Bạn sẽ bớt bàng hoàng vì hóa đơn tiền điện nếu biết 7 cách sử dụng tủ lạnh thông minhĐọc ngay
Đối với các chị em nội trợ bận rộn, việc mua thực phẩm với số lượng nhiều tích trữ trong tủ lạnh đã không còn là chuyện quá xa lạ.
Tuy nhiên, việc thiếu kĩ năng sắp xếp, bảo quản và lựa chọn những hộp đựng với đúng chức năng lại khiến nhiều chị em loay hoay trong việc bảo quản thức ăn dài ngày.
Chính vì vậy, chị em cùng nghe một vài kinh nghiệm hữu ích về sắp xếp tủ lạnh, phân loại thực phẩm đến từ chị Anh Thy (Biên Hòa) để biết ứng dụng hợp lý cho gia đình mình.
Sắp xếp thực phẩm trong ngăn đông
Theo chị Anh Thy, việc dọn và sắp xếp tủ đông khá quan trọng với nhiều lưu ý mà chị em không nên bỏ qua. Đầu tiên, cần kiểm tra mấy món chưa ăn để nhớ ăn trước. Soạn rửa mấy món mới, để ráo rồi bỏ hộp trữ đông.
Đối với các loại thực phẩm không có nước như tôm, cua có lớp vỏ giáp xác, rửa xong thấm qua giấy cho khô rồi bỏ ngăn đông, khi đông lại lấy ra dễ dàng. Há cảo, cá viên cũng vậy. Khi trữ cần sắp xếp các món này lên trên vì trọng lượng của thực phẩm khá nhẹ so với các loại thịt tươi sống.
Tủ lạnh của gia đình chị Anh Thy.
Và những thực phẩm được chị trữ trong ngăn đông.
Riêng thịt với cá, trong thân có nước, nên khi để 2 miếng thịt gần nhau, nước trong 2 miếng thịt sẽ đông làm cho 2 miếng thịt dính lại. Trữ đông chừa các khoảng cách hoặc sử dụng lá chuối, lá dứa để chia ngăn giúp trữ thịt cá tách biệt và lấy ra rất dễ dàng. Thịt sống đóng hộp mua ở siêu thị bạn cũng có thể để ở ngăn dưới cùng siêu lạnh. Với trường hợp có nước nhỏ giọt thì cũng không ảnh hưởng đến các món ăn khác.
Thịt xay nên chia viên và trữ cách ra. Khi đông se mặt, chị em chỉ việc lắc nhẹ là rời ra hết. Lấy hộp nhỏ dồn lại nếu muốn tiết kiệm diện tích. Nếu gia đình không có hộp lớn thì lấy lá dứa, lá chuối cuộn từng phần thịt lại cũng rất dễ tách. Sau khi dùng vẫn còn viên thịt xay nên dồn chuyển sang hộp nhỏ. Vì thịt viên thường được sử dụng trong các món ăn hàng ngày nên chị em có thể để ở bên ngoài hoặc ngăn nhỏ bên sườn cánh tủ lạnh để tiện cho việc lấy.
Theo chị Anh Thy: "Thực phẩm có màu sắc hồng hào tươi ngon là trữ đông chuẩn, không bị nhiễm khuẩn, tủ không có mùi tanh hôi cũng là một tiêu chí cần xem tới".
Sắp xếp thực phẩm trong ngăn mát
Rau củ quả
Rau để trong túi được để trong ngăn rau, đây là ngăn kém lạnh nhất, thích hợp để rau. Tuy nhiên, cũng nên có chút độ ẩm khiến rau tươi lâu và không nên để rau trong túi quá kín.
Hoa quả cũng được để ở ngăn rau, nơi có nhiệt độ kém lạnh nhất. Muốn hoa quả và rau tươi lâu thì khi mua về, bạn để nguyên trạng, đừng rửa cho đến khi dùng. Bạn cũng nên bọc các loại trái cây cẩn thận, tránh sắp xếp vào vùng có nhiệt độ quá lạnh để trái cây được tươi lâu nhất.
Nên bảo quản mỗi loại rau củ quả vào một hộp riêng, hoặc phân nhóm: Nhóm rau lá mềm, nhóm củ, nhóm quả chung một hộp. Các hộp có thể xếp chồng lên nhau để tiết kiệm diện tích tủ.
Tránh bảo quản trái cây chung với rau củ, đặc biệt là các loại trái cây sản sinh ra khí ethylene như táo, lê, chuối ... làm cho các loại rau củ khác nhanh hỏng hơn. Khi sắp xếp cũng không đặt những loại này chung với nhau.
Những củ quả có vỏ cứng như bí đỏ nguyên quả có thể không để trong hộp, lấy giấy gói kín và để trong hộc kéo thiết kế chứa rau củ.
Thực phẩm khác
Đồ ăn sẵn chị em cũng nên để ở ngăn riêng, phía dưới. Trứng nên để ở kệ trung, nơi có nhiệt độ phù hợp. Nên để chúng trong hộp carton (hộp có sẵn khi mua ở siêu thị).
Sữa tươi hộp thường được mọi người để trên ngăn trên cùng trong khi vị trí tốt nhất là nên để ở ngăn dưới, gần đáy tủ, là nơi lạnh nhất. Sữa chua, kem chua, phô mai tốt nhất cũng nên để ở ngăn để sữa. Bạn nên để chúng trên khay để có thể rút cả khay ra khi muốn lấy món gì, không cần mất thời gian sắp xếp lại.
Bơ và pho mát mềm không cần để chỗ siêu lạnh, an toàn nhất là để bên cánh cửa, chỗ ít lạnh nhất. Hãy để chúng trong hộp kín và để ở cánh cửa. Những đồ gia vị, nước sốt mayonaise, nước sốt cà chua .... cũng nên để ở khu cánh cửa. Nước hoa quả được để ở ngăn dưới cùng của cánh cửa.
Để hộp theo chiều dọc để khi mở tủ lạnh ra có thể thấy hết tất cả hộp, tránh để ngang hộp này che lấp hộp kia làm thực phẩm hay bị bỏ quên.
Theo chị Anh Thy cho biết: "Dọn và sắp xếp xong tủ lạnh chị em sẽ cảm thấy thoải mái hơn rất nhiều. Đặc biệt với những người siêu bận như mình mà không sắp xếp cẩn thận thì việc lựa chọn thực phẩm và nấu bếp rất bế tắc thời gian. Đừng chê trách việc trữ thực phẩm, quan trọng là trữ như thế nào, bằng loại hộp gì, sử dụng hộp đúng chức năng và hộp chất lượng cao sẽ bảo toàn được dinh dưỡng".
Mẹo điều chỉnh nhiệt độ bảo quản cho tủ lạnh:
Chị em nên giữ nhiệt độ ngăn mát ở mức dưới 20 độ C và ngăn đông ít nhất âm 15 độ C. Mức nhiệt độ này đã được chứng minh làm chậm đáng kể sự phát triển của vi khuẩn có hại và giảm thiểu quá trình hư hỏng thực phẩm.
Ngoài ra, mức nhiệt độ cần điều chỉnh còn tùy thuộc vào tình hình thời tiết. Hãy tăng nhiệt độ tủ lạnh vào những tháng lạnh để tránh thực phẩm bị đông và giảm nhiệt độ vào những tháng nắng nóng để thực phẩm không bị hỏng một cách nhanh chóng.
Sẽ có một vài người thắc mắc rằng, một số tủ lạnh sẽ không được trang bị nhiệt kế đo độ lạnh chính xác thì họ sẽ phải xử lý như thế nào. Câu trả lời là bạn phải đi mua nhiệt kế tại các cửa hàng thiết bị nhà bếp và tự điều chỉnh vật lý nhiệt độ bằng tay.
Ảnh: NVCC