Truyền thông

Cảnh sát PCCC - CNCH duy nhất được phong Anh hùng trong năm 2023 là ai?

Ngọc Anh 08:31 19/12/2023

Trung tá Nguyễn Chí Thành, Phó Đội trưởng Đội Công tác PCCC và CNCH (Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an TP Hồ Chí Minh) là cá nhân duy nhất trong các tập thể, cá nhân thuộc Bộ Công an được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong năm 2023.

Chuyện đời, chuyện nghề của
Anh hùng Nguyễn Chí Thành.

Trung tá Nguyễn Chí Thành (42 tuổi, quê Thái Bình) công tác trong ngành từ tháng 2/2001.

Trong hơn 20 năm công tác, Trung tá Nguyễn Chí Thành đã tham gia nhiều vụ cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và các tỉnh trên cả nước.

Chuyến công tác đặc biệt tham gia cứu nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ

Đặc biệt, tháng 2/2023, thời điểm Thổ Nhĩ Kỳ gặp thảm họa động đất, Trung tá Nguyễn Chí Thành là một trong số 24 cán bộ, chiến sĩ của Bộ Công an sang hỗ trợ nước bạn khắc phục hậu quả sau thảm họa.

Đó là hành trình gần 10 ngày ở Thổ Nhĩ Kỳ, mà đại tá Nguyễn Minh Khương - Phó cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và CNCH, nói rằng qua nhiệm vụ thực hiện cứu nạn, cứu hộ của Bộ Công an tại Thổ Nhĩ Kỳ, khẳng định người Việt Nam có thể làm được tất cả công việc liên quan đến công tác cứu hộ, cứu nạn trên thế giới.

Chuyện đời, chuyện nghề của
Đoàn cứu nạn của Bộ Công an Việt Nam tham gia cứu hộ tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Quá trình làm nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn, đoàn Việt Nam đã cứu sống được một thiếu niên 17 tuổi và tìm được 14 thi thể nạn nhân, đưa ra ngoài.

Đoàn Việt Nam cũng được nhân dân, các lực lượng của Thổ Nhĩ Kỳ và bạn bè quốc tế ghi nhận và đánh giá rất cao về năng lực, tinh thần làm việc.

Là người trực tiếp đưa nạn nhân còn sống sót ở độ sâu 7 mét ra khỏi đống đổ nát tại Thổ Nhĩ Kỳ, Trung tá Nguyễn Chí Thành kể: Tôi được giao nhiệm vụ tiếp cận nạn nhân. Lúc đó không thể dùng máy móc tiếp cận vì sẽ gây nguy hiểm cho nạn nhân. Cách duy nhất là đào hang chui vào, dù rất nguy hiểm nhưng phải chấp nhận.

"Tôi đã chấp nhận phương án chui vào. Tôi dùng tay để moi đất đá, tránh tác động mạnh", anh kể. Dù bất kể hoàn cảnh nào, anh vẫn chọn cứu người là ưu tiên hàng đầu. Được vài mét, anh trao đổi với nạn nhân và được đáp lại, càng tiếp thêm động lực lớn, thôi thúc anh đào bằng tay liên tục để cứu người, dù hai tay lúc đó đã trầy xước và chảy nhiều máu.

Có những lúc bị đất đá đè lên người nhưng anh không bỏ cuộc, cuối cùng đã tiếp cận và cứu được nam thanh niên 17 tuổi ra khỏi đống đổ nát trong sự mừng vui của người nhà nạn nhân, chính quyền địa phương và các lực lượng CNCH quốc tế.

Đại úy Vũ Duy Hưng, thành viên đoàn công tác, kể lại thời điểm đưa được nạn nhân ra ngoài, "cảm xúc vỡ òa không thể diễn tả được".

Sau đó, Trung tá Nguyễn Chí Thành tiếp tục cùng đồng đội tìm kiếm được 14 thi thể.

Chuyện đời, chuyện nghề của
Trung tá Nguyễn Chí Thành (người cầm lá cờ Việt Nam) trong ngày về đến sân bay Nội Bài sau khi kết thúc chuyến công tác.

Thời gian thực hiện nhiệm vụ ở Thổ Nhĩ Kỳ, đoàn công tác Bộ Công an Việt Nam có lúc phải nhịn đói suốt 24h, trong điều kiện nhiệt độ -6 độ C, lạnh cắt da cắt thịt không điện, không nước, phải sinh hoạt trong lều tạm. "Hầu như ko ngủ được do lạnh và chênh lệch múi giờ. Chúng tôi không có nước tắm cả tuần, mặc dù tác nghiệp người rất bẩn..." - Trung tá Thành kể lại.

Đoàn 24 cảnh sát Việt Nam đã về đến Hà Nội sau 9 ngày cứu hộ ở Thổ Nhĩ Kỳ - Ảnh 4.
Hình ảnh Đoàn Việt Nam tham gia cứu hộ tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Chết thì ai cũng sợ, nhưng nhiệm vụ cần là lại xung phong

Quê gốc Thái Bình nhưng sinh ra và lớn lên ở Củ Chi (TP Hồ Chí Minh), tốt nghiệp lớp 12, do gia đình khó khăn nên Nguyễn Chí Thành không thi đại học mà ở nhà làm thuê kiếm sống. Năm 2001, anh tham gia nghĩa vụ CAND, rồi được phân công về làm lính chữa cháy tại Đội PCCC, Trung tâm PCCC 23, Công an TP Hồ Chí Minh.

Có lẽ, một trong những sự kiện đáng nhớ nhất của cuộc đời anh là khi còn là người lính trẻ, tháng 4/2002, Nguyễn Chí Thành được điều động thực hiện nhiệm vụ chữa cháy tại rừng quốc gia U Minh Thượng ở Kiên Giang.

30 cán bộ chiến sĩ, 20 máy bơm và 3 xe chữa cháy lên đường đến rừng U Minh Hạ. Địa hình rừng hiểm trở, diện tích lớn, cây cối dày đặc, bùn sâu, có nhiều động, thực vật nguy hiểm..., trong khi công cụ phục vụ chữa cháy không thể triển khai, xe chữa cháy không thể tiếp cận hiện trường, họ đã phải dùng sức người đào kênh dẫn nước 4km vào rừng, cứ khoảng 200m lại đặt một máy bơm chữa cháy.

Hơn 1 tháng trời ròng rã, Thành cùng đồng đội đã xung phong làm nhiệm vụ liên tục không thay ca, ngọn lửa mới được dập tắt hoàn toàn. Đã có lúc sinh mạng anh cận kề với cái chết, muỗi như trấu, nước tắm không có, điều kiện ăn ở vô cùng khó khăn nên anh bị sốt cao phải đi cấp cứu. Tuy nhiên, rời trạm y tế anh lại xung phong trở lại chữa cháy.

Anh cùng đồng đội đã dũng cảm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bảo vệ 700 ha rừng nguyên sinh và ngăn chặn không để cháy lan sang 10.000 ha rừng trồng.

nguoi hung-1.jpg -0

Tháng 10/2002, Nguyễn Chí Thành tham gia chữa cháy và CNCH tại Trung tâm thương mại quốc tế ITC (TP Hồ Chí Minh), kiên trì đứng trên xe thang ròng rã hơn 4 tiếng dù nhiều lần bị trượt ngã. Anh và đồng đội đã giải cứu hàng trăm người bị mắc kẹt, sau đó tiếp tục làm công tác chữa cháy. Đến khi ngọn lửa tắt, các anh đã tiến vào bên trong tìm kiếm nạn nhân trong sức nóng khủng khiếp và khói độc dày đặc, phải mất rất nhiều thời gian mới tìm kiếm và đưa được 54 thi thể ra ngoài.

Năm 2007, anh tham gia lặn mò tìm 7 nạn nhân vụ chìm tàu Hoàng Đạt 36 trong hoàn cảnh sông sâu, nước chảy xiết, tàu dài hơn 100m, nhiều tầng, lượng hàng hóa khổng lồ, xáo trộn, gây nguy hiểm.

Năm 2008, anh tham gia giải cứu nạn nhân trong vụ sập dàn giáo công trình CR4, Khu Đô thị Phú Mỹ Hưng. Khi đó, phía trên là một nạn nhân nữ đã tử vong kẹt trên dàn giáo, người nhà nạn nhân yêu cầu phải đưa xuống ngay. Phía dưới là một nạn nhân đang bị kẹt trong đống bê tông bổ nát, vẫn còn sống nhưng tính mạng cũng “ngàn cân treo sợi tóc”.

Trung tá Thành quyết định thực hiện nhiệm vụ tối đa 20 phút. Trong không gian chật hẹp, anh dùng tay để khuân từng viên đá, cát, sỏi đang bao trùm nạn nhân, đồng thời lấy thân mình đỡ hướng trên giàn giáo. Sau khoảng 17 phút, nạn nhân được đưa ra ngoài an toàn.

Năm 2011, anh tham gia CNCH vụ chìm tàu nhà hàng Dìn Ký tại Bình Dương trong đêm, dưới trời mưa to và giông, gió giật mạnh. Sau hơn 20 giờ lặn tìm với bán kính hơn 1km, trong dòng nước chảy xiết, mưa to, giông lốc, anh cùng đồng đội đã tìm được 16 thi thể ở độ sâu hơn 21m.

Trung tá Nguyễn Chí Thành được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND -0
Trung tá Nguyễn Chí Thành tại Hội nghị gặp mặt Đoàn đại biểu Công an nhân dân dự Hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến toàn quốc.

Năm 2019, Trung tá Nguyễn Chí Thành, tham gia tìm kiếm hài cốt một thanh niên bị rơi xuống vực sâu tại Cao Bằng, vụ CNCH được đánh giá là khó nhất ở Việt Nam, chưa có tiền lệ.

Nạn nhân mất dưới hang gần 3 năm, không có phương tiện gì xuống được. Hang sâu trên 220m mà rất nhỏ hẹp, có chỗ chỉ 50-60cm, cần phải có một người đủ bản lĩnh, quyết tâm xuống. Sau một thời gian suy nghĩ, Thành đã xung phong xuống.

Lựa chọn này rất khó khăn vì một khi nhận nhiệm vụ là chấp nhận hy sinh, là có thể nguy hiểm đến tính mạng. Phải mất khoảng 2 tiếng đồng hồ anh mới xuống được hang, xuống từng mét một, hít thở sâu. Dưới hang rất tối, cô đơn trong nỗi sợ hãi tột cùng, nhất là khi nghĩ về gia đình, vợ con, nhưng anh đã bình tĩnh tác nghiệp.

Nạn nhân bị vùi lấp dưới lớp đá gần 1m, anh phải dùng tay đào bới, lượm từng cái xương của nạn nhân bỏ vào túi và hơn 1 tiếng thu dọn hiện trường rồi mới ngược lên.

Tháng 2/2020, Trung tá Thành được huy động tham gia cứu hộ, cứu nạn tại hang sâu khoảng 280m tại Hà Giang. Nạn nhân đã rơi xuống trước đó 13 ngày. Do cơn mưa kéo dài suốt đêm khiến hang càng ẩm thấp, anh bị cái lạnh ngấm vào tận xương. Hang tối đen như mực, nguồn sáng duy nhất là chiếc đèn pin bằng quả trứng gà gắn trước mũ bảo hiểm.

Càng xuống sâu, càng cảm thấy khó thở và cảm giác hồi hộp tăng lên gấp bội. Có lúc trong đầu le lói ý định bỏ cuộc giữa chừng khi càng xuống sâu, những khối đá sắc nhọn chĩa ra các phía như chực cứa vào da thịt.

"Chưa khi nào, trong lúc thực hiện nhiệm vụ, tôi lại nhớ và mong tới khoảnh khắc được trở về gia đình với người vợ tần tảo và hai đứa con gái bé bỏng như thế." - sau này, Trung tá Thành tâm sự với báo chí. Gần một tiếng “cân não”, thử thách tinh thần, anh đã đưa được nạn nhân lên theo cách đi ngược với quy trình, nạn nhân lên trước, anh lên sau.

Bản lĩnh Nguyễn Chí Thành là ở chỗ, làm được những việc tưởng như không ai làm được.

Anh hùng giữa đời thường

Dù mệnh danh là “Người hùng chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ” nhưng ít ai biết gia cảnh của Trung tá Thành còn nhiều khó khăn. Một thời gian quá dài, bốn người trong gia đình người lính gan dạ, quả cảm này vẫn phải đi ở trọ.

Khi các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin nhiều về những chiến công của anh, một số nhà hảo tâm và doanh nghiệp có tấm lòng vàng đã ngỏ ý chung tay, hỗ trợ tặng cho gia đình anh Thành 1 căn nhà ở xã hội.

Trước tình cảm cộng đồng dành cho cá nhân anh, Ban Chỉ huy Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã báo cáo, xin chủ trương Ban Giám đốc Công an Thành phố Hồ Chí Minh trao tặng nhà cho anh vào tháng 3/2023 vừa qua.

Trung tá Nguyễn Chí Thành, Phó đội trưởng Đội Công tác chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn, Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn, Công an Thành phố Hồ Chí Minh, là cá nhân duy nhất được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong năm 2023.

Trung tá Nguyễn Chí Thành được Giám đốc Công an Thành phố Hồ Chí Minh tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở các năm 2020, 2021, 2022; được lãnh đạo Công an các cấp tặng nhiều Bằng khen và được trao danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn lực lượng năm 2023. Anh là 1 trong 5 gương điển hình tiên tiến được chọn giao lưu trong Hội nghị tuyên dương điển hình tiên tiến trong lực lượng Công an Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2015 - 2020. Năm 2021, Trung tá Nguyễn Chí Thành được Thành phố Hồ Chí Minh vinh danh là Gương thầm lặng mà cao cả.

Năm 2023 anh được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • AI sẽ tác động như thế nào đến an ninh mạng vào năm 2025?
    Từ các hệ thống phòng thủ dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI) đến các chiến thuật tấn công bằng phần mềm tống tiền (ransomware) ngày càng tinh vi, năm 2025 đang đặt ra nhiều thách thức và cơ hội mới cho ngành an ninh mạng.
  • Gia tăng các chiêu trò lừa đảo đổi tiền, tour du lịch siêu khuyến mại dịp Tết Nguyên đán
    Tết Nguyên đán đang đến rất gần cũng là thời điểm các đối tượng lừa đảo lợi dụng nhu cầu về mua sắm, du lịch, vay tiền của người dân tăng cao để thực hiện các hành vi lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản, gây hậu quả nghiêm trọng. Cục An toàn thông tin đã đưa ra cảnh báo về các chiêu trò lừa đảo tinh vi, bao gồm lừa đổi tiền, tour du lịch siêu khuyến mại,...
  • TikTok và câu chuyện cung cấp dịch vụ tại Mỹ
    TikTok thông báo rằng họ đang "trong quá trình" khôi phục dịch vụ cho người dùng tại Mỹ. Động thái diễn ra chỉ hơn 12 giờ sau khi TikTok ngừng cung cấp dịch vụ để chuẩn bị đối phó với lệnh cấm.
  • 5 startup công nghệ Việt Nam đang được chú ý
    Trong những năm qua, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể, tạo được môi trường thuận lợi, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia.
  • Hội nghị WEF lần thứ 55: Hợp tác trong kỷ nguyên thông minh
    Nhận lời mời của Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Klaus Schwab, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 55 Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại Davos, Thụy Sĩ và làm việc song phương tại Thụy Sĩ trong hai ngày 21 và 22/1/2025.
Đừng bỏ lỡ
Cảnh sát PCCC - CNCH duy nhất được phong Anh hùng trong năm 2023 là ai?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO