Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ qua sàn thương mại điện tử
Sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ trước đến nay luôn là một trong những mặt hàng thu hút du khách mỗi lần du lịch đến Việt Nam. Tại Hà Nội, với hơn 1.000 làng nghề, trong đó có nhiều làng nghề truyền thống, ngành công nghiệp thủ công mỹ nghệ góp phần lớn trong việc tạo dựng và duy trì, phát triển bản sắc văn hóa của Việt Nam. Để thu hút và mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, mới đây, tọa đàm “Nâng cao năng lực phát triển thương mại điện tử cho doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ trong nền kinh tế số” đã diễn ra tại Trung tâm tinh hoa làng nghề Việt - làng cổ Bát Tràng, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội.
Tọa đàm được xem là sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ Việt Nam, những doanh nghiệp có sản phẩm chất lượng có thể tìm kiếm thị trường. Trong đó, vận dụng tốt thương mại điện tử sẽ mang lại nhiều khởi sắc cho hoạt động xuất khẩu các mặt hàng thủ công mỹ nghệ.
Đáng chú ý, Tọa đàm cũng là sự kiện cuối cùng nằm trong khuôn khổ Chương trình “Thúc đẩy kỹ năng phát triển thương mại cho doanh nghiệp trong nền kinh tế số”. Chương trình do Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố Hà Nội (HPA) phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương (IDEA), Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội (HANOISME) tổ chức.
Các vấn đề về khó khăn, vướng mắc trong sử dụng thương mại điện tử để thu hút tiêu thụ hàng thủ công mỹ nghệ cả trong nước và quốc tế đã được các doanh nghiệp trao đổi, chia sẻ và thảo luận. Các chuyên gia về thương mại điện tử tham dự Tọa đàm cũng đã có nhiều ý kiến giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về lợi thế của thương mại điện tử cũng như các chiến lược sử dụng sàn thương mại điện tử, cách xây dựng chiến lược phát triển kênh thương mại điện tử một cách hiệu quả.
Các giải pháp đồng bộ về phát triển thương mại điện tử cho hàng thủ công mỹ nghệ được các diễn giả đưa ra, tư vấn cho các doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp sẽ biết các nâng cao năng lực thiết kế sản phẩm một cách sáng tạo, sản xuất ra những sản phẩm chất lượng, tinh xảo đáp ứng nhu cầu thị trường và cuối cùng là đưa sản phẩm “lên sàn”, kết nối thương mại điện tử.
Ứng dụng công nghệ thông tin, doanh nghiệp cũng học cách tiếp cận quảng bá, tiêu thụ sản phẩm trên các nền tảng số, ứng dụng các giải pháp công nghệ để tăng cường hiệu quả sản xuất kinh doanh. Những kiến thức chuyên sâu về phát triển sản phẩm, kênh phân phối điện tử đã được truyền đạt đến các doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ. Đặc biệt, doanh nghiệp được tư vấn về các kỹ năng triển khai thương mại điện tử, nắm bắt thông tin thị trường, xây dựng chiến lược bán hàng mới trên các nền tảng.
Dư địa xuất khẩu của hàng thủ công mỹ nghệ
Ngành hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam có dư địa xuất khẩu lớn. Ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, cho biết tiềm năng xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam rất tốt, nhờ có những sản phẩm chất lượng, mang tính bản sắc riêng và những làng nghề truyền thống lâu đời với những nhà sản xuất có trách nhiệm. Trong bối cảnh các hiệp định thương mại tự do đã được ký kết, cơ hội mở rộng ra thị trường quốc tế của các sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt rất cao. Tuy nhiên, để nắm bắt cơ hội mở rộng thị trường, các cơ sở, doanh nghiệp làng nghề cần trang bị những nền tảng cơ bản theo yêu cầu thị trường, ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng các sàn thương mại điện tử, công nghệ truy xuất nguồn gốc.
Theo ước tính của Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam (VIETCRAFT), lợi nhuận xuất khẩu của ngành hàng này cao hơn so với sản phẩm của nhiều ngành hàng khác. Cứ 1 triệu USD xuất khẩu của ngành thủ công mỹ nghệ sẽ mang lại lợi nhuận gấp khoảng 5-10 lần so với ngành khai thác. Mặt hàng này được dự báo có tăng trưởng xuất khẩu đạt trên 12%/năm, kim ngạch xuất khẩu có thể đạt 4 tỷ USD vào năm 2025.
Theo ông Roger Lou, Giám đốc quốc gia Alibaba.com tại Việt Nam, yêu cầu của khách hàng nước ngoài mua các sản phẩm thủ công mỹ nghệ rất cao. Chẳng hạn, dữ liệu về hành vi mua hàng cho thấy không chỉ yêu cầu về mẫu mã đáp ứng thị hiếu, mà khách hàng nước ngoài còn cần có các chứng chỉ đảm bảo chất lượng cũng như hình ảnh chi tiết về nhà máy, cơ sở sản xuất trong quá trình giao dịch. Rõ ràng, để đáp ứng được nhu cầu của các thị trường nước ngoài, đặc biệt là các thị trường lớn với khách hàng có sức mua cao như Mỹ hoặc châu Âu, các cơ sở kinh doanh nhóm ngành hàng thủ công mỹ nghệ sẽ phải ứng dụng công nghệ thông tin để thuyết phục khách hàng về tính chất lượng, tiềm năng của sản phẩm.
Tại Hội thảo "Phát triển sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sản phẩm OCOP và làng nghề" ngày 3/11 vừa qua, ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cũng cho biết sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam rất đa dạng với con số thống kê có 8.500 sản phẩm nhưng còn gặp khó khăn trong vấn đề thương mại hóa, nâng cao giá trị. Hiện nay, thống kê từ Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cho thấy các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam chủ yếu vẫn tiêu thụ ở thị trường trong nước với tỷ lệ chiếm 80-90%, hoặc tiêu thụ trong nước cho khách nước ngoài.
Một đặc điểm riêng biệt của sản phẩm thủ công mỹ nghệ, khác với các loại hàng hóa khác đó là mỗi sản phẩm luôn chứa đựng tâm huyết của nghệ nhân, kèm theo đó là câu chuyện sản phẩm cực kỳ sinh động. Vì vậy, giá trị sản phẩm dường như được nâng lên với những câu chuyện, tâm huyết làng nghề và những câu chuyện văn hóa đó.
Được biết, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tập trung nâng cao năng lực xuất khẩu chuỗi giá trị hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam. Nhóm mặt hàng có lợi thế cạnh tranh sẽ được tập trung, gia tăng giá trị sản phẩm, trong đó sẽ tăng cường tính chất giao thương quốc tế, giúp sản phẩm Việt Nam đáp ứng nhiều phân khúc thị trường khác nhau, tập trung vào phân khúc thị trường trung và cao cấp. Đặc biệt, tính gắn kết ngành sẽ được tăng cường, thương hiệu ngành thủ công mỹ nghệ phải được xây dựng, gắn với các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển bền vững, phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 5 tỷ USD vào năm 2025.
Ngoài ra, các hoạt động hỗ trợ các làng nghề phát triển sản phẩm thủ công mỹ nghệ cũng sẽ được tiến hành thông qua các chương trình như Khuyến công, Xúc tiến thương mại, du lịch nhằm phát triển kinh tế, tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu của địa phương và doanh nghiệp./.