Ông Phan Đức Trung từng trải qua nhiều vị trí như Giám đốc tài chính FPT Holdings, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch FPT Capital, Phó chủ tịch TP Bank trước khi trở thành nhà sáng lập và Chủ tịch DeCom Holdings... Ông cũng là nhà sáng lập Diễn đàn Phổ cập Blockchain và góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong những nước đầu tiên trên thế giới có một hiệp hội blockchain chính danh.
Từ 'học phí' đầu đời về blockchain
Ông Trung cho biết năm 2017, ông bắt đầu biết về Bitcoin và kiếm được nhiều tiền từ các giao dịch và đào tiền mã hóa. "Mùa đông" ập đến, toàn bộ vốn liếng, lợi nhuận của ông bị cuốn trôi như rất nhiều người.
"Sau cú sập, tôi mới loay hoay tìm lại sách trắng Bitcoin và bắt đầu tìm hiểu blockchain là gì. 5 năm trước, mọi người chủ yếu nói về Bitcoin, không ai nói về blockchain. Khi đó, tôi giật mình nhận ra nhiều người theo con đường crypto như mình sẽ rất nguy hiểm, nhưng nếu đi theo con đường blockchain sẽ an toàn hơn", ông Trung nói.
Trong thời gian thị trường đi xuống, ông vẫn giữ niềm tin Bitcoin sẽ tăng giá và blockchain sẽ trở thành công nghệ trụ cột trong tương lai. Đến khi thị trường sôi động trở lại đầu 2020, ông tập hợp những thợ đào tiền số, luật sư, chuyên gia mật mã, lập trình viên... hàng đầu trong nước ở lĩnh vực blockchain và chia sẻ ý tưởng về việc phổ cập kiến thức cho cộng đồng.
"Tôi vẫn nhớ như in khi đề cập ý định viết giáo trình Phổ cập Blockchain như một nhánh của môn tin học cho cấp THPT, một thạc sĩ mật mã phản đối kịch liệt và cho rằng đó là 'ý tưởng bệnh hoạn'. Thái độ đó khiến tôi nhận ra blockchain lâu nay vẫn là cái gì đó rất phức tạp, xa vời. Do đó, tôi bàn với mọi người thành lập một diễn đàn để phổ cập công nghệ này một cách dễ hiểu, đa chiều. Ngay cả khi chính thức thành lập rồi, tôi vẫn nhận về ánh mắt hoài nghi, có người thậm chí rời bỏ nhóm phổ cập", ông kể.
Hiện diễn đàn Phổ cập Blockchain có hơn 35.000 thành viên, quy tụ các chuyên gia hàng đầu trong cộng đồng và trở thành một trong những diễn đàn có sức ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực công nghệ này ở Việt Nam.
Theo ông Trung, trước đó ở Việt Nam đã có nhiều diễn đàn làm tốt về an ninh mạng, bảo vệ tài sản số nhưng chưa có một sân chơi giúp người chưa biết gì về blockchain có thể tiếp cận và tham khảo các chuyên gia, kiếm tiền một cách an toàn từ kiến thức chứ không đơn thuần là từ crypto.
Đến sự ra đời của Hiệp hội Blockchain Việt Nam
Sau khi sáng lập diễn đàn, ông cũng bắt đầu quá trình vận động thành lập Hiệp hội Blockchain Việt Nam. Ngày 27/4, Hiệp hội được Bộ Nội vụ phê duyệt, trở thành tổ chức có pháp nhân chính thức đầu tiên quy tụ người đam mê nghiên cứu và ứng dụng công nghệ blockchain tại Việt Nam.
Ông Trung kể, ban đầu Hiệp hội có tên Công nghệ tài sản mã hóa và phải mất sáu tháng vận động để cơ quan quản lý chấp nhận đưa "blockchain" vào tên của hiệp hội. Một trong những khác biệt của tổ chức là không đi theo hướng crypto. "Tôi muốn xây dựng một hiệp hội về công nghệ blockchain, quy tụ đông đảo các thành viên từ nhiều lĩnh vực như luật pháp, giáo dục, đầu tư, kinh doanh... Khi chưa có khung pháp lý rõ ràng, chúng ta phải cùng nhau ngồi lại nghiên cứu, kiến nghị để nhà nước có thể tham khảo, đưa ra những quy định tốt nhất, đảm bảo công nghệ phát triển đúng hướng, lành mạnh chứ không đơn thuần là kiếm tiền nhanh", ông nói.
Trong sự kiện Vietnam NFT Summit hồi đầu tháng 6, tỷ phú CZ, nhà sáng lập Binance, đánh giá: "Việt Nam có thể là một trong những nước tiên phong trong tiếp cận công nghệ mới. Tôi đánh giá cao việc các bạn là một trong những quốc gia đầu tiên có một hiệp hội blockchain chính danh và là hiệp hội hoạt động tốt bậc nhất thế giới. Trước khi tôi đến đây, tôi không thể thực sự hình dung được mức độ phủ rộng và mức độ phối hợp rất tuyệt vời giữa hiệp hội và các cơ quan chính phủ".
Theo ông Phan Đức Trung, việc tổ chức thành công một sự kiện lớn không chỉ khẳng định uy tín của blockchain Việt, mà còn là cầu nối giúp các startup trong nước có thể tận dụng những lợi thế của công nghệ để tham gia vào dòng chảy kinh tế thế giới. "Nếu đặt ngành blockchain Việt vào bối cảnh chung của toàn cầu, chúng ta có thể thấy rất nhiều cơ hội đang chờ phía trước. Những tập đoàn, quỹ đầu tư về blockchain như đang bơi ở ‘hải phận quốc tế’, họ cần những bến cảng để tiếp nhiên liệu, lương thực, thậm chí có thể ở lại, định cư, tạo ra nhiều giá trị mới cho Việt Nam. Chúng ta cần nắm bắt cơ hội, đưa Việt Nam trở thành bến đỗ hấp dẫn trên bản đồ quốc tế. Đó là mục tiêu mà tôi và nhiều người làm blockchain luôn đau đáu hàng ngày", ông nói.
Ông thẳng thắn chia sẻ, Việt Nam có thể đang có những công ty dẫn đầu về GameFi toàn cầu. Nhưng ứng dụng của blockchain còn rộng hơn rất nhiều trong khi số lượng doanh nghiệp làm blockchain nền tảng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Bên cạnh đó, việc Việt Nam liên tục nằm trong top đầu các bảng xếp hạng về mức độ tiếp cận blockchain, crypto và tài sản mã hóa vừa là tín hiệu đáng mừng nhưng cũng đáng lo.
"Nếu tham gia vào thị trường mà kiến thức chưa đầy đủ sẽ gây ra hệ lụy nguy hiểm cho xã hội. Vì vậy ngay từ đầu, tôi tin rằng song song với việc thúc đẩy sự phát triển của công nghệ, cũng cần đặc biệt quan tâm đến việc phổ cập kiến thức cho cộng đồng, để mọi người ở trong làm sóng công nghệ này có thể kiếm tiền một cách an toàn nhất có thể", Phó chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam nói.
Tại diễn đàn CTO Summit 2022 - Định vị Blockchain Việt, do VnExpress tổ chức chiều 17/6 tại TP HCM, ông Phan Đức Trung sẽ tham gia chia sẻ bức tranh của ngành blockchain Việt Nam. Sự kiện quy tụ các chuyên gia từ các tập đoàn lớn cho đến các startup để cùng nhìn lại toàn cảnh thị trường, ứng dụng thực tế của công nghệ chuỗi khối ngoài tiền điện tử, hay các công ty truyền thống đang chuyển mình trước làn sóng mới như thế nào.
Song song với diễn đàn là lễ vinh danh 10 lãnh đạo công nghệ trẻ xuất sắc 2022. Chương trình dành cho những người đứng đầu về công nghệ trong tổ chức, doanh nghiệp, dưới 35 tuổi và có thành tích nhất định trong việc thúc đẩy ứng dụng công nghệ, tìm ra bài toán tăng trưởng bằng công nghệ, mang lại hiệu quả cho hoạt động kinh doanh của công ty.