Nghị sĩ trẻ toàn cầu thảo luận chuyên sâu CĐS, ĐMST và đa dạng văn hoá
Với chủ đề “Vai trò của giới trẻ trong việc thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) thông qua Chuyển đổi số (CĐS) và Đổi mới sáng tạo (ĐMST)”, hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 sẽ diễn ra tại Hà Nội từ ngày 14 - 17/9 với 5 hoạt động chính thức và 5 hoạt động bên lề.
Chiều 12/9, tại Nhà Quốc hội đã diễn ra họp báo giới thiệu về Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 dưới sự chủ trì của ông Bùi Văn Cường, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Phó Trưởng Ban Tổ chức Hội nghị.
Tập trung thảo luận về CĐS, ĐMST, khởi nghiệp và đa dạng văn hoá
Thông tin về nội dung Hội nghị, ông Vũ Hải Hà, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cho biết sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, phát biểu dẫn đề về tình hình thực hiện các SDGs và vai trò của CĐS và ĐMST, Hội nghị sẽ có các phiên thảo luận chuyên đề.
Trong phiên thảo luận chuyên đề 1 chủ đề về “Chuyển đổi số”, các nghị sĩ sẽ tập trung vào các vấn đề: Việc hoàn thiện thể chế, chính sách trong việc thúc đẩy quá trình CĐS nhằm tăng cường các cơ hội phát triển kinh tế bền vững; Chia sẻ kinh nghiệm của nghị viện các nước trong công tác lập pháp, giám sát và vai trò của các nghị sỹ trẻ nhằm thúc đẩy quá trình CĐS trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (4IR); Chia sẻ những tiến bộ đạt được trong việc số hóa các hoạt động của nghị viện vì sự phát triển bền vững.
Chuyên đề sẽ đề xuất các chính sách và giải pháp, nhất là hoàn thiện thể chế về đổi mới, thử nghiệm các mô hình mới, triển khai các ứng dụng mới, các nền tảng số để tăng tốc chuyển đổi số; phổ cập kết nối số, nâng cao nhận thức số, văn hóa số và kỹ năng số cho người dân, thu hẹp khoảng cách số và bảo đảm tiếp cận công nghệ công bằng hướng tới mục tiêu không ai bị bỏ lại phía sau trong môi trường số, đảm bảo phát triển bền vững.
Trong phiên thảo luận chuyên đề 2 với chủ đề “ĐMST và khởi nghiệp”, các nghị sĩ tập trung thảo luận các vấn đề:
Hoàn thiện thể chế, chính sách trong việc thúc đẩy ĐMST và khởi nghiệp (bao gồm cả khởi nghiệp của thanh niên) làm động lực cho sự phát triển bao trùm và bền vững, trong đó có lĩnh vực công nghệ thực phẩm (foodtech);
Chia sẻ kinh nghiệm của nghị viện các nước trong công tác lập pháp, giám sát và vai trò của các nghị sỹ trẻ nhằm thúc đẩy ĐMST và khởi nghiệp; Trao đổi, thảo luận về sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) góp phần đẩy mạnh quá trình đạt được SDGs;
Đề xuất với các nghị viện về các chính sách và giải pháp về việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách để giảm thiểu các rủi ro liên quan đến AI.
Trong phiên thảo luận chuyên đề 3 có chủ đề “Thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa vì sự phát triển bền vững”, các đại biểu tập trung thảo luận về vai trò của các nghị viện và nghị sĩ trẻ trong việc thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa trong bối cảnh chuyển đổi công nghệ và toàn cầu hóa.
Cụ thể, các đại biểu sẽ trao đổi hợp tác kỹ thuật số dựa trên đạo đức và giảm thiểu tác động không mong muốn của CĐS đối với quyền riêng tư, bảo mật và hạnh phúc; Phát huy vai trò của văn hóa trong các chính sách phát triển tại cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế; Cam kết bảo vệ và phát huy sự đa dạng văn hóa; tạo môi trường, hệ sinh thái thuận lợi cho văn hóa và đa dạng văn hóa; Vai trò của văn hóa và đa dạng văn hóa trong phát triển bền vững.
Trao đổi với báo chí tại buổi họp báo, bà Zena Hial, Giám đốc Chương trình Nghị sĩ trẻ Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) cho biết IPU vẫn luôn theo dõi sát sao xu thế ĐMST, vai trò ĐMST trong việc thúc đẩy phát triển bền vững để không ai bị bỏ lại phía sau. “ĐMST cũng mang lại nhiều cơ hội và cũng đặt ra nhiều thách thức. Vai trò của các nghị sỹ là làm thế nào để mang lại các cơ hội, cũng ứng phó với các thách thức và điều này sẽ được thể hiện trong các chính sách được đưa ra”.
Bà Zena Hial lấy ví dụ như khi nói về giáo dục trong đợt dịch COVID-19, giáo dục đã bị gián đoạn, trẻ em không được tiếp cận với giáo dục cần thiết và khi đó vai trò của những nghị sĩ là làm sao đưa ra được các chính sách, luật pháp quy định để thúc đẩy ĐMST và qua đó cung cấp được cho trẻ em, thanh thiếu niên khả năng tiếp cận các dịch vụ giáo dục cần thiết.
Một lĩnh vực quan trọng khác được bà Zena Hial là việc làm đối với giới trẻ, thanh thiếu niên. “Khi có một số việc làm mất đi và có một số việc làm mới thì vai trò của các nghị sĩ là làm thế nào để có thể đưa ra được khung khổ pháp lý cần thiết như về sửa đổi Luật Lao động để làm sao tích hợp được những thay đổi này, mang lại ĐMST cho giới trẻ, thanh thiếu niên”.
Giải các bài toán lớn trên cơ sở ứng dụng công nghệ
Tham dự và trao đổi tại họp báo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm cho biết với chủ đề “Vai trò của giới trẻ trong việc thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững thông qua CĐS và ĐMST”, Bộ TT&TT vinh dự được tham gia chuẩn bị một phần nội dung thảo luận của Hội nghị.
Hiện nay, Thứ trưởng cho biết thế giới đối mặt với một số vấn đề tương đối giống nhau ở quy mô toàn cầu nhưng có một cơ hội để đưa ra lời giải cho những vấn đề toàn cầu theo cách làm của từng quốc gia. Nếu cách làm của từng quốc gia có những điểm giống và khác thì một trong những điểm có thể tận dụng được là tận dụng triệt để những thành tựu của khoa học công nghệ (KHCN), thông qua công cuộc CĐS để đơn giản hoá các quy trình trình ra quyết định, đưa ra các cơ hội tiếp cận về thông tin, tri thức của người dân và các giải bài toán lớn trên cơ sở ứng dụng công nghệ.
Về cách làm và cách tiếp cận của Việt Nam, Thứ trưởng chia sẻ là bắt kịp chung với xu thế toàn cầu. “Có một cơ hội cho các nước đang phát triển và rất nhiều nước trên thế giới là CĐS và ứng dụng KHCN. Các nước không mạnh về khoa học cơ bản, sáng tạo công nghệ lõi có thể rút ngắn khoảng cách phát triển nhờ ứng dụng công nghệ, ĐMST”.
Thứ trưởng kỳ vọng vào những nội dung được thảo luận tại Hội nghị là sự tập hợp của trí tuệ của hơn 100 quốc gia trên thế giới, thông qua các đại biểu nghị sĩ trẻ. “Các nghị sĩ trẻ là đại diện cho cử tri, nhân dân và thế hệ sẽ cụ thể hoá, hiện thực hoá bằng lời giải của thế hệ mình, thế hệ có nhiều lợi thế nắm bắt và ứng dụng KHCN. Bộ TT&TT đang chuẩn bị tích cực để có báo cáo thiết thực cho phiên thảo luận về vai trò của giới trẻ đóng góp cho phát triển bền vững thông qua CĐS”.
Tôn trọng khác biệt văn hoá
Trao đổi về nội dung chuyên đề thứ ba được thảo luận tại Hội nghị, ông Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Ninh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội khoá XV tỉnh Bắc Ninh cho biết: "Trong quá trình chuẩn bị Hội nghị, tôi thấy rằng việc lựa chọn chủ đề “Thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa vì sự phát triển bền vững” có 3 ý nghĩa quan trọng".
Thứ nhất, một trong những vấn đề mà toàn thế giới quan tâm hay nói một cách khác một trong những vấn đề toàn cầu tác động đến các mục tiêu phát triển bền vững trong thời gian vừa qua là chính sự tôn trọng khác biệt văn hoá sẽ quyết định năng lực sáng tạo, tiếp nhận và giải quyết các vấn đề của các quốc gia có điều kiện phát triển khác nhau trên thế giới.
Với Việt Nam, văn hoá cũng được xem là một động lực cho quá trình phát triển và đây là nội dung mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hết sức quan tâm và việc tổ chức kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương văn hoá đã cho thấy coi văn hoá là một động lực cho quá trình phát triển.
Thứ ba, khi nói về CĐS, ĐMST thì rõ ràng công nghiệp văn hoá, hay nói một cách khác là dựa vào những tài nguyên văn hoá bản địa dân tộc của từng quốc gia để có thể khởi nghiệp, phát triển các lĩnh vực kinh doanh mới như là du lịch, điện ảnh, thời trang, các lĩnh vực nội dung số có liên quan chặt chẽ đến CĐS.
Theo Bí thư Nguyễn Anh Tuấn, việc lựa chọn chủ đề “Thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa vì sự phát triển bền vững” thảo luận tại Hội nghị lần này vừa giải quyết được những mục tiêu mà Hội đồng liên nghị viện thế giới đặt ra nhưng cũng gắn với lợi ích, nhu cầu phát triển của đất nước Việt Nam và mong muốn của giới trẻ trong giai đoạn hiện nay./.