Diễn đàn

Thực tiễn ứng dụng AI mở ra những cơ hội mới cho học sinh khuyết tật

Ngọc Diệp 28/12/2024 07:00

Sự phát triển không ngừng của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ mở ra những cơ hội mới, giúp học sinh khuyết tật học tập và hoà nhập cuộc sống dễ dàng hơn.

r0_0_800_600_w800_h600_fmax.jpeg

Công nghệ AI đã và đang trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của chúng ta. Với những tiến bộ vượt bậc của AI, học sinh khuyết tật có cơ hội tiếp cận và tận dụng những công cụ này để vượt qua những rào cản, nâng cao chất lượng cuộc sống.

AI có thể cung cấp các công cụ hỗ trợ học tập cá nhân hóa, giúp học sinh khuyết tật tiếp cận kiến thức một cách dễ dàng hơn. Trong giao tiếp, các ứng dụng AI có thể giúp người khuyết tật giao tiếp hiệu quả hơn, vượt qua rào cản ngôn ngữ và khoảng cách địa lý. Cùng với đó, các thiết bị hỗ trợ di chuyển thông minh tích hợp AI có thể giúp người khuyết tật di chuyển độc lập và an toàn hơn.

Hỗ trợ học sinh khuyết tật không bị bỏ lại phía sau trong kỷ nguyên số

Đối với Makenzie Gilkison, đánh vần là một bài toán khó bởi một từ như rhinoceros có thể được phát âm là "rineanswsaurs" hoặc "srkastik".

Cô bé 14 tuổi đến từ vùng ngoại ô Indianapolis, bang Indiana, Mỹ, có thể phát âm các từ, nhưng chứng khó đọc của Makenzie Gilkison đã khiến cô bé gặp nhiều khó khăn trong việc đọc hiểu hay sử dụng ngôn ngữ nói trong học tập lẫn giao tiếp.

"Em đã nghĩ rằng mình ngu ngốc", Makenzie Gilkison nhớ lại những năm đầu tiểu học của mình.

screen-shot-2024-12-27-at-15.57.12.png
Cô bé Makenzie Gilkison tại sảnh chính của Trường trung học Greenfield Central.

Nhưng công nghệ hỗ trợ với sự trợ giúp của AI đã giúp cô bé theo kịp các bạn cùng lớp. Năm ngoái, Makenzie đã được vinh danh tại Hiệp hội danh dự cấp tiểu học quốc gia (National Junior Honor Society). Makenzie Gilkison đánh giá cao một chatbot tùy chỉnh được hỗ trợ bởi AI, một chương trình dự đoán từ và các công cụ khác mà giúp cô bé có thể đánh vần và đọc dễ dàng hơn.

"Tôi có lẽ đã bỏ cuộc nếu không có chúng", Makenzie Gilkison nói.

AI hứa hẹn sẽ giúp đỡ các học sinh bị khiếm khuyết về thị giác, lời nói, ngôn ngữ và thính giác thực hiện các nhiệm vụ mà những học sinh khác có thể dễ dàng thực hiện. Hiện nhiều trường học trên thế giới đang đang đẩy nhanh việc triển khai các ứng dụng AI dành cho học sinh khuyết tật.

Đây cũng là ưu tiên của Bộ Giáo dục Mỹ, theo đó các trường học phải cân nhắc xem học sinh có cần các công cụ như chuyển văn bản thành giọng nói và các thiết bị giao tiếp thay thế hay không. Các quy định mới từ Bộ Tư pháp Mỹ sẽ yêu cầu các trường học và các cơ quan chính phủ khác phải cung cấp các ứng dụng và nội dung trực tuyến mà người khuyết tật có thể tiếp cận được

Tuy nhiên, người nhiều lo ngại về việc học sinh, bao gồm cả học sinh khuyết tật, sử dụng AI trong học tập bởi những thách thức như phụ thuộc quá mức vào AI hay gian lận trong học tập,...

Học sinh có thể sử dụng AI để tóm tắt những suy nghĩ lộn xộn thành một dàn ý, tóm tắt các đoạn văn phức tạp hoặc thậm chí dịch Shakespeare sang tiếng Anh. Và giải pháp giọng nói AI có thể hỗ trợ các học sinh khiếm thị và khó đọc trinh bày nội dung tự nhiên hơn và sáng tạo nội dung số dễ dàng hơn.

Ben Snyder, một học sinh 14 tuổi đến từ Larchmont, New York, em bị chẩn đoán mắc chứng khuyết tật học tập, đã ngày càng sử dụng AI để hỗ trợ làm bài tập về nhà.

"Đôi khi trong môn toán, giáo viên của em sẽ giải thích một bài toán cho em, nhưng em vẫn thấy không hiểu", Ben Snyder, nói. "Vì vậy, em đưa bài toán đó vào AI, nó sẽ cung cấp cho em nhiều cách khác nhau để giải quyết bài toán".

Ben Snyder thích một chương trình có tên là Question AI. Em cho biết đã yêu cầu chương trình giúp em viết dàn ý cho một báo cáo sách, nhờ đó em đã hoàn thành bài tập này trong 15 phút, nếu không có Question AI thì em sẽ mất 1,5 giờ vì những khó khăn trong việc viết và sắp xếp. Tuy nhiên, Ben Snyder cũng cho rằng việc sử dụng AI để viết toàn bộ báo cáo sách là việc làm gian lận và có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

Để khai thác hiệu quả AI, các trường học đã cố gắng cân bằng lợi ích của công nghệ với những rủi ro mà nó mang lại. AI có thể hỗ trợ cho học sinh khuyết tật, Paul Sanft, Giám đốc một trung tâm giáo dục có trụ sở tại Minnesota cho biết.

"Chắc chắn sẽ có những người sử dụng công cụ này theo những cách bất chính. Nhưng tôi không nghĩ đó là mối quan tâm lớn nhất đối với những người khuyết tật, những người chỉ đang cố gắng làm điều gì đó mà trước đây họ không thể làm", Sanft cho biết.

Các trường học đang ứng dụng công nghệ để hỗ trợ những học sinh gặp khó khăn trong học tập, ngay cả khi các em không đủ điều kiện để được hưởng các dịch vụ giáo dục đặc biệt. Tại Iowa, Sở giáo dục của tiểu bang đã chi 3 triệu USD để triển khai chương trình gia sư cá nhân hóa dựa trên công nghệ AI. Theo đó, khi học sinh gặp khó khăn trong học tập, gia sư này sẽ can thiệp và đưa ra các giải pháp hỗ trợ.

Sẽ sớm có thêm nhiều công cụ AI mới hỗ trợ học sinh khuyết tật

Quỹ Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ đang tài trợ cho việc nghiên cứu và phát triển các công cụ AI để giúp đỡ các trẻ em gặp khó khăn về ngôn ngữ và lời nói. Quỹ này đã hợp tác với Viện AI quốc gia về Giáo dục đặc biệt, có trụ sở chính tại Đại học Buffalo, nơi đã thực hiện công trình tiên phong về nhận dạng chữ viết tay giúp Bưu điện Hoa Kỳ tiết kiệm hàng trăm triệu USD bằng cách tự động hóa quá trình xử lý.

"Chúng tôi có thể xử lý các vận đơn qua đường bưu điện với độ chính xác rất cao. Nhưng khi nói đến chữ viết tay của trẻ em, chúng tôi gặp nhiều khó khăn", Venu Govindaraju, Giám đốc Viện AI quốc gia về Giáo dục đặc biệt cho biết. Ông coi đây là một lĩnh vực cần nhiều nỗ lực hơn, cùng với công nghệ chuyển giọng nói thành văn bản, vốn không hiệu quả trong việc hiểu giọng nói của trẻ em, đặc biệt là nếu trẻ bị khiếm khuyết về lời nói.

Cô bé Makenzie Gilkison cũng bày tỏ mong muốn sẽ có thêm nhiều công cụ bằng AI dễ sử dụng hơn cho trẻ khuyết tật. Bởi hiện nay còn rất nhiều học sinh khuyết tật vẫn phải phụ thuộc vào ai đó để hỗ trợ mình trong học tập cũng như cuộc sống./.

Theo apnews
Copy Link
Bài liên quan
  • Thúc đẩy hòa nhập của người khuyết tật trong quản trị địa phương
    Sáng nay 12/12, tại Hà Nội, Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) phối hợp Viện Nghiên cứu Phát triển đồng bằng sông Cửu Long (MDRI) công bố những kết quả chính của "Nghiên cứu đánh giá mức độ hòa nhập của người khuyết tật trong quản trị địa phương năm 2024".
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Thực tiễn ứng dụng AI mở ra những cơ hội mới cho học sinh khuyết tật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO