“Năm dân vận chính quyền” 2019 và bước tiến quan trọng tới thành công của Đại hội Đảng các cấp

Chính Bình| 09/03/2020 11:10
Theo dõi ICTVietnam trên

"Năm dân vận chính quyền" 2019 được đánh giá như những bước tiến quan trọng tới thành công của Đại hội Đảng các cấp và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Nhiều giải pháp về công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư (XLĐT) từ các bộ, ngành cơ quan Trung ương, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các địa phương trong "Năm dân vận chính quyền" 2019 được đánh giá như những bước tiến quan trọng tới thành công của Đại hội Đảng các cấp và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Gần 28.500 vụ việc khiếu nại, tố cáo đã được giải quyết

Đánh giá của Ban Dân vận Trung ương về kết quả công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư (XLĐT) và giải quyết khiếu nại, tố cáo (KN, TC), các vụ việc khiếu kiện đông người, phức tạp, kéo dài cho thấy, trong năm qua, cơ quan Nhà nước, chính quyền các cấp đã coi trọng tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 35/CT-TW của Bộ Chính trị về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp dân và giải quyết KN, TC"; chỉ đạo việc lồng ghép nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về KN, TC đối với công tác tiếp công dân tại các Ban tiếp công dân và cơ quan tham mưu thực hiện công tác này.

“Năm dân vận chính quyền” 2019 và bước tiến quan trọng tới thành công của Đại hội Đảng các cấp - Ảnh 1.

Đối thoại của chính quyền địa phương 1 phường tại Hà Nội với công dân. (Ảnh: Chính Bình)

Nhiều hội nghị chuyên đề cũng được các Bộ, ngành Trung ương phối hợp tổ chức để chỉ đạo, triển khai về công tác tiếp công dân, giải quyết KN, TC. Cùng với đó, các tỉnh, thành, bộ, ngành, cơ quan, đơn vị đã chăm lo kiện toàn tổ chức bộ máy tiếp công dân ở các cấp, quan tâm bố trí đội ngũ tiếp công dân; ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định trách nhiệm của người đứng đầu, cán bộ, công chức tiếp công dân, trách nhiệm trả lời và giải trình với người dân. Đồng thời, tăng cường đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với người dân và doanh nghiệp. Nhiều địa phương cũng công khai địa chỉ, số điện thoại, đường dây nóng, lập hòm thư để tiếp nhận ý kiến của nhân dân, xây dựng và công khai lịch tiếp công dân của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp.

Qua báo cáo và thực tế kiểm tra của Ban Dân vận Trung ương từ 52 tỉnh, thành (7 tỉnh chưa báo cáo, 4 tỉnh báo cáo chưa đầy đủ) công tác tiếp công dân, đối thoại của bí thư cấp ủy và chủ tịch UBND các cấp được thực hiện khá nghiêm túc. Thậm chí, Ninh Bình còn là địa phương xây dựng kế hoạch và ấn định lịch tiếp công dân vào ngày cố định trong tuần để các lịch công tác khác phải "chủ động" điều chỉnh theo.

Thống kê đến ngày 12/12/2019, Bí thư các huyện đã tiếp 3.627 lần định kỳ, 639 lần đột xuất, 792 cuộc đối thoại. Chủ tịch cấp huyện tiếp 21.180 lần định kỳ, 3.512 lần đột xuất, 3.371 cuộc đối thoại. Bí thư cấp tỉnh định kỳ tiếp 359 lần, đột xuất 203 lần và 1.255 lần đối thoại. Chủ tịch tỉnh tiếp 3.854 lần định kỳ, 728 lần đột xuất và 109 cuộc đối thoại...

Tạo bước chuyển thực chất về nhận thức và hành động trong dân vận

Đánh giá chung về việc triển khai thực hiện "Năm dân vận chính quyền 2019", Ban Dân vận Trung ương cho rằng, thời gian này tiếp tục được cấp ủy, tổ chức đảng, ban cán sự đảng và chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm túc khá đồng bộ từ Trung ương đến cơ sở; đã tạo bước chuyển thực chất về nhận thức và hành động của cơ quan hành chính Nhà nước, chính quyền các cấp và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về công tác dân vận. Công tác thể chế hóa, cụ thể hóa các Nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về công tác dân vận được triển khai tích cực; nhiều văn bản liên quan đến quyền, nghĩa vụ của công dân được nghiên cứu, xây dựng và ban hành, phát huy vai trò của người dân trong quá trình tham gia xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật. Hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước được tăng cường; công tác cải cánh hành chính, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế đạt được nhiều kết quả; thực hành dân chỉ, công khai minh bạch và phòng chống tham nhũng, lãng phí được quán triệt thực hiện đồng bộ, đạt hiệu quả; kỷ cương, đạo đức công vụ, ý thức phục vụ nhân dân, chất lượng, hiệu quả công tác dân vận chính quyền, cơ quan hành chính Nhà nước được nâng lên một bước quan trọng.

"Công tác tiếp dân và giải quyết đơn thư KN, TC được tăng cường triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt hơn. Cơ quan hành chính Nhà nước và chính quyền các cấp đã tập trung nhiều giải pháp nâng cao chất lượng thực hiện công tác tiếp công dân và chủ động triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp trong giải quyết các vụ việc KN, TC. Người đứng đầu chính quyền các cấp, các ngành đã trực tiếp tiếp công dân theo quy định, nhất là các vụ việc phức tạp, đông người. Quá trình giải quyết KN, TC đã có sự linh hoạt áp dụng nhiều biện pháp phù hợp với tình hình thực tế ở từng địa phương, cơ sở; đặc biệt là công tác hòa giải, tổ chức đối thoại trong quá trình giải quyết KN, TC đã được chú trọng hơn, góp phần giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc phức tạp, tồn đọng, kéo dài và những mâu thuẫn mới phát sinh trong nhân dân, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước, ổn định chính trị xã hội, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2019", Phó Ban Dân vận Hà Ngọc Anh nhận định.

Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gần dân, sát dân, hiểu dân, có trách nhiệm với dân

Ban Dân vận đề xuất với Chính phủ nghiên cứu, sớm trình Quốc hội dự án Luật về thực hiện dân chủ ở xã phường thị trấn. Việc sửa đổi, bổ sung chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cần có sự kế thừa chính sách giai đoạn trước, đảm bảo quyền lợi chính đáng về bồi thường, hỗ trợ người dân khi Nhà nước thu hồi đất, giảm khiếu kiện liên quan đến đất đai. Đồng thời, kiểm tra, đánh giá kết quả Chỉ thị số 20/CT-TTg (2017) của Thủ tướng Chính phủ "Về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp" nhằm tiếp tục khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra chuyên ngành.

Chỉ đạo cấp có thẩm quyền sửa đổi Thông tư 03/2013/TT-TTCP để phù hợp với Luật Tố cáo 2018. Chỉ đạo xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về KN, TC, đồng bộ hóa phần mềm liên thông, chia sẻ dữ liệu Chính phủ điện tử đối với Chính quyền điện tử tỉnh và phần mềm được sử dụng tại Trung tâm hành chính công.

Thêm nữa, cần sửa đổi Nghị định 24/2014/NĐ-CP quy định về cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương để phù hợp với nội dung, công việc và đáp ứng được yêu cầu được giao.

Về phía Ban Dân vận Trung ương, cơ quan này sẽ phối hợp với Ban Cán sự Đảng Chính phủ tăng cường tổ chức tập huận bồi dưỡng nghiệp vụ công tác dân vận cho đội ngũ lãnh đạo, cán bộ phụ trách công tác dân vận trong các cơ quan Nhà nước, chính quyền các cấp. Đồng thời tiếp tục thực hiện "Năm dân vận chính quyền" 2020, trọng tâm là tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính Nhà nước, chính quyền các cấp; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gần dân, sát dân, hiểu dân, có trách nhiệm với dân.

Giám sát, phản biện xã hội ngày càng có trọng tâm, trọng điểm

Năm 2019 ghi nhận công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong hệ thống chính trị tiếp tục tăng cường bằng các chương trình phối hợp hoạt động cụ thể, thiết thực, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức; phân định rõ hơn vai trò đơn vị chủ trì và đơn vị phối hợp. Các cơ quan của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị - xã hội các cấp tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm trong thực hiện các chương trình phối hợp hoạt động, từng bước khắc phục được tình trạng hình thức, chồng chéo, kết quả ngày càng rõ nét hơn.

Nhiều chương trình phối hợp giữa chính quyền và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội được thực hiện có hiệu quả, nhất là phối hợp thực hiện các cuộc vận động, phong trào yêu nước, xây dựng nông thôn mới xóa đói giảm nghèo, thực hiện chính sách an sinh, xã hội... Chính quyền các cấp luôn tôn trọng và tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội phát huy vai trò trong việc tập hợp, đoàn kết và vận động nhân dân tham gia góp ý xây dựng chính sách, pháp luật, phát triển kinh tế - xã hội; giám sát, phản biện xã hội theo quyết định số 217-QĐ/TW, Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị. Hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ngày càng có trọng tâm, trọng điểm, chất lượng được nâng lên. Nhiều kiến nghị, đề xuất sau giám sát, phản biện được các cơ quan Nhà nước, chính quyền các cấp tiếp thu nghiêm túc, chỉ đạo thực hiện, thiết thực góp phần trong việc hoàn thiện và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật, xây dựng chính quyền các cấp vững mạnh.

Tăng cường đối thoại, tạo sự đồng thuận xã hội

Theo đánh giá của Ban Dân vận Trung ương, năm 2019, Cơ quan Nhà nước, chính quyền địa phương các cấp đã coi trọng tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 35/CT-TW của Bộ Chính trị "Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết KN, TC", Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và các quyết định, Kết luận của Thủ tướng Chính phủ về giải quyết KN, TC cho đội ngũ công chức, viên chức. Chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng cấp ủy tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho nhân dân với các hình thức đa dạng, phù hợp như: thông qua báo chí, phát thanh truyền thồng Trung ương và địa phương...

Chính quyền địa phương các cấp đã chú trọng tăng cường đối thoại giữa người đứng đầu chính quyền với người dân và doanh nghiệp, để lắng nghe có giải pháp tháo gỡ, giải quyết kịp thời những kiến nghị chính đáng của người dân và doanh nghiệp; nhất là đối thoại với nhân dân trong giải quyết những vấn đề và nhân dân bức xúc, khiếu kiện, kéo dài để chấm dứt khiếu kiện, ổn định chính trị, xã hội, giải quyết kịp thời lợi ích chính đáng của người dân, chấn chỉnh, xử lý tồn tại, sai phạm của cán bộ và cơ quan Nhà nước, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, tạo đồng thuận xã hội, tăng cường củng cố niềm tin của nhân dân với chính quyền các cấp.

Cụ thể tại một số địa phương như: Thái Bình, 9 tháng đầu năm 2019, Bí thư Tỉnh ủy đã 9 lần tiếp dân và giải quyết được nhiều vấn đề nổi lên khiến người dân bức xúc, kiến nghị chính đáng; tổ chức 2 cuộc đối thoại với nhân dân tại huyện Quỳnh Phụ và Tiền Hải. Chủ tịch UBND tỉnh này cũng đã tiếp dân 21 lần với 3.000 lượt; Hải Dương cũng đã tổ chức 595 cuộc tiếp xúc đối thoại với nhân dân, trong đó, Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh đã có 5 cuộc tiếp xúc, đối thoại, cấp huyện có 63 cuộc và cấp xã có 530 cuộc; Lào Cai, Bí thư Tỉnh ủy tiếp dân định kỳ 21 lượt, Thủ trưởng các cơ quan Nhà nước cấp tỉnh đã có 52 cuộc đối thoại...


Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
“Năm dân vận chính quyền” 2019 và bước tiến quan trọng tới thành công của Đại hội Đảng các cấp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO