Chuyển đổi số

Nguồn cảm hứng để Việt Nam vững bước phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số

Nhật Minh 03/10/2024 09:54

Các lợi ích từ sản phẩm, dịch vụ số mang lại cho cuộc sống con người rất to lớn và điều này luôn được Đảng, Nhà nước, Chính phủ chú trọng, quan tâm, triển khai, thực hiện, bước đầu đạt được nhiều thành quả tích cực.

Điển hình trong thời gian qua phải kể đến chính là thí điểm sử dụng Sổ sức khỏe điện tử (SKĐT) và cấp Phiếu lý lịch tư pháp (LLTP) qua VNeID trên toàn quốc.

Những nội dung quan trọng này vừa được báo cáo tại hội nghị trực tuyến triển khai mở rộng thí điểm Sổ SKĐT và cấp Phiếu LLTP qua VNeID trên toàn quốc.

so-skdt-va-phieu-lltp.jpg
Thủ tướng cùng các đại biểu thực hiện nghi thức bấm nút triển khai sổ sức khỏe điện tử và cấp phiếu lý lịch tư pháp qua VneID trên toàn quốc. (Ảnh: VGP)

Liên thông dữ liệu được đẩy mạnh

Triển khai Sổ SKĐT đến nay đã tạo lập được 32.062.931 dữ liệu sổ cho người dân, trong đó có 14.638.905 công dân đã tích hợp sổ SKĐT trên VNeID với 12.518/12.693 cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (đạt tỷ lệ 98,6%). Đồng thời, dữ liệu SKĐT đã được đồng bộ liên thông qua hệ thống Bảo hiểm xã hội (BHXH) để tích hợp vào VneID và hướng dẫn các cơ sở khám, chữa bệnh liên thông dữ liệu bảo đảm chất lượng, hiệu quả.

Cùng với đó, Bộ Y tế đã tổ chức tập huấn cho các cơ sở khám, chữa bệnh 100% tiếp nhận và sử dụng Sổ SKĐT khi xuất trình trực tiếp trên VNeID, đồng thời các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện liên thông 16 trường thông tin khám, chữa bệnh theo hướng dẫn của BHXH Việt Nam để tự động điền vào các biểu mẫu, tiết kiệm thời gian, công sức cho các bác sĩ.

Đặc biệt, Bộ Công an đã đồng hành cùng với các doanh nghiệp (DN), ngân hàng HDBank triển khai Hệ thống kiosk y tế miễn phí (tích hợp với sổ SKĐT) với số lượng tối thiểu 1001 kiosk y tế, đến nay đã có 44/63 tỉnh, thành phố đăng ký triển khai với 217 kiosk y tế.

“Những kết quả đạt được trên đã góp phần giúp tiết kiệm khoảng 1.150 tỷ đồng/năm tiền mua sổ y bạ cho 230 triệu lượt người khám bệnh; tạo thuận lợi cho người dân trong việc chủ động theo dõi hồ sơ sức khoẻ của bản thân và có thể cung cấp hồ sơ bệnh án của bản thân cho đội ngũ y bác sĩ ở bất cứ đâu, bất cứ khi nào”, báo cáo nhấn mạnh.

Không chỉ ấn tượng với kết quả áp dụng Sổ SKĐT mà việc cấp Phiếu LLTP cũng đạt những kết quả đáng ghi nhận. Trong số các đơn vị điển hình triển khai, phải kể đến: Hà Nội đã tiếp nhận hơn 45.000; Thừa Thiên Huế tiếp nhận hơn 5.000 hồ sơ cấp phiếu LLTP trên VNeID, chiếm hơn 70% tổng số hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu LLTP của 2 địa phương (ước tính mỗi hồ sơ tiết kiệm khoảng 10.000 đồng tiền xăng xe đi lại và công sức chờ đợi); 150.000 đồng tiền công trung bình nửa ngày công của người dân, với nhu cầu cấp LLTP ở Hà Nội.

Cũng theo báo cáo, với nhu cầu cấp Phiếu LLTP của người dân hiện nay thì hằng năm sẽ đạt khoảng 2,6 triệu yêu cầu trong cả nước, và khi người dân thực hiện đăng ký Phiếu LLTP sẽ giúp tiết kiệm khoảng 400 tỷ đồng/năm cho người dân và xã hội.

Thực hiện nhiệm vụ tránh dàn trải, chia cắt

Sau khi nghe báo cáo kết quả tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương những kết quả tích cực đạt được và khẳng định, kết quả trên góp phần tạo động lực, truyền cảm hứng để Việt Nam vững bước phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số trong thời gian tới và tương lai.

thu-tuong.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu, các đơn vị thực hiện phải lấy chất lượng phục vụ, mức độ sử dụng và sự hài lòng của người dân, DN làm thước đo để đánh giá kết quả hoạt động.

Để phát huy kết quả tích cực hơn nữa, Thủ tướng yêu cầu trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, các đơn vị thực hiện phải lấy chất lượng phục vụ, mức độ sử dụng và sự hài lòng của người dân, DN làm thước đo để đánh giá kết quả hoạt động.

Đồng thời, cần hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, mạnh dạn thí điểm các mô hình mới đáp ứng yêu cầu thực tiễn và xu thế phát triển; các mô hình mới, sáng tạo của các bộ, ngành, địa phương, các cơ sở y tế, giáo dục; có mục tiêu, kế hoạch cụ thể, phân công rõ người, rõ việc; tăng cường phối hợp, bám sát thực tế, phản ứng linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; quan trọng nhất là người đứng đầu phải quyết liệt, gương mẫu, có tâm, có đức trong công việc, trách nhiệm; huy động được sức mạnh tổng hợp, tạo niềm tin, mang lại hiệu quả thiết thực.

Thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tư tưởng chỉ đạo là "chỉ bàn làm, không bàn lùi", vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội, "không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm".

Các cấp ủy, chính quyền vào cuộc với tinh thần, hành động: Quyết liệt, phân công “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian thực hiện, rõ hiệu quả, rõ sản phẩm”, phải kiểm tra, đôn đốc, điều chỉnh những những việc chưa đúng, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Các bộ, ngành, địa phương tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) “đúng, đủ, sạch, sống” theo thời gian thực, kết nối và chia sẻ CSDL với nhau; không được cục bộ; thực hiện với tinh thần chính sách thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản lý thông minh; tất cả vì sức khỏe, tính mạng của nhân dân lên trên hết, trước hết; tránh dàn trải, chia cắt.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu mục tiêu mỗi công dân Việt Nam, kể cả những người chưa có thẻ bảo hiểm y tế đều sở hữu một Sổ SKĐT trên ứng dụng VNeID. Đến đầu năm 2025, 100% cơ sở y tế (công lập và tư nhân) và có 40 triệu người dân sử dụng Sổ SKĐT và 100% người dân có nhu cầu được cấp Phiếu LLTP qua VNeID.

Cần thực hiện “5 đẩy mạnh và “5 đảm bảo”

Chỉ đạo bằng giải pháp, Thủ tướng yêu cầu cần thực hiện, triển khai với tinh thần "5 đẩy mạnh": Đẩy mạnh CĐS mạnh mẽ về cả tư duy và hành động; đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), nhất là thủ tục hành chính (TTHC) gắn với CĐS, phát triển Chính phủ số; nâng cao năng lực quản lý nhà nước theo hướng hiện đại, công khai, minh bạch, hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh phát triển CSDL quốc gia, chuyên ngành theo hướng tăng cường kết nối, liên thông, tích hợp, chia sẻ dữ liệu; đẩy mạnh triển khai các tiện ích trên nền tảng VNeID để người dân, DN hưởng thụ thật; đẩy mạnh thông tin truyền thông, tạo đồng thuận xã hội.

"5 bảo đảm": Đảm sự tham gia đồng bộ của tất cả các bộ, ngành, địa phương trong quá trình triển khai; bảo đảm hạ tầng số, nền tảng số hoạt động ổn định, thông suốt, không được lõm sóng, lõm điện; bảo đảm nhân lực để triển khai các ứng dụng, tiện ích, nền tảng số đủ năng lực, đủ tâm, đủ tầm, có trách nhiệm cao; bảo đảm 100% người dân, DN có nhu cầu được tiếp cận dễ dàng, an toàn, tiện lợi, chi phí thấp và thu hút người dân tham gia góp ý trong quá trình thiết kế, sáng tạo, hướng đến cá nhân hóa các dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) được cung cấp; bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin, tính riêng tư của thông tin, dữ liệu.

Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương: Bộ Công an phối hợp với cơ quan liên quan tiếp tục hoàn thiện, tối ưu hóa các tiện ích hiện có trên ứng dụng VNeID, bảo đảm hệ thống hoạt động ổn định, an toàn, thuận tiện; xây dựng quy định kiểm soát dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương; chủ trì, phối hợp với bộ, ngành, cơ quan liên quan tập trung xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia

Trong khi đó, Bộ Y tế tiếp tục hoàn thiện Sổ SKĐT qua VNeID, để người dân có thể sử dụng thay thế Sổ khám chữa bệnh bằng giấy, hoàn thành trong năm 2024. “Đặc biệt cần đẩy mạnh hướng dẫn các cơ sở khám, chữa bệnh và người dân thực hiện Sổ SKĐT qua VNeID. Nghiên cứu xây dựng Sổ SKĐT cho trẻ em, nhất là thông tin tiêm chủng (ngay từ khi chào đời) gắn với VNeID của cha mẹ, người giám hộ”, Thủ tướng yêu cầu

BHXH Việt Nam bảo đảm hạ tầng kỹ thuật và hỗ trợ việc liên thông dữ liệu từ các cơ sở khám chữa bệnh, để tích hợp hiển thị thông tin sức khỏe lên Sổ SKĐT VNeID.

Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Công an kết nối với CSDL của Tòa án, Viện Kiểm sát trên nền tảng CSDL quốc gia về dân cư.

Bộ Tài chính khẩn trương đề xuất việc ban hành Nghị định quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng kinh phí thường xuyên ngân sách nhà nước để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp, mở rộng dự án đã đầu tư xây dựng; mua sắm tài sản; mua, sửa chữa, nâng cấp trang thiết bị máy móc…

Thủ tướng kêu gọi các cấp, các ngành, địa phương, đặc biệt là người đứng đầu, quan tâm, chỉ đạo, lãnh đạo, đầu tư thời gian, công sức, trí tuệ vào CĐS để tạo chuyển biến tích cực, hiệu quả được đo bằng sự hài lòng của người dân, DN, giảm thủ tục hành chính…/.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Phát triển công nghiệp bán dẫn: Cách tiếp cận độc đáo của Việt Nam
    Theo Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, Việt Nam sẽ tham gia vào tất cả các công đoạn của chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu theo cách X + 1. Đây là điểm khác biệt trong tư duy chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn của Việt Nam.
  • Mỹ miễn trừ một số nhà máy bán dẫn khỏi các đánh giá về môi trường
    Theo Reuters, ngày 2/10/2024, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký ban hành luật miễn trừ một số cơ sở sản xuất chất bán dẫn đang nhận được đầu tư của chính phủ Mỹ khỏi các đánh giá về môi trường của liên bang.
  • Thị trường viễn thông Việt Nam: Chọn dư địa nào để phát triển bền vững?
    Năm 2023, tổng doanh thu dịch vụ viễn thông ước đạt 139.260 tỷ đồng, tăng 0,41% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 99,5% kế hoạch năm 2023. Nộp ngân sách nhà nước lĩnh vực viễn thông ước đạt 46.000 tỷ đồng, tăng khoảng 0,27% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 93% so với kế hoạch năm 2023.
  • Phát triển GenAI theo cách của VNPT
    Tại lễ Kỷ niệm 5 năm thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia và Ngày hội Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024 vừa được tổ chức, Tập đoàn VNPT, những sản phẩm, ứng dụng từ AI tạo sinh (Generative AI) thêm một lần nữa được giới thiệu dưới góc nhìn thực tế.
  • Rạng Đông xác định đang… khởi nghiệp
    Rạng Đông đang phấn đấu đến 2030 là một trong 120 doanh nghiệp dân tộc doanh thu tầm tỷ đô, dẫn đầu chuỗi cung ứng smart home tại Việt Nam, có thương hiệu tầm khu vực.
Đừng bỏ lỡ
Nguồn cảm hứng để Việt Nam vững bước phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO