Chuyển đổi số

Hiến kế để công nghệ số nâng cao hơn nữa chất lượng cuộc sống của người khuyết tật

Huyền Thương 07/02/2025 06:30

Cách mạng số đang tạo ra những tác động mạnh mẽ và sâu rộng tới hầu hết các lĩnh vực trong xã hội. Nếu không có các chiến lược toàn diện, các đối tượng như người dân tộc thiểu số, người nghèo và người khuyết tật sẽ chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực, thậm chí bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển.

Tóm tắt:
- Công nghệ số đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống cho người khuyết tật.
- Các giải pháp công nghệ giúp người khuyết tật tiếp cận thông tin, dịch vụ y tế và giáo dục dễ dàng hơn.
- Ứng dụng trí tuệ nhân tạo có thể hỗ trợ nhận diện và phân tích hình ảnh, âm thanh để giúp người khuyết tật trong việc giao tiếp và học tập.
- Các thiết bị như màn hình cảm ứng, phần mềm chuyển văn bản thành giọng nói, và các công cụ hỗ trợ giao tiếp giúp người khuyết tật vận động hoặc nghe, nhìn hạn chế có thể sử dụng dễ dàng hơn.
- Nâng cao nhận thức xã hội: Cần đẩy mạnh việc tuyên truyền và đào tạo cộng đồng về các công nghệ hỗ trợ người khuyết tật.
- Cần đầu tư vào nghiên cứu và phát triển các công nghệ phù hợp với nhu cầu đặc biệt của người khuyết tật.
- Các chính sách hỗ trợ, tài chính cho nghiên cứu và ứng dụng công nghệ giúp người khuyết tật cải thiện cuộc sống cần được triển khai mạnh mẽ hơn.

Do đó, việc tìm kiếm và triển khai các giải pháp tích cực nhằm đảm bảo cơ hội tiếp cận và hưởng lợi từ công nghệ số cho những cộng đồng yếu thế là một nhiệm vụ quan trọng trong giai đoạn hiện nay.

Thành phố thông minh xóa bỏ rào cản cho người khuyết tật

Là đơn vị đang triển khai dự án về thành phố thông minh (TPTM) không rào cản cho người khuyết tật, bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD), cho biết mô hình TPTM không rào cản cho người khuyết tật nằm trong khuôn khổ chương trình Đổi mới sáng tạo mở xã hội, dự án Shinhan Square Bridge Việt Nam của MSD được triển khai từ năm 2021.

“TPTM không chỉ là câu chuyện của công nghệ mà còn là sự bao trùm và hòa nhập. Để đảm bảo ‘không ai bị bỏ lại phía sau’, các nhà hoạch định chính sách và doanh nghiệp cần đặt yếu tố con người, đặc biệt là những nhóm yếu thế như người khuyết tật, vào trung tâm”, bà Nguyễn Phương Linh cho biết.

Theo đó, lãnh đạo Viện MSD cho rằng đối với TPTM, trước hết, việc thiết kế các giải pháp công nghệ phải dựa trên nhu cầu thực tế của người sử dụng. “Điều này đòi hỏi sự tham vấn và hợp tác chặt chẽ với cộng đồng người khuyết tật ngay từ giai đoạn đầu. Bên cạnh đó, cần xây dựng các tiêu chuẩn tiếp cận trong công nghệ và hạ tầng, đảm bảo mọi người đều có thể sử dụng một cách dễ dàng, từ bảng hướng dẫn cho đến ứng dụng di động”, bà Nguyễn Phương Linh nói.

Ngoài ra, đào tạo và hỗ trợ nâng cao năng lực cho người khuyết tật cũng rất quan trọng. Công nghệ dù tiên tiến đến đâu nhưng nếu không được phổ biến và hỗ trợ sử dụng thì sẽ không phát huy được giá trị. Cuối cùng, các doanh nghiệp cần có cái nhìn dài hạn, tập trung đầu tư vào những giải pháp không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn có tác động xã hội tích cực.

“Chúng ta nói đến công nghệ, TPTM, đến ‘smart’, điều đó không có ý nghĩa chúng ta chỉ tập trung vào công nghệ thông minh, điều quan trọng hơn, công nghệ là để phục vụ con người, đảm bảo con người được an toàn, được phát triển bền vững và đảm bảo không tạo thêm các khoảng cách, phân biệt đối xử, không để ai bị bỏ lại phía sau”, bà Nguyễn Phương Linh nói.

Theo bà Linh, công nghệ trong TPTM mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người khuyết tật, giúp họ hòa nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống. Chẳng hạn, hệ thống chỉ dẫn giao thông thông minh hỗ trợ người khiếm thị di chuyển an toàn hơn, trong khi các ứng dụng nhận diện giọng nói giúp họ vận hành thiết bị dễ dàng. Đối với người điếc, các ứng dụng hỗ trợ nghe và ngôn ngữ ký hiệu giúp họ giao tiếp hiệu quả với cộng đồng. Đồng thời, các thiết bị hỗ trợ đi lại và làm việc dành cho người khuyết tật vận động tạo điều kiện để họ tham gia vào các hoạt động lao động và xã hội.

bai-cong-nghe-so-va-nguoi-khuyet-tat-2.jpg
Các hội viên của Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp - Hội Người Mù thành phố Hà Nội thực hành sử dụng gậy trắng với kỹ thuật “tiếp xúc 2 điểm”. (Ảnh: MSD cung cấp)

Công nghệ hỗ trợ người khiếm thị học tập, nâng cao trình độ

Ông Phạm Xuân Trường, một người khiếm thị và cũng là Giám đốc Trung tâm Đào tạo phục hồi chức năng, Hội Người mù Việt Nam, cho biết nhận thức rõ vai trò của công nghệ số đối với sự phát triển của người khiếm thị, Trung tâm đã triển khai nhiều dự án đào tạo công nghệ thông tin nhằm hỗ trợ cộng đồng này.

Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số cũng đặt ra nhiều thách thức. Ông Phạm Xuân Trường cho biết một trong những rào cản lớn nhất là sự thiếu thân thiện của nhiều thiết bị và ứng dụng công nghệ, vốn không được thiết kế để đáp ứng nhu cầu tiếp cận của người khiếm thị.

“Thêm vào đó, hạn chế về nguồn lực tài chính và các điều kiện hỗ trợ khác, bao gồm việc giáo dục và đào tạo kỹ năng số, càng khiến những khó khăn này trở nên nghiêm trọng hơn. Mặc dù đã có các tiêu chuẩn quốc tế dành cho người khuyết tật, nhưng việc áp dụng chúng vào thực tế vẫn còn nhiều bất cập, làm giảm khả năng tiếp cận của người khiếm thị đối với công nghệ hiện đại”, ông Phạm Xuân Trường nói.

Dù vậy, ông Trường cho biết công nghệ số cũng mang lại những cơ hội lớn cho cộng đồng người khiếm thị. Với sự hỗ trợ từ các thiết bị công nghệ, nhiều người khiếm thị đã có cơ hội tiếp tục học tập và nâng cao trình độ, từ bậc cao đẳng, đại học cho tới sau đại học, cả trong nước và quốc tế. Nếu không có công nghệ và kỹ năng sử dụng công nghệ, việc tiếp cận tri thức và các lĩnh vực kiến thức khác nhau trong đời sống sẽ gặp rất nhiều hạn chế.

“Câu chuyện cá nhân của tôi là một ví dụ. Khi thị lực suy giảm trong thời gian học đại học, tôi đã gặp không ít khó khăn. Ngày nay, nhờ các thiết bị như smartphone, máy tính và các công nghệ hỗ trợ khác, công việc nghiên cứu, học tập đã thuận tiện hơn. Điều này không chỉ hỗ trợ bản thân tôi mà còn mang lại lợi ích lớn lao cho cộng đồng người khuyết tật, đặc biệt là người khiếm thị”, ông Phạm Xuân Trường nói.

Những lợi ích mà công nghệ số mang lại đã khẳng định tầm quan trọng của việc phát triển các thiết bị và ứng dụng thân thiện, đồng thời thúc đẩy việc nâng cao kỹ năng số cho người khuyết tật. Đó không chỉ là chìa khóa để hòa nhập mà còn là công cụ để những người yếu thế tiếp cận tri thức, cơ hội việc làm và tham gia vào đời sống xã hội một cách toàn diện hơn.

Nâng cao hơn nữa chất lượng cuộc sống người khuyết tật

Bà Trần Thị Lan Hương, chuyên gia cấp cao, trưởng nhóm phát triển số, Ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam, đã đưa ra ba khuyến nghị mà Việt Nam có thể thực hiện để tăng cường sự hòa nhập của các nhóm yếu thế trong quá trình chuyển đổi số.

Thứ nhất, Việt Nam đã có độ bao phủ hạ tầng rất tốt, tuy nhiên, việc tạo ra độ bao phủ chỉ là điểm xuất phát, điều quan trọng hơn là cần đảm bảo khả năng tiếp cận hạ tầng với mức chi phí hợp lý, đặc biệt đối với các nhóm yếu thế.

“Đây là những nhóm gặp khó khăn hơn về kinh tế và xã hội, do đó việc tăng cường độ bao phủ, khả năng tiếp cận và đảm bảo chi phí phù hợp sẽ là một bước tiến lớn”, bà Lan Hương nói. “Những khuyến nghị này không chỉ dựa trên kinh nghiệm quốc tế, mà còn được tổng hợp từ nhiều báo cáo và sáng kiến triển khai bởi WB cũng như các quốc gia khác”.

Thứ hai là vấn đề chính sách. Chính sách chung áp dụng cho tất cả mọi người có thể đảm bảo sự tiếp cận cơ bản với hạ tầng, công cụ và nền tảng số. Tuy nhiên, các nhóm yếu thế khác nhau lại có nhu cầu khác nhau, và chính sách cần được thiết kế để đáp ứng những nhu cầu đặc thù này. Ví dụ, với người khuyết tật, chính sách cần được xây dựng để phù hợp với các dạng khuyết tật khác nhau, đồng thời phải mang tính toàn diện và được theo dõi thường xuyên. Theo bà Hương, việc hiểu rõ nhu cầu của các nhóm yếu thế rất quan trọng, từ đó xây dựng chính sách không chỉ đáp ứng nhu cầu mà còn phù hợp với mong muốn của họ.

Thứ ba, triển khai các chương trình cụ thể nhằm tăng sự tham gia của các nhóm yếu thế vào quá trình phát triển kinh tế số và chuyển đổi số. Hạ tầng và chính sách chỉ là điều kiện nền tảng, nhưng để thực sự tác động, cần có những sáng kiến cụ thể để người khuyết tật thực sự tham gia vào các hoạt động.

“Những sáng kiến này đã được nhiều quốc gia thực hiện ở các mức độ khác nhau, kể cả những nước phát triển như Mỹ, Ý hay Thụy Điển. Để tăng sự hòa nhập và thúc đẩy sự tham gia của các nhóm yếu thế vào lộ trình chuyển đổi số, Việt Nam cần triển khai các chương trình cụ thể và tập trung vào từng nhóm đối tượng riêng biệt, đảm bảo rằng không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển”, chuyên gia của WB nói.

Vừa là một người khiếm thị, đồng thời là Giám đốc Giám đốc trung tâm đào tạo phục hồi chức năng của Hội người mù Việt Nam, ông Phạm Xuân Trường cho biết việc cung cấp sản phẩm công nghệ và tạo điều kiện cho người khuyết tật, đặc biệt là người khiếm thị, tiếp cận công nghệ số và chuyển đổi số “rất quan trọng”. Điều này đòi hỏi thiết bị thân thiện, môi trường hòa nhập và nguồn lực đầy đủ. Hội người mù đang đặt mục tiêu đến năm 2027 sẽ xóa “vùng trắng” về công nghệ thông tin tại tất cả các cơ sở, chuyển đổi 100% nội dung đào tạo sang trực tuyến. Điều này sẽ nâng cao chất lượng đào tạo, giảm khoảng cách vùng miền, và mở rộng cơ hội học tập cho người khiếm thị, đặc biệt tại miền Trung và Tây Nguyên.

Theo bà Nguyễn Phương Linh, nếu không chú trọng đến người khuyết tật khi phát triển công nghệ, xây dựng TPTM, chính các giải pháp công nghệ hiện đại có thể tạo thêm rào cản cho cộng đồng này. Hiện nay, cộng đồng người khuyết tật phải đối mặt với ba rào cản chính. Thứ nhất là trải nghiệm cá nhân, khi những định kiến hoặc thiếu nhận thức từ cộng đồng khiến họ cảm thấy bị tách biệt.

Thứ hai là rào cản về cơ sở hạ tầng và dịchvụ, với nhiều công trình công cộng chưa đảm bảo khả năng tiếp cận, như thiếu lối đi cho xe lăn hoặc không có thiết bị hỗ trợ nghe nhìn. Cuối cùng là rào cản từ chính sách đến thực thi, khi các chính sách hỗ trợ dù đã có nhưng việc triển khai thực tế vẫn còn nhiều hạn chế.

Một ứng dụng thiếu tính năng trợ năng, một giao diện phức tạp hoặc một hệ thống giao thông công cộng không phù hợp sẽ khiến người khuyết tật cảm thấy bị “đẩy ra bên lề xã hội” và khó hòa nhập. Điều này không chỉ làm giảm hiệu quả của TPTM mà còn đi ngược lại tinh thần phát triển bao trùm. Do đó, bà Nguyễn Phương Linh nhấn mạnh công nghệ không chỉ cần hiện đại mà còn phải “thông minh” trong cách phục vụ con người. Các sáng kiến cần đặt trọng tâm vào sự hòa nhập và kết nối, đảm bảo rằng mọi người, từ trẻ em, người già đến người khuyết tật, đều được hưởng lợi từ thành phố thông minh.

bai-cong-nghe-so-va-nguoi-khuyet-tat-1.jpg
Bà Nguyễn Phương Linh trao tặng quà cho em học sinh khiếm thị. (Ảnh: MSD cung cấp)

Trao đổi với Tạp chí TT&TT, bà Ngô Minh Trang, Giám đốc Trung tâm Công nghệ Thông tin - Truyền thông Vietnet (Vietnet-ICT), cho rằng việc thúc đẩy thiết kế và phát triển công nghệ phục vụ người khuyết tật là điều cần thiết, đòi hỏi sự tham gia của nhiều bên. Đầu tiên, các doanh nghiệp cần ưu tiên phát triển các công nghệ hỗ trợ người khuyết tật, đồng thời đảm bảo thiết kế thân thiện trên mọi trang web hay nền tảng, ví dụ như cải thiện giao diện, bổ sung ngôn ngữ và tính năng trợ năng phù hợp.

Để khuyến khích điều này, Nhà nước nên ban hành các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ, chẳng hạn như ưu đãi thuế, hỗ trợ vốn, và xây dựng các tiêu chuẩn thiết kế bắt buộc cho sản phẩm công nghệ nhằm đảm bảo tính tiếp cận. Đồng thời, cộng đồng cần nâng cao nhận thức, tích cực hỗ trợ người khuyết tật trong việc tiếp cận công nghệ mới và học các kỹ năng số cần thiết.

“Tháo gỡ khó khăn cho người khuyết tật không thể chỉ là trách nhiệm của một nhóm riêng lẻ mà cần sự phối hợp từ nhiều phía. Những giải pháp đồng bộ này không chỉ giúp người khuyết tật hòa nhập tốt hơn mà còn khai thác tối đa tiềm năng của họ, góp phần tích cực vào sự phát triển của xã hội”, bà Ngô Minh Trang nói.

bai-cong-nghe-so-va-nguoi-khuyet-tat-3.jpg
Công nghệ là để phục vụ con người, đảm bảo con người được an toàn, được phát triển bền vững và đảm bảo không tạo thêm các khoảng cách, phân biệt đối xử, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Hiểu rõ các vấn đề về bao trùm số

Theo Chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số - xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Chính phủ tập trung triển khai các chương trình đào tạo kỹ năng số cho nhóm dân cư dễ tổn thương như người cao tuổi, người khuyết tật, và dân tộc thiểu số. Các khóa học miễn phí hoặc giá rẻ được phối hợp thực hiện với tổ chức phi chính phủ và doanh nghiệp.

Dịch vụ công trực tuyến, tài chính số và ngân hàng điện tử đã trở nên phổ biến, đáp ứng nhu cầu của người dân, bao gồm cả nhóm dễ tổn thương. Chính phủ cũng cải tiến giao diện và tính năng của cổng thông tin điện tử để đảm bảo tính thân thiện, dễ tiếp cận, đồng thời khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân trong việc phát triển các dịch vụ số dành cho các nhóm này.

Chính phủ Việt Nam đã triển khai nhiều chương trình thúc đẩy bao trùm số, như Đề án Tăng cường Ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số (2019-2025) nhằm thu hẹp khoảng cách số, phát triển kinh tế số và đảm bảo an ninh trật tự. Đồng thời, Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021- 2030 cũng hỗ trợ tiếp cận công nghệ thông tin và truyền thông cho nhóm yếu thế.

Phát biểu tại Diễn đàn Đa phương (MSF) 2024 với chủ đề “Phát triển Con người và Công nghệ hướng tới một Việt Nam bao trùm số” hồi tháng 10/2024, ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp CNTT, Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh, để phát triển bền vững, cần nâng cao nhận thức, năng lực ứng dụng công nghệ của người dân và cán bộ, đặc biệt là nhóm yếu thế. Chính quyền số phải hiểu rõ các vấn đề về bao trùm số, trong đó giải quyết các thách thức như bạo lực mạng đối với trẻ em hay phát triển công nghệ hỗ trợ người khuyết tật và dân tộc thiểu số. Việc áp dụng AI và IoT có thể mang lại hiệu quả lớn trong các nỗ lực này.

Ông Nguyễn Thanh Tuyên cũng cho rằng để đạt mục tiêu bao trùm số, cần sự chung tay của Chính phủ, doanh nghiệp, nhà đầu tư, và các tổ chức quốc tế. Đầu tư vào hạ tầng Internet và các ứng dụng phù hợp vùng sâu, vùng xa, cùng hoạt động tuyên truyền, tập huấn người dân yếu thế, là yếu tố quan trọng. Những sáng kiến từ doanh nghiệp và tổ chức quốc tế cần được tiếp tục để đảm bảo sự phát triển toàn diện và bền vững./.

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 1+2 tháng 1+2 năm 2025)

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Hiến kế để công nghệ số nâng cao hơn nữa chất lượng cuộc sống của người khuyết tật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO