kêu gọi được vốn đầu tư từ xã hội và ngăn chặn việc bị cạnh tranh không lành mạnh trong tương lai. Nếu trước kia tài sản hữu hình là tài sản có giá trị chính của một công ty và được coi là có tính quyết định trong việc xác định khả năng cạnh tranh của một DN trên thị trường thì trong những năm gần đây điều này đã thay đổi cơ bản. Các doanh nghiệp đang nhận ra rằng tài sản vô hình đang trở nên có giá trị hơn so với tài sản hữu hình. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng tài sản hữu hình chiếm 1⁄4 tổng giá trị tài sản doanh nghiệp. Điều đó có nghĩa là tài sản vô hình hay giá trị thương hiệu chiếm 1⁄4 tổng giá trị tài sản doanh nghiệp. Do vậy, có thể thấy tài sản trí tuệ đóng vai trò quan trọng đối với DN, đặc biệt là các DN khởi nghiệp.
Tài liệu tham khảo:
1. Lê Vũ Toàn, Hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, Tạp chí Công nghệ thông tin & truyền thông, 3/2017
2. Nguyễn Hữu Cẩn, Đóng góp của Tài sản trí tuệ đối với kết quả kinh doanh nghiệp của doanh nghiệp, Tạp chí Khoa học và công nghệ Việt Nam, 7/2018
3. Vũ Chí Thành, Nguyễn Hồng Quý, Khởi nghiệp với mô hình công ty Spin- off ở các trường đại học, Tạp chí Giáo dục nghề nghiệp, 2018
4. Vũ Trường Sơn, Lê Vũ Toàn, Định giá công nghệ và vai trò của Nhà nước trên thị trường công nghệ, Tạp chí Khoa học công nghệ Việt Nam, 2015
5. Phạm Đại Dương, Đào Thanh Trường, Nguyễn Thị Ngọc Anh, Nguyễn Thúy Hiền, Ươm tạo doanh nghiệp công nghệ ở Việt Nam: Một tiếp cận phân tích cơ sở pháp lý, Tạp chí khoa học, 2017
6. TS. Đào Quang Thủy, Hoạt động ươm tạo ở Việt Nam: Một số vấn đề cần quan tâm, Tạp chí Khoa học và công nghệ Việt Nam, 9/2017
7. http://songmoi.vn/startup-grooveshark-thien-khong-thoi-dia-khong- loi-nhan-khong-hoa-66409.html
8. https://vi.wikipedia.org/wiki Grooveshark#V%E1%BA%A5n _%C4%91%E1%BB%81_b%E1%BA%A3n_quy%E1%BB%81n
9. https://www.brandsvietnam.com/7935-Bai-hoc-ban-quyen-tu-Startup- Grooveshark
10. https://doanhnhanonline.com.vn/dung-lo-la-so-huu-tri-tue-khi-khoi- nghiep/
(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 7 tháng 7 năm 2022)