Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ biên tập, xuất bản trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0

Thu Hiền| 30/10/2018 08:43
Theo dõi ICTVietnam trên

Đó là chủ đề của Hội thảo được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức sáng ngày 29/10 tại Hà Nội.

Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đã đặt ra thách thức và yêu cầu mới đối với công tác xuất bản, đặc biệt các biên tập viên cần phải có bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng vững vàng, có khả năng chọn lọc, tổng hợp, phân tích và xử lý trước những nguồn thông tin chưa được kiểm chứng trong điều kiện bùng nổ thông tin nhanh, đa chiều cả ở trong nước và quốc tế. Ngoài kiến thức chuyên môn sâu, đội ngũ cán bộ xuất bản cũng phải năng động, sáng tạo, có năng lực ngoại ngữ, tin học và thậm chí cả những kiến thức khoa học - công nghệ cần thiết để có thể tiếp cận và ứng dụng những công nghệ mới trong hoạt động quản lý và chuyên môn, tương ứng với phương thức xuất bản mới, sử dụng kênh truyền thông đa phương tiện, công nghệ quản lý, quản trị nhà xuất bản, quản trị mạng lưới bán hàng...

Đòi hỏi đặt ra đối với mỗi cơ sở đào tạo là nghiên cứu, xây dựng và đổi mới chương trình đào tạo gắn lý luận với thực tiễn; phát triển đội ngũ giảng viên theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa; tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường với các đơn vị làm công tác xuất bản nhằm đảm bảo về chất lượng, số lượng đáp ứng yêu cầu của ngành xuất bản nói chung, xuất bản điện tử nói riêng.

Yêu cầu đặt ra cấp bách với công tác chỉ đạo, quản lý hoạt động xuất bản của các cơ quan chức năng và của bản thân các nhà xuất bản cũng phải nhanh chóng đổi mới theo kịp những đòi hỏi mới trong thực tiễn hoạt động xuất bản; cần nhận thức đúng vị trí, vai trò, tính đặc thù của hoạt động xuất bản theo hướng gắn kết chặt chẽ hai yếu tố tư tưởng - văn hóa và kinh tế - công nghệ, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, mang lại hiệu quả cao (cả về chính trị- xã hội và kinh tế) cho hoạt động xuất bản trong bối cảnh CMCN 4.0.

Tại Hội thảo, các nhà khoa học, các đại biểu đã tập trung thảo luận, tham gia đóng góp ý kiến chủ yếu tập trung làm rõ các vấn đề: Những thay đổi của hoạt động biên tập, xuất bản kể từ khi diễn ra cuộc CMCN 4.0; Tác động của cuộc CMCN 4.0 đến hoạt động biên tập, xuất bản ở nước ta hiện nay; Thực trạng đội ngũ cán bộ biên tập, xuất bản và những vấn đề đang đặt ra trong bối cảnh CMCN 4.0; Kinh nghiệm đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực làm công tác biên tập, xuất bản một số quốc gia trên thế giới trong thời đại CMCN 4.0; Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ biên tập, xuất bản ở Việt Nam nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác biên tập, xuất bản trong thời đại CMCN 4.0.

Hội thảo nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ biên tập, xuất bản trong CMCN4.0

Nói về vai trò của công tác biên tập, GS. Đinh Xuân Dũng nhấn mạnh: "Để có được bản thảo hoàn chỉnh chứa đựng trong đó những giá trị cao, chất lượng tư tưởng, nội dung và nghệ thuật sâu sắc, không để lọt những quan điểm sai trái, lệch lạc, những hạt sạn về tư tưởng, rất cần ở người biên tập sự thống nhất cao giữa trình độ và bản lĩnh, sự nắm vững lý luận và am hiểu thực tiễn, sự thẳng thắn, tỉnh táo và thái độ chân tình, khiêm tốn… Phải chăng đó là những chuẩn mực cao, đòi hỏi một sự rèn luyện, học tập công phu, song không thể khác được, vì xét cho cùng, từ mục tiêu của nó, biên tập xuất bản là công việc đem đến cho xã hội những giá trị tinh thần -  trí tuệ đích thực và như vậy không thể làm ra cái giả, cái xấu xa, đen tối đầu độc con người, không chỉ hôm nay mà cả mai sau".

Trao đổi về vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, ThS. Nguyễn Nguyên - Phó Vụ trưởng Vụ Báo chí- Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng đào tạo nguồn nhân lực của ngành đáp ứng yêu cầu của cuộc CMCN4.0 là một trong những nhóm nhiệm vụ hàng đầu cần triển khai thực hiện. Việc đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ làm công tác xuất bản nhằm đảm bảo tính hội nhập trong xu thế phát triển của khoa học và công nghệ. Việc đào tạo cần theo hướng chuyên môn hóa và hiện đại hóa, trong đó đào tạo đội ngũ biên tập viên, lãnh đạo đơn vị xuất bản hiểu và nắm rõ về vấn đề truyền thông số, xuất bản điện tử. Đồng thời phải rà soát, xắp xếp mạng lưới có số lượng hợp lý, đủ mạnh, đào tạo nguồn nhân lực, thực hiện đúng tinh thần của Thông báo kết luận 19-TB/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 42-CT/TW về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản.

ThS. Nguyễn Việt Hà, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật lại đưa ra một vấn đề đáng lo ngại nhất đối với xuất bản điện tử đó là vấn đề bản quyền. Khi công nghệ ngày càng hiện đại thì tình trạng vi phạm bản quyền trong lĩnh vực xuất bản và kinh doanh sách điện tử càng diễn ra phổ biến, trở thành rào cản với các nhà xuất bản, doanh nghiệp muốn phát triển sách điện tử. Nếu việc in, phát hành sách truyền thống lậu cần nhiều công đoạn và người làm lậu sách ít nhiều phải biết nghề, thì việc làm lậu sách điện tử lại đơn giản hơn nhiều và người làm lậu chỉ cần biết về công nghệ thông tin. Đây là một vấn đề vô cùng bức thiết đặt ra cho ngành xuất bản trong tình hình mới.

Ông Nguyễn Cảnh Bình, Chủ tịch HĐQT Alpha Books cho rằng xuất bản điện tử sẽ giữ vị trí chủ đạo của ngành công nghiệp xuất bản thế giới. Ở Việt Nam, xu thế này cũng bắt đầu tác động mạnh mẽ, bắt đầu có sự xuất hiện song song hoặc độc lập của các cuốn sách, báo và tạp chí điện tử, đặc biệt có nhiều báo, tạp chí giấy tại Việt Nam rơi vào tình trạng “chết dần”. Sự “chết dần” ở đây không đồng nghĩa với viễn cảnh sách, báo và tạp chí giấy sẽ chết hoàn toàn để thay thế bằng các ấn phẩm điện tử mà các ấn phẩm điện tử và sách giấy sẽ phân chia thị phần một cách phù hợp theo từng nét đặc trưng riêng. Vì vậy, quy trình xuất bản mới sẽ không triệt tiêu quy trình vốn có mà sẽ tồn tại song song trong một nhà xuất bản. Điều này đòi hỏi mỗi nhà xuất bản muốn tiếp tục phát triển, cần phải có một đội ngũ nhân sự có khả năng nắm bắt và triển khai được cả những nghiệp vụ mới và cũ phù hợp với sự dịch chuyển này.

Nhìn chung, các tham luận đã nêu ra được những yêu cầu và thách thức đối với hoạt động xuất bản trong thời kỳ CMCN 4.0. Các nhà xuất bản sẽ phải thay đổi hệ thống tổ chức, quản lý và cơ chế,cách thức hoạt động của mình để phát triển, tương thích với các hoạt động xuất bản dựa trên các nền tảng tích hợp, giao thoa công nghệ hiện đại và môi trường số.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ biên tập, xuất bản trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO