Walter Isenberg là một chủ doanh nghiệp mà Tổng thống Trump nghĩ tới khi ông nhắc đến việc bắt đầu nới lỏng lệnh hạn chế và mở cửa lại nền kinh tế Mỹ. Tập đoàn nhà hàng và khách sạn của ông Isenberg tại Denver đã ghi nhận doanh thu sụt giảm từ mức 3 triệu USD/ngày trong năm ngoái hiện xuống còn 40.000 USD/ngày.
Tuy nhiên ông Isenberg lại không cho rằng công ty của mình – Sage Hospitality Group, sẽ chứng kiến sự hồi phục mạnh mẽ như Tổng thống Trump dự đoán, ngay cả sau khi giới chức cho phép các cơ sở kinh doanh của ông bắt đầu đón khách trở lại. Ông chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn: "Sự hồi phục sẽ mất rất lâu và diễn ra rất chậm trong thời điểm này, cho đến khi tìm ra phương pháp điều trị hoặc vắc-xin." Isenberg đã phải thạm thời sa thải hơn 5.000 trong số 6.000 nhân sự. Ông cho biết: "Tôi không phải nhà khoa học, nhưng tôi không nhận thấy rằng mọi người sẵn sàng ra khỏi nhà và bắt đầu du lịch."
Mở cửa nền kinh tế không dễ dàng như ông Trump nghĩ
Gần đây, ông Trump đã nhắc tới việc gấp rút gỡ bỏ những lệnh hạn chế - điều khiến nền kinh tế tăng trưởng suốt 11 năm đột ngột chững lại và hàng triệu người mất việc. Ông chủ Nhà Trắng dự đoán rằng khi nền kinh tế tái khởi động sẽ chứng kiến sự tăng trưởng bùng nổ "có lẽ chưa từng có từ trước đến nay."
Các công ty chịu ảnh hưởng từ việc nền kinh tế đóng cửa cho biết việc tái khởi động sẽ không dễ dàng như vậy. Do đó, rất nhiều số liệu kinh tế và khảo sát đã cho thấy rằng nền kinh tế sẽ hồi phục ở tốc độ rất chậm, ngay cả khi chính phủ bắt đầu nới lỏng các lệnh giới hạn về việc tụ tập đông người và cho phép một số nhà hàng, cửa hàng mở cửa trở lại.
Có bằng chứng cho thấy việc nền kinh tế đóng cửa không chỉ là yêu cầu người dân ở nhà và những lệnh hạn chế khác của chính phủ khiến các hoạt động sản xuất "đóng băng" trong tháng vừa qua, mà còn là tâm lý lo ngại về dịch bệnh của người lao động cho đến người tiêu dùng.
Theo dữ liệu đã công bố, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp đã tăng cao và lượng đơn đặt chỗ tại nhà hàng cũng "bốc hơi" ngay cả trước khi lệnh hạn chế được áp dụng, bởi người dùng lo ngại về sự lây lân của dịch bệnh và nhanh chóng ở trong nhà. Hơn nữa, người tiêu dùng có thể cũng không quay trở lại sân bay, nhà hàng và các sân vận động thể thao trong thời gian sắp tới.
Cho đến khi người dân Mỹ đủ tự tin rằng rủi ro lây lan dịch bệnh đã giảm xuống – qua việc xét nghiệm trên diện rộng hoặc có vắc-xin, thì nhiều nhà kinh tế và chủ doanh nghiệp cho biết nền kinh tế sẽ không thể hồi phục nhanh chóng.
Suzanne Clark– chủ tịch US Cham, cho biết: "Bạn không chỉ nhấn công tắc ‘bật’ và đưa mọi người quay trở lại làm việc. Mọi thứ sẽ phải chờ đến khi đèn xanh được bật lên, quá trình sẽ từ màu đỏ sang màu vàng, cuối cùng là màu xanh lá cây." Bà nói thêm: "Việc Tổng thống bật đèn vàng là rất đáng mừng, nhưng trên thực tế thì người dân cảm thấy mức độ an toàn như thế nào?"
Việc Tổng thống Trump rất nóng lòng mở cửa nền kinh tế có thể thể hiện trong dữ liệu: Cuộc khủng hoảng đã khiến hơn 16 triệu người mất việc trong 3 tuần vừa qua. Các chuyên gia dự báo đồng tình rằng cuộc suy thoái đã diễn ra, khi sự bất đồng duy nhất chỉ là cuộc suy thoái này sẽ sâu sắc và gây tổn thất lớn đến đâu.
Theo tài liệu nghiên cứu của Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia phát hành hôm thứ Hai, tăng trưởng kinh tế Mỹ được dự báo sẽ giảm 11% vào cuối năm nay so với cùng kỳ năm trước. Đây sẽ là sự sụt giảm mạnh nhất kể từ năm 1946.
Tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng hôm thứ Hai, Tổng thống Trump phát biểu rằng chính quyền của ông đã "tiến đến rất gần với việc hoàn thành kế hoạch tái khởi động nền kinh tế, kỳ vọng sẽ diễn ra trước thời hạn". Ông cho biết thêm rằng "kế hoạch cung cấp thông tin cần thiết cho thống đốc các bang về việc mở cửa một cách an toàn sẽ được hoàn thiện sớm."
Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế học cảnh báo rằng việc mở đưa cuộc sống trở lại bình thường khi còn quá sớm, mà không có các biện pháp an toàn cần thiết để ngăn chặn đợt bùng phát thứ hai, có thể chỉ khiến những thiệt hại về kinh tế tồi tệ hơn. Có thể thấy rằng, Trung Quốc, Singapore và Hồng Kông đang chứng kiến dịch bệnh bùng phát trở lại, sau khi giới chức nới lỏng lệnh hạn chế nghiêm ngặt ban đầu.
Chỉ an toàn khi vắc-xin được tìm ra
Tại Mỹ, những bất ổn về tình hình dịch bệnh đã khiến hoạt động của nền kinh tế chậm lại, ngay cả ở các bang, địa phương không áp dụng lệnh hạn chế.
Ernie Tedeschi – giám đốc điều hành tại Evercore ISI và là cựu kinh tế gia của Bộ Tài chính, cho biết: "Các bang chưa ngừng hoạt động kinh doanh hay yêu cầu người dân hạn chế ra ngoài cũng không thể tránh khỏi tình trạng thất nghiệp tăng cao. Tổn thất đối với nền kinh tế không chỉ sâu sắc, mà còn ở quy mô rộng. Điều này nhấn mạnh rằng vấn đề cơ bản đối với nền kinh tế hiện nay vẫn là đại dịch."
Một cuộc khảo sát trực tuyến trên phạm vi toàn quốc được thực hiện bởi công ty dữ liệu Civis Analystics trong 2 tuần qua cho thấy hơn 8 trong số 10 người Mỹ đều ủng hộ việc đóng cửa nhà hàng và phòng tập gym và số người tương tự cũng tán thành yêu cầu "ở trong nhà tránh dịch".
Một cuộc khảo sát được thực hiện bởi Đại học Setan Hall vào tuần trước cũng cho thấy 7 trong số 10 người Mỹ cảm thấy không thoái mái tham dự các sự kiện thể thao cho đến khi vắc-xin được tìm ra.
Ngoài ra, cuộc thăm dò mới của Sports and Leisure Research Group, Engagious và ROKK Solutions cho thấy chỉ khoảng 1/3 người Mỹ sẽ di chuyển bằng máy bay thương mại, đi xem phim hay đến công viên hiện tại nếu được cho phép. Họ chỉ cảm thấy an toàn khi các chuyên gia y tế đưa ra kết luận và có vắc-xin. Jon Last, chủ tịch của Sports and Leisure Research Group, cho biết, kế hoạch chi tiêu đối với du lịch và các hoạt động giải trí của người Mỹ trong năm tới thậm chí còn sụt giảm mạnh hơn sau khủng hoảng tài chính 2008 và sự kiện 11/9.
Quay trở lại với ông Isenberg – người bắt đầu sự nghiệp bằng nghề rửa bát, chia sẻ rằng ông rất mong muốn nhân viên trở lại làm việc. Tuy nhiên, ông nhận thấy lĩnh vực của mình sẽ hứng chịu khó khăn ít nhất là đến cuối năm nay. Ông nói: "Tôi mong rằng, khi chúng ta thức dậy, chúng ta ngày càng tiến đến gần với ngày vắc-xin được tìm ra."
Tham khảo New York Times