Hình thành thói quen làm việc, học tập, mua sắm, giao tiếp online
Dịch bệnh Covid-19 không những làm thay đổi thói quen, nếp sinh hoạt của người dân mà còn làm thay đổi cả phương thức làm việc của cán bộ, công chức, phương pháp học tập của học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh.
Một trong những hình ảnh xúc động trong mùa dịch Covid-19 có lẽ là hình ảnh các em học sinh vùng cao Lào Cai dựng lều ở những nơi có sóng điện thoại để học bài, ôn thi trực tuyến. Việc dạy và học trực tuyến mặc dù còn những khó khăn, hạn chế nhưng đó cũng là động lực để các em học sinh Lào Cai duy trì thói quen học tập tích cực, nâng cao khả năng tự học, rèn luyện tính chủ động, thói quen ứng dụng CNTT vào cuộc sống hàng ngày.
Sự thay đổi theo hướng tích cực phải kể đến nữa là việc tăng cường áp dụng hình thức làm việc qua mạng, tiếp nhận và giải quyết hồ sơ qua cổng dịch vụ công trực tuyến, nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) tại nhà qua bưu điện.
Cán bộ, công chức Lào Cai làm việc trực tuyến (Ảnh: Thu Hương)
Phương pháp làm việc trực tuyến đã rèn luyện ý thức tự giác, thói quen độc lập, tự chủ, tự nâng cao trình độ trong công việc, sẵn sàng làm việc mọi lúc, mọi nơi, trong mọi hoàn cảnh để hoàn thành tốt công việc được giao.
Dịch Covid-19 lây lan là do tiếp xúc, vì vậy, việc áp dụng CNTT để làm việc, học tập trực tuyến là giải pháp tối ưu được tỉnh Lào Cai thực hiện đồng bộ, triệt để. Thích nghi với hoạt động trực tuyến cũng giúp nhiều người trau dồi, cải thiện kỹ năng sử dụng và làm chủ công nghệ số. Không chỉ trong thời điểm dịch bệnh Covid-19, hoạt động trực tuyến đã được cán bộ, công chức, học sinh, sinh viên của Lào Cai thực hiện trước đó và thói quen này càng được duy trì, phát huy tác dụng trong thời điểm hiện tại và trong thời gian tới.
Để hạn chế tiếp xúc, tránh lây lan dịch bệnh, người dân Lào Cai đã hình thành thói quen mua hàng trực tuyến, giao dịch thương mại điện tử. Việc thanh toán không dùng tiền mặt đối với các loại hình dịch vụ như tiền điện, tiền nước, tiền học phí, dịch vụ bưu chính viễn thông, tiền hàng hóa thiết yếu đang được người dân ở đây sử dụng, trong đó thói quen chủ yếu là thanh toán qua thẻ ngân hàng, smartbanking, ví điện tử, Viettel pay, VNPT pay,...
Tuyên truyền, hướng dẫn bà con thôn Piềng Láo- xã Mường Hum về các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 (Ảnh: Thu Hương)
Hình thành thói quen tiếp cận các nguồn tin chính thống
Có thể nói, mối quan tâm lớn nhất của người dân trên cả nước nói chung và người dân Lào Cai nói riêng trong thời điểm này là tình hình diễn biến của dịch Covid-19. Với sự xuất hiện ồ ạt của tin giả, tin sai sự thật trên mạng xã hội thì thói quen tìm kiếm, tiếp cận các nguồn thông tin chính thống được người dân Lào Cai tạo dựng và duy trì.
Ngay từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, các cơ quan chức năng của tỉnh đã luôn chủ động công khai thông tin về dịch bệnh một cách minh bạch, đầy đủ, toàn diện, chính xác, kịp thời giúp các thông tin về chỉ đạo điều hành của Chính phủ, của tỉnh; thông tin về tình hình dịch bệnh, các khuyến cáo, hướng dẫn của Bộ Y tế được lan tỏa đến từng địa bàn dân cư.
Thói quen đọc báo, xem tivi, nghe đài, theo dõi thông tin mỗi ngày đã và đang trở thành nhu cầu không thể thiếu của mỗi người dân Lào Cai. Thay vì phải chờ đợi và sàng lọc thông tin từ nhiều nguồn, thông qua Báo Lào Cai, Đài PTTH tỉnh, hệ thống truyền thanh cơ sở (loa phường, xã, thôn,bản), người dân dễ dàng tiếp cận thông tin chính xác về tình hình dịch bệnh.
Lào Cai còn phát huy hiệu quả của mạng xã hội trong công tác tuyên truyền. Đó là các Fanpage trên Facebook của UBND tỉnh Lào Cai, trang Đài PTTH tỉnh, Báo Lào Cai, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC), Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí thường trú trên địa bàn là những trang thông tin chính thống trên mạng đã thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân Lào Cai.
Văn hóa đọc lên ngôi
"Đọc sách, nâng cao trí tuệ, vượt qua nỗi lo dịch bệnh" là chủ đề của Hội sách trực tuyến quốc gia lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam. Lào Cai là một trong những địa phương tích cực hưởng ứng phong trào này và người dân, học sinh, sinh viên Lào Cai đã và đang tạo dựng, duy trì thói quen đọc sách mỗi ngày.
Thành đoàn Lào Cai tổ chức cuộc thi Giới thiệu sách với chủ đề "Sứ giả sách", Huyện đoàn Bắc Hà phát động cuộc thi viết cảm nhận "Những trang sách thương yêu", Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh tổ chức cuộc thi "Cảm nhận về một cuốn sách ý nghĩa đối với bạn" được đăng tải trên Facebook thu hút sự tham gia của đông đảo học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh. Huyện đoàn Si Ma Cai triển khai mô hình "Đọc sách online" nhằm nâng cao văn hóa đọc từ phương thức đọc trực tuyến.
Đoàn viên thanh niên Sở TT&TT Lào Cai với văn hóa đọc (Ảnh: Thu Hương)
Trường THCS Ngô Văn Sở phát động "Tháng đọc sách" tại các gia đình cán bộ giáo viên, học sinh. Câu lạc bộ Vùng cao yêu thương (TP. Lào Cai) với hàng nghìn đầu sách cũng tổ chức cho các em học sinh mượn sách miễn phí với mong muốn đưa phong trào đọc sách trở thành thói quen, nét đẹp văn hóa trong đoàn viên thanh thiếu nhi, hướng tới việc xây dựng xã hội học tập.
Dịch Covid-19 giúp con người sống chậm lại, quan tâm quí trọng sức khỏe và tình cảm gia đình nhiều hơn; ý thức về vệ sinh cá nhân và tự bảo vệ sức khỏe của bản thân được nâng lên; dành thời gian ăn uống, ngủ nghỉ hợp lý, tự nấu ăn ở nhà thay vì hàng quán, vận động thể thao tăng cường sức khỏe.
Sống chậm, nhiều người bắt đầu làm quen với công nghệ, bắt đầu đọc sách thư giãn tinh thần và rất nhiều người tạo được thói quen gắn kết chia sẻ với các thành viên trong gia đình từ việc chia sẻ quan điểm, cùng nhau chia sẻ việc nhà, gần gũi con cái, tương tác, trao đổi với nhau thường xuyên hơn so với trước đây vì bận rộn công việc bên ngoài.
Còn nhiều thói quen tích cực được hình thành và duy trì trong mùa dịch bệnh Covid-19 như thói quen vệ sinh môi trường, chăm sóc sức khỏe cá nhân; sống đơn giản, tiết kiệm; sống có trách nhiệm, tương thân tương ái, chia sẻ,… Dù sống trong mùa dịch hay khi dịch bệnh đã qua đi thì những thói quen tích cực này vẫn cần duy trì mỗi ngày để luôn giữ năng lượng tích cực và một tinh thần sảng khoái.
Dịch bệnh Covid-19 làm thay đổi rất nhiều thứ trong công việc và cuộc sống, hãy thay đổi để thích ứng, hãy rèn luyện mỗi ngày để khi dịch bệnh qua đi - thói quen tích cực ở lại, cuộc sống hạnh phúc hơn.