Tại sao cần tư duy đột phá?
Tư duy đột phá (Breakthrough Thinking) là gì? Thực chất, đây là những nguyên tắc và quy trình mới để hoạch định, thiết kế, tái cấu trúc, cải tiến và tìm giải pháp cho các vấn đề mà bạn gặp phải. Còn theo cách hiểu thông thường nhất, “đột phá” là một sáng kiến bất ngờ, một khoảnh khắc bừng sáng của trí tuệ hoặc sự vỡ ra một điều gì đó thật thú vị. Tiếp theo cần một giải pháp mang lại những kết quả thực tế; điều quan trọng chính là cần hành động biến sáng kiến thành thực tế, là việc thực hiện một hệ thống hoặc một giải pháp vượt trội.
Giáo sư Shozo Hibino và Giáo sư Gerald Nadler, tác giả của những lý luận về tư duy đột phá, đã đưa ra nhận định như sau: “Sao chép mô hình của người khác chỉ khiến chúng ta tụt hậu thêm. Vì khi chúng ta đang lao vào áp dụng thì đối thủ của chúng ta đã có những thay đổi và cải tiến xa hơn, giúp họ đi trước chúng ta một lần nữa. Điều bạn cần thực hiện không chỉ là đủ sức để cạnh tranh mà còn phải vượt trội – để làm được điều đó, bạn phải áp dụng Tư duy đột phá”.
Có thể thấy, tư duy đột phá mở rộng quá trình sáng tạo đến các hoạt động như xác định đúng các mục đích cần đạt được, đề xuất nhiều phương án độc đáo, sáng tạo, và triển khai các hệ thống cần thiết cho việc thực hiện giải pháp. Tư duy đột phá khai mở tầm nhìn về mục tiêu và giúp bạn đạt mục tiêu mà không phải mất quá nhiều thời gian và nguồn lực để thu thập thông tin chính xác. Tư duy đột phá là tư duy thông minh hơn, chứ không phải phức tạp hơn.
Ngành Viễn thông cần tư duy đột phá khi tham gia TPP
Lợi ích của tư duy đột phá
Tư duy đột phá mang lại những lợi ích sau:
- Nhận diện đúng vấn đề và xác định phương cách thực hiện.
- Tập trung vào các giải pháp trong tương lai, không phải sa đà vào những biện pháp tình thế.
- Tháo dỡ những rào cản để tiếp cận những giải pháp đơn giản.
- Yêu cầu thu thập dữ liệu ít nhất, vì thế hạn chế thói quen thích “phân tích mổ xẻ”.
- Đưa ra những giải đáp mang lại lợi ích lớn hơn về chất lượng, lợi nhuận kinh tế và quỹ thời gian.
- Đòi hỏi ít thời gian và chi phí hơn để tạo ra những lợi ích đó.
- Thúc đẩy tư duy cải tiến và những thay đổi chính yếu.
- Cung cấp những giải pháp dài hạn.
- Tập trung thực hiện hiệu quả các giải pháp.
- Xây dựng những điều kiện tự nhiên lâu dài và các mối quan hệ.
- Có cái nhìn toàn diện, chính xác trong việc giải quyết và xử lý vấn đề.
Đồng thời, tư duy đột phá cũng giúp tránh được một số sai lầm cơ bản thường gặp trong quá trình giải quyết vấn đề như là: Đưa ra những nhận định chủ quan; Áp dụng cách tiếp cận vấn đề không phù hợp; Mời người cộng tác không cần thiết; Lao vào giải quyết những vấn đề không phải là trọng tâm; Tính toán sai lầm về mặt thời gian; Áp dụng chế độ kiểm soát không thích hợp trong quá trình tìm kiếm giải pháp; Cho rằng mình đúng trong khi chấp nhận một giải pháp sai; Sai lầm bác bỏ một giải pháp đúng…
Cách chúng ta tiếp cận một vấn đề, cũng như cách chúng ta phân tích mổ xẻ nó sẽ quyết định việc chúng ta đạt được một giải pháp toàn diện, một kết quả tầm thường hay một rắc rối lớn hơn. Một giải pháp yếu kém sẽ làm phát sinh nhiều vấn đề mới phức tạp hơn. Một giải pháp tình thế luôn có thể là một sự khởi đầu mang đến nhiều tác hại về sau. Chính năng lực tư duy của cá nhân mới là yếu tố không thể thiếu để khơi nguồn những hành động có ý nghĩa cho cả tổ chức.
Viễn thông cần tư duy đột phá khi tham gia TPP
Viễn thông là một ngành được đánh giá đã có nhiều đột phá trong quá trình đổi mới, hội nhập và phát triển của Việt Nam. Những đột phá hay được nhắc đến là bước chuyển từ kỹ thuật analog sang kỹ thuật số của ngành Bưu điện trong những năm 90 của thế kỷ trước và bước tiến ra thị trường quốc tế của Viettel trong những năm đầu của thế kỷ này…
Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương gồm 12 nước tham gia được ký kết đầu tháng 2 năm 2016 đã mở ra một giai đoạn mới cho thương mại toàn cầu. Hiệp định này mang tính bước ngoặt của thế kỷ 21 với những đặc điểm về việc tiếp cận thị trường một cách toàn diện, tiếp cận mang tính khu vực trong việc đưa ra các cam kết, giải quyết các thách thức mới đối với thường mại, bao hàm toàn bộ các yếu tố liên quan đến thương mại và tạo nên nền tảng cho hội nhập khu vực. Hiệp định TPP được xây dựng để bao hàm cả những nền kinh tế khác xuyên khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Nên quan tâm rằng trong 30 chương của Hiệp định TPP, các quy định về Viễn thông và Thương mại điện tử được đưa hẳn thành hai mục riêng. Các nội dung cần lưu ý như sau:
* Về Viễn thông
Các Thành viên TPP chia sẻ sự quan tâm trong việc đảm bảo mạng lưới viễn thông hiệu quả và đáng tin cậy tại mỗi quốc gia. Các mạng lưới này là cần thiết đối với các công ty lớn và nhỏ như là một cổng ra vào đối với các dịch vụ Internet cũng như các sản phẩm như điện thoại di động thông minh và các thiết bị máy tính bảng và các ứng dụng và nội dung tích hợp của các thiết bị này. Lần đầu tiên trong một hiệp định thương mại khu vực, các quy định tiếp cận mạng lưới hỗ trợ cạnh tranh được mở rộng đối với các nhà cung cấp điện thoại. Các thành viên TPP cam kết đảm bảo rằng các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông trong lãnh thổ của mình cung cấp sự kết nối nội địa, các dịch vụ cho thuê thiết bị, địa điểm dùng chung, và tiếp cận các cổng hoặc thiết bị khác theo các điều khoản và điều kiện hợp lý và theo một thời gian kịp thời. Các Thành viên cũng cam kết, nếu có yêu cầu cấp giấy phép, đảm bảo minh bạch hóa về bất kỳ quy định nào trong lĩnh vực này và quy định đó không giới hạn các công nghệ cụ thể như cách thức nhằm tạo điều kiện cho công nghệ trong nước. Nhằm tránh các thất bại thị trường hoặc các hành vi độc quyền, các Thành viên TPP đồng ý dựa trên áp lực thị trường và các đàm phán thương mại trong lĩnh vực viễn thông. Các Thành viên cũng đồng ý thúc đẩy cạnh tranh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc sử dụng các phương tiện khác nhau trong chuyển vùng di động. Các Thành viên TPP đồng ý rằng nếu một Thành viên lựa chọn quản lý mức phí dịch vụ chuyển vùng di động quốc tế bán buôn thì Thành viên đó phải cho phép các nhà hoạt động từ các Thành viên TPP không quản lý các dịch vụ điện thoại được hưởng lợi ích với mức phí thấp hơn.
* Về thương mại điện tử
Các thành viên TPP cam kết đảm bảo rằng các công ty và người tiêu dùng có thể tiếp cận và chuyển dữ liệu, với các mục tiêu chính sách công hợp pháp, quyền riêng tư, nhằm đảm bảo tự do lưu chuyển thông tin và dữ liệu toàn cầu, dẫn dắt nền kinh tế Internet và kỹ thuật số. Nghiêm cấm việc áp dụng thuế quan đối với các sản phẩm kỹ thuật số và ngăn chặn các thành viên TPP tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà sản xuất hoặc nhà cung cấp dịch vụ trong nước đối với các sản phẩm kỹ thuật số này thông qua các biện pháp như thuế phân biệt đối xử hoặc sự ngăn cấm một cách rõ ràng. Để bảo vệ người tiêu dùng, các thành viên TPP đồng ý thông qua và duy trì các luật bảo vệ người tiêu dùng liên quan đến các hoạt động thương mại gian lận và lừa bịp trực tuyến và đảm bảo rằng sự riêng tư và sự bảo vệ người tiêu dùng khác sẽ có hiệu lực tại các thị trường TPP; phải có các biện pháp để chấm dứt các tin nhắn thương mại điện tử được gửi đi không do yêu cầu. Để tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại điện tử, các thành viên thống nhất đưa ra các quy định khuyến khích các nước TPP thúc đẩy thương mại không giấy tờ giữa các doanh nghiệp và chính phủ, chẳng hạn như các mẫu khai thuế quan được đưa ra dưới dạng điện tử, cung cấp chứng minh xác thực và chữ ký điện tử cho các giao dịch thương mại; hợp tác để giúp đỡ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tận dụng lợi thế của thương mại điện tử.
Hiệp định TPP mở ra một thời kỳ mới cho sự phát triển của Việt Nam nói chung và của ngành viễn thông nói riêng. Tình hình thế giới có nhiều biến động, nay đã khác hẳn so với những năm 1990 hay những năm 2000. Không chỉ việc sao chép mô hình của người khác khiến chúng ta tụt hậu, mà ngay cả việc sao chép những tư duy cũ, những sáng kiến cũ của chính chúng ta cũng sẽ khiến chúng ta tụt hậu. Nếu chỉ sao chép thì khi chúng ta đang mải mê vào việc triển khai áp dụng, thậm chí là áp dụng với đôi chút cải tiến thì cộng đồng các nước trong khu vực và thế giới đã có những bước tiến dài hơn, và họ lại đi trước chúng ta một lần nữa, xa hơn nữa, vượt xa hơn hẳn. Không chỉ cần đủ năng lực để cạnh tranh, chúng ta còn cần phải có tầm nhìn xa hơn, rộng hơn cùng với những sáng kiến và giải pháp mới mang tính vượt trội. Để làm được điều đó, một lần nữa ngành viễn thông lại cần tư duy đột phá./.