Năm nhóm giải pháp phát triển nguồn nhân lực ATTT trong đào tạo đại học

04/11/2015 07:45
Theo dõi ICTVietnam trên

Trong khi CNTT càng trở nên thiết yếu cho bất kỳ cá nhân và tổ chức nào, thì nguy cơ tiềm ẩn về các loại tội phạm trên mạng càng gia tăng, nguy cơ mất mát dữ liệu ngày càng nhiều, các hệ thống thông tin quan trọng của cơ quan nhà nước và doanh nghiệp luôn đặt trong tình trạng bị các tin tặc tấn công, khai thác. Năm 2011 đã xuất hiện nhiều nguy cơ mất ATTT, cho thấy tính hình đang diễn biến rất phức tạp:

Ngay từ khi Công nghệ thông tin (CNTT) được ứng dụng trong các hoạt động kinh tế và xã hội của con người thì cũng là lúc an toàn thông tin (ATTT) được đặc biệt quan tâm nhắm đảm bảo tính an toàn, bảo mật nguồn thông tin cho chính phủ, các tổ chức, doanh nghiệp. Trong khi CNTT càng trở nên thiết yếu cho bất kỳ cá nhân và tổ chức nào, thì nguy cơ tiềm ẩn về các loại tội phạm trên mạng càng gia tăng, nguy cơ mất mát dữ liệu ngày càng nhiều, các hệ thống thông tin quan trọng của cơ quan nhà nước và doanh nghiệp luôn đặt trong tình trạng bị các tin tặc tấn công, khai thác. Năm 2011 đã xuất hiện nhiều nguy cơ mất ATTT, cho thấy tính hình đang diễn biến rất phức tạp:

Nguy cơ bùng nổ chiến tranh trên mạng:

Wikileaks bắt đầu từ năm 2010 đã chính thức công bố những thông tin cơ mật của các chính phủ và tổ chức các nước, đồng thời nhanh chóng trở thành nhóm tin tặc quốc tế hoạt động với mục tiêu tấn công vào chính trị các nước một cách rõ ràng nhất.

Nhóm tin tặc Anonymous và Lutzsec đã có những cuộc tấn công mạng vào các tổ chức nổi tiếng, trong đó nạn nhân là các ngân hàng, cơ quan chính phủ của một số quốc gia, không những vậy Sony và Sega là hai trong số công ty trò chơi nổi tiếng cũng bị nhóm tin tặc này “ghé thăm”

Nổi tiếng nhất trong các virus gián điệp được phát hiện đó là virus Flame, virus này đã xâm nhập hệ thống máy tính của Chính phủ Iran từ hai năm nay, đồng thời bí mật ghi âm các cuộc hội thoại, âm thầm chụp màn hình khi nạn nhân đăng nhập email,…

Sâu Stuxnet được phát hiện khi thực hiện các cuộc đột nhập và tấn công vào chương trình hạt nhân của một số quốc gia, đã làm dấy lên những lời cảnh báo về an ninh quốc gia, an ninh công nghiệp trước các cuộc tấn công bằng tin học.

Nguy cơ mất ATTT xuất phát từ nội bộ:

Vì lý do khách quan và chủ quan, một số nhân viên trong các doanh nghiệp và tổ chức đã sử dụng tin học để phát tán các bí mật kinh doanh, bí mật chính trị,… Đây là một phần nguyên nhân do chính sách phân cấp quyền hạn không cụ thể, không có sự tách bạch trong công việc.

Tính riêng tư và bảo mật xã hội

Mạng xã hội đã thực sự lên ngôi vào năm 2011 và 2012, cùng với đó là những nguy cơ tiềm ẩn sử dụng mạng xã hội để công kích chính trị, kinh tế của quốc gia. Đồng thời, nếu không hiểu rõ bản chất của mạng xã hội thì đây là môi trường để tin tặc lợi dụng chiếm đoạt thông tin cá nhân, khởi động các mục đích chống chính quyền với quy mô lớn.

Điện toán đám mây và bảo mật dữ liệu

Khái niệm điện toán đám mây đã không còn xa lạ trong giới công nghệ, tuy nhiên dịch vụ “đám mây” nếu không được quản lý tốt thì dữ liệu có khả năng gây thất thoát với quy mô rất lớn và khó có thể kiểm soát khi đã bị tin tặc lợi dụng.

Cùng với những nguy cơ trên thì việc không quản lý tốt việc sao lưu dữ liệu, các nguy cơ từ mã độc (Malware),thiết bị di động,… đã khiến thế giới đang ở trong tình trạng báo động về mất ATTT toàn cầu.

Xuất phát từ những nguyên nhân đó, đầu tư cho đào tạo ATTT là một trong những con đường ngắn nhất của chính phủ các nước để cung cấp nguồn nhân lực ATTT trong việc bảo vệ hệ thống thông tin trọng yếu của mỗi quốc gia.

Kinh nghiệm của một số nước trong việc đào tạo an toàn thông tin (ATTT) tại các trường đại học:

Mỹ, Nhật Bản, cùng một số quốc gia phát triển về CNTT tại Châu Âu như Pháp, Đan Mạch, Đức, Áo,…là các nước đang sở hữu hệ thống đào tạo CNTT nói chung và đào tạo ATTT nói riêng có những thành tựu vượt bậc trong những năm trở lại đây. Đào tạo ATTT - một lĩnh vực đặc thù của CNTT, muốn phát triển phải hội tụ đủ các yếu tố: có đội ngũ giảng viên chất lượng cao, cơ sở vật chất – phòng thí nghiệm phục vụ giảng dạy và nghiên cứu đầy đủ, có chính sách hỗ trợ và ưu đãi cho sinh viên trong suốt quá trình học đại học, Chính phủ - các cơ quan quản lý tạo điều kiện trong việc tạo ra nhu cầu về nguồn nhân lực ATTT và có những chính sách để tăng cường đầu tư cho ATTT.

Kinh nghiệm tại Mỹ, nơi có chất lượng đào tạo nhân lực ATTT tốt nhất thế giới hiện nay thì chính phủ nước này ưu tiên cho các doanh nghiệp và tập đoàn có những cơ chế riêng để tự tạo ra nhu cầu về lao động ATTT, từ đó các cơ sở đào tạo sẽ có những chính sách để thu hút sinh viên và đầu tư các điều kiện giảng dạy tốt nhất phục vụ giảng dạy. Theo khảo sát thường niên năm 2011 với hơn 5000 doanh nghiệp CNTT về “Tình hình nhân lực ATTT”[1] trên thế giới của tập đoàn IDC (International Data Corporation) thì con số về trình độ nhân lực ATTT của nhân viên tại các doanh nghiệp này chiếm trung bình hơn 50% là trình độ kỹ sư và cử nhân ATTT, trình độ thạc sĩ ATTT chiếm trung bình 40%, còn lại trình độ tiến sỹ chiếm trung bình khoảng hơn 5%.

Tỷ lệ về trình độ người làm ATTT tại các khu vực trên thế giới

Nhật Bản, quốc gia phát triển về CNTT và ATTT cũng tập trung đầu tư cho đào tạo đại học với “Chương trình phát triển nhân lực ATTT quốc gia” tại nước này được khởi động từ năm 2000, và liên tục cập nhật đổi mới cho đến năm 2011. Đối với chương trình hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản cho đào tạo ATTT ngoài việc chính phủ nước này đưa chuẩn kỹ năng ITSS vào nội dung đào tạo cho sinh viên, thì Nhật Bản cũng có nhiều dự án hợp tác giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp về ATTT trong đó phải kể đến những dự án điển hình như Bảng 1.

Bảng 1. Một số dự án hợp tác giữa doanh nghiệp và các trường đại học về phát triển ATTT

Tên trường

Tên dự án

Mô tả dự án

- Viện Khoa học và công nghệ Nara

- Đại học Kyoto

- Đại học Osaka

- Viện Khoa học và công nghệ tiên tiến Nhật Bản

Dự án trọng điểm CNTT: Đào tạo và phát triển kỹ sư, quản lý ATTT để giảm thiểu nguy cơ mất ATTT xã hội

Mục tiêu của dự án là phát triển nguồn nhân lực có thể tham gia vào quá trình lên kế hoạch và ứng dụng các kỹ thuật về ATTT trong khu vực công và tư trong nước.

Dự án cũng xây dựng mối liên kết nghiên cứu và đào tạo giữa các trường đại học trọng điểm về ATTT tại Nhật bản.

Dự án cung cấp những phương pháp quản lý về cách thức tổ chức và những nguy cơ mất ATTT có thể ảnh hưởng đến hệ thống thông tin

- Viện ATTT

- Đại học Tokyo

- Đại học Chuo

Dự án quy hoạch hệ thống ATTT: phát triển chương trình giáo dục tiên tiến về ATTT bằng cách kết hợp nghiên cứu và thực tiễn kinh doanh

Chương trình hợp tác giữa các trường đại học và DN để kết hợp nghiên cứu và thực tiễn kinh doanh thông qua 5 trường đại học và 8 DN để đào tạo các chuyên gia có trình độ cao về ATTT.

Chương trình này cũng phát triển nguồn nhân lực ATTT cho việc tạo ra các lãnh đạo có kiến thức, kỹ năng sâu rộng để đáp ứng các thách thức mà ATTT đang đòi hỏi

Cùng năm 2011, IDC cũng đưa ra những con số dự báo về nhu cầu nhân lực ATTT toàn cầu, theo đó trung bình giai đoạn 2010 – 2015 thế giới sẽ đạt mức tăng trưởng nhân lực ATTT khoảng 12% (Hình 2).

Dự báo nhu cầu nhân lực ATTT toàn cầu đến năm 2015

Có thể thấy đến năm 2015, thế giới sẽ cần khoảng hơn 4 triệu chuyên gia ATTT, khu vực Châu Á sẽ cần khoảng 1,3 triệu chuyên gia ATTT, con số này phản ánh được nhu cầu cấp bách về lực lượng này trong tương tai.

Giải pháp nào cho đào tạo đại học về ATTT tại Việt Nam ?

Một số nội dung về phát triển nhân lực CNTT nói chung và ATTT đã được đưa ra tại các Quyết định và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ như: Quyết định 1755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT” trong đó định hướng đến năm 2015 phải đảm bảo 30% số lượng sinh viên CNTT-TT sau khi tốt nghiệp có đủ khả năng chuyên môn và ngoại ngữ tham gia thị trường lao động quốc tế, và đến năm 2020 con số sinh viên tốt nghiệp CNTT-TT có năng lực chuyên môn và ngoại ngữ tham gia thị trường lao động phải đảm bảo là 80%; Quyết định 63/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Quy hoạch phát triển an toàn thông tin số quốc gia đến năm 2020” trong đó cần đào tạo 1000 chuyên gia an toàn thông tin theo tiêu chuẩn quốc tế để đảm bảo an ninh thông tin cho hệ thống thông tin trọng yếu quốc gia và toàn xã hội, đồng thời xây dựng tiêu chuẩn, kỹ năng cần thiết cho các chuyên gia trong lĩnh vực đảm bảo ATTT, song song với đó cần đào tạo và cấp chứng chỉ cấp quốc gia cho trên 80% cán bộ quản trị hệ thống của các hệ thống thông tin trọng yếu quốc gia.

ATTT là một lĩnh vực đào tạo vẫn còn khá mới mẻ tại Việt Nam, đến thời điêm hiện tại khi trong nước mới chỉ có 2 trường đào tạo lĩnh vực này đó là Học viện kỹ thuật mật mã và Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông. Để đáp ứng nhu cầu nhân lực ATTT trong thời gian tiếp theo thì chắc chắn rằng phải có lộ trình và chính sách phù hợp cho lĩnh vực được coi là “hạ tầng của hạ tầng thông tin” của thông tin này.

Đối với hoạt động đào tạo nhân lực ATTT tại các trường đại học cần sự phối hợp của người được đào tạo về ATTT và ba thành phần hỗ trợ đó là: các cơ sở đào tạo về ATTT với vai trò là nơi cung cấp kiến thức và kỹ năng cho nhân lực ATTT; Chính phủ với vai trò xây dựng và ban hành các chính sách – dự án – chương trình để hỗ trợ và thúc đẩy hoạt động đào tạo ATTT; Cuối cùng, đó là nhà sử dụng nhân lực ATTT với vai trò tạo ra nhu cầu và đánh giá nguồn nhân lực ATTT. Vì thế có thể đề xuất các nhóm giải pháp để đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực ATTT như sau:

-Nhóm giải pháp về tăng cường năng lực đào tạo ATTT: trong đó nhà nước cần lựa chọn một số cơ sở đào tạo có tiềm năng để đầu tư phát triển thành các cơ sở trọng điểm về đào tạo ATTT, tuy nhiên các cơ sở đào tạo này cần đáp ứng một số điều kiện nhất định về năng lực đào tạo để vốn đầu tư của nhà nước bỏ ra là ít nhất và sớm phát huy hiệu quả, do vậy các trường đại học này phải là các trường mạnh về đào tạo ngành ĐTVT và CNTT, đội ngũ giảng viên CNTT và ĐTVT có trình độ và chất lượng cao, chất lượng chương trình đào tạo CNTT và ĐTVT tiên tiến được cập nhật thường xuyên so với chương trình đào tạo nước ngoài, đồng thời cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy hiện đại đáp ứng được quá trình nghiên cứu và thực hành của giáo viên và sinh viên trong trường. Nhà nước cần hỗ trợ và định hướng để gửi giảng viên, chuyên gia ATTT tại các trường đại học đi đào tạo ở các nước có trình độ CNTT và ATTT cao, ưu tiên cho đội ngũ này đi đào tạo theo các dự án sử dụng ngân sách nhà nước như Đề án 911, Đề án 356, Đề án 165,…Đối với chương trình đào tạo và cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy phải được chuẩn hóa và theo các tiêu chuẩn tham khảo từ một số quốc gia mạnh về ATTT, về kinh phí xây dựng chương trình ATTT tại các trường có thể giai đoạn đầu nhà nước hỗ trợ sau đó cơ sở đào tạo đảm bảo trong giai đoạn tiếp theo.

-Nhóm giải pháp về triển khai đào tạo nhân lực ATTT tại các trường đại học mạnh về CNTT: Thí điểm lựa chọn một số cơ sở đào tạo trọng điểm về ATTT để đào tạo đội ngũ kỹ sư/cử nhân chất lượng cao về ATTT như Học viện Kỹ thuật Mật mã, Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông, Đại học Bách Khoa Hà Nội, Học viện Kỹ thuật quân sự, Đại học Quốc gia TPHCM,…đây là những trường có năng lực đào tạo CNTT mạnh trong các năm qua. Lộ trình đào tạo nhân lực ATTT tại các trường trên có thể qua hai bước sau: (1) Tổ chức đào tạo kỹ sư ATTT hệ chính quy dài hạn để đáp ứng nhu cầu về chuyên gia ATTT chất lượng cao trong giai đoạn 2013 – 2015 và định hướng đến năm 2020, (2) Song song với việc đào tạo kỹ sư hệ chính quy dài hạn, cần tổ chức đào tạo chuyển đổi cấp bằng 2 cho các đối tượng đã có bằng kỹ sư CNTT và ĐTVT để cung cấp kiến thức, kỹ năng nền tảng và chuyên sâu về ATTT cho các đối tượng này, nhằm góp phần nhanh chóng hình thành đội ngũ chuyên gia ATTT đủ năng lực đáp ứng nhu cầu thực tế.

-Nhóm giải pháp đảm bảo chất lượng đào tạo ATTT: Đây là nhóm mà cần sự hỗ trợ của Chính phủ và các chính sách từ các cơ quan quản lý, trong đó nhà nước cần xây dựng bộ chuẩn kỹ năng thống nhất trên toàn quốc và đảm bảo chất lượng ngang bằng với các nước có chuẩn tương tự trong khu vực cho ngành CNTT nói chung và ATTT nói riêng. Mục đích của việc xây dựng hệ thống chuẩn kỹ năng này sẽ giúp định hướng về chương trình và kiến thức chuẩn thống nhất cho các trường đại học đào tạo CNTT và ATTT trên toàn quốc. Hiện nay, Bộ TTTT đang nghiên cứu và xây dựng hệ thống chuẩn kỹ năng CNTT đáp ứng chất lượng quốc tế cho Việt Nam, đây là bước đi đúng đắn để hướng tới việc chuẩn hóa kỹ năng cho người làm CNTT nói chung và ATTT nói riêng.

-Nhóm giải pháp về xây dựng cơ chế ưu đãi cho người học, người dạy về ATTT tại các trường đại học: đối với sinh viên theo học chuyên ngành ATTT trong giai đoạn đầu để đảm bảo đáp ứng nhu cầu nhân lực phục vụ các lĩnh vực trọng yếu của xã hội, nhà nước có thể hỗ trợ học phí và học bổng cho các đối tượng này, các giai đoạn tiếp theo thì tùy tình hình nhu cầu cụ thể mà nhànước có thể hỗ trợ và tiến tới để các cơ sở đào tạo tự chủ. Đối với giảng viên thì ưu tiên cử đi các nước đào tạo phát triển về ATTT, có chính sách thỏa đáng về lương và phụ cấp cho giáo viên dạy chuyên ngành đặc thù này.

-Nhóm giải pháp về xây dựng môi trường cộng tác giữa doanh nghiệp và trường đại học trong việc đào tạo ATTT: Để đánh giá chất lượng đào tạo ATTT thì người sử dụng nhân lực sẽ nắm rõ rất điều này khi các sinh viên ra trường và làm việc thực tế. Chính vì vậy, nhà nước và các cơ quan quản lý cần có chính sách và dự án để hỗ trợ sự cộng tác giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo. Thực tế cho thấy, tại các nước phát triển về CNTT thì chính phủ các nước này khuyến khích các tập đoàn, công ty lớn tự tạo ra nhu cầu nhân lực cho bản thân doanh nghiệp thông qua các con đường khác nhau, chính phủ chỉ đóng vai trò là người quản lý và tạo hành lang thông thoáng trong quá trình doanh nghiệp sử dụng nhân lực.

Thay cho lời kết

Để đào tạo ATTT có được những kết quả tích cực trong các năm tiếp theo thì cần sự quan tâm và đầu tư của nhà nước, cần sự cộng tác của doanh nghiệp và hơn cả là chất lượng của các cơ sở đào tạo được đảm bảo. Sự phát triển của kinh tế đất nước và CNTT sẽ đẩy nhu cầu về nhân lực ATTT trong các năm sắp tới sẽ không ngừng tăng, chính vì thế ngay từ bây giờ phải tiến hành các chiến lược đầu tư và phát triển cho lĩnh vực đặc thù này.

Nguyễn Hải Đăng



Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Năm nhóm giải pháp phát triển nguồn nhân lực ATTT trong đào tạo đại học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO