Đời sống xã hội

Người nâng niu sắc màu thổ cẩm xứ Tuyên

Thảo Trang - Ngọc Linh 29/05/2024 15:53

Thổ cẩm là sản phẩm dệt thủ công với những hoa văn sặc sỡ mang đậm bản sắc dân tộc, từ xa xưa đã gắn bó với người dân tộc Tày sinh sống tại tỉnh Tuyên Quang.

Trải qua thời gian, nghề dệt thổ cẩm ở huyện vùng cao Lâm Bình đã có những giai đoạn phải đối mặt với thử thách của sự mai một. Tuy nhiên, nhờ những người con vẫn đau đáu mang trong mình một tình yêu say mê, sự trân trọng những nét đẹp tinh hoa được chứa đựng trong nghề dệt truyền thống của dân tộc, dệt thổ cẩm ngày nay đã được khôi phục lại và trên đà phát triển xa hơn.

Nặng lòng với thổ cẩm

Bà Ngô Thị Phin là người dân tộc Tày, hiện đang sinh sống và làm việc tại xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang. Bà Phin vốn xuất thân là một giáo viên mầm non. Tuy nhiên, sau khi bị tai biến dẫn đến tình trạng sức khỏe yếu đi và chỉ còn 7 ngón tay có thể hoạt động bình thường, bà đã thôi việc và trở lại với đam mê của cuộc đời mình - dệt thổ cẩm.

anh1-dau-tien.jpg
Bà Phin từ lâu đã có tình yêu đặc biệt sâu sắc với nghề dệt thổ cẩm.

Bà Phin từ lâu đã có tình yêu đặc biệt sâu sắc với nghề dệt thổ cẩm, nghề vẽ lên những hoa văn sặc sỡ mang đậm nét tinh hoa văn hóa của dân tộc. Ngồi tại khung cửi quen thuộc của mình, bà đã nhớ lại những ngày bé đã từng được mẹ chỉ dạy cho cách dệt vải để hiểu được sự hiện diện đặc biệt của thổ cẩm trong đời sống của dân tộc mình. Theo phong tục dân tộc Tày sinh sống tại Tuyên Quang, trước khi đi lấy chồng, các cô dâu phải tự tay thêu dệt được những tấm thổ cẩm để làm quà cưới biếu cha mẹ, người thân bên nhà chồng. Con gái khi về nhà chồng thì phải có từ 12 tới 16 tấm chăn. Đây là nét phong tục quan trọng, gắn bó mật thiết và xuyên suốt của thổ cẩm trong đời sống của người dân vùng đất này.

Đối với bà Phin: “Dệt thổ cẩm là một bản sắc độc đáo của người Tày, phản ánh bản chất của người phụ nữ Tày đó là chịu thương chịu khó - là một nét đẹp tuyệt vời. Dù công việc ngoài đồng rất bộn bề nhưng khi quay về họ vẫn dệt nên những tấm thổ cẩm tinh xảo. Đó chính là giá trị, nét đẹp của người phụ nữ chịu thương chịu khó”.

Dẫu vậy, một người yêu thổ cẩm như bà Phin cũng đã nhiều lần chứng kiến nghề dệt truyền thống mình đứng trước bờ vực của sự mai một. Bà Phin đã từng về nhà xin lại những khung dệt tuổi thơ nhưng chúng đã bị đốt bỏ lúc nào không hay, bởi lẽ đã hơn chục năm không ai đụng đến. Ngày ấy, bà rất xót xa khi thấy hình ảnh những chiếc khung cửi ở mỗi gia đình đã không còn được sử dụng nhiều, bị để lăn lóc cũ mèm trong góc nhà. Những cánh đồng bông để phục vụ cho nghề dệt cũng đã nhường chỗ cho nhà cửa, ruộng đồng. Nghề dệt tưởng chừng cũng theo đó mà mất đi. Điều này đã thôi thúc trong bà mong muốn phải khẩn trương tìm cách khôi phục và giữ lại nghề truyền thống của quê hương

anh-1-.jpg
Hình ảnh khung cửi quen thuộc.

Hành trình làm sống lại nghề dệt thổ cẩm

Khi huyện mới Lâm Bình được thành lập, biết được chính quyền có ý tưởng khôi phục lại nghề dệt cổ truyền của người Tày, bà Phin mừng rỡ và quyết định thực hiện một chuyến du lịch xuyên Việt, đến nhiều điểm có sản phẩm thổ cẩm để tìm hiểu nguyên do mà họ có thể duy trì được nó. Người phụ nữ ấy vận động những gia đình còn khung dệt và những người biết dệt, sau đó tập hợp thành một tổ dệt hàng thổ cẩm, bước đầu hành trình khôi phục nghề dệt thổ cẩm ở địa phương.

Năm 2011, bà Ngô Thị Phin đã cùng với 5 thành viên thành lập Tổ Dệt thổ cẩm xã Thượng Lâm. Trong đó, phần lớn các thành viên đều có những người phụ nữ câu chuyện khó khăn riêng. Đây cũng là thời gian khởi nghiệp gian nan của cơ sở khi gặp khó khăn về khâu tiêu thụ sản phẩm vì thời điểm đó người dân không mấy ai có thói quen sử dụng sản phẩm thổ cẩm truyền thống. Không có vốn lớn và đất đai để mở nhà xưởng tập trung, bà cùng chị em dệt tại nhà và đã mạnh dạn vay ngân hàng và người thân tiền để mua nguyên vật liệu như sợi bông, len nhằm cung cấp cho tổ viên.

Với tình yêu dành cho thổ cẩm, bà đồng hành với những người chị em của mình, cùng nhau phát triển nghề dệt thổ cẩm và mở rộng thị trường. Chỉ một năm sau đó, tổ dệt đã có rất nhiều chị em phụ nữ địa phương đã xin được tham gia. Từ năm 2014, khi các homestay ở Lâm Bình bắt đầu được mở ra, bà Phin nỗ lực để có thể mang thổ cẩm đi giới thiệu cho khách du lịch. Giai đoạn năm 2014 - 2016 là thời điểm mà số lượng các sản phẩm bán ra được nhiều nhất.

Đến nay bà Phin và những thành viên trong Tổ dệt thổ cẩm của mình vẫn hàng ngày tiếp tục miệt mài công việc bên khung cửi. Bằng tâm huyết và tình yêu dành cho thổ cẩm cùng với mong muốn giữ gìn và quảng bá bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Tày, bản thân bà Phin đã thành công đưa những sản phẩm của mình tới trưng bày tại các lễ hội lớn trong đó không thể kể tới lễ Hội Hương sắc Na Hang.

Tình yêu với nghệ thuật thổ cẩm của bà không chỉ là nguồn cảm hứng, mà còn là sức mạnh đưa nghề dệt trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống của cả người già và người trẻ ở xóm bản. Chia sẻ của mình về kỳ vọng của bản thân, bà chia sẻ: “Cô mong rằng nghề thổ cẩm sẽ được lưu truyền và gìn giữ từ đời này sang đời khác, để nghề thổ cẩm xã Thượng Lâm sẽ được quảng bá từ trong nước ra nước ngoài".

anh-2-.jpg
Tình yêu với nghệ thuật thổ cẩm của bà Phin

Thổ cẩm với thời đại du lịch ngày nay

Nhờ có những người yêu nghề, yêu bản sắc truyền thống dân tộc như bà Phin, thổ cẩm ngày nay đã và đang giữ một chỗ đứng quan trọng trong việc phát triển du lịch và quảng bá hình ảnh của Tuyên Quang. Với sự phát triển của mô hình nhà nghỉ Homestay ở địa phương, mỗi Homestay đều trang trí nhà cửa và cách ăn mặc của các thành viên trong gia đình đều bằng chất liệu vải thổ cẩm truyền thống. Không chỉ vậy, hàng năm cuộc thi dệt thổ cẩm hàng năm đều được xã tổ chức ở Lễ hội thường niên tại sân vận động. Đây là một trong những cách làm hiệu quả nhằm đẩy mạnh quảng bá thổ cẩm Lâm Bình rộng hơn tới mọi người. Những sản phẩm thổ cẩm thủ công ở nơi đây luôn là món quà thú vị đối với các du khách gần xa khi ghé thăm vùng đất này. Việc bảo tồn và phát huy nghề dệt thổ cẩm truyền thống ở huyện Lâm Bình không chỉ giữ gìn những giá trị văn hóa cổ truyền mà còn có ý nghĩa tích cực để xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch văn hoá, tạo sinh kế bền vững và nâng cao thu nhập cho đồng bào nơi đây./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Người nâng niu sắc màu thổ cẩm xứ Tuyên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO