Nga thử nghiệm đối phó với tình huống bị đối phương cô lập khỏi Internet toàn cầu

Trung Hiếu| 04/08/2021 14:00
Theo dõi ICTVietnam trên

Mạng Runet nội địa của Nga khác với hệ thống "Đại Tường lửa" của Trung Quốc. Nga đang chuẩn bị cho tình huống bị thế lực thù địch tấn công mạng và họ phải ngắt toàn bộ kết nối với mạng Internet toàn cầu.

Kể từ năm 2019, các thành phố trên khắp nước Nga đã và đang thử nghiệm các cách thức ngắt mảng Nga của hệ thống Internet (thường được gọi là Runet) ra khỏi mạng kết nối toàn cầu rộng lớn hơn. Hầu hết các cuộc thử nghiệm diễn ra mà người dùng Internet ở Nga không hề hay biết và chỉ được thông báo sau khi sự việc đã diễn ra.

Nga đang chuẩn bị cho một mạng "Internet chủ quyền" riêng của họ. Mạng này của Nga cũng khác biệt với hệ thống "Đại Tường lửa" của Trung Quốc.

Nga thử nghiệm đối phó với tình huống bị đối phương cô lập khỏi internet toàn cầu - Ảnh 1.

Hình ảnh mang tính biểu tượng về mạng Runet Nga. Nguồn: Legion Media.

Tổ chức hàng loạt các cuộc diễn tập liên quan đến Runet

Kể từ ngày 15/6-15/7/2021, Nga tổ chức một chuỗi diễn tập nhiều ngày để kiểm tra hoạt động hiệu quả của Runet - tờ RBC đưa tin như vậy dựa trên thông tin của nhóm công tác infosec thuộc tổ chức phi lợi nhuận Digital Economy (kinh tế số).

Tất cả các hãng viễn thông chính của Nga (MTS, Tele2, Beeline, Megafon, cũng như Rostelecom, Transtelecom và ER-Telecom Holding) tham gia vào cuộc thử nghiệm này. Theo các nguồn tin, hoạt động thử nghiệm nhằm kiểm tra xem Runet liệu có vận hành trong trường hợp bị một quốc gia thù địch tấn công. Một nguồn tin nói với RBC rằng "khả năng ngắn kết nối về mặt vật lý đối với phần Nga của mạng Internet toàn cầu đã được kiểm nghiệm".

Đây không phải là lần đầu tiên có các cuộc diễn tập như vậy. Hồi tháng 12/2019 các cuộc thử nghiệm mở đã được tiến hành ở Moscow, Rostov, Vladimir, và các thành phố khác của Nga để giúp các hãng viễn thông và các cơ quan của chính phủ kiểm tra mức độ bảo vệ dữ liệu cá nhân của các thuê bao điện thoại di động cũng như mạng lưới của các công ty năng lượng và tài chính và thiết bị công nghệ thông tin (IT) trước các mối đe dọa từ bên ngoài, bao gồm tấn công mạng (hack), cũng như để xác định xem liệu người ta có thể chặn lưu lượng liên lạc và tin nhắn, rồi định vị vị trí thuê bao.

Thứ trưởng Phát triển Số, Liên lạc, và Truyền thông Đại chúng Nga - Alexei Sokolov, phát biểu vào lúc đó: "Các cuộc kiểm tra cho thấy nhìn chung, cả giới chức Nga và các hãng viễn thông Nga đều sẵn sàng phản ứng lại các nguy cơ và mối đe dọa đang nổi lên và bảo đảm hoạt động ổn định của mạng Internet và mạng lưới viễn thông ở Nga".

Việc thử nghiệm theo kế hoạch sẽ diễn ra cả trong năm 2020 nhưng đã bị hoãn lại do đại dịch Covid-19.

Vì sao Nga cần ngắt kết nối với Internet toàn cầu?

Tháng 10/2017, sau 3 vụ tấn công lớn của hacker (tin tặc) ảnh hưởng đến nước Nga và một số nước khác, Tổng thống Nga Vladimir Putin kêu gọi tăng cường an ninh của Runet tại một cuộc họp của Hội đồng An ninh Nga.

Tổng thống Putin phát biểu như sau: "Sự xâm nhập từ bên ngoài và sự rò rỉ tài liệu điện tử trong lĩnh vực quốc phòng, hành chính công, cơ sở hạ tầng y tế, và tài chính có những hậu quả nghiêm trọng nhất... An toàn và ổn định của cơ sở hạ tầng của phân khúc Nga trong mạng Internet phải được cải thiện".

Một năm sau đó, vào tháng 12/2018, một nhóm các thượng nghị sĩ và hạ nghị sĩ Nga giới thiệu một dự luật về hoạt động tự trị của mạng Runet, về sau được gọi bằng nhiều cái tên như luật "bảo vệ Runet", "Runet có chủ quyền", và "cô lập Runet". Một văn bản giải thích nói rằng dự luật này tính tới các cáo buộc về hack nhằm vào Nga và Chiến lược Không gian mạng Quốc gia của Mỹ được thông qua vào tháng 9/2018 mà theo các thượng nghị sĩ đã tái khẳng định nguyên tắc "hòa bình thông qua sức mạnh".

Thực chất của luật này là tạo ra một cơ sở hạ tầng nội địa cho phép mạng Runet tiếp tục hoạt động ngay cả khi Nga đã bị ngắt kết nối với các server (máy chủ) toàn cầu.

Bộ luật trên cũng quy định rằng cơ quan theo dõi truyền thông Nga Roskomnadzor và các nhà mạng sẽ kiểm soát dữ liệu trao đổi giữa những người sử dụng Nga và nếu cần thiết, không chuyển dữ liệu đó ra nước ngoài và vô hiệu hóa hoạt động liên lạc nếu xuất hiện một nỗ lực truy cập các website có thông tin bị cấm.

Một điều khoản riêng rẽ trong luật cho phép các cơ quan chuyên môn của chính phủ và các hãng viễn thông tiến hành diễn tập hàng năm.

Trước khi được ký, dự luật liên tục chịu sự chỉ trích, chủ yếu từ các nhà mạng và các công ty IT lớn. Theo họ, các đòi hỏi này có thể dẫn tới đứt gãy các dịch vụ viễn thông và Internet. Dư luật cũng bị tổ chức quốc tế "Phóng viên Không biên giới" phê phán. Tổ chức này tuyên bố rằng bộ luật sẽ cho phép Nga cắt đứt dòng chảy thông tin số khi nào họ thích.

Thậm chí các chuyên gia của chính phủ Nga cũng chỉ trích dự luật này. Theo họ, các mối nguy hiểm mà luật này nêu không tạo ra mối đe dọa thực sự. Tuy nhiên, vào tháng 5/2019, Tổng thống Vladimir Putin đã ký ban hành luật này, có hiệu lực từ ngày 1/11/2019.

Trước các lời chỉ trích, Tổng thống Putin tháng 6/2019 đã lên tiếng: "Hầu hết các server được đặt ở nước ngoài... nên về mặt lý thuyết, nếu các server này bị tắt đi hoặc hoạt động của chúng bị cản trở theo một cách nào đó chưa rõ, chúng ta phải bảo đảm sự vận hành tin cậy của mạng Runet. Thực sự đây chính là điều mà bộ luật nhắm tới. Chỉ có vậy thôi. Không hề có kế hoạch giới hạn nào hết".

Mạng "Runet độc lập" sẽ vận hành như thế nào?

Tất cả các nhà mạng của Nga đang cài đặt thiết bị đặc biệt nhằm bảo đảm việc trao đổi dữ liệu không bị gián đoạn ở Nga trong tình huống cần thiết phải tách nước này khỏi mạng Internet toàn cầu.

Cơ quan Roskomnadzor có ý định thiết lập một trung tâm kiểm soát để giám sát thiết bị này và khả năng về các mối đe dọa từ bên ngoài.

Nếu các nhân vật trên không gian mạng có ngắt kết nối của Nga với các server toàn cầu, làm gián đoạn liên lạc điện thoại di động và truy cập Internet dành cho công chúng, hoặc nhắm vào hạ tầng IT của các cơ sở trọng yếu, Roskomnadzor sẽ nắm quyền kiểm soát lưu lượng liên lạc nội địa.

Như đã nêu trên website Duma Quốc gia Nga, các lưu lượng trong không gian mạng sẽ được quản lý nhờ vào "các điểm trao đổi" đặc biệt - các cơ sở vật chất có các bộ "switch" giúp các mạng lưới của các công ty lớn, các nhà cung cấp Internet, các nhà cung cấp dịch vụ lưu trữ và duy trì website, v.v. được kết nối với nhau và trao đổi lưu lượng nội bộ.

Ngoài ra, bên giám sát sẽ có khả năng độc lập chặn các website bị cấm ở Nga mà không cần liên lạc với các nhà mạng tương ứng (nhiệm vụ này hiện được thực hiện theo yêu cầu của Roskomnadzor). Đồng thời, website của Duma Quốc gia nhấn mạnh rằng bộ luật không được soạn ra để chặn các mạng xã hội và nền tảng chia sẻ video như Twitter, YouTube, và Facebook. Nhưng vẫn còn để ngỏ một câu hỏi là làm thế nào để duy trì truy cập các website nước ngoài khi mà cả nước Nga đã bị ngắt khỏi mạng Internet toàn cầu.

Roskomnadzor đã tỏ rõ vai trò của mình khi can thiệp vào các dịch vụ của nước ngoài. Hồi tháng 3/2021, cơ quan này đã làm chậm tốc độ truy cập vào mạng xã hội Twitter do mạng này không chịu gỡ nội dung bị cấm. Theo RBC, cơ quan giám sát đã thực hiện điều đó bằng chính thiết bị được lắp đặt nhằm tuân thủ luật về "Runet có chủ quyền". Vào tháng 5/2021, Roskomnadzor mới dỡ bỏ phần nào sự hạn chế của họ đối với mạng Twiiter.

Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga Dmitry Medvedev vào tháng 2/2021 khẳng định rằng Nga đủ năng lực về công nghệ để ngắt kết nối với mạng toàn cầu. Tuy nhiên, theo các nhà mạng điện thoại di động, thiết bị ngắt kết nối vốn trục trặc đã phải tạm tắt đi vào tháng 3/2021 để khôi phục lại khả năng hoạt động của thiết bị đó. Hơn nữa, Bộ Truyền thông Nga cứ định kỳ lại đặt ra các tiêu chuẩn mới cho việc hiện đại hóa thiết bị mà điều này có khả năng làm xấu đi chất lượng liên lạc, theo MTS.

Đồng thời các nhà mạng không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc tuân thủ các đòi hỏi đó. Nếu vi phạm lần 1, họ sẽ bị phạt tới 1 triệu rúp (tương đương 13.600 USD), vi phạm lần 2 sẽ bị phạt tới 3 triệu rúp (tương đương 40.000 USD).

Khác biệt giữa "Runet chủ quyền" của Nga và "Đại Tường lửa" của Trung Quốc là gì?

Mikhail Klimarev - giám đốc điều hành của tổ chức phi lợi nhuận Hội Bảo vệ Internet, giải thích trên trang Znak rằng sự khác biệt nằm ở cấu trúc của hai thứ này.

Ở Nga, hệ thống lọc và quản lý lưu lượng được lắp đặt bên phía các công ty viễn thông, còn ở Trung Quốc, công nghệ kiểm soát đó được đặt ở "biên giới" với phần còn lại của thế giới. Facebook và các mạng xã hội phổ biến khác không hoạt động ở Trung Quốc, nhưng nếu hệ thống lọc bị hỏng hóc, Internet vẫn vận hành được tại quốc gia này. Trong khi đó, Nga sẽ đối diện với quãng thời gian cách biệt với thế giới trong không gian mạng trên toàn quốc.

Klimarev lập luận: "Ngắt Google sẽ ảnh hưởng tới 30% website của Nga... Nền kinh tế sẽ bị giáng đòn một cách bất ngờ. Mọi thứ có thể sụp đổ: hệ thống y tế hoặc hệ thống kiểm soát ống dẫn khí gas, rất khó lường".

Chính ông Dmitry Medvedev xác nhận quan điểm tương tự vào tháng 2/2021. Theo lời ông này, nếu Runet trở nên tự trị,  nó sẽ tạo ra các vấn đề lớn./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Nga thử nghiệm đối phó với tình huống bị đối phương cô lập khỏi Internet toàn cầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO