Nâng cao năng lực lãnh đạo trong kỷ nguyên 4.0

TH| 12/07/2018 14:16
Theo dõi ICTVietnam trên

Thực hiện chương trình công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ của Bộ Thông tin và Truyền thông, ngày 12/7, tại thành phố Quy Nhơn, Trường Đào tạo, Bồi dưỡng cán bộ Thông tin và Truyền thông và Vụ Tổ chức cán bộ đã phối hợp tổ chức lớp “Bồi dưỡng nâng cao năng lực lãnh đạo trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0” cho các đồng chí lãnh đạo Cục, Vụ, Viện và các đơn vị chức năng thuộc Bộ.

Ông Đinh Đức Thiện, Hiệu trưởng Trường Đào tạo, Bồi dưỡng cán bộ TTTT, phát biểu khai mạc

Phát biểu khai mạc, ông Đinh Đức Thiện, Hiệu trưởng Trường Đào tạo, Bồi dưỡng cán bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: “Trong thời gian gần đây, cụm từ cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) hay công nghiệp 4.0 được nhắc đến nhiều ở Việt Nam và trên thế giới. Nhiều đánhh giá đã được đưa ra về cuộc cách mạng công nghiệp lần này. Nó hàm chứa những thay đổi lớn lao không chỉ về kinh tế mà cả văn hóa - xã hội một cách toàn diện. Cuộc CMCN 4.0 sẽ mang thế giới ảo và thực xích lại gần nhau, xóa nhòa mọi ranh giới. Để cung cấp cho các đồng chí một cái nhìn toàn diện về bản chất của cuộc cách mạng 4.0, những tác động của nó đối với Việt Nam nói chung, đối với ngành TTTT nói riêng; những cơ hội, thách thức và những yêu cầu đặt ra đối với ngành, với mỗi đơn vị thuộc Bộ và đối với các đồng chí với cương vị là lãnh đạo các đơn vị hiện nay, Trường Đào tạo, Bồi dưỡng cán bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức lớp “Bồi dưỡng nâng cao năng lực lãnh đạo trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0”.

Cuộc CMCN 4.0 hứa hẹn nâng cao năng suất, tăng thu nhập và cải thiện chất lượng cuộc sống. Nó sẽ tạo ra các sản phẩm mới đẹp hơn, rẻ hơn và các dịch vụ tốt hơn. Mọi người có thể tự do đặt xe, mua vé, mua sắm, trả tiền các dịch vụ, nghe nhạc hay thưởng thức các dịch vụ giải trí từ xa qua mạng. Sự tiến bộ của công nghệ cho phép nâng cao năng suất và hiệu quả làm việc một cách đáng kể. Nhiều thị trường mới sẽ được mở rộng hơn, tăng trưởng kinh tế cao hơn. Tuy nhiên, bên cạnh đó nó cũng mang lại nhiều thách thức. Nhu cầu đòi hỏi những người lao động có kiến thức và kỹ năng sẽ tăng cao; những người ít được đào tạo hoặc thiếu kỹ năng sẽ khó có khả năng tìm việc. Người lao động ít kỹ năng sẽ có thu nhập thấp. Người lao động có nhiều kỹ năng và năng lực thích ứng cao sẽ dễ tìm được việc có thu nhập tốt. Trong tương lai, tài năng quan trọng hơn vốn. Những nhà sáng tạo, những người có cổ phần, cổ đông và những nhà đầu tư sẽ là những người hưởng lợi nhiều nhất. Tuy nhiên, cùng với đó, sự bất bình đẳng sẽ lớn hơn, đặc biệt là thị trường lao động truyền thống sẽ bị phá vỡ, thị trường việc làm sẽ phân chia thành hai đầu (đáp ứng tốt hoặc không đáp ứng) với sự thiếu hụt ở giữa. Tự động hóa sẽ đẩy nhiều lao động ra khỏi nền kinh tế, làm gia tăng sự căng thẳng, bất bình đẳng và bất ổn trong xã hội.

Trong bài phát biểu đề dẫn, TS. Nguyễn Vĩnh An, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ TTTT nhận định:”Cách mạng 4.0 là một xu hướng tất yếu và không thể phủ nhận. Tuy nhiên hầu như chúng ta chưa sẵn sàng để đón nhận nó”.

TS. Nguyễn Vĩnh An, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ TTTT, phát biểu tại Lễ khai giảng lớp học

Ông An cho biết thêm, trong kết quả điều tra của một Viện nghiên cứu công nghiệp của Đức thì hiện nay chỉ có 6% các công ty ở Đức sẵn sàng cho công nghiệp 4.0, 53% lãnh đạo các công ty được điều tra là nhận thức được và đã có suy nghĩ về chiến lược phát triển theo 4.0. Ở Việt Nam, chỉ có khoảng 30% lực lượng lao động được đào tạo cơ bản, có nghĩa là tối đa 30% có khả năng tiếp cận hoặc ở mức 3.0. Như vậy 70 % lực lượng lao động ở trình độ 1.0 và 2.0.  Trở ngại chính đối với việc triển khai 4.0 là thiếu khả năng thay đổi trong nội bộ của tổ chức cùng với sự lạc hậu về công nghệ. Có thể thấy, rất khó tiên đoán được những gì sắp xảy ra nhưng có một điều chắc chắn rằng lợi ích mà nó mang lại sẽ rất lớn. Rất nhiều công nghệ mới đang được áp dụng, tạo nên những cách thức sản xuất mới, nhưng đồng thời chúng lại gây ra những xáo trộn lớn cho chuỗi giá trị hiện hành. Sự xáo trộn được tạo ra do chính các đối thủ cạnh tranh đã rất nhanh nhạy, luôn tìm cách cải tiến, áp dụng các thành tựu của nền kinh tế số trong nghiên cứu, sản xuất, quảng cáo, phân phối và bán hành. Chúng ta cũng đã thấy xuất hiện sự thay đổi lớn về những hành vi của khách hàng theo hướng minh bạch hóa và nguyên tắc đồng thuận nhờ vào mua sắm và thanh toán điện tử. Điều đó đã làm cho các doanh nghiệp phải thay đổi cách thức thiết kế, quảng bá và phân phối các sản phẩm và dịch vụ.

Một xu hướng nổi lên rất rõ là sự phát triển của các hạ tầng công nghệ theo hướng chia sẻ nhiều hơn, đáp ứng theo nhu cầu tốt hơn. Điện thoại và các thiết bị điện tử thông minh cho phép con người, các thiết bị và dữ liệu có thể kết nối nhiều hơn. Chú đã tạo ra một cách thức mới trong các hoạt động tiêu dùng và sử dụng dịch vụ. Công nghiệp 4.0 đã tác động mạnh mẽ đến kỳ vọng và thái độ của khách hàng, giúp nâng cao năng lực sản xuất, thay đổi cơ bản cách thức hợp tác nghiên cứu, sản xuất trong doanh nghiệp cũng như trong công tác quản lý của nhà nước. Sự dịch chuyển không thể đảo ngược được từ số hóa đơn giản trong cách mạng 3.0 đến sự hội tụ phức tạp của các ngành khoa học vật lý, số hóa và sinh học trong công nghiệp 4.0 đang đòi hỏi chúng ta phải xem xét lại cách thức sản xuất kinh doanh và quản lý xã hội. Chính phủ cần nâng cao năng lực điều hành trên nền tảng công nghệ số hóa (chính phủ điện tử, giao tiếp số,,…) với phương châm là chính phủ kiến tạo, phục vụ, phân công và phân cấp. Toàn bộ quá trình quản lý trong rất nhiều lĩnh vực có thể sẽ được thực hiện thông qua các phần mềm trực tuyến (chính phủ điện tử cấp độ  4).

Tuy nhiên, chúng ta cần nhận thức đúng về tính hai mặt của cách mạng 4.0. Vấn đề an toàn mạng, an ninh thông tin sẽ ảnh hưởng tới các doanh nghiệp, các tổ chức đến an ninh quốc gia và ổn định trên thế giới. Theo TS. Nguyễn Vĩnh An, các nhà quản lý, nhưng người lãnh đạo cần phải hiểu rõ những thay đổi tất yếu này. Việc nâng cao năng lực, tăng hiệu quả và giảm giá thành sản xuất không chỉ phụ thuộc chủ yếu vào hạ tầng mạng viễn thông và CNTT 5G mà còn phụ thuộc rất nhiều vào cách chúng ta thu thập, xử lý thông tin, dữ liệu trong thời gian thực. Tất cả các lĩnh vực mà ngành TTTT đang quản lý cần phải nhanh chóng vào cuộc và đi tiên phong trong cuộc cách mạng 4.0 này.

”Trong kỷ nguyên 4.0, vai trò của các nhà quản lý càng trở nên quan trọng. Các quyết định cần thiết phải được đưa ra nhanh hơn và kịp thời hơn. Các hệ thống thông minh sẽ đóng góp nhiều hơn trong quá trình ra quyết định. Việc ra quyết định, ý thức trách nhiệm và kiến thức kỹ thuật có vai trò ngang nhau. Ngoài yếu tố về hạ tầng công nghệ thì hầu như thành công của 4.0 lại nằm ở chính chất lượng của đội ngũ nhân viên, ở khả năng thay đổi thích ứng liên tục của họ và nằm ở khối lượng khổng lồ các dữ liệu liên quan”.

Ở một góc độ nào đó, cuộc cách mạng 4.0 sẽ làm cho con người trở nên robot hóa nhưng như một sự bổ sung lý thú thì tính sáng tạo, sự thấu cảm của mỗi người lại được phát huy cao nhất. “Với cương vị của những nhà quản lý, chúng ta phải chủ động trang bị cho chính chúng ta và người lao động những phẩm chất và năng lực cần thiết nhất để thích ứng với cuộc cách mạng này. Chúng ta hãy nắm lấy cơ hội mà cuộc cách mạng 4.0 mang đến để tiến đến những mục tiêu và giá tị tốt hơn cho chúng ta trong tương lai”, ông Nguyễn Vĩnh An khẳng định.

Toàn cảnh lớp học

Khóa học sẽ diễn ra trong 3 ngày từ 12 - 14/7 tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Nội dung chính tập trung vào 3 vấn đề: Tầm nhìn và tư duy lãnh đạo trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0; Quản trị nguồn nhân lực trong kỷ ngyên 4.0 và nâng cao năng lực lãnh đạo quản lý. Giảng viên của khóa học là các chuyên gia có uy tín trong lĩnh vực này: TS. Terry F. Buss, giáo sư đầu ngành về Chính sách công và quản lý, từng là Viện sỹ của Học viện Hành chính Quốc gia Hoa Kỳ và Viện bảo hiểm xã hội Hoa Kỳ và  Phó giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thành Lợi, Tổng biên tập Tạp chí Người Làm báo, Ủy viên BCH Hội nhà báo Việt Nam.

Ông Terry F. Buss chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, góc nhìn 4.0 dưới góc nhìn khoa học quản lý.

Khóa học là cơ hội để các học viên chia sẻ và nắm bắt được những kiến thức bổ ích, toàn diện và sâu sắc về cuộc CMCN 4.0, từ đó giúp hoàn thành tốt công tác quản lý, lãnh đạo đơn vị của mình trong bối cảnh hiện nay.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao năng lực lãnh đạo trong kỷ nguyên 4.0
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO