Một số vấn đề về đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp viễn thông Việt Nam

03/11/2015 20:55
Theo dõi ICTVietnam trên

Đầu tư ra nước ngoài là một trong những bước đi quan trọng đối với các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp viễn thông nói riêng. Tuy nhiên có một số vấn đề mà các doanh nghiệp viễn thông cần quan tâm khi thực hiện hoạt động này.


HIỆN TRẠNG ĐẦU TƯ RA NƯỚC NGOÀI CỦA CÁC DOANH NGHIỆP VIỄN THÔNG VIỆT NAM

Trong các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam, Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel là đơn vị tiên phong trong việc đầu tư ra nước ngoài (ĐTRNN) từ năm 2006. Đến nay, Viettel đã và đang xúc tiến đầu tư sang 9 thị trường có tổng cộng 175 triệu dân, trong đó 6 thị trường đã đi vào kinh doanh là Campuchia, Lào, Mozambique, Haiti, Đông Timor và Peru, mang lại 1,2 tỷ USD doanh thu cho Viettel trong năm 2014.

Nếu như cả năm 2013, hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Viettel dường như không đạt kết quả như kỳ vọng, khi việc thâm nhập một loạt thị trường nước ngoài chưa thành hiện thực, chỉ có Tanzania, Burundi ở châu Phi được cấp giấy phép, thì năm 2014 tình hình ít nhiều đã có khởi sắc hơn. Ngày 15/10/2014, Viettel đánh dấu sự mở rộng thị trường của mình ra nước ngoài bằng việc khai trương dịch vụ di động với thương hiệu Bitel tại thị trường Peru. Như vậy, đến thời điểm hiện tại, Viettel đã chính thức cung cấp dịch vụ tại 7 quốc gia là Lào, Campuchia, Haiti, Mozambique, Đông Timor, Peru và Cameroon. Hai thị trường châu Phi khác là Tanzania và Burundi đã được cấp giấy phép và đang trong giai đoạn xây dựng hạ tầng. Đáng chú ý, riêng tại Tanzania (nền kinh tế lớn thứ 2 Đông Phi với 29 triệu thuê bao di động đang hoạt động), sau khi có giấy phép, Viettel dự kiến đầu tư 1 tỷ USD vào mạng 3G. Còn tại Burundi (quốc gia có hơn 10 triệu dân, nhưng mới chỉ có khoảng 10% dân số sử dụng dịch vụ di động), thì Viettel đang xúc tiến thành lập Công ty Viettel Burundi và triển khai mạng lưới để kinh doanh.

Tổng công ty cổ phần Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global) - Công ty chịu trách nhiệm thực hiện các dự án ĐTRNN của Viettel đã ban hành Nghị quyết với chủ trương thực hiện dự án đầu tư vào Myanmar trong lĩnh vực viễn thông và một số lĩnh vực khác thuộc phạm vi ngành nghề kinh doanh của Viettel Global. Tổng vốn đầu tư dự kiến của dự án này tại Myanmar là 1,8 tỷ USD, trong đó tổng vốn đầu tư của Viettel Global vào khoảng 800 triệu USD, phần còn lại khoảng 1 tỷ USD sẽ do phía đối tác nước ngoài và Viettel Myanmar tự thu xếp.

Không dừng lại ở đó, Viettel cũng đang xúc tiến mua giấy phép, đấu thầu... để đầu tư vào một số số nước châu Phi và Đông Âu. Gần đây nhất, cổ đông của Viettel Global đã thông qua chủ trương đầu tư vào hai nước châu Phi khác là Congo và Kenya. Tại Kenya, Viettel cũng đã chi 118,8 triệu USD để mua lại 70% cổ phần của Hãng viễn thông Telkom Kenya. Bên cạnh đó, Viettel đã thành lập công ty viễn thông Viettel Congo DR để điều hành và quản lý các khoản đầu tư tại Congo (tìm cách thâu tóm một nhà mạng hiện có của Congo hoặc sẽ tự đầu tư mới). Viettel đang tìm kiếm cơ hội, xúc tiến đầu tư vào một loạt nước khác như Belarus, Cameroon, Burkina Faso...

Đầu tư ra nước ngoài đang là 1 trong 3 hướng đi chính của Vietttel. Viettel đang xây dựng chiến lược trở thành công ty toàn cầu. Theo đó, tại các thị trường nước ngoài mà Viettel đầu tư, Viettel luôn phải là một trong 3 công ty lớn nhất ở thị trường đó. Viettel đặt mục tiêu đến năm 2020, sẽ nhận được từ 20 đến 25 giấy phép đầu tư mạng viễn thông ở nước ngoài, với thị trường có tổng số dân từ 500 đến 600 triệu dân và lọt vào nhóm 10 tập đoàn viễn thông lớn nhất thế giới.

Việc Viettel sớm đẩy nhanh các hoạt động ĐTRNN và gặt hái thành công bước đầu đã buộc các đối thủ của Viettel tại Việt Nam như VNPT và MobiFone phải chuyển mình, tìm kiếm cơ hội bên ngoài, khi thị trường hơn 90 triệu dân tại Việt Nam đã trở nên bão hòa cho cả 3 nhà mạng.

Từ năm 2008, Tập đoàn BCVT Việt Nam (VNPT) đã thành lập VNPT Global chuyên tìm kiếm cơ hội đầu tư ra nước ngoài và đã có các văn phòng đại diện tại Mỹ, Singapore, Hồng Kông và Cộng hòa Séc. Tuy nhiên, với việc tách MobiFone khỏi VNPT vào tháng 6/2014, VNPT đã không còn bộ phận kinh doanh quốc tế (do đã chuyển về MobiFone), nên Công ty Viễn thông quốc tế (VNPT-I) trở thành đơn vị thực hiện chiến lược đầu tư ra nước ngoài của VNPT. Hiện VNPT đang tìm kiếm cơ hội đầu tư ở một số thị trường nước ngoài như Myanmar, Campuchia, Lào, Cuba. để phát triển các dịch vụ viễn thông - CNTT. VNPT đang xây dựng đề án thành lập CTCP Kinh doanh và đầu tư quốc tế tại Hồng Kông. Năm 2014, VNPT-I đã thành lập văn phòng đại diện tại Campuchia (tháng 7/2014), Myanmar (tháng 10/2014) và Lào (tháng 12/2014). Việc đưa các văn phòng đại diện tại Campuchia, Myanmar và Lào vào hoạt động đánh dấu bước phát triển quan trọng trong việc vươn ra thị trường khu vực và quốc tế của VNPT, tạo cơ sở để Tập đoàn chuẩn bị các bước tiếp theo cho việc đầu tư kinh doanh tại các nước trên. Đáng chú ý, các dịch vụ điện thoại quốc tế, thuê mua dung lượng Internet quốc tế, kinh doanh, bán hàng dịch vụ phi thoại tại Campuchia, Lào, Myanmar. đã mang lại doanh thu khá cho VNPT-I trong năm 2014 (ước đạt 3.130 tỷ đồng). Tại Hội nghị Triển khai kế hoạch năm 2015, Bộ Thông tin và Truyền thông đã nhấn mạnh rằng trong thời kỳ hội nhập hiện nay, VNPT phải khẳng định vị thế của mình trong ngành viễn thông - CNTT của Việt Nam và mở rộng hoạt động đầu tư ra nước ngoài. Theo đó, VNPT phải có bước đi phù hợp với khả năng và thế mạnh của mình để đầu tư ra thị trường nước ngoài, phải giành vị thế không những ở thị trường trong nước, mà cả ở thị trường thế giới.

Với Tổng công ty MobiFone, chiến lược ĐTRNN đã có từ cách đây nhiều năm. Cùng thời điểm Viettel dự định đầu tư vào thị trường Myanmar, MobiFone đã tìm kiếm cơ hội đầu tư tại thị trường này. Tháng 12/2012, MobiFone mở văn phòng đại diện tại Yangon (Myanmar). Theo đánh giá của MobiFone, việc đầu tư ra nước ngoài tại thời điểm năm 2012 là rất khó khăn, song nếu muốn trở thành doanh nghiệp lớn mạnh, thì MobiFone phải đi tìm kiếm thị trường mới. MobiFone dự kiến ĐTRNN và phục vụ cho thị trường khoảng 200 triệu dân để trở thành 1 trong 10 mạng di động hàng đầu châu Á. Hiện CTCP Công nghệ MobiFone Toàn cầu (MobiFone Global là công ty con chủ lực của Tổng công ty mẹ MobiFone trong việc vươn ra quốc tế với các công ty con ở nước ngoài và các văn phòng đại diện tại Campuchia và Myanmar.

NHỮNG THÁCH THỨC KHI ĐTRNN CỦA CÁC DOANH NGHIỆP VIỄN THÔNG VIỆT NAM

Thứ nhất, sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường viễn thông: Có thể nói, ĐTRNN của các doanh nghiệp viễn thông (DNVT) Việt Nam ngày càng khó khăn và gặp nhiều thách thức, trở ngại khi tài nguyên viễn thông có xu hướng cạn dần, việc mua lại giấy phép trở nên rất khó khăn. Sức cạnh tranh ngày càng gay gắt, doanh thu bình quân trên mỗi thuê bao (ARPU) giảm. Các DNVT Việt Nam đang phải cạnh tranh với nhiều nhà mạng viễn thông nổi tiếng thế giới như Orange, Vodafone, Telefonica, SingTel. với doanh thu và kinh nghiệm hơn nhiều lần. Điển hình cho những khó khăn này là việc Viettel không trúng thầu tại thị trường Myanmar khi tham gia đấu thầu tại đây và phải chọn hướng tiếp cận đầu tư mới vào thị trường này. Bên cạnh đó, Viettel chưa trả hết nợ tại 50% thị trường có đầu tư, chưa thu hồi được vốn; số tiền lãi chuyển về nước hiện không lớn, một số thị trường có lợi nhuận thấp. Đến thời điểm hiện tại, do mới đầu tư được 1-2 năm, nên Viettel chỉ mới hoạt động có lãi tại 4 trong số 7 thị trường đang vận hành. Trong đó, 6 thị trường đã đi vào kinh doanh là Campuchia, Lào, Mozambique, Haiti, Đông Timor và Peru, mang lại 1,2 tỷ USD doanh thu cho Viettel trong năm 2014. Tính riêng 9 tháng đầu năm 2014, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh đạt 1.470 tỷ đồng, tăng gần 400 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2013. Đặc biệt, tại Mozambique với dự án Movitel, Viettel có lợi nhuận chỉ sau 6 tháng chính thức kinh doanh. Với hơn 2 triệu thuê bao được phát triển mới, Movitel được đánh giá là dự án đầu tư hiệu quả nhất của Việt Nam vào châu Phi kể từ năm 2008 đến nay. Thành công của Viettel tại Mozambique là chìa khóa để Tập đoàn mở cánh cửa ra các địa bàn lân cận. Từ Mozambique, Viettel chính thức có thêm các thị trường Burundi, Cameroon, Tanzania. Nhiều nhà lãnh đạo của Angola, Tanzania, Chad, Sierra Leon, Liberia, Kenya... đã sang Mozambique tìm hiểu cách làm của Movitel và mong muốn Viettel sẽ tới đất nước họ đầu tư. Châu Phi đã trở thành địa bàn chiến lược trong trụ cột đầu tư nước ngoài của Viettel.

Thứ hai, khó khăn trong vấn đề cấp phép hoạt động kinh doanh viễn thông và các rủi ro tại những thị trường mới: Theo đánh giá của các chuyên gia viễn thông, thị trường viễn thông nhìn chung có 3 loại: thị trường chưa phát triển (với độ phủ dưới 20% dân số); thị trường đang phát triển (với độ phủ dưới 60%); thị trường đi vào bão hòa (với độ phủ trên 60%). Trừ thị trường chưa phát triển, thì dù ở đâu, viễn thông cũng là lĩnh vực cạnh tranh cao và khá rủi ro. Trên thế giới có 1.500 công ty đang nắm giữ giấy phép, nhưng chỉ 500 công ty có lãi. Thị trường dưới 20% hiện chỉ còn Myanmar, Cuba, Triều Tiên. Trong khi đó, thị trường có độ phủ 20 - 60% còn khá nhiều, nhất là tại châu Phi. Như vậy, để đầu tư vào các thị trường nước ngoài, các DNVT Việt Nam không thể lựa chọn các thị trường phát triển vì hết giấy phép trong khi các thị trường chưa phát triển thì khả năng thu hồi vốn không cao; cạnh tranh và rủi ro lớn (vấn đề ổn định chính trị; chính sách bao vây cấm vận, khả năng đổi mới của nền kinh tế các thị trường này.). Việc xác định thị trường mục tiêu là các thị trường đang phát triển đang là xu hướng của các DNVT thế giới và đây cũng sẽ là hướng đi của các DNVT Việt Nam nếu muốn mở rộng ra ĐTRNN. Bên cạnh đó, việc triển khai đầu tư bằng hoạt động M&A (mua-bán sáp nhập doanh nghiệp) cũng là một cửa hẹp cho các DNVT Việt Nam phải tính toán nếu muốn thâm nhập vào các thị trường phát triển. Viettel đã phải "tìm đường tắt“ đầu tư vào thị trường Myanma bằng kế hoạch góp 800 triệu USD để phát triển viễn thông với một đối tác Myanmar vào cuối năm 2014. Gần đây nhất, vào trung tuần tháng 3/2015, lãnh đạo của Viettel Global cho biết công ty sắp hoàn tất vụ sáp nhập giữa công ty con tại Campuchia là Metfone với thương hiệu Beeline Campuchia. Cho dù giá trị của hợp đồng do đã ký bảo mật với đối tác, đại diện Viettel Global cho biết việc mua lại sẽ giúp Metfone gia tăng mạng lưới tại đây. Bên cạnh đó, công ty con của Viettel cũng có cơ hội cung cấp dịch vụ mới, chất lượng cao hơn cho người dân Campuchia. Theo lãnh đạo Viettel Global, hai bên đã ký kết xong hợp đồng mua lại giấy phép. Dự kiến Metfone sẽ mất vài tháng để hoàn tất quá trình kiểm kê tài sản và sáp nhập.

Thứ ba, ARPU thấp: Một thách thức khác là tỷ lệ ARPU để thu hồi vốn đầu tư. Tại Mỹ, mỗi thuê bao bình quân mang lại cho nhà mạng 60 USD/tháng. Trong khi đó, tại Haiti ARPU chỉ 2,5 USD/tháng, trong khi vốn đầu tư, công sức ban đầu là giống nhau. Nhưng có muốn vào Mỹ cũng không được vì không còn giấy phép viễn thông. Bên cạnh đó là việc DNVT sẽ phải cạnh tranh với hàng trăm nhà mạng hùng mạnh nhất thế giới, như Bharti Airtel, Zantel, Claro, O2, Vodafone, Telefonica, Ame-rica Movil, Beeline, Singtel, Telecom Malaysia. Theo các chuyên gia viễn thông, những tập đoàn viễn thông lớn của thế giới đầu tư ở Lào, Campuchia, Haiti, Mozambique. thường quen với thị trường giàu, có doanh thu trung bình của một thuê bao di động (ARPU) là trên 10 USD/tháng trở lên. Khi vào những thị trường mà ARPU chỉ ở mức 10 USD/tháng, thậm chí dưới 5 USD/tháng, họ sẽ gặp khó khăn lớn. Chẳng hạn, khi đầu tư vào Haiti, nhiều DNVT khác như Singtel, Telecom Malaysia, Vodafone cũng đã tiếp cận thị trường này, nhưng họ không thể triển khai được vì không cử được người sang do những chuyên gia của họ không chấp nhận được mức sống ở đó. Bên cạnh đó, các công ty viễn thông lớn thường sử dụng dịch vụ thuê ngoài (Outsourcing) với chi phí đắt đỏ, thu hồi vốn chậm, nhất là thị trường đang phát triển và có tỷ lệ ARPU thấp.

Thứ tư, nhân lực chuẩn bị cho ĐTRNN:Một thách thức khác cũng cần nêu ra đó là chuẩn bị nhân lực cho việc ĐTRNN của các DNVT Việt Nam. Với đòi hỏi phải am hiểu địa bàn đầu tư; phong tục, tập quán; môi trường pháp luật và đầu tư... thì rõ ràng việc chuẩn bị nhân lực để đưa ra nước ngoài từ giai đoạn tìm hiểu đến giai đoạn triển khai là một thách thức không dễ vượt qua của các DNVT Việt Nam so với các đối thủ là các DNVT thế giới. Những bài học về thành công và thất bại của các DNVT Việt Nam suốt thời gian qua cần được đúc rút; chia sẻ để cùng hướng đến sự thành công.

NHỮNG BÀI HỌC KINH NGHIỆM TỪ HOẠT ĐỘNG ĐTRNN CỦA CÁC DOANH NGHIỆP VIỄN THÔNG VIỆT NAM

Thứ nhất, giảm chi phí, giá thành và không thuê ngoài: Trên thực tế, nhờ việc giảm chi phí, giảm giá thành mà Viettel đã thành công ở nhiều thị trường đang phát triển. Bên cạnh đó, do không phải sử dụng dịch vụ thuê ngoài và tự làm tất cả các công đoạn, nên dù doanh thu thấp mà vẫn có lãi và phát triển. Chỉ sau 8 năm thực hiện ĐTRNN, đến nay, Viettel đã có mặt tại 9 quốc gia, với tổng dân số 175 triệu dân. Tính đến nay, thị trường nước ngoài đã mang về 278 triệu USD lợi nhuận cho Viettel. Đó là kết quả của sự lựa chọn đúng thị trường, chớp cơ hội nhằm cụ thể thế chiến lược của mình.

Thứ hai, xây dựng chiến lược đầu tư, kinh doanh khác biệt: Việc lập kế hoạch xúc tiến đầu tư phải được ưu tiên hàng đầu trong chiến lược ĐTRNN của các DNVT Việt Nam. Với Viettel, để thành công tại thị trường Mozambique, Viettel đã phải tìm một đối tác địa phương để thành lập liên doanh Movitel. Để giành được giấy phép viễn thông thứ 3 tại Mozambique vào năm 2010, Viettel đã vượt lên 12 DNVT đến từ nhiều châu lục không phải vì bỏ giá cao nhất, mà đạt điểm kỹ thuật cao (90/100 điểm).Thêm vào đó, với triết lý kinh doanh tạo ra sự khác biệt (vốn đã thành công ở Việt Nam và nhiều thị trường khu vực ASEAN là đầu tư dồn dập, đầu tư diện rộng, đầu tư vào các địa bàn xa xôi, cách trở. Đầu tư xong mới kinh doanh, kinh doanh với giá thấp đi cùng phổ cập dịch vụ cho người dân và hỗ trợ ngành giáo dục dùng Internet miễn phí, hỗ trợ Chính phủ, công an, quân đội...). Ngay sau khi nhận giấy phép vào tháng 1/2011, Movitel đã nhanh chóng xây dựng hạ tầng và đến tháng 11/2011 đã có vùng phủ sóng lớn nhất, vượt qua 2 đối thủ có thâm niên 15 năm là Vodacom và Mcel. Sau gần 3 năm hoạt động, Movitel đã trở thành mạng viễn thông có vùng phủ sóng lớn nhất nước này, với 3.000 trạm phát sóng và 27.000 km cáp quang, chiếm 38% thị phần (khoảng 4 triệu thuê bao) và trở thành người dẫn dắt sự cạnh tranh trên thị trường viễn thông ở đây.

Thứ ba, nghiên cứu đối thủ cạnh tranh và đầu tư ứng dụng công nghệ hợp lý: Việc nghiên cứu kỹ đối thủ cạnh tranh, hiểu rõ thị trường và triển khai thật nhanh để cạnh tranh cũng như đưa ra các quyết định đầu tư vào công nghệ hiện đại hợp lý để cung cấp đúng loại dịch vụ mà thị trường đang thiếu, khách hàng đang cần là một bài học về sự thành công của các DNVT Việt Nam. Ở Peru, Viettel đã quan sát kỹ đối thủ, hiểu rõ thị trường để chọn hướng đi, chiến lược cho mình. Khi nghiên cứu thị trường Peru, hai DN viễn thông ở Peru là Mobistar (hãng Telefonica) Claro có cạnh tranh với nhau, nhưng lại duy trì giá dịch vụ tương đối cao vì bài toán chi phí lớn vì chủ yếu thuê bên ngoài. Viettel chọn hướng đi là chỉ cung cấp 3G vì đây là cơ hội tập trung vào kinh doanh dịch vụ Mobile internet, đồng thời để đánh vào điểm yếu nhất của thị trường khi các dịch vụ thoại và tin nhắn ở Peru đã bão hòa. Viettel có lợi thế về tự chủ được hệ sinh thái nội dung số và một số lợi thế khác. So sánh về chi phí, Bitel sẽ tối ưu hơn so với các đối thủ, vì chỉ phải vận hành một mạng (3G, thay vì cả 2G và 3G, hay thậm chí cả 4G), trong khi chất lượng lại tốt hơn nhờ công nghệ mới và hạ tầng mạng lưới xây dựng hoàn toàn phục vụ việc cung cấp Internet di động.

Thứ tư, nắm bắt và hiểu đúng thủ tục ĐTRNN và các cam kết quốc tế: Một điều rất quan trọng là khi thực hiện đầu tư, hoặc có ý định đầu tư ra nước ngoài, doanh nghiệp VT Việt Nam phải nắm vững 4 nguyên tắc là: nắm vững luật pháp nước sở tại; nắm vững luật pháp, văn bản hướng dẫn và ưu đãi của Việt Nam về đầu tư ra nước ngoài; hiểu rõ các hiệp định bảo hộ đầu tư, hiệp định song phương và đa phương và là phải có một đơn vị tư vấn đầu tư một cách tận tâm, có năng lực và có trách nhiệm. Về mặt pháp lý, doanh nghiệp phải thật sự hiểu rõ thủ tục đăng ký tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoặc xin giấy phép đầu tư tại nước ngoài (hiểu rõ điều kiện để có thể đầu tư ra nước ngoài; vốn và năng lực tài chính và phải được thẩm tra về năng lực tài chính thì mới được cấp phép...). Doanh nghiệp phải tiến hành theo một số bước cần thiết nhất định như: (i) phải xác định địa điểm đầu tư, quy mô đầu tư, xây dựng trước phương án đầu tư ở nước ngoài, dự báo về tính khả thi của dự án; (ii) doanh nghiệp xin giấy phép đầu tư tại nước ngoài và xin giấy phép tại Việt Nam. Cần lưu ý và đặc biệt quan tâm đến các hiệp định song phương, vì chúng rất có ích cho nhà đầu tư. Điểm đặc biệt là các hiệp định này chỉ ra được các lĩnh vực khuyến khích đầu tư cụ thể, các chính sách ưu đãi đầu tư hoặc được bảo hộ một cách cụ thể và có thể tìm các văn bản cần thiết ở Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Bộ Công thương.

ThS. Nguyễn Văn Đợi

Tài liệu tham khảo

[1]. http://fia.mpi.gov.vn

[2]. www.mic.gov.vn

[3]. HỮU TUẤN, "Viettel Global với ván cờ tăng vốn”, Báo Đầu tư, ngày 1/5/2013;

[4].TUẤN PHONG, “Chiến lược đầu tư ra nước ngoài của Viettel: Đại dương xanh của ‘con nhà nghèo', Báo Đầu Tư, ngày 30/1/2015.

[5] Các bài viết tổng hợp, số liệu thống kê về ĐTRNN của các DN Việt Nam, DN Viễn thông và CNTT Việt Nam trên các báo: Việt Nam NET, VnExpress, Lao Động, Đầu tư; Thời báo kinh tế Việt Nam; Thời báo Kinh tế Sài Gòn; Nhân Dân, Quân đội Nhân dân...

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Một số vấn đề về đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp viễn thông Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO