Chuyển đổi số

Người khuyết tật Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận công nghệ số

Anh Minh 18/04/2025 15:23

100% người khuyết tật được khảo sát khẳng định công nghệ số giúp họ sống độc lập hơn, học tập hiệu quả hơn và tham gia tốt hơn vào các hoạt động xã hội. Tuy nhiên, người khuyết tật vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong thời đại số.

Nhân dịp Ngày Người khuyết tật Việt Nam 18/4, Hội Người khuyết tật TP. Hà Nội (DP Hanoi) đã tổ chức chương trình kỷ niệm với chủ đề trọng tâm là “Phong trào Người khuyết tật Việt Nam: Khẳng định - Kế thừa - Vươn xa” và tọa đàm chuyên đề “Công nghệ số và khả năng tiếp cận có tính đến Người khuyết tật”

Chủ đề nhằm tôn vinh hành trình phát triển của phong trào người khuyết tật (NKT) Việt Nam - từ những bước đi ban đầu nhằm thúc đẩy sự tham gia của NKT, dưới sự quan tâm của Nhà nước và xã hội, đến một cộng đồng chủ động và ngày càng đóng góp tích cực cho sự phát triển đất nước.

Công nghệ số và AI là cơ hội để NKT tiếp cận tri thức, nâng cao năng lực, vươn lên làm chủ cuộc sống

Với Tọa đàm chuyên đề “Công nghệ số và khả năng tiếp cận có tính đến NKT”, chương trình mong muốn đặt NKT vào trung tâm của tiến trình số hóa – nơi mà khả năng tiếp cận không còn là một yếu tố cộng thêm mà là một phần cốt lõi trong thiết kế công nghệ, chính sách và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Đây cũng là lời kêu gọi sự hợp tác từ các cơ quan quản lý, doanh nghiệp (DN), tổ chức xã hội và người dùng trong việc kiến tạo một tương lai số không ai bị bỏ lại phía sau.

ict_20250418_135905.jpg
Tọa đàm chuyên đề “Công nghệ số và khả năng tiếp cận có tính đến NKT”

Chương trình có sự tham gia của đại diện các bộ, ban ngành, tổ chức quốc tế, DN công nghệ và hơn 120 đại biểu là hội viên, đại diện các tổ chức của NKT tại Hà Nội.

Theo bà Đỗ Thị Huyền, Chủ tịch, Hội NKT TP. Hà Nội, chủ đề của Ngày NKT Việt Nam 18/4 năm nay do Liên hiệp Hội về NKT Việt Nam đưa ra là một chủ đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh yêu cầu về công nghệ số, phát triển công nghệ AI, coi đây là mũi nhọn, đột phá chiến lược của đất nước.

Bà Đỗ Thị Huyền khẳng định công nghệ số và AI không chỉ là xu hướng phát triển, mà còn là cơ hội để NKT tiếp cận tri thức, nâng cao năng lực, hòa nhập xã hội và vươn lên làm chủ cuộc sống.

Là một NKT đặc biệt nặng, chị Lương Thị Minh Nguyệt, Phó Giám đốc Thường trực Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp và Phát triển Năng lực NKT Việt Nam, cho biết “hiểu rất rõ những khó khăn trong việc tiếp cận xã hội cũng như công việc. Vì vậy, sự phát triển của công nghệ số là một điều rất tích cực và mang lại nhiều cơ hội cho NKT cũng như các nhóm yếu thế trong xã hội”.

“Tại Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp và Phát triển Năng lực NKT Việt Nam, nơi tôi đang làm việc, công nghệ số cũng là một trong những bộ môn chính, đem lại rất nhiều lợi ích cho học viên khuyết tật. Công nghệ số còn giúp NKT kết nối với thế giới mà không cần phải rời khỏi nhà, điều này rất có ý nghĩa đối với những người gặp khó khăn trong di chuyển”, chị Nguyệt cho biết.

Ngoài vai trò là Phó Giám đốc thường trực Trung tâm, chị Lương Thị Minh Nguyệt còn là Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) chấn thương cột sống, với 300 thành viên. Chị Nguyệt cho biết nhờ ứng dụng công nghệ số, hiện nay có tới 70% thành viên trong CLB đang bán hàng online hoặc làm các công việc liên quan đến công nghệ thông tin.

img_20250418_103059.jpg
Chị Lương Thị Minh Nguyệt: "Sự phát triển của công nghệ số là một điều rất tích cực và mang lại nhiều cơ hội cho NKT cũng như các nhóm yếu thế trong xã hội”

Khoảng cách số giữa NKT và người không khuyết tật vẫn còn rất lớn

Bà Trịnh Thị Thu Thủy, Trưởng Ban giáo dục, đào tạo và chính sách pháp luật, Hội NKT Hà Nội, cho biết tỷ lệ NKT sử dụng công nghệ thông tin và Internet đã tăng đáng kể, phản ánh nỗ lực lớn của Việt Nam trong việc thúc đẩy chuyển đổi số và cải thiện khả năng tiếp cận internet cho mọi tầng lớp dân cư. Những tiến bộ này đến từ các chương trình nâng cao hạ tầng viễn thông, phổ cập Internet và các chính sách hỗ trợ NKT hòa nhập với công nghệ số.

Tuy nhiên, bà Thủy cho biết khoảng cách số giữa NKT và người không khuyết tật vẫn còn rất lớn. Năm 2023, chênh lệch về tỷ lệ truy cập Internet giữa hai nhóm là 50,1%, dù đã thu hẹp so với mức 22,9% vào năm 2016.

Ngoài ra, sự khác biệt về địa lý cũng rõ rệt: tại khu vực thành thị, 40,1% NKT truy cập Internet, trong khi con số này ở nông thôn chỉ đạt 31%. Xét theo vùng miền, khu vực phía Bắc có tỷ lệ truy cập internet của NKT thấp nhất, chỉ 29%, trong khi phía Nam đạt mức cao hơn. Những con số này cho thấy cần có các giải pháp cụ thể hơn để thu hẹp khoảng cách số với NKT.

Đặc biệt, 100% NKT được khảo sát khẳng định công nghệ số giúp họ sống độc lập hơn, học tập hiệu quả hơn và tham gia tốt hơn vào các hoạt động xã hội. NKT cũng bày tỏ nhu cầu về các thiết bị hỗ trợ như điện thoại thông minh, máy tính, tai nghe chuyển đổi giọng nói thành văn bản, hoặc phần mềm đọc màn hình dành riêng cho người khiếm thị.

Bên cạnh vấn đề thiết bị, nhiều thách thức khác vẫn tồn tại, bao gồm chất lượng internet không ổn định, thiếu phần mềm chuyên biệt và các dịch vụ công trực tuyến phức tạp với NKT. Ví dụ, nhiều website dịch vụ công không được thiết kế để tương thích với phần mềm đọc màn hình, khiến người khiếm thị gặp khó khăn trong thao tác. Ngoài ra, nguy cơ lừa đảo trực tuyến cũng là mối lo lớn với nhiều câu chuyện đau lòng về việc NKT bị lừa đảo hoặc gặp khó khăn khi sử dụng các dịch vụ số do thiếu hướng dẫn đơn giản.

Bà Đinh Việt Anh, Phó Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam, cho biết sau 55 năm, hiện tại, Hội Người Mù Việt Nam có hơn 72.000 hội viên, với nhiều tổ chức hoạt động tại các tỉnh thành. Bà Việt Anh cho biết công nghệ số đã mang lại nhiều lợi ích to lớn, mở ra cơ hội để NKT nâng cao kỹ năng và hòa nhập với xã hội.

Tuy nhiên, việc tiếp cận công nghệ số của NKT vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Trước hết, nhiều người khiếm thị thiếu kiến thức và kỹ năng cần thiết để sử dụng các thiết bị như máy tính hoặc điện thoại thông minh, do chưa được tham gia các khóa đào tạo về phần mềm hỗ trợ, chẳng hạn như phần mềm đọc màn hình.

Thứ hai, các thiết bị hỗ trợ chuyên dụng, như máy in chữ nổi hoặc màn hình chữ nổi, thường phải nhập khẩu với chi phí cao, đồng thời việc sửa chữa và bảo trì cũng gặp nhiều khó khăn do phải thực hiện ở nước ngoài. Những hạn chế về trang thiết bị và kinh phí không chỉ là vấn đề của từng cá nhân mà còn ảnh hưởng đến các cấp hội, khiến việc tổ chức các khóa đào tạo về công nghệ thông tin và chuyển đổi số bị hạn chế.

Bà Đinh Việt Anh cho biết, trong số hơn 72.000 hội viên, chỉ khoảng 20.000 người thường xuyên sử dụng máy tính hoặc điện thoại thông minh. Con số này cho thấy tỷ lệ tiếp cận công nghệ số của người khiếm thị còn rất thấp. Ngoài ra, các nền tảng số hiện nay chưa đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn tiếp cận cho NKT, chẳng hạn như thiếu phụ đề, ký hiệu hoặc thiết kế không tương thích với phần mềm hỗ trợ. Những rào cản này khiến người khiếm thị gặp nhiều khó khăn trong việc tham gia vào các hoạt động số, từ học tập, làm việc đến giao tiếp xã hội.

Được biết, Hội NKT TP. Hà Nội đã có nhiều hoạt động ứng dụng công nghệ số vào thực tế khi triển khai các hoạt động, quản lý các chương trình, dự án. Thông qua các chương trình hoạt động, hợp tác với các cơ quan, tổ chức, DNp, nhiều hội viên có cơ hội trong việc tiếp cận công nghệ thông tin. Nhờ được hỗ trợ tiếp cận, CNTT đã trở thành “tay” của NKT tay, “tai” của người khiếm thính, “mắt” của người khiếm thị….

Công nghệ số cũng giúp thu hẹp khoảng cách giữa NKT và người không khuyết tật. Thông qua công nghệ, NKT có thể tự tin hoà nhập và tự mình thực hiện các hoạt động như sử dụng dịch vụ công, dịch vụ y tế, giao tiếp, mua sắm trực tuyến… Hội cũng thực hiện phối hợp, tham vấn các cơ quan, tổ chức và DN để xây dựng các giải pháp công nghệ hữu ích phù hợp với nhu cầu thực tế của NKT./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Người khuyết tật Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận công nghệ số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO